Vòng xoáy cuộc đời
Ông Hùng đang cặm cụi sửa chiếc bừa và tra lại cán mấy chiếc cuốc “con gà”. Mùa gặt vừa xong, cũng là lúc chuẩn bị cho vụ Hè - Thu đang đến gần. Dụng cụ nhà nông là phải bén, phải chắc. Ông vẫn thường nhắc vợ con như thế. Tuy luôn tay chặt, gọt, đẽo nhưng đầu óc ông đang nghĩ về những câu chuyện đàm tiếu của mấy bà hàng xóm tối hôm qua. Số là các bà nhà ta nghe được lũ thanh niên kháo nhau rằng: Trên Internet đăng tin có nghệ sỹ nào đó, thậm chí nổi tiếng khắp cả nước và nghe đâu có chức sắc hẳn hoi…Vậy mà đùng một cái vợ chồng dắt nhau ra tòa chia tay. Có bà chua chát:
- Ôi dào, thế mới là tình yêu nghệ sỹ. Hàng ngày họ diễn cái sự đời thì rất hay, nhiều khi hóm hỉnh, độc địa, chua cay còn hơn xát muối vào lòng, vào dạ người ta. Nhưng vận vào mình thì đến tệ, thay vợ, thay chồng hơn thay áo.
Bỗng bà Huê thủng thẳng:
- Vì giới nghệ sỹ họ đóng vai yêu đương, ướt át suốt ngày đêm, thành ra thật, giả lẫn lộn và dễ dẫn đến nhàm chán đã đành. Đằng này phải đâu xa, ngay ngoài xóm trại, ông bà Phương – Lai đầu đã hai thứ tóc, lại đều là đảng viên hẳn hoi. Cũng lĩnh tiền, lĩnh huy hiệu ba, bốn mươi năm tuổi Đảng đỏ chói như ai…Cũng một thời là cán bộ này nọ, nói như máy, “hót” hay hơn khiếu, cứ nghĩ hiếm có gia đình nào hơn. Rồi cũng chỉ vì những xích mích cỏn con, chấp nhặt về đường ăn, ý ở thái quá dẫn đến cãi vã nhau như mổ bò và cuối cùng không còn ở với nhau được nữa, đành “chia tay hoàng hôn”. Mặc cho anh em, xóm láng khuyên can. Cháu con vật nài, xin khóc. Điều lấy làm lạ là họ hình như không biết xấu hổ. Vẫn nghiễm nhiên đứng trong đội ngũ của Đảng, đội ngũ lãnh đạo quần chúng, nhân dân…
Nghĩ đến đấy, ông Hùng buông cái thở dài cũng vừa lúc ngoài cổng có tiếng còi xe ô tô con khiến con mực sủa inh ỏi. Buông con dao rựa xuống đất, ông lững thững đi ra cổng xem có “tục khách” nào thì đã thấy bà Hùng mau mắn:
- Dạ, bác hỏi ai ?
Vị khách vận chiếc áo sơ mi màu “trứng sáo”, chiếc quần Ka ky trắng từ trong chiếc xe ALTiS đen nhánh bước ra tươi cười:
- Tôi là Quốc Khánh, bạn đồng ngũ thời đánh Mỹ với anh Hùng, chị là phu nhân anh Hùng phải không?
Câu hỏi vồn vã và nhất là thái độ thân tình, lịch sự của Quốc Khánh khiến bà Hùng thoáng chút thẹn thùng lúng túng. Bà ấp úng:
- Dạ , vâng mời bác…
- Thế ông Hùng có nhà không – Quốc Khánh chuyển sang gọi “ông”.
Bà Hùng chưa kịp trả lời thì ông Hùng đã lập cập đến nơi:
- Ai đấy, có tôi đây .
Quốc Khánh vồ vập:
- Ôi “xếp” Hùng, Trần Ngọc Hùng, có còn nhận ra nhau không, hả?
