Đức thấy xốn xang, vì anh không còn mang tiếng là thằng chạy nợ nữa. Đã mấy cái Tết nay vợ chồng con cái anh đàng hoàng đi thăm bạn bè, họ hàng nội ngoại. Câu chào hỏi của người làng đã săn đón từ xa. Anh không thể quên được cái đêm đau đớn ấy, sương dày đặc như tấm áo mây choàng khắp làng quê… Gửi thằng con mới mười tuổi cho cha mẹ và các em trông nom, vợ chồng Đức chỉ kịp gạt nước mắt hôn nhẹ lên khuôn mặt ngây thơ của nó đang ngủ say, rồi mất hút vào màn sương giá buốt.
Đồng quê như một bức tranh hong dưới nắng nhạt. Những thảm rau xanh, ngô đông nõn nà. Những thửa ruộng gặt xong, gốc rạ đâm chồi xua xúa. Dòng sông, kênh máng như những dây lụa thắt lại cánh đồng… Mải mê ngắm nhìn một lúc, trong cảm giác vừa quen vừa lạ, Đức từ từ cho máy cày xuống ruộng và bắt đầu lồng những sá đầu tiên. Từng mảng gốc rạ ràn rạt vùi dưới xoáy nước. Đằng sau anh, bùn đặc sánh trải ra lấp lánh như một đàn cá bạc đang quẫy. Thấy anh lái chiếc máy mới toanh, mấy người bèn kéo đến đầu bờ hẹn lịch cày. Họ trầm trồ xôn xao:
– Máy thế hệ mới có khác! Phải thừa nhận ý chí của chú Đức, quá giỏi! Trước đây nợ nần như chúa Chổm mà bây giờ thành ông chủ. Ơn trời, người ta làm ăn đúng là có đoạn, có khúc!
– Thì cũng phải bật dậy, phải bươn trải. Chứ đâu tự nhiên của trời rơi xuống! Công nợ trả dần cháo nóng húp quanh. Phải không anh Đức?
– Vâng! Vâng…
Đức thấy xốn xang, vì anh không còn mang tiếng là thằng chạy nợ nữa. Đã mấy cái Tết nay vợ chồng con cái anh đàng hoàng đi thăm bạn bè, họ hàng nội ngoại. Câu chào hỏi của người làng đã săn đón từ xa. Anh không thể quên được cái đêm đau đớn ấy, sương dày đặc như tấm áo mây choàng khắp làng quê…
Gửi thằng con mới mười tuổi cho cha mẹ và các em trông nom, vợ chồng Đức chỉ kịp gạt nước mắt hôn nhẹ lên khuôn mặt ngây thơ của nó đang ngủ say, rồi mất hút vào màn sương giá buốt. Chả lẽ khăn gói bỏ làng thật ư? Anh đâu là kẻ bạc đời đến thế? Nhưng chỉ vì lao vào cuộc làm đầm nuôi cá, cá chẳng thấy, chỉ toàn vết lưới kẻ trộm ban đêm đánh trộm, rồi trận mưa tháng sáu lụt băng cả vùng gây đắm đầm hàng loạt… mà vợ chồng anh trắng tay. Bao nhiêu tiền bạc, của cải trong nhà lần lượt trôi đi. Vì “trót đâm lao phải theo lao” vớt lại cái đầm, mà vợ chồng Đức phải gánh một gánh nợ tưởng không bao giờ trút được. Ngày mới cưới, mặt loan mày phượng. Sau vỡ đầm, vợ chồng như cặp cá mắm! Vay đâu người ta cũng quay mặt. Các chủ nợ thay nhau gọi ngõ. Đến nỗi vào nhà Đức bắt nợ, không còn gì ngoài mấy cái đòn ghế long đinh, cái mâm gỗ sứt mẻ như tấm bánh đa bị gặm lớn xớn, họ cũng đâm chán. Hai, ba Tết liền, vợ chồng anh chẳng thiết gói bánh chưng. Ba gian nhà riêng một mùa đông, lạnh ngắt.
