Mùa hoa Lộc vừng

Bắt đầu từ đài hoa như ngôi sao xanh nhỏ xíu kia từ từ xoè ra những cánh thiên thần bé bỏng với một màu đỏ trinh nguyên đang run rẩy bao quanh những chiếc kim vàng, hình như khi ấy hoa muốn nói điều gì mà mới chỉ buổi sáng, người trinh nữ còn e ấp thẹn thùng lắm, nàng cứ đứng sau những dây hoa tết lại thành chiếc rèm màu hồng đang nhè nhẹ đung đưa trong gió, nhìn ra mặt sông có những chàng trai đang thả lưới buông câu. Giờ từ hoa, nàng bước ra với tất cả vẻ đẹp dịu dàng mà lộng lẫy đứng soi bóng xuống dòng sông nơi có mảnh trăng đầu tháng in lên đấy y như con thuyền bồng bềnh bơi trên sóng đỏ.

Tháng Bảy, mùa của con nước "Tống mã", từ đầu nguồn sông Tích  tràn về làm úng ngập khắp cánh đồng quê tôi, vậy mà ngay ven sông vẫn nổi lên một sống đất mà trên ấy có mấy cây lộc vừng già lụ khụ, được cái tán lá xanh tươi che rợp cả khúc sông. Người dân quê tôi gọi đấy là mấy "Cụ lộc" bởi nhờ bóng cây che mát nên tôm cá tụ vào nhiều, gặp buổi nông nhàn, người ra chỗ ấy thả sức đơm lờ thả đó. Những lúc có gió từ phía núi Ba Vì thổi đến, những cánh hoa rơi lả tả  bay trong nắng chiều, làm đỏ cả mặt sông, để lại những quả lộc vừng treo ở đầu những sợi dây trông như quả lắc đồng hồ đu đưa trong gió. Những quả ấy để già lấy hạt chữa được bệnh đầy hơi chướng bụng, rồi khi lá non trổ ra từ ngọn đỏ tươi như màu hồng ngọc, chờ  xanh thêm chút nữa, hái về đem ăn với nem bùi làm tăng ý nghĩa cho những lúc trà dư tửu hậu.
Xét theo lối thông thường thì những thứ ấy mới chỉ vực lên bữa cơm quê mùa đạm bạc, góp một vị nhỏ dùng làm thang thuốc đông y và làm khoái khẩu cho người ưa lai rai với ly rượu đế, nó khác hẳn với những cảm xúc bay bổng của các nhà thơ:
" Lối nào về dòng sông tuổi thơ
Lộc vừng nở gọi bầy chim về hót"
Tôi thuộc câu thơ ấy nhưng không biết của ai, chút vô tâm ấy cũng không nỡ trách, vả lại thơ là thơ của người ta, còn mình những lúc nhìn ngắm những giây hoa lộc vừng nở thướt tha như tơ lụa, nồng nàn như lửa thắp sáng buổi tà dương kia, cảm xúc ra sao mới là điều đáng nói. Đám con trai, con gái học trò mỗi buổi tan học về, dù lúc ấy đang đói bụng nhưng vẫn nán lại trên nhịp cầu bắc ngang dòng sông Tích nhìn ngắm hoa lộc vừng, cả bọn thi nhau đưa ra những lời bình luận, nào là: Sắc hoa như trời hồng nhuộm thắm lúc ban mai, là màu khăn yêu thương trên vai áo học trò, là khúc hoan ca của màu hoa phượng làm rạo rực mùa thi, là màu má màu môi, là ánh sáng lung linh của những ngọn nến hồng trong đêm sinh nhật... Bao nhiêu thứ nữa nhưng tất cả chịu thôi, ai mà gọi được tên cái màu hoa lung linh và vô cùng quyến rũ ấy.