Ông Hùng đứng ngẩn tò te, tay khẽ dụi mắt:
- Ông là…
Quốc Khánh cười sởi lởi:
- Chết thôi, mới hơn sáu chục mùa lá vàng rơi mà đã lú thế rồi sao? Quốc Khánh đây.
Bỗng ông Hùng reo lên:
- Ôi giời Quốc Khánh trinh sát, vẫn nhớ đường lên với lão già này ư? Giỏi, giỏi thật đấy, đúng là lính trinh sát có khác. Rồi ông quay sang giới thiệu với vợ:
- Đây là ông Quốc Khánh ở Tân Sơn, bạn hòn tên, mũi đạn một thời với tôi. Chà, nghe bạn bè kháo nhau rằng ông làm giám đốc gì to lắm. Hôm nay thấy bệ vệ thế này thì quả đúng là đại gia thật rồi.
Quốc Khánh cười sằng sặc:
- Đại da mới đại lông gì đâu, một thời cũng đói thối mồm. Đói thì đầu gối phải bò thôi. Mà…ông có định cho nhau vào nhà không thì bảo.
Ông Hùng chợt ớ ra, hai ông bà tíu tít “Xi nhan” cho Quốc Khánh đánh xe qua cổng, rồi đỗ dưới bóng cây Sấu. Sau những câu mời mọc, hỏi han về sức khỏe, gia đình và đời sống dành cho nhau. Bỗng Quốc Khánh “bẻ ghi”:
- Nghe qua về gia cảnh của ông bà, tôi rất là mừng. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng thấy ông bà vẫn chắc khỏe, đời sống ổn định là quý rồi. Hôm nay thay mặt anh em đồng ngũ, tôi đến thăm gia đình và mời ông chuẩn bị lên đường đi thăm lại chiến trường xưa.
Ông Hùng tưởng tai mình ngễnh ngãng nghe nhầm:
- Ông bảo sao cơ ? vào Tây Nguyên ư ?
Quốc Khánh cười ngất:
- Vâng chính xác, kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ của chúng mình. Hội đồng ngũ D130 đã khéo vận động tài trợ, đủ kinh phí từ A đến Z cho một chuyến “kinh lý” dài ngày. Anh em mình sẽ thăm Tây Nguyên, đến với Plei-Cần, Đăk-Tô Tân Cảnh, Kon Tum. Anh em trong hội thì đông, nhưng ban liên lạc thống nhất ưu tiên một số đồng chí, trong đó có ông. Thời gian hơi gấp, ông bà thông cảm và cố gắng thu xếp công việc để lên đường ngay sáng mai.
Nghe Quốc Khánh nói một thôi, một hồi mà ông Hùng thấy nóng ran cả người. Đã hơn ba mươi năm kể từ ngày phục viên xuất ngũ về quê xây dựng gia đình và mải mê với nghiệp cấy cày. Chưa một lần và cũng chưa bao giờ ông lại dám nghĩ mình sẽ có dịp thăm lại miền đất cháy đỏ Ba Zan. Miền đất đầy nắng gió cùng với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn về một thời đạn lửa mà kiếp người không phải ai cũng có vinh dự đi qua, nếm trải. Nhưng…rút dây động rừng, chuyến “ viễn du” vô cùng ý nghĩa và lý thú thật đấy, song ít nhất trong túi cũng phải có lấy triệu bạc, phòng khi phải sử dụng đến. Đoán biết nỗi băn khoăn của bạn, Quốc Khánh ôn tồn:
- Nếu ông có ý định mua Sâm ở núi Ngọk Linh thì tôi chịu, còn các khoản khác tôi xin bao, được chưa?
Bà Hùng đọc thấy sự lo lắng ở mắt chồng, liền nhẹ nhàng động viên:
- Bác Khánh và đồng đội đã ân cần, chu đáo thế thì ông nên cố gắng đi một chuyến. Tiền nong em và các con sẽ lo đủ, còn việc nhà ông cứ yên tâm.
Câu chuyện cứ tưởng như trong mơ, ai dè chuyến “thăm lại chiến trường xưa” với gần hai chục con người của D130 lại trở thành sự thực. Họ khởi hành vào sáng sớm hôm sau, khi con gà trống chuồng vừa cất tiếng gáy tồ tồ.