Đang mải nghĩ và nhìn sá đất định lồng tiếp, anh không để ý một cậu thanh niên đang lội sấn sổ tới bên với giọng nói khê đặc:
- Này ông! Xong đây, chạy luôn cho ruộng tôi đằng cánh đồng Cây Bàng kia nhá! Bao nhiêu một sào tôi cũng trả? Nhưng, tốt thì tôi thưởng. Lỏi, tôi sẽ phạt!
Mọi người xung quanh nhao nhao:
– Không được! Chúng tôi đang chờ đây để đến lượt. Đang ở đâu, anh lại tới xí xớn chen ngang? Là cái thá gì mà anh đòi thưởng với phạt người ta ?
– Thời mưa gió của mẹ anh qua rồi! Với lại ruộng đằng ấy sâu lắm, chấm “bút chì” thế, máy nào xuống được?
Cậu ta cũng cương không kém, gân cổ cãi:
– Ai thì ai, nghĩa là tôi trả tiền ngay, không thèm “thóc đổ bồ” mới nắn hầu bao như các ông các bà, là được chứ gì. Thời buổi thị trường, tiền giao trước thì cháo múc trước! Nước rút trơ cả bờ nậm ra rồi. Ruộng nào máy cũng xuống được tất!
Đức dừng máy, nhìn cậu thanh niên hấp tấp xem con cái nhà ai trong làng mà lại có cái kiểu ăn nói khinh thường, sặc mùi ngông nghênh đến thế?
– Ông không nhớ tôi à? Người làng cả đây! Hay lại cậy giàu mà lên mặt?
Không thấy Đức nói gì, cậu ta dịu giọng:
-Thú thực, mai tôi phải đi Móng Cái lấy hàng cho chủ tàu, tuần sau mới về. Đám ruộng sẽ khê nước. Vợ lại mới nằm cữ. Nên hôm nay tôi phải lồng cho xong để kịp thợ cấy. Chú giúp được thì ừ một tiếng. Cưa đứt đục suốt. Béng luôn! Máy đằng kia đầy như cua bò. Nhưng toàn những cha ăn kỹ làm dối, một nhát đến tai, hai nhát đến gáy… Thoạt nhìn, biết ông là người cẩn thận… nên… Ai ngờ ông… được như ngày hôm nay…
Cậu ta ấp úng định nói cạnh khoé gì đó thì Đức chợt nhớ ra đó là thằng Mẫn, con bà Cải chủ tịch xã thời bao cấp! Cái hôm mình đến xin mẹ nó đóng cho một con dấu để ngân hàng cho vay triệu bạc mà mẹ nó gây đủ điều khó dễ. Nào chú còn nợ dân, nợ HTX hàng chục triệu… Nào còn khê đọng sản phẩm… Nào lãi mẹ đẻ lãi con, chú không trả được thì trách nhiệm người ta đổ lên đầu tôi. Mổ mèo có lấy được cá không?… Ngày ấy thằng bé Mẫn này mới chín, mười tuổi… Lúc vào nhà nó, mình có cái liềm duy nhất còn lại đi gặt lúa để tạm ở thềm, mà không cánh biến mất. Hỏi, cả nhà nó chối đây đẩy: Chú quên ở đâu, định đổ vạ đấy à? Hôm sau, thằng Thu con anh nhận được rõ ràng nó cắt cỏ bằng chiếc liềm đó. Nó liền chối phắt rồi còn đấm luôn vào mặt thằng bé toé cả máu mũi… Vậy mà giờ đây nó đang đứng trước mặt anh với thái độ kẻ cả còn non choẹt! Anh cố trấn tĩnh:
– Rồi! Các bác thông cảm… Thôi, ưu tiên trai nuôi vợ đẻ… Xong tôi đến!
