THƠM NỒNG HƯƠNG CỐM THU HÀ NỘI
Cứ mỗi độ gió heo may về giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa Thu bắt đầu tới! Mùa Thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập lối phố, mà ở đó còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…
Vâng, trên đất nước ta có rất nhiều nơi có nghề làm cốm nổi tiếng, kể cả miền Nam, miền Trung, cũng như miền Bắc, thế nhưng cứ nhắc tới món ăn được chế biến từ những hạt lúa nếp non này mọi người thường chỉ nghe và biết tới cốm làng Vòng của thủ đô Hà Nội mà thôi. Cốm Vòng nổi tiếng không chỉ trong phạm vi nước ta, mà nhiều du khách quốc tế cũng đã biết tới cốm Vòng thông qua sự quảng bá về du lịch từ nhiều năm nay. Vẫn biết rằng, để làm nên một thương hiệu cốm nổi tiếng, thì làng nghề Vòng (Phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) không chỉ có bề dày truyền thống làm nghề, mà bí quyết để chế biến ra món cốm đã đạt tới độ tinh xảo mang tầm “bí quyết”. Công đoạn chế biến cốm là cực kỳ vất vả, nó trải qua rất nhiều quy trình, từ tuốt lúa non, rang lúa, sấy lúa, giã cốm, sàng sảy, đánh bóng, phân loại… Có khi, để làm xong một mẻ cốm vài, ba chục cân cả mấy lao động trong gia đình phải cật lực thức trọn đêm. Công việc chế biến cốm cũng thường làm về đêm nên nếu ai đi qua khu vực làng Vòng vào những đêm khuya mùa thu thường nghe thấy tiếng chày giã cốm thậm thịch khá vui tai. Khi cốm được chế biến hoàn chỉnh, công việc bán cốm thường là của đàn bà con gái, còn cánh đàn ông, thanh niên lại chuẩn bị ra đồng gặt lúa, hay đi sang các làng lân cận mua lúa nếp non về để chuẩn bị nguyên liệu cho một buổi đêm làm cốm kế tiếp.
Những sớm mai thu, khi mặt trời còn chưa lên khỏi rặng cây thì ngoài đường, trong hẻm lớn, nơi ngõ nhỏ ở khắp mọi nơi trong thành phố đã rền vang tiếng rao “ai mua cốm đê….!” của những bà những chị ở làng Vòng vào bán. Các bà, các chị đều quẩy quang gánh, hai bên có hai thúng cốm, bên trên đậy mẹt đan bằng tre đựng mấy tàu lá sen dùng gói cốm, và ở nhánh thân của quang buộc túm rơm nếp xanh nõn nà. Khi nghe thấy tiếng rao cốm, thường thì nhà ai cũng mua một, vài gói về ăn chơi với chuối tiêu trứng cuốc. Có nhà thì mua loại cốm già hơn chút xíu dùng để nấu chè cốm. Chè cốm, nấu bỏ thêm mấy hạt sen, chút đậu xanh xát bỏ vỏ ăn vùa ngon, vừa bổ…
Ngày còn nhỏ, tôi nhớ là hễ cứ tới mùa cốm, khoảng gần Tết Trung thu là bao giờ mẹ tôi cũng hay mua cốm. Đêm phá cố đón chị Hằng xuống chơi thì ngoài bao thứ như: hồng, bưởi, bánh nướng, bánh dẻo, lựu… thì món cốm xanh thơm lừng và nải chuối tiêu không bao giờ thiếu được. Chính vì hay được mẹ cho ăn món chuối tiêu chấm cốm nên lớn lên tôi vấn “nghiện” món này. Vì vậy, cũng như mẹ, mùa thu tôi cũng rất hay mua cốm, hế mà nghe thấy tiếng rao bán cốm ngoài chợ, ngoài phố.
