Hương ổi

Cắn miếng ổi ròn tan mát cả chân răng, bao nhiêu thứ đắng chát bị các gia vị làm mất đi, giờ chỉ còn cái hương thơm ngọt ngào của vị đường cát, chút chua nhẹ của quả, chút mằn mặn của muối, chút hương thầm của thảo quả ... tất cả hoà vào nhau tạo ra cái hương vị đặc biệt khó nói nên lời. Nhưng phải đến khi chấm miếng ổi vào đĩa mắm ruốc đã được sào thơm với những lát ớt đỏ cay cay thì cái thuỷ hoả tương giao mới nâng nghệ thuật ẩm thực lên hàng tuyệt đỉnh, mới chỉ nhìn đã sướng mắt, mũi thì phổng lên mà hà hít, chạm miệng vào miếng ổi chưa gì đã thấy bờ môi đỏ mọng lên.

VIẾT VỀ NHỮNG CÔ GÁI MIỀN NAM LÀM DÂU ĐẤT BẮC

Bút ký của Khải Hưng
Tôi đi thăm người bạn vốn là lính chiến đấu cùng đơn vị hồi ở B2, giờ định cư ở Minh Tân - một xã miền núi thuộc huyện Ba Vì.
Con đường trải sỏi, vòng vo lên xuống theo những sườn đồi. Chiếc xe máy thả mát ga, nhưng cũng chỉ được nửa quãng đường là vấp phải đoạn  đang thi công. Cát, sỏi, xe công trình ngổn ngang, một vài chỗ đào bới ngang đường để đặt cống ngầm, thành ra chiếc xe máy của tôi cứ phải luồn lách qua những vật cản nên đi rất chậm.
Trời tháng Bảy, sau những cơn mưa rả rích là những ngày nắng bức rất khó chịu. Vượt qua đoạn đường khó, tôi đảo mắt nhìn hai bên đường  không thấy quán nước nào để vào nghỉ chân. Tôi đành đến bụi cây có bóng mát vừa ngồi nghỉ vừa để nguội bớt động cơ chiếc xe máy cà tàng từ lâu chưa được bảo dưỡng.
Chợt có đám học sinh đi qua, chúng kháo nhau lên đỉnh dốc vào quán  cô Ba mua ổi dầm đường.
- Nắng nóng thế này mà được ăn ổi dầm đường cứ là mát từ ruột mát ra , chúng mày ạ.
- Ừ cô ấy làm kiểu gì mà ăn miếng ổi thấy ngọt thơm bùi béo thế?
Nghe bọn trẻ khơi lên cơn khát, nhân đó gợi nhớ hồi tôi ở Tây Ninh được ăn món ổi dầm mà người ta bán ở chợ Long Hoa, không biết tẩm ướp ra sao mà ăn vào thấy mát từ ruột mát ra thật.
Tôi liền bám theo bọn trẻ:
- Này các cháu ơi, chỗ bán ổi còn xa không?
Cô bé sún răng nhanh nhẩu chỉ tay về phía trước:
- Trên đỉnh dốc kia bác ạ.
Tôi bứt khỏi đám trẻ, phóng lên đỉnh dốc, dừng xe vào chiếc quán nhỏ thấy trên chiếc bànbày một dãy lọ thuỷ tinh ngâm đầy những quả ổi bắt màu vàng sậm.
- Mời bác nghỉ chân uống nước và mua ổi dùm em - Một gương mặt phụ nữ tươi sáng hiện ra cùng giọng nói miền Nam pha Bắc ngọt sớt.
Tôi nhìn cô có vẻ quen quen, Cái mái tóc quăn tự nhiên, cái khoáy tóc bên trái vầng chán tinh nghịch, vẻ ngờ lắm, bèn mạnh bạo hỏi:
- Huệ, có phải Ba Huệ ở C16 An dưỡng Hậu cần Tây Ninh đấy không?
Cô chủ quán tròn mắt nhìn tôi hỏi lại:
- Ủa ! Anh là ai cà , sao biết tui?
- Thi Lâm, đoàn bộ đoàn 50 đây, nhớ không?