Trong tiếng máy, dòng quá khứ ùa về tâm trí Đức. Sau hôm xin dấu ấy, Đức tới chi nhánh ngân hàng khu vực. Người ta trả lời: vì anh không có khả năng trả nợ, chúng tôi còn trình ban giám đốc xem xét, chờ giải quyết! Nhưng thực ra, những người vay được tiền về cho biết chính họ nghe thấy bà chủ tịch đến bảo mấy cô ngân hàng: “Nếu các cô cho đối tượng này vay, xã chúng tôi không chịu trách nhiệm!” Bà ta thâm độc và cạn tàu ráo máng đến thế sao? Không trách xã mình từng lỡ mất một anh hùng. Đức nhớ tới anh Ngợi, một chiến sĩ đốt đèn biển từng là người đầu tiên bằng mưu trí dám liều mình tháo gỡ được những quả thuỷ lôi của giặc Mỹ thả phong toả cửa biển vịnh Bắc Bộ và cảng Hải Phòng năm 1972. Đơn vị anh được phong danh hiệu Anh hùng, nhưng phải có cá nhân Anh hùng. Thủ trưởng đơn vị quyết định chọn Ngợi, liền cho người về xã thẩm tra lý lịch để làm hồ sơ đề nghị Anh hùng cho anh. Nhưng tiếc thay, trong nhiều buổi làm việc, bà chủ tịch xã luôn nêu ra ý kiến: “Anh hùng gì anh ta, hễ về nhà là tổ tôm xóc đĩa như ranh. Bố vợ trước đây làm hội tề cho đế quốc, phong kiến!” Bà vừa nói riết răng vừa đảo mắt nhìn thẳng từng khuôn mặt như muốn đốt cháy. Cả ban thường vụ đảng uỷ không ai dám phản bác ý kiến bà, không ai dám lên tiếng bênh vực quyền lợi cho Ngợi; mặc dù trong lòng họ thừa biết Ngợi là người xứng đáng. Bà ta còn kết luận: “Loại người này thành anh hùng, khi về làng sẽ lên mặt coi thường chúng ta!..” Đêm ấy, Đức nghe rõ bên nhà tay uỷ viên văn xã tiếng máy chữ gõ cọc cạch cùng lời bà chủ tịch dằn lên, như lưỡi dao băm trên tấm thớt: “Kính gửi đơn vị… Đảng uỷ và Uỷ ban hành chính xã… không đồng ý… phong danh hiệu anh hùng…”
Con người ấy tưởng sẽ như bàn thạch ở cái làng này…
* * *
Ngày ấy, Cải là cô hội trưởng Hội Phụ nữ xã. Thằng cu Mẫn, chỉ Cải biết nó là sản phẩm của ai. Anh phó may chứ ai vào đây? Còn chồng cô, anh giáo Thiêm chỉ là người “tráng trứng”! Khi thằng Mẫn cắp sách tới trường, Cải vẫn không sinh thêm được mụn con nào. Anh giáo ngày một như cành cụt không chồi. Cô Hội trưởng phụ nữ đã lên chủ tịch xã, thì lại ngày một nở nang. Mặt lúc nào cũng hồng rực, phây phây. Đôi mắt đen lóng lánh đầy khát vọng. Nằm bên Thiêm, cơ thể Cải nóng rực. Đêm đêm dằn dọc, cô chợt nhớ tới mối tình đầu với Trạch thợ may…
Với chiếc máy may hiệu “Con Bướm” ngày ấy, Trạch đã thuộc hạng thợ khéo và chơi sang trong làng Đông Hải, luôn thu hút được nhiều khách, nhất là các cô gái thích mặc áo bà ba khoét cổ tim. Dáng Trạch cao to, điển trai, khuôn mặt đẫy đà láng bóng luôn úp chiếc mũ phớt dạ đen kiểu Pháp, trông rất phong tình. Khi đo quần áo cho các cô, các mợ, bao giờ gã cũng bảo họ đứng ép vào tường, rồi đưa tay chầm chậm đo từng gang một từ trán xuống chân, hoặc đến eo lưng. Gã thường ỡm ờ dừng lại nơi bầu ngực trắng có cái khe chết người và chỗ “ngã ba” chị em, rồi ấn sâu ngón tay một cái đầy dụng ý. Có cô bật kêu lên phản đối. Nhưng cũng có mợ lặng im, tảng lờ như không biết. Nắm được thóp si tình của gã, các mợ thường vờ vịt: “Chết! Em quên không đem tiền!” – “Thôi, lo gì! Đáng là bao. Người mới là thứ đáng quí! Tối mai mang đến nhá!”. Tối mai ấy, ít khi chiếc thang bắc được lên trời!