Lại một mùa thu nữa vừa tới và lẩn khuất trong làn gió heo may se lạnh vẫn đượm mùi cốm mới làng Vòng. Tiếng rao bán cốm làng Vòng của các bà, các chị vẫn râm râm ngoài phố. Tuy vậy, chút hoài niệm buồn của nhiều người thủ đô khi thấy một làng Vòng với nghề làm cốm đã mai một, vậy mà người bán cốm vẫn khăng khăng nói là “cốm làng Vòng!". Tìm hiểu ra mới biết, làng Vòng giờ đã trở thành “làng trong phố” với nhà tầng san sát, đồng ruộng đã không còn một tấc, nông dân ngày xưa đã là cư dân đô thị hết rồi. Thì ra, cốm được người ta mang bán trong phố kia là ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tây (cũ)… và họ chỉ… mượn danh cũng như sự nổi tiếng của cốm làng Vòng để bán được nhiều hàng mà thôi! Ôi, nghĩ cũng thấy hơi tiếc và hơi buồn vì một làng nghề với món cốm nổi tiếng đã trở thành thất truyền. Tuy vậy, người dân thủ đô cũng nên vui vì mùa thu nào cũng vẫn đều đều có cốm, và dù cốm ở đâu đi nữa thì hương thơm của nó vẫn thoang thoảng để góp phần làm nên nét đặc trưng của dư vị mùa thu Hà Nội…
GIẾNG LÀNG
Là một làng quê cỏ kính, với bề dày lịch sử mấy trăm năm, và dẫu đà đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, với tốc độ chóng mặt, nhưng làng tôi hiện vẫn giữ được những nét đặc trưng tiêu biểu nhất của một làng quê Việt, đó là: cây đa cổ kính ở đầu làng; mái đình trầm mặc rêu phong; những lũy tre làng xanh mướt; con đường làng lát gạch Bát Tràng, và đặc biệt là những cái giếng làng có nước trong xanh mát rượi. Vâng, làng tôi khá dài rộng, được chia làm 3 xóm, bao gồm xóm Đông, xóm Giữa và xóm Tây. Ở trung tâm của mỗi xóm đều có một ngôi đình cổ, phía trước có khoảng sân rất rộng dùng để phơi lúa ở thời kỳ Hợp tác xã tập trung. Buổi tối, khoảng sân rộng ấy thi thoảng còn là nơi hội họp của người dân xóm, mỗi khi có việc làng hay chuẩn bị thông báo việc cấy cày hay thu hái mùa màng gì đó. Bọn trẻ con trong xóm cũng luôn dành khoảng sân này làm chốn nô đùa vui chơi trong những đêm trăng sáng vằng vặc. Sát phía hông của ngôi đình cổ là một cái giếng khơi, mà theo như nội tôi kể nó được đào từ cách đây vài trăm năm rồi, và cái giếng này đã cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cả xóm suốt mấy trăm năm qua. Giếng có đường kính rộng lắm, khoảng ba, bốn thước tây gì đó, suốt từ dưới đáy giếng lên đến tận xung quanh phần cổ giếng được xây lát gạch nghiêng. Sân giếng cũng rộng và cũng được lát bằng loại gạch to đại. Giếng sâu lắm, dễ đến gần chục mét, tính từ cổ giếng xuống mặt nước dưới lòng giếng. Còn từ mặt nước mà xuống tận phần đáy giếng là khoảng cách bao nhiêu thì tôi không rõ, ngay cả cha mẹ tôi cũng không biết, mà nhiều người chỉ có thể đoán chừng là nó rất sâu. Nó sâu như vậy nên khi dùng gầu múc nước mà chẳng may gầu rơi do đứt, tuột dây thì chỉ có cách là dùng móc sắt có gắn cục năm châm thật to để mò lấy gầu lên, bởi gầu thường được gò bằng tôn hoặc sắt tây nên nam châm sẽ dễ dàng hút dính vào, chứ người ta không thể lặn ngụp xuống đáy mà lấy được. Giếng làng to rộng, sâu và nhiều nước như vậy nên ngày nào cũng vậy, suốt từ sáng sớm cho tới tối khuya, lúc nào cũng có rất đông người ra múc nước rửa ráy, mang về nhà chứa để dùng dần..., vậy mà nước không bao giờ cạn, kể cả khoảng thời gian mùa đông tháng giá, lúc mà mạch nước ngầm ở nhiều nơi bị cạn kiệt, nhưng giếng xóm Giữa của làng tôi vẫn nhiều nước. Trong 3 cái giếng công cộng của làng, thì giếng xóm Giữa của tôi nước luôn trong xanh và có vị ngọt ngào hơn hai giếng của xóm Đông và xóm Tây. Chẳng vậy mà đôi khi giếng xóm tôi còn tiếp cả người dân ở hai nửa đầu và cuối làng tới lấy nước mang về ăn.