Chiếc xe TOYOTA như còn thơm mùi sơn màu lá mạ nhẹ nhàng lướt qua cầu Trung Hà rồi rẽ sang Hòa Lạc - Xuân Mai, từ đây đoàn đã chính thức nhập vào đường Hồ Chí Minh. Đường sá quả là rộng rãi, phẳng phiu và vắng lạnh đến rợn người. Con xe vun vút như bay giữa bạt ngàn nương rẫy và của đồng bào các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Hương rừng thoang thoảng theo gió phả vào xe nghe ngào ngạt đến tê dại nơi cánh mũi. Hai bên đường nhiều chỗ núi dựng đứng như lũy, như thành. Lại có nơi núi đứng, núi ngồi khéo chụm đầu vào nhau như đang thầm thì cơ man nào là chuyện…Những cái xóc nảy người, những cú phanh gấp khiến đoàn lính chiến năm xưa nghiêng ngả vào nhau. Nụ cười có phần méo mó khi bóng chiều sắp tắt, cũng là lúc đoàn tạm dừng tìm chỗ nghỉ đêm ở Cùa thuộc huyện Cam Lộ - Quảng Trị.
Sau khi tắm giặt và dùng bữa cơm tối xong, mặc dù người thấm mệt và đau ê ẩm nhưng Quốc Khánh vẫn cố nắm tay kéo ông Hùng đi bách bộ trên “phố” Cùa, một vùng đất đỏ Ba zan nghe thấm đẫm vị cay nồng của xứ sở hồ tiêu. Quốc Khánh lấy tay chém vào không gian, anh say sưa như một MC chính hiệu:
- Cùa, anh em mình không chỉ thấy trong phim “Trên vĩ tuyến 17 – ngày và đêm” đâu. Cùa thực sự là mảnh đất cách mạng, anh dũng kiên trung bất khuất trên tuyến đầu chống Mỹ. Hôm nay Cùa đẹp và trù phú nổi tiếng khắp cả nước đấy. Nhà cao tầng sừng sững mọc lên giữa một vùng bình nguyên xanh. Thật hiếm có nơi nào đẹp như thế.
Theo lệnh của đoàn trưởng, sáng hôm sau Đoàn “Cựu chiến binh D130” đã dậy sớm, tiếp tục hành trình vượt Trường Sơn hướng về phía Tây Nguyên. Con đường Hồ Chí Minh đã được thi công và thông xe từ lâu, có đoạn đã bắt đầu xuống cấp. Những con dốc dài ngoằn ngèo dễ chừng mấy km. Có con dốc dựng đứng bên này, lại chênh vênh bên bờ vực phía bên kia khiến lái xe vã mồ hồi, mà cánh cựu chiến binh cũng nhiều phen phải xửng tóc gáy. Mãi đến khoảng 17 giờ, con xe TOYOTA đã đưa đoàn đến thị trấn Plei Cần - trung tâm huyện Ngok Hồi.
Mở tung cửa xe để phóng tầm mắt ngắm khắp một vùng ngút ngắt non xanh mà ai cũng bâng khuâng, ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình. Cách đây ngót nửa thế kỷ, ông Hùng đã cùng đồng đội kiên gan chiến đấu trên mảnh đất này. Khi đó Plei Cần với tơi bời lửa đạn và chết chóc. Với xe tăng, đại bác, hầm hào và lô cốt, kẽm gai, bom mìn Mỹ ngụy.
Plei Cần hôm nay đã thay da, đổi thịt quá nhiều. Phố xá đông đúc và cửa hàng, cửa hiệu san sát dưới ánh điện sáng lòa. Đêm cao nguyên đến sớm, vậy mà người thượng, người kinh quần áo lòe loẹt vẫn đi lại tấp nập, ô tô, xe máy như thoi đưa khiến cho ông Hùng thi thoảng lại phải lấy tay day vào mắt. Nhất là khi ngồi vào mâm cơm của nhà hàng “Mặt trời xanh”, ông Hùng và mọi người càng sửng sốt khi gặp lại món măng le nấu với thịt heo rừng đang thơm hức, bốc khói. Tây Nguyên là xứ sở, là quê hương của các loài măng, trong đó ngon nhất là măng le. Măng le đã góp phần nuôi sống anh giải phóng quân và đồng bào các dân tộc trên dải non xanh hùng vĩ này.