Cô Cải cũng vài lần đến cắt may áo bà ba ở đó và lửa lại gần rơm, tình cũ không rủ cũng đến. Lại được đo ướm và thức dậy. Cô định bụng… lập lờ biết đâu lại được… thằng cu. Được cái tí gái đầu rận cái chấy càng tốt! Con ong đã tỏ đường đi lối về! Cứ thế, sau những buổi họp khuya, Cải lại vụng trộm nối lại dây tình…
Thế rồi chuyện kín mít trong hũ cũng âm ỉ rò đến tai Thiêm. Ban đầu ông giáo không tin. Lời đồn thổi như cơn mưa tích tụ cuối trời kéo lại. Thiêm đã mong manh cảm nhận được điều đó, nhưng không dám hé răng. Vì ông tự thấy phận “chó chui gầm chạn” của một anh giáo quèn dạy bổ túc là người “thiên hạ” từ một tỉnh xa dạt về đây, lấy được cô hội trưởng phụ nữ là duyên may lắm. Nhưng sự đời nước chảy đá mòn. Dư luận cứ dội nỗi ám ảnh vào lòng, khó làm ngơ? Thiêm bèn rắp tâm bày kế sách. Mấy lần ông “bắt nọn”, Cải giãy nảy:
– Tôi đàng hoàng thế này, làm gì có chuyện ấy, mà kẻ nào nỡ gắp lửa bỏ tay người? Ông liền kể y như mình đã bắt được quả tang:
– Nhưng để giữ thể diện cho cô đang đương quyền đương chức, tôi phải cắn răng quay đi! Thiêm đe: Nếu không thú thực, ấm ức không chịu được, tôi sẽ bung tuốt ra, cả chuyện các người ém nhẹm phiếu bầu để cô trúng tiếp chủ tịch… cho phen này mất chức mất quyền luôn. Lành làm gáo vỡ làm muôi!
Không ngờ dây mới rút, rừng đã động. Rõ ràng Cải tái mặt, trán lấm tấm mồ hôi. Thiêm cười thầm, lấn tới quyết liệt. Cải đành khai thật: Tôi van ông! Đã trót… Nhưng tôi đã bòn hắn được khá nhiều cho cái nhà này dư dật. Đồng hưu non của ông với phụ cấp còm của tôi được bao nhiêu? Ông cũng được ăn, thì phải biết giữ mồm. Xấu nàng hổ ai?
Đúng là lòng dạ đàn bà “sâu thẳm như cơi đựng trầu”! Ông giáo đắc ý. Rồi đến một hôm, ông dỗ dần: Thôi, tôi không cố chấp. Nhưng cô phải gạ vay nó chục triệu để sửa lại cái nhà. Phải “điệu hổ ly sơn” gụ nó mang cả tiền theo. Làm như tôi đi vắng, đưa nó vào kho bếp, gọn đâu đấy, tôi mới xuất hiện đánh động cốt sao nó bỏ của chạy lấy người. Phải thật bí mật! Tôi thề không làm rụng của nó một chiếc lông chân!