Huệ rú lên:
- Trời, anh Lâm hả? ra Bắc cả chục năm nay giờ mới gặp người quen! mà giờ anh ở đâu, sao nom già quá vậy?
- Tôi ở Làng cổ Đường Lâm, biết không? Còn già thì phải rồi, chúng mình xa nhau hơn ba mươi năm rồi mà !
Huệ kéo tôi vào quán kéo ghế mời ngồi:
- Về làm dâu đất Bắc ư , Chồng Huệ là ai vậy?
Huệ cười nhỏn nhẻn:
- Số em phải lấy chồng Bắc anh ơi ! Hồi ở đơn vị mấy chú biểu em lấy chồng Cần Thơ gạo trắng nước trong, má thì viết thơ biểu em lấy chồng gần để lúc sinh con má trông coi cho. Vậy mà em lại mê anh Tuấn, hồi đó ảnh là văn thư quân lực của đoàn, tính hiền khô, anh Tuấn bảo: lấy nhau sau này  theo ra  Bắc, về quê anh nghèo lắm, em chịu không?
Giờ thì anh Tuấn bảo: Không ngờ em chịu cực giỏi hơn anh, nếu không phải tay em, anh biết xoay sở ra sao trên cái vùng đất chó ăn đá gà  ăn sỏi này. Anh tính coi, phụ cấp phục viên ra Bắc của hai đứa không đủ mua ba tháng gạo. Ra đây cái gì coi cũng lạ hoắc à, hoàn cảnh nhà đông anh em, bố mẹ chồng cắt đất cho ra ở riêng. Chúng em dựng tạm gian nhà lợp bằng giấy dầu, ngày ngày nhức tay cuốc đất. Mà cái thứ đất gì kỳ cục, cuốc lên chỉ toàn sỏi đá gan gà, trồng cây gì cũng teo tóp, em phải gánh bùn ao lên cải tạo đất mới trồng nổi khoai sắn đó. Thế nhưng thả được cây giống xuống phải chờ mấy tháng mới có thu hoạch. Cực chẳng đã, em phải chạy chợ mua bán tùm lum , kiếm được vài đồng mà rầu thối ruột. Nhưng cũng nhờ thời gian đi chợ mà quen được nhiều người và biết được phong tục và cách làm ăn ngoài này anh ạ.
Tôi nhìn Huệ. Nắng mưa phôi phai là thế mà sao cô vẫn đẹp. Tôi  khen Huệ không khác mấy ngày xưa. Huệ bảo: ấy là nhờ chịu khó làm ăn nên cuộc sống giờ được cải thiện, chứ hồi em chạy chợ, người ốm o, mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó như bà chằn ấy. Tiếc là bữa nay anh Tuấn không có nhà nên anh không gặp, Tuấn giờ coi mập ú cứ như hàng ngày ăn nhầm phải sữa voi ấy!
Huệ chỉ tay ra phía sau gian nhà có đặt máy khâu và hàng chồng vải vóc, rồi nói:
- Anh nhìn thấy mảnh đất kia không, rặt đá sỏi, nó chỉ hợp với những cây sấu, cây ổi, ăn vào thứ thì chua loét, thứ thì đầy căng bụng,  cứ bỏ chín rục rơi xuống đầy vườn thả sức cho chim tới ăn. mà cũng kỳ cho giống ổi, hạt của nó rụng xuống đất hoặc từ phân chim lại mọc đùn ra hàng loạt cây con. Người ta bảo đấy là ổn lộn kiếp, được cái rất sai quả mà cũng có giống ăn vào thấy ngon. Em nghĩ: ổi còn vậy, mình là người sao không lộn kiếp được, phải tìm cách gì để xoá đói giảm nghèo chứ! Thế là em lựa  chọn những giống ổi có trái to và ngon  đem về chế biến  theo kiểu mấy ông Ba Tàu ở chợ Lớn. Lúc đầu cũng chỉ là làm thử, bán thăm dò, sau thấy người ta mua ăn quá trời, nào là công nhân học sinh trường kỹ thuật cơ giới, trường đào tạo lái xe, trường cấp một cấp hai xúm vào mua, em làm luôn tay mà bán không kịp, tính ra một vốn mà bốn lời anh ạ.