Dành trọn một ngày nghỉ ngơi, thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ, bảo tàng và đài tưởng niệm chiến thắng Plei Cần. Hôm sau xe tiếp tục bon bon về Đăk Tô - Tân Cảnh. Hai bên đường thi thoảng lại gặp những cô gái Ba Nah, Ê đê, Xu đăng…lưng đeo gùi, váy áo xúng xính, vòng bạc sáng loáng trên cổ, trên tay. Con đường Quốc lộ 40 êm ru khiến cho lái xe mát chân ga, gió núi vù vù, bản làng ẩn hiện thấp thoáng. Vừa chớm đến bản Đăk Mót, đoàn trưởng cho xe dừng để anh em làm công tác “xả e”. Chỉ chờ có thế, ông Hùng vội nhao ngay vào bụi dứa dại ven đường, mấy lon bia Halida buổi sáng chả thấy béo bổ ở đâu, suýt nữa thì tè ra quần. Bỗng ông Hùng thấy đau nhói ở bắp chân, cũng là lúc ông chợt nhìn thấy từ trong bụi dứa hình như có con rắn chạy ra. Thôi chết, ông bị rắn cắn rồi. Ông ngồi bệt ngay xuống, miệng la to:
- Hộ tôi với, cứu tôi với, tôi bị…
Quốc Khánh và mọi người cùng lao đến:
- Hả, ông bị thế nào ?
Ông Hùng nhăn nhó, miệng lắp bắp, tay chỉ về phía trước:
- Rắn, con r..ă..n nó cắn t..ôi.
- Thôi chết – ai đó buột miệng - Làm thế nào bây giờ?
Mọi người tìm mãi mới được dây để Ga rô, trong khi chân ông Hùng đã tím tái khiến cho ông run lên bần bật. Cả đoàn ai cũng lo lắng và quyết định đưa Hùng vào bệnh viện cấp cứu. Khổ nỗi đây là trung điểm của đoạn đường Plei Cần – Đăk Tô. Giữa mênh mông nắng gió thế này, kiếm đâu ra bệnh viện. Trong khi vết thương của ông Hùng rất nặng, nếu chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đang lúc mọi người tính bế Hùng đưa lên xe, bỗng có một ông già người thượng ở đâu lăm xăm chạy tới. Với vốn tiếng kinh không nhiều, ông lớn tiếng như quát: Khoan, để nó đó tao coi - khiến mọi người giật mình. Sau khi xem vết thương, ông già người thượng hạ thấp giọng ồm ồm:
- Nó bị con rắn hổ mang cắn rồi, nhìn vết răng là tao biết mà. Rắn hổ mang là dữ, là ác lắm đó, nó cắn chết cả heo, cả trâu bò mà – chậm rãi ông gật gật:
- Nhưng mà tao chữa được, yên tâm đi.
Đã đến nước này thì còn biết xoay xở ra làm sao, âu là đành gửi gắm vào lòng tốt của ông già người bản xứ vậy. Nghĩ thế, Quốc Khánh và mọi người cùng thưa:
- Trăm sự nhờ cụ làm ơn chữa giúp, chúng tôi xin trả công xứng đáng.