Đêm hôm ấy, bánh chưa kịp bóc. Ông Thiêm ở đâu về gõ cửa. Trong lúc nguy khốn, Trạch chui hú luôn vào cái thùng phuy đựng thóc đã vét hết và Cải khẽ khàng đạy nắp lên. Mãi lâu cửa mới mở, ông Thiêm xông đến chẳng nói chẳng rằng, cầm luôn chiếc chày giã giò cứ thế thẳng quai giáng vào cái phuy kêu côông côông, âm vang, náo động cả canh khuya. Trạch bị một trận đinh tai nhức óc, không chịu nổi, phải tung cả nắp phuy lên chạy thục mạng qua vườn đập luôn trán vào cây ổi, sưng vù. Xóm láng tưởng tiếng gõ thùng hiệu cháy nhà, đổ sang. Ông Thiêm giấu bọc tiền xuống gầm giường, vội vã xua tay: “Không có việc gì đâu, chúng tôi săn con chuột cống ấy mà! Mời bà con về cho!”
Cuối cùng thì chuyện cũng vỡ lở. Nhưng cũng từ đó, uy tín của bà chủ tịch xã giảm dần, không còn vẻ sắt đá như trước. Khoá sau bà trượt chân Hội đồng. Người làng tha hồ tô vẽ. Hạ bệ bà chủ tịch, không ai xa lạ, lại chính đức phu quân đầu gối tay ấp của bà! Chỉ gã phó may là dại gái! Xét cho cùng gã cũng chẳng thiệt! Nay mai, tu hú con lại bay về thôi mà!
Sau đêm vợ chồng Đức ra đi ít lâu, bà chủ tịch không chịu nổi đám vợ con ông phó may chửi qua chửi lại lúc bóng gió, lúc như lửa dúi rát mặt, cũng chuyển gia đình vào một xã huyện miền núi làm ăn. Cũng chính là để chạy lửa, chạy tiếng khỏi làng.
Còn vợ chồng Đức? Giá đận túng quẫn đó được bà nói cho một tiếng vay ngân hàng thì đâu đến nỗi của đồng quyến của nhà, khoản nọ chồng chất khoản kia, đâu đến nỗi phải trốn nợ! Sau đợt chục ha đầm bị trận mưa quái ác nhấn chìm, Đức dạt vào tận vùng cao su Phú Riềng-Bình Dương. Sau lại lên Kông Tum, Đắc Lắc. Vốn tính chịu khó, thật thà, nhanh nhẹn, không quản việc gì dù nặng nhọc hay khuya sớm, vợ chồng anh luôn được người ta thuê mướn. Sương nắng táp gương mặt thêm sạm sụi, nhưng lại càng hun đúc thêm ý chí làm ăn! Sống đâu nhờ đấy, vợ chồng trẻ có thêm bạn bè giúp đỡ. Dần dà có vốn, Đức thầu được đất trồng cà fê. Chả mấy chốc, lộc làm ăn đã như nước chảy vào. Hai người sinh thêm một con gái. Những khi rảnh việc nhìn con gái xinh xắn múa hát, vợ chồng Đức mừng vui khôn xiết. Thảo âu yếm bảo chồng: Trời có mắt phù hộ chúng mình anh nhỉ! Nhưng em vẫn nhớ nhà lắm. Thằng Thu chắc đã phổng phao? Không biết ở quê những người xiết nợ họ sẽ hành hạ hai bên ông bà nội ngoại ra sao? Nghĩ tội quá. Bao năm qua mình thật có lỗi anh ạ. Phải điện và gửi tiền về cho ông bà, cho con nó ăn học ngay đi!
– Ừ, anh cũng nghĩ vậy! Đức hứa với Thảo: Cố gắng khấm khá, chúng mình sẽ “hồi hương”, chẳng đâu bằng quê cha đất tổ em ạ! Nhưng với điều kiện phải tuốt hết nợ, dư vốn tậu máy cày, máy tuốt lúa, về vừa làm kinh tế vừa giúp bà con nông dân quê mình đỡ nhọc! Phải giàu và con cái có học mới không bị người đời khinh rẻ!
* * *
Mười năm như bóng nắng qua nương rẫy. Vợ chồng Đức đã ngẩng cao đầu. Do vừa làm vừa học bất kể ngày đêm, Đức đã có trong tay một bằng hàm thụ đại học kinh tế. Sau khi gọi người nhượng lại năm chục ha càfê, được một khoản tiền lớn, Đức và Thảo quyết định về quê. Ngày trở về, vợ chồng anh dắt đứa con gái trước sự kinh ngạc của cả làng. Tưởng chúng nó bán xới những đâu, nay dắt díu nhau về, vợ chồng con cái béo tốt, trông cậu mợ hẳn ra, chẳng kém gì Việt kiều về nước!