Huệ lấy ra  một quả ổi ngâm trong lọ mời tôi ăn:
- Anh Lâm ăn thử coi.Tôi cầm trái ổi trên tay mà tưởng đâu hương thơm mùa trái cây từ các  miệt vườn Nam Bộ đậu vào, mới chỉ khẽ đưa lên miệng chưa kịp nuốt tôi đã phải thốt lên:
- Em bỏ bùa trong ổi rồi Huệ ạ!
Huệ bảo: Đấy chính là sự chế biến khéo léo để những thứ tầm thường thành thứ tuyệt hảo, Em phải lựa những trái ổi hái về đem rửa sạch rồi khía quả ra làm bốn, dúng vào nước gừng pha muối, song đem ngâm vào lọ nước đường, cho thêm chút mật ong, cam thảo, rồi ngâm cả lọ vào bể nước lạnh độ một ngày cho ngấm no gia vị thì mới lấy ra dùng.
Cắn miếng ổi ròn tan mát cả chân răng, bao nhiêu thứ đắng chát bị các gia vị làm mất đi, giờ chỉ còn cái hương thơm ngọt ngào của vị đường cát, chút chua nhẹ của quả, chút mằn mặn của muối, chút hương thầm của thảo quả ... tất cả hoà vào nhau tạo ra cái hương vị đặc biệt khó nói nên lời. Nhưng phải đến khi chấm miếng ổi vào đĩa mắm ruốc đã được xào thơm với những lát ớt đỏ cay cay thì cái thuỷ hoả tương giao mới nâng nghệ thuật ẩm thực lên hàng tuyệt đỉnh, mới chỉ nhìn đã sướng mắt, mũi thì phổng lên mà hà hít,  chạm miệng vào miếng ổi chưa gì đã thấy bờ môi đỏ mọng lên.
Huệ bảo tôi:
- Anh ăn có thấy giống vị ổi dầm đường như ở Tây Ninh không?
Tôi gật gù bảo giống, Huệ nói tiếp:
- Ở ngoài này nó là món ăn lạ, mà cũng bởi tính người ta thích của lạ nên mình đắt hàng. Có tiền, em mở thêm nghề may, toàn may áo bà ba cho các bà các chị mà làm không kịp, ai cũng thích chiếc áo em may cho vì vai áo khớp thật tròn , triết ly lửng cao lên một chút mặc và là nổi eo ngay.
Tôi cười bảo Huệ:
- Thì ăn Bắc mặc Nam mà.
Huệ nói:
- Mẹ chồng em cứ khen con gái miền Nam tài may vá, còn bố chồng từ chỗ nhàn cư, hay thử vận may vào đề đóm, giờ thì chịu khó làm đỡ, cụ bảo: Phật ăn mày ma.
Chợt nhớ ra điều gì, Huệ hỏi:
- Anh Lâm còn nhớ Tuyết Nhung y tá đơn vị em không, giờ cũng lấy chồng Bắc theo ra ngoài này, nhà nó ở trên mạn La Phù ấy.
Tôi ớ người, lại thế nữa! Ngày ấy mặt cô nào cũng vênh lên chê trai  Bắc lành một cục, giờ lại theo cả ra đây.
- Thì duyên số cả mà anh, hơn nữa ngày ấy các anh đều đẹp trai, văn hóa giỏi hơn tụi này. Anh Lâm ngày ấy mà chưa có vợ thì tụi này cho  chết luôn.
Tôi hỏi Tuyết Nhung giờ ra sao? Huệ nói:
- Nó cũng như  em, theo chồng ra ngoài này cứ củ sắn kêu củ mỳ, cái bát kêu cái chén, mùa đông rét thấu xương, lội ruộng sợ đỉa bám. Giờ thì quen quá rồi, một mình nó đảm đương năm sào ruộng, dân ở đấy bảo: làm ruộng xóm này giỏi nhất nó; hơn nữa bản tính lại rất yêu thú vật, nuôi lợn nuôi gà rất mát tay, cứ suốt ngày cọ chuồng, cọ máng, chằm bẵm lợn gà như chằm bẵm con nít ấy, nó còn theo học mấy lớp khuyến nông, nhà nó năm nào cũng xuất chuồng mấy tấn lợn thịt, lại thường xuyên tư vấn cho bà con về kỹ thuật chăn nuôi nên ai cũng quý.