Ông già lừ mắt, rồi ông rút từ sau lưng con dao con khẽ chích vào vết cắn cho máu chảy ra. Rồi ông lấy từ trong túi áo chiếc điện thoại di động và gọi cho ai đó bằng thứ ngôn ngữ của mình khiến mọi người ai nấy đều tròn xoe mắt. Đúng một phút sau có chàng thanh niên người dân tộc xế con xe HonDa 67 tới đưa cho ông già chai nước và mấy thứ lá cây. Ông ta khẽ đưa chai nước súc miệng, bỗng ông bập miệng mình vào vết thương rít mạnh, rồi ông nhổ phì phì xuống vạt cỏ trước mặt. Khiếp, toàn máu đã chuyển sang màu tím đen. Quốc Khánh khẽ rùng mình và trong lòng vô cùng thán phục trước thủ thuật của ông già người thượng. Một lát sau ông già lấy một vốc lá thuốc rịt vào vết thương, băng bó lại.
- Rồi, thế là nó thoát chết rồi. Mà…nó tên là gì?
Mọi người thở phào nhẹ nhõm và rối rít cám ơn. Quốc Khánh mau mắn lễ phép thưa:
- Dạ, tên là Hùng ạ.
Ông già đang phủi tay vào quần, nghe Quốc Khánh giới thiệu liền thảng thốt:
- Hả, tên là gì ?
Quốc Khánh nhã nhặn:
- Dạ, tên là Hùng, Trần Ngọc Hùng ạ.
Ông già bước đến nhìn như thôi miên vào mặt ông Hùng, rồi thẫn thờ:
- Tao cũng có một người bạn ở ngoài Bắc tốt lắm, nó cũng tên là Hùng. Tao thương, tao nhớ và biết ơn nó lắm, nhưng không phải Hùng này đâu. Hùng của tao trẻ, đẹp trai cơ. Chúng mày đi du lịch phải không? Thôi đi đi kẻo muộn.
Quốc Khánh lấy từ trong ví ra một xấp tiền thưa:
- Chúng tôi vô cùng biết ơn và có ít tiền biếu cụ, xin hỏi không phả, cụ quý danh là gì ?
Ông già cười trơ cả hai hàm rặng rụng gần quá nửa:
- Mày hỏi gì mà dài thế, À tao không lấy tiền đâu, làm phúc mà, à…tên tao là A Đăm.
Quốc Khánh cố dúi vào tay A Đăm xấp tiền khiến ông ta đỏ mắt vì bực mình liền hất tung nắm tiền xuống bãi cỏ rồi nhảy phốc lên xe Hon Da 67 do người thanh niên dân tộc thượng điều khiển, họ vít tay ga lao về phía Đăk Mót.
Suốt đêm trên nhà nghỉ “Bông Lan”, ông Hùng đau nhức, mãi đến sáng hôm sau mới ngồi dậy được. Bưng bát phở gà nóng hổi trên tay. Nghe Quốc Khánh kể lại sự tình và nhất là khi nói tên ông già người dân tộc thượng đã có công cứu mình và ông ta nhắc tới ai đó cũng có tên là Hùng khiến ông bàng hoàng. Ông lẩm bẩm trong dạ: Quái, chả nhẽ người lính ngụy năm xưa vẫn còn ư, mà tại sao anh ta biết tên mình nhỉ? Thôi đúng rồi, suốt chặng đường dẫn giải, đồng đội chả luôn mồm gọi Ngọc Hùng đấy thôi. Đúng là anh ta thật rồi. A Đăm, người lính ngụy có tên là A Đăm đã để lại trong ông một kỷ niệm buồn khó nói. Câu chuyện ly kỳ tưởng chỉ có trong phim ảnh, nay lại có dịp tìm về.
Trận ấy, đơn vị ông phối hợp với Trung đoàn 28 tiến đánh sân bay Cà Leng đã bắt sống được một số tù binh. Riêng tên lính ngụy người dân tộc thượng bị thương vào tay ra nhiều máu nên hắn rất yếu. Đơn vị băng bó và giao cho tiểu đội Hùng áp giải hắn về hậu cứ, mục đích chính là giao cho Tỉnh đội Kon Tum. Đêm trong rừng trời tối như hũ nút, đồi núi gập gềnh lại thêm mưa tầm, mưa tã càng làm cho cánh lính nhà ta vất vả, cơ cực hết chỗ nói. Hơn thế, lương thực thì sắp cạn, mà đường về Tỉnh đội còn xa. Giờ lại đeo lẵng nhẵng thêm tên lính ngụy này. Phức tạp và khó chịu quá. Nghe tiểu đội phó Như Hòa thì thào với tiểu đội trưởng Hà Thành mà Ngọc Hùng giật nảy mình:
- Tốt nhất là đem nó xuống suối cho một phát, thế là xong.