Đức nhanh chóng hoàn trả tất cả các món nợ, rồi tậu mới liền hai máy cày, hai máy tuốt lúa, tạo việc làm cho anh em trong nhà hoạt động suốt các mùa vụ. Anh say sưa trên đồng áng không biết mệt. Thảo thả chục con lợn giống vào chuồng, chả mấy chốc ba, bốn tháng cân liền hàng tấn thịt hơi. Lứa này nối lứa khác. Dần dần Thảo mở rộng thành trang trại chăn nuôi lớn, luôn có hàng hoá ký hợp đồng cho các Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu. Tiếng tăm làm ăn giỏi của cặp vợ chồng một thời xơ xác nợ vang đi khắp nơi. Bắt nhập cơ hội thị trường xuất hiện loại máy gặt lúa thích hợp với đồng bằng Bắc Bộ, vừa qua Đức liền đến tận Hà Nội tìm hiểu và mua luôn một chiếc về làm thử. Máy chạy rất tốt trên đồng ruộng quê nhà…
Đức chuyển máy đến thửa ruộng của Mẫn. Cậu ta đón anh khá niềm nở, khác hẳn thái độ buổi sáng:
-Chú ơi! Chú thông cảm cho thằng bé Mẫn đã dại dột lấy cắp cái liềm ngày trước nhé! Khốn khổ. Cháu đâu biết đấy lại là cái liềm cuối cùng của chú! Lúc nãy cháu phải nói ra vẻ vậy để họ không dể duôi, không tranh phần máy của cháu!
– Sao cậu phải làm thế, đâm mất lòng mọi người?
– Chú ơi! Lâu ngày mới về làng, chú chưa thuộc người làng mình bây giờ đâu!
– Họ đều tốt cả đấy thôi!
– Cháu có bảo là họ không tốt cả đâu! Với lại cũng tuỳ từng người chú ạ! Ý cháu… ý cháu muốn nói là… không hiểu sao mấy người… mấy ông cán bộ mới, trong đó có cả con ông phó may… họ cứ tỏ vẻ mặc cảm với nhà cháu, nhất là với mẹ cháu? Đến nỗi mẹ cháu ít dám về làng!
– Thế cháu cũng còn nhớ chuyện… mẹ cháu…?
– Cháu biết chú định nói gì rồi! Chuyện ngày xưa là chuyện ngày xưa. Thời bây giờ là của bây giờ. Mẹ cháu một thời ăn ở với dân làng không tốt đẹp gì, âu cũng là tầm nhìn hẹp hòi, ấu trĩ của cái thời khó khăn lạc hậu đó, đã kém trình độ lại không thoát khỏi luỹ tre nghìn đời, nên “chân tay trói mình mẩy” khiến làng quê chậm tiến và thiệt thòi bao nhiêu thứ! Mẹ cháu làm thì mẹ cháu chịu, chứ cháu có tội tình chi đâu, mà họ cứ mặc cảm, xì xào bàn tán, nhìn cháu như kẻ quái dị từ đâu tới? Năm cháu về, xin cái giấy nhập khẩu họ cũng gây đủ thứ phiền hà. Cháu còn phải mất một khoản lót tay cho gã phó chủ tịch con ông phó may!…
Giúp Đức cho máy vào ruộng, Mẫn gặng:
– Chú có công nhận là cán bộ xã thời bây giờ họ sướng hơn, dễ kiếm lộc hơn thời mẹ cháu không? Rồi Mẫn cười chua chát: Cứ cái đà người sau cười người trước, rồi lại dẫm chân lên nhau thế này thì bao giờ làng mới thoát nghèo chú nhỉ?