Dừng lại một lúc để bán ổi cho khách, xong quay vào Huệ bảo:
- Con Nhung chịu cực giỏi lắm anh ơi. Chồng nó là thương binh  lại đeo chứng sốt rét, bao nhiêu công việc một mình nó làm hết, chẳng hề kêu ca gì. Chồng nó giờ hết bệnh, lái xe tảo chở vật liệu xây dựng cho người ta làm nhà cửa. Con cái thì ngoan, đứa lớn vào đại học, đứa  đi bộ đội, học trường  sỹ quan  về đóng  quân ở quân khu 9 quê má nó.
Nghe Huệ nói, bất giác tôi lại nhớ những chiều Đồng Tháp. Bước chân vắt vẻo trên những cây cầu khỉ, giữa đôi bờ kênh đỏ rực  mùa hoa  ô môi, nghe đâu đây lời ru mà cảm nhận ra cái đức đảm đang tháo vát, chiều chồng, yêu con của phụ nữ Nam Bộ: Ầu ơi ... thương chồng nấu cháo le le |Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen... Ước gì ngay bây giờ gặp Tuyết Nhung, tôi ngỏ ý thế. Huệ bảo: phải chừng này tháng sau anh Lâm tới mới gặp, giờ vợ nó chồng nó đang vào thăm quê ngoại.
- Thế còn Huệ đã vào Bến Tre thăm ba má chưa?
Tôi vô tình chạm đến một vùng linh cảm khiến Huệ đang vui nét mặt bỗng trở nên thờ thẫn.
- Em tính cũng phải sang năm mới đi. Nhiều khi nhớ trỏng muốn chết đi được, nhất là nhớ hồi nhỏ suốt ngày chạy lon ton theo chân ông ngoại đi khắp vườn dừa. Mỏi chân bắt ngoại kiệu lên vai, tha hồ nhìn ngắm những thân dừa đổ bóng xuống dòng kênh có những khóm lục bình trôi tím biếc.
Một chút lắng đọng nhưng âm vang câu chuyện dường như dài lắm. Chín năm trời ở Miền Đông và Miền Tây Nam bộ gợi lên trong tôi  bao hình ảnh của  miền đất gian lao mà anh dũng ấy.Giờ tình cờ gặp Huệ là người cùng đơn vị biết bao điều muốn nói, Nhưng tôi chợt nhìn đồng hồ nhớ công chuyện phải đi,  nên đành phải chào Huệ hẹn sẽ tới thăm khi khác.
Huệ đưa cho tôi một túi ổi rồi tần ngần đứng trước cửa nhìn theo con đường vút đi như một dải lụa vàng dẫn tôi về phía núi. Tôi đi mà lòng bịn rịn, mãi khi xa rồi nghe tiếng đá sỏi lạo xạo dưới bánh xe mà cảm nhận ra cả một nền văn hoá trung du. Dẫy đồi hai bên đường như những tấm lưng dựa vào nhau ấm áp. Miên man ở đấy là màu tím sim, mua, những cây thị, cây dọc từ những bụi cỏ tế vượt lên buông những chùm quả chín vàng y như những rặng đèn lồng thắp lửa vào đêm hội. Chẳng thế mà Huệ bảo: hồi nhỏ em nghe ba kể chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, nghe rõ hay mà lại xa vời vợi. Giờ ra làm dâu miền Bắc ở ngay chân núi Ba Vì, uống nước mạch nguồn, em sống như trong cổ tích ấy.
Ừ .... mà cổ tích thật. Đất nước mình, nhân dân mình, cả quá khứ và hiện đại hoà quyện vào nhau, tôn vinh nhau. Và chính em từ giữa miền cổ tích ấy đã xé vỏ thị bước ra ngoài để làm một cô Tấm thủy chung và hiền thảo quá... Huệ ơi.