- Bậy, làm thế trên biết sẽ kỷ luật há mồm – Hà Thành phản đối.
- Thì cứ báo cáo rằng nó bị thương ra nhiều máu nên không qua khỏi, giữa rừng xanh, núi thẳm thế này ai biết đâu mà lần.
Nghe thấy thế Ngọc Hùng sởn gai ốc. Chả thà lúc đánh nhau thì bắn giết đã đành. Đằng này hắn ta đã bị tóm sống, lại hiền lành, ngoan ngoãn thì nỡ lòng nào… Bỗng Hùng thấy thương hắn. Trong lúc được phân công canh chừng, Hùng khẽ hỏi nhỏ:
- Anh có biết tiếng Kinh không?
Dưới ánh trăng suông lạnh ngắt giữa đại ngàn, người lính ngụy bị trói hai tay, mặt phờ phạc nghe Hùng hỏi liền gật đầu.
- Thế anh tên là gì ?
Người lính ngụy ngẩng lên nhìn vào màn đêm thưa cộc lốc:
- A Đăm.
- Có vợ chưa ?
A Đăm gật đầu.
- Có con chưa – nhìn A Đăm cúi xuống thút thít hình như khóc càng làm cho Ngọc Hùng thấy tồi tội thế nào…Một lúc sau anh rút con dao găm ở thắt lưng ra khiến thằng lính ngụy run như cầy sấy. Anh nói như ra lệnh:
- Tôi sẽ cởi trói tha cho anh, anh hãy cố gắng tìm đường về bản. Nhớ là từ nay cấm đi theo Mỹ ngụy để chống lại cách mạng, chống lại bộ đội giải phóng nghe chưa.
Ngọc Hùng dùng dao cắt phứt sợi dây dù và không quên dúi vào tay anh ta gói lương khô 702 :
- Cố gắng nhé, chúc may mắn.
Tên lính ngụy lủi vào rừng sâu dễ chừng hơn một tiếng đồng hồ thì Ngọc Hùng giả bộ hớt hải đến báo cáo tiểu đội rằng: tên lính ngụy đã trốn mất. Trong đêm tối mịt mùng giữa thâm sơn, cùng cốc. Mấy người lính chẳng nỡ trách cứ nhau, họ chỉ nghe xào xạc tiếng lá rừng rơi và tiếng con chim “chót bóp” đang khản giọng phía rừng xa, xa lắc…
Nghĩ đến đấy, ông Hùng suýt kêu lên: A Đăm ơi, tôi cám ơn anh. Nhưng ông đã kìm nén được cảm xúc của mình. Chao ơi, ngót nửa thế kỷ trôi qua. Những người lính của hai phía năm xưa, nay đều đã trở về già. Nhưng những kỷ niệm về một thời trận mạc thì vẫn luôn trẻ mãi. Giờ thì ông và A Đăm đã cách xa nhau mấy con dao quăng (nói theo cách nói của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên), khó có điều kiện gặp lại. Ông Hùng đứng dậy vén bức rèm nhìn về phía trời xa, nghe lòng buâng khuâng quá. Cảnh sắc miền Đăk Tô- Tân Cảnh sao đẹp lạ, đẹp lùng. Con đường Hồ Chí Minh đen lét như một nhát bút lông khổng lồ vồng lên ở phía Diên Bình. Ngoài trời đang mưa giăng giăng. Những hạt mưa đậu trên những búp thông non, óng lên như ngọc rắc./.
Xuân Quang
Thạch Sơn-Lâm Thao- Phú Thọ
Đt : 0210 3825343 dđ : 01682583098
Email : xuanquanglamthao@yahoo.com.vn