Mà giống hoa lộc vừng cũng lạ, nó chỉ nở ra sau những trận mưa chiều, hình như thời điểm ấy làm tăng thêm mối giao cảm giữa màu hoa với bầu trời trong trẻo. Bắt đầu từ đài hoa như ngôi sao xanh nhỏ xíu kia từ từ xoè ra những cánh thiên thần bé bỏng với một màu đỏ trinh nguyên đang run rẩy bao quanh những chiếc kim vàng, hình như khi ấy hoa muốn nói điều gì mà mới chỉ buổi sáng, người trinh nữ còn e ấp thẹn thùng lắm, nàng cứ đứng sau những dây hoa  tết lại thành chiếc rèm màu hồng đang nhè nhẹ đung đưa trong gió, nhìn ra mặt sông có những chàng trai đang thả lưới buông câu. Giờ từ hoa, nàng bước ra với tất cả vẻ đẹp dịu dàng mà lộng lẫy đứng soi bóng xuống dòng sông nơi có mảnh trăng đầu tháng in lên đấy y như con thuyền bồng bềnh bơi trên sóng đỏ. Bọn con gái chợt nhớ ra có món sấu dầm đường gói để dành trong cặp bèn lấy ra cho cả bọn ngồi xúm lại ăn, đang lúc bờ môi đứa nào đứa ấy cứ đỏ mọng lên vì sung sướng, lũ tiểu quỷ bèn quay ra cái trò gán ghép nhau, cô gái có lọn tóc mai chấm ở bờ môi, lúc nào cũng khoe ra chiếc răng mọc lẫy được mấy đứa đẩy vào tôi. Thế là nổi lên cái trò đuổi bắt, cả bọn chạy quanh gốc lộc vừng - một cây duy nhất không mọc ở doi đất bờ sông mà mọc ngay ở đầu cầu, nhiều lúc người va vào cây khiến những cánh hoa mỏng manh rơi ra bay bay xuống mặt sông đỏ màu xác pháo.
Ngày khôn lớn, chúng tôi chia tay nhau mỗi người đi một ngả, trên những nẻo đường tha hương hẳn không ai quên được những kỷ niệm thương mến ấy. Ngày ở rừng ăn lá kim cang, nhìn hoa dủng dẻ phun ra nhiều chấm đỏ li ti tôi cứ bồi hồi nhớ hoa lộc vừng, rồi những đêm đạn hoả châu bắn lên đỏ trời, tín hiệu tấn công vào đồn giặc, tôi và đồng đội ôm súng lao lên dưới ánh sáng ấy mà như thấy mình được chiếu dọi bằng nguồn sáng yêu thương. Ngày trở về sau mùa thắng giặc, hoa lộc vừng vẫn nở đỏ khúc sông nhưng bạn bè tôi không đủ mặt, người nằm lại trên cánh rừng Trường Sơn, người ở ngoài biển xa làm dầu khí, người lên vùng cao làm cô giáo cắm bản, kẻ về làm dâu hiền thảo quê người. Cô gái có lọn tóc mai nhí nhảnh giờ có quốc tịch Nga làm gì không biết, còn lại mình tôi nhiều lúc tha thẩn ra đứng trên chiếc cầu nhìn hoa nở bời bời mà lòng buồn muốn khóc. ơi những cánh hoa rắc đỏ mặt sông năm ấy giờ trôi dạt về đâu? Những bạn bè trang lứa mang khát vọng một thời, ai công thành danh toại, ai lận đận công danh?... Tôi đa mang cái nghiệp cô đơn nghiệt ng•, nhìn đâu cũng liên hệ đến kiếp người, lúc hoa lộc vừng nở lung linh như chiếc cầu vồng trong truyện cổ tích, lúc tàn úa bay đi cùng cát bụi phù du. Nhiều lúc nghĩ buồn chán không muốn làm gì, nhưng sau đó lại thấy mình có lỗi. Phải làm một điều gì đấy, trong cuộc sống mà tâm hồn trống rỗng là một điêù rất đáng sợ. Có một thực tế làm tôi bừng tỉnh, ấy là khi được biết chính những cây lộc vừng kia vào một buổi sáng sớm lá cờ đỏ sao vàng đ• được cắm trên đỉnh ngọn phấp phới bay giữa bầu trời mùa thu Cách mạng, và trong một trận giặc Pháp càn quét vào làng định triệt hạ những cơ sở Cách mạng ở x• tôi, thì chính rặng cây lộc vừng kia du kích đ• dựa vào đó làm chiến luỹ. Máu người du kích làng tôi đ• đổ ở đấy, nhuộm cho sắc lộc vừng đ• đỏ lại đỏ thắm thêm. Phải chăng tình bạn, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước đ• hoà vào nhau làm một? Như được tiếp thêm năng lực, tôi đứng đối diện với hoa mà lên tiếng thì thầm: Này hoa ơi! Ta như người lúc thì hoa nhập lúc thì hoa thăng như lên đồng ấy. Khoảng khắc tuyệt vời này thế nào cũng làm nên những câu thơ, không biết hay dở đến đâu nhưng chí ít cũng tự đáy lòng ta làm nên những câu thơ nhằm ca ngợi vẻ điệu hồn nhiên và thơ mộng của sắc hoa lộc vừng.
Tạp chí văn nghệ Tản Viên sơn
Tháng 5- 2008