Nghe tâm sự của Mẫn, Đức nguôi hẳn nỗi nghi ngờ trước đó. Anh hỏi:
– Chú được biết cha mẹ cháu chuyển nhà chỗ khác cơ mà. Sao cháu lại ở đây? Mấy anh em rồi?
Đạp chân san đám đất mé bờ phẳng lại, một lát, Mẫn tâm sự tiếp:
– Bố mẹ cháu ra Hải Yên làm ăn… Cháu không được em nào thêm cho vui anh vui em. Khi cháu tốt nghiệp cấp ba thì bố mẹ lần lượt thay nhau ốm rồi cũng lần lượt qua đời. Cháu đành gác mộng đại học, ở nhà làm ăn rồi về quê lấy vợ làng Quỳnh. Sau đó chuộc lại đất cũ ngày xưa… Mẫn chợt thở dài khiến Đức cũng man mác buồn lây: Cháu có ruộng đâu. Năm thực hiện khoán quản, cháu không được chia, phải cấy ruộng nhà bố mẹ vợ. Vừa qua cháu mới chạy được thủ tục nhập khẩu về làng… Hình như người ta ai đó cứ muốn ép cháu vào một góc. Hình như họ không cho cháu ăn hiền ở lành? Đến nước này cũng không hiền được chú ạ! Phải bung ra, quái lên mới dành được việc mà làm. Việc gì ra tiền là cháu giành giật, là bon chen… Đứng đây, chiều mai cháu đã ngoài Móng Cái rồi! Trai nuôi vợ đẻ mà chú!
– Này, nghe chú, hãy dịu lòng đi. Chẳng qua cháu cũng mặc cảm tiêu cực đó thôi! Đức giảng giải: -Trước hết mình phải là người quân tử, gạt mọi nhỏ nhen cái đã. Như chú đây, nếu giận mẹ cháu, như cháu biết đấy, thì chú không bao giờ nói chuyện với cháu. Chính vì tính ích kỷ, mà mẹ cháu đã vô tình đẩy chú vào cảnh bị đeo thêm nợ, phải trốn khỏi làng. Làng ta còn hụt mất một người anh hùng là bác Ngợi. Bác ấy cũng có chấp mẹ cháu đâu. Cái đêm nhà cháu xảy ra sự cố, bác Ngợi và chú vẫn đến cứu hộ, nhưng bố cháu bảo không có việc gì!…
– Vâng! Do đó, mẹ cháu đã phải trả giá…
– Thời nào cũng vậy, ăn ở nghĩa tình vẫn hơn. Trời đất sẽ mở lối! Chú bảo thế này nhé. Trót chuyến đi Móng Cái, sau đây cháu về phụ máy cho chú. Ngày một ngày hai thằng Thu nhà chú đỗ Đại học Nông nghiệp về, chú thành lập Công ty dịch vụ nông nghiệp. Cháu cùng làm và quản lý với nó… Từng thấm cảnh tha phương, chú khuyên cháu không phải đi đâu xa. Có chí làm ăn, củng cố uy tín ngay trên mảnh đất làng, chú tin là sẽ thành công. Bây giờ tất cả phía trước là sự tiến bộ, là thế hệ các cháu! Dừng một lát suy nghĩ, Đức vỗ vai Mẫn:
– Mẹ cháu đã cho cháu biết sự thật về cháu chưa?
– Dạ chưa! Cháu không hiểu ý chú nói?
– Chú nói thật nhé! Mai chú dẫn cháu đến nhà ông phó may. Chú sẽ làm chiếc cầu nối…
Mẫn trố mắt nhìn Đức. Nó gặp nụ cười rất hiền của anh. Lặng đi một lát, Mẫn đỏ mặt, xoè bàn tay ra hứng nắng. Bất chợt giọng nó bảng lảng như người nói trong mơ:
– Chú ơi! Chú có thấy hình như năm nay mùa đông ngắn lại hay sao ấy, mà trời đất… ấm thế nhỉ! Gió bấc thổi mà nghe như gió xuân. Có lẽ gió xuân về sớm chăng?