Ngày tôi sinh ra, cả làng vẫn chỉ dùng 3 cái giếng công cộng đó mà thôi. Khi tôi lớn lên chút nữa, cũng có một số nhà giàu có tiền đào được giếng riêng tại gia, nhưng nhìn chung số lượng hộ dân có giếng riêng là không nhiều, chỉ thưa thớt đếm trên đầu ngón tay, bởi khi đó đào được một cái giếng là rất tốn kém, hơn nữa, nếu không may đào phải chỗ không trúng mạch nước, hoặc có mạch nước nhưng nước không ngon thì thật tốn kém và uổng công. Nhà tôi nghèo, cha mẹ lo cái ăn cái mặc cho các con luôn không đủ nên chuyện mơ đào được một cái giếng tại khoảng đất nhà mình là niềm mơ ước chẳng biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Chẳng vậy tất cả các thành viên trong gia đình vẫn trông chờ vào nguồn nước sinh hoạt từ cái giếng làng thân thương ấy. Chuyện đi lấy nước từ giếng về nhà chứa vào lu, chậu, bình, bể để dùng dần luôn khá vất vả mệt nhọc nhưng lại khá vui. Trong gia đình tôi, công việc gánh nước từ giếng về nhà thường do mấy anh chị em chúng tôi đảm nhận, bởi cha mẹ luôn phải lo các công việc đồng ruộng. Năm vào cấp 2, người còn chưa đủ to lớn vậy mà tôi đã bắt đầu làm quen với việc gánh nước. Cứ sau mỗi buổi học tôi lại cùng chị gái ra giếng dùng gầu múc nước dưới giếng đổ vào 2 chiếc thùng tôn, rồi gánh mang về nhà đổ vào các vật dụng chứa. Nhà tôi có cái bể xi măng khá to, chứa hết cả vài ba chục gánh nước, nên hai chị em tôi cứ gánh khoảng vài tiếng là đầy bể. Việc gánh nước thì không mệt lắm, nhưng việc dùng gầu thả dây kéo nước từ dưới giếng lên mới cực nhọc. Việc này do tôi còn nhỏ, sợ không kéo nổi, hoặc nhỡ không may lao người rớt xuống giếng nên chị tôi đảm nhận hết.
Giếng làng thường đông vui nhất là vào thời khắc buổi chiều tối, khi rất đông các gia đình mang con cái còn nhỏ ra đó tắm táp, giặt giũ. Bọn nhỏ gặp gỡ nhau ở sân giếng, sân đình vui chơi thỏa thích sau khi được bố mẹ tắm mát cho, còn người lớn thì sau khi tắm cho các con xong họ lo giặt đồ, lo rửa rau, vo gạo, lo múc nước vào thùng để gánh về nhà... Không khí vui, khó quên hơn cả là mỗi khi giếng làng vào dịp sắp tết, khi nhà nhà mang lá bánh ra rửa để chuẩn bị gói bánh chưng tết. Rồi thì gạo nếp, đậu đỗ, và nhiều thứ thực phẩm chuẩn bị cho tết cũng được mang ra sân giếng làng để rửa ráy. Nói chung là khoản 1 tuần trước tết, sân giếng làng luôn đông suốt, bất kể ngày hay đêm tối. Không nhà nào là không mang chăn, mền ra đây giặt, bởi khi giặt xong người ta thường giăng dây thép trước sân đình rộng rãi, đầy nắng gió để phơi cho nhanh khô. Ngay cả chuyện mổ lợn, mổ trâu, bò để chia thịt cho người dân ăn tết cũng được tổ chức ở sân đình, gần giếng cho tiện múc nước rửa...
Hình ảnh cái giếng làng thân thuộc gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân quê hẳn những người sinh ra và lớn lên ở các làng quê trước thập niên 80 của thế kỷ trước, nhất là những làng quê thuộc vùng Đồng bằng Bắc bộ, đều tận tường. Khi đời sống hiện đại len lỏi vào mọi miền quê, cùng nền kinh tế phát triển thì cũng là khi giếng nhà, cũng như hệ thống nước máy sinh hoạt đã dần thay thế cho những cái giếng làng. Giếng làng vì thế dần bị khai tử ở hầu hết mọi nơi vì không còn hữu dụng với cuộc sống của người dân. Làng tôi là một trong số ít các thôn quê còn giữ nguyên được những cái giếng làng cổ từng một thời gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của biết bao thế hệ con người, dẫu những cái giếng ấy giờ chỉ còn giá trị của sự bảo tồn, lưu giữ vốn cổ trong quá khứ mà thôi.
Xa quê bao năm, nếu bận rộn lo toan cho cuộc sống đầy vất vả nơi phố thị thì thôi, chứ mỗi khi tâm hồn thư thả, ngồi hồi nhớ lại cuộc sống tuổi thơ nơi quê nhà, trong muôn vàn hình ảnh để nhớ, để thương, để vấn vương về quê hương dấu yêu, có lẽ cái giếng làng cho tôi nguồn nước uống, và tắm mát cuộc đời tôi luôn là hình tượng sâu đậm nhất...
Nguyễn Thị Hải
(Đại Học Văn Hóa)