Nghề đánh đá ong xứ Đoài
Mặc dù xã hội đã phát triển, các loại vật liệu xây dựng rất nhiều chủng loại nhưng nghề đánh đá ong ở Xứ Đoài vẫn tồn tại, nó đã trở thành nghề gia truyền nhưng mức độ phát triển không nhiều. Nhưng nếu công trình nào cần bảo tồn vẫn cần đến loại đá này, bởi nó rất đặc trưng của một vùng văn hóa phía tây Thăng Long xưa. Những người làm công tác văn hóa và cả những người dân trên vùng đất xứ Đoài vẫn mong muốn nó sẽ tồn tại trường tồn cùng với sự phát triển của đất nước, cứ nhìn đá ong xứ Đoài thì thấy đó là một biểu tượng văn hóa xứ Đoài mà nhiều nơi khác không có được.
NGHỀ ĐÁNH ĐÁ ONG Ở XỨ ĐOÀI
Vùng Sơn tây thuộc phía tây kinh thành Thăng Long, xưa kia được gọi là Xứ Đoài, một trong tứ xứ Đông, Đoài, Kinh Bắc, Sơn Nam. Vùng đất này được mệnh danh là đất 2 vua ( Phùng Hưng, Ngô Quyền). Các tướng võ có Trương Chủng ( thời 2 bà Trưng). Tây Kỳ vương Nguyễn Kính, Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn thời nhà Mạc. Văn có Thám hoa Giang Văn Minh, Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan...Ngoài phần diện tích đất đồng bằng còn lại chủ yếu là đất đồi gò( bán sơn địa). Ngày xưa vật liệu để xây dựng các công trình không có gạch, đá, xi măng nên để xây dựng các công trình quan trọng như nhà ở, đình, chùa, đền, miếu, cầu cống giao thông thì vật liệu chính là khai thác đất đá ong.
Để tìm được một khu vực khai thác đá, người ta tìm đến những quả đồi đất cây cỏ mọc ít, cằn cỗi, đào bới và gạt bỏ lớp đất mặt có độ dày khoảng gần 1 mét là đến lớp đá ong. Việc khai thác đá ong gọi là “ đánh đá”, những viên đá thông thường có chiều rộng 30 cm, dài 60 đến 80 cm. Ngày xưa người ta còn làm nhiều viên đá to, dày hàng mét để xây móng chùa như chùa Tây Phương, chùa Thày, chùa Mía, chùa Trăm gian..., vật liệu để xây đá ngày trước chủ yếu là đất bùn xay nhuyễn với trấu, bề mặt đá được đẽo hình long mo để có chỗ kết dính, sau này thì dùng mật mía trộn với muối và vôi để làm vữa xây. Có nhiều làng cổ có nghề đánh đá, nhưng có lẽ lâu đời hơn cả là làng Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội có khoảng trên 300 đến dưới 400 năm. Theo dõi các công trình thì thấy nghề này phát triển nhất vào thời kỳ nhà Mạc thế kỷ XVI, XVII. Tôi đến thăm một gia đình có nghề đánh đá ong giỏi ở xã Bình Yên, đó là ông Nguyễn Văn Mỹ, một cựu binh chống Mỹ, năm nay ông đã hơn 60 tuổi, ông làm nghề đánh đá được trên 20 năm. Bộ ba Nguyễn Văn Mỹ, Vương Văn Mỹ và Nguyễn Văn Vệ là 3 người nổi tiếng về nghề này trong việc đánh đá, có sức khỏe, sản phẩm đẹp. Họ làm được đến 80 viên đá trong một ngày. Nếu những lớp đá bở có thể đạt được đến 120 viên/ ngày. Chiều sâu khai thác nhiều nhất được đến 27 lớp nhưng loại đá đẹp nhất chỉ được 7 đến 8 lượt. Ở làng Bình Yên có gia đình cụ Vương Văn Nội năm nay trên 70 tuổi, có đến 4 đời làm thợ đánh đá ong.
Dụng cụ chính để đánh đá gọi là “ Thó” có chiều dài 1,9 mét, đường kính thuôn dài chỗ to nhất là 4 cm, phải làm bằng gỗ sến hoặc gỗ sồi thì cầm lâu nó mới mát tay không bị chai, không rát tay, cầm đánh được cả ngày. Đầu thó được làm bằng thép cứng được tôi rất cẩn thận cho cứng nhưng không bị mẻ, đầu mũi hình bán nguyệt, chiều dài đầu thó từ 65 đến 80 cm. Khi có mặt bằng, người thợ đứng dạng chân và bắt đầu đánh cái rãnh nhỏ theo chiều dài viên đá, đào sâu bằng chiều dày sau đó bẩy viên đá thô lên và tiến hành đẽo thành viên đá hoàn chỉnh. Tùy vào công trình và giá thành người mua mà người ta làm ra những loại đá khác nhau, cách đây khoảng vài chục năm đã có loại đá dùng vào công trình điêu khắc, cả nhà hát cũng dùng đá gắn tường để cách âm. Nếu ai muốn tìm hiểu về các loại đá đã xây công trình thì có thể đến chùa Tây Phương được xây dựng mới vào thời Mạc, toàn bộ móng chùa cả phần chìm và nổi đều bằng đá ong cớ lớn. Hai cây cầu khum nổi tiếng của chùa Thày ở huyện Quốc Oai, Hà Nội cùng với nhà Thủy đình được xây dựng trên hồ Long Trì thời Lê Trịnh do thượng thư bộ Hộ- Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan thiết kế và xây dựng đều có móng công trình bằng đá ong vẫn tồn tại đến hôm nay và vẫn bền chắc theo thời gian.
Có thể nói, hiện nay mặc dù xã hội đã phát triển, các loại vật liệu xây dựng rất nhiều chủng loại nhưng đánh đá ong ở Xứ Đoài vẫn tồn tại, nó đã trở thành nghề gia truyền nhưng mức độ phát triển không nhiều. Nhưng nếu công trình nào cần bảo tồn vẫn cần đến loại đá này, bởi nó rất đặc trưng của một vùng văn hóa phía tây Thăng Long xưa. Những người làm công tác văn hóa và cả những người dân trên vùng đất xứ Đoài vẫn mong muốn nó sẽ tồn tại trường tồn cùng với sự phát triển của đất nước, cứ nhìn đá ong xứ Đoài thì thấy đó là một biểu tượng văn hóa xứ Đoài mà nhiều nơi khác không có được./.
Thạch Thất, ngày đầu tháng 10.2015