Bù nhìn coi ngô

tôi nhắc ông Loách là vụ tới có làm bù nhìn để trông coi ruộng nương cạnh mỏ thì nhớ phải mặc cho nó bộ quần áo của giám đốc đương chức, chứ giám`đốc đã mất chức thì không có tác dụng, mà cái lũ khỉ già nó biết thì nó đốt luôn cả ruộng nương của ông đấy nhé! Chúc gia đình ông thành công, lúa ngô năng suất, tôi xuôi đây!!!

BÙ NHÌN COI NGÔ

 

Truyện ngắn của Nguyễn Quang Tình

 

Khu mỏ N có những thửa ruộng và nương ngô kề bên công trường khai thác, ở cạnh hàng rào của mỏ là khu nhà ăn liên hợp nấu ăn cả ba ca nên có rất nhiều chuột và lũ động vật thuộc họ gặm nhấm...Thậm chí nghe người dân địa phương nói thì đôi lúc còn có cả lũ khỉ rừng về ăn thóc và bẻ trộm ngô. Để bảo vệ thành quả lao động mồ hôi, nước mắt một nắng hai sương của mình người nông dân đã nghĩ ra nhiều kế để đuổi cái lũ động vật phá hoại kia. Từ việc làm lán để canh tại chỗ, rồi đến đặt bẫy, kể cả việc mắc điện xung quanh mong cho nó giật chết những đối tượng ăn bám đang ghét... tất cả đều không ăn thua gì vì những loại con kia cũng khôn lắm. Nó dại gì mà để mắc bẫy hoặc để điện giật! Còn lâu ...! Chủ ruộng nương nghĩ nát óc mà không tìm ra phương án nào khả thi, cuối cùng thì cũng nghĩ ra và áp dụng theo phương pháp cổ điển: Dùng bù nhìn để coi ngô. Nhà lão Mù A Loách có một đống cây que và rơm khô, nghe nói lão sắp dùng để làm bù nhìn nên đống vật liệu này mừng lắm, chúng mơ sắp được thành người mặc dù chỉ là người vô hồn nhưng cũng có quần áo và vũ khí cầm tay. Ngày nghỉ cuối tuần, lão Loách có mấy đứa con cháu làm công nhân mỏ về nghỉ, lão bảo chúng cùng tham gia làm cho lão mấy thằng bù nhìn. Sắp xếp cây, que dựng thành khung xương rồi độn rơm khô thành hình người, khâu cuối cùng là mặc cho nó một bộ quần áo, đội mũ, tay gài cho nó một thanh kiếm dài bằng tre có quét vôi trắng toát. Xong xuôi, buổi tối nhân lúc vắng người mấy bố con vác bù nhìn ra ruộng để bố trí chỗ đứng. Hôm đầu, lũ chuột và khỉ về ăn cắp, chúng trông thấy bóng người đứng ở đầu bờ lại cầm kiếm dài, sợ quá bỏ đi không dám bén mảng đến bờ ruộng. Nhưng hôm sau, hôm sau nữa chúng lại gần để kiểm tra và biết rằng đây chỉ là người giả (nó không biết gọi là bù nhìn) chúng lại tự do phá hoại và bẻ trộm ngô thoải mái. Biết không ăn thua gì với cái trò hù dọa, lão Loách nghĩ mãi không biết làm thế nào, tình cờ nghe nói ngày mai có một người làm nghề “ quân sư quạt mo” ở dưới Hà Nội lên công tác trên mỏ, lão mừng lắm, Cả đêm lão thao thức để tìm người quen trong khu cơ quan nhờ tiếp xúc và liên hệ bố trí cho lão gặp vị quân sư. Sau bữa ăn trưa, vì còn chương trình làm việc nên việc gặp quân sư cũng không khó, khi được gặp tận mặt thì lão Loách thấy anh cán bộ mà mọi người vẫn bảo là có nhiều mưu kế này cũng thân thiện tử tế. Sau khi nghe việc, vị quân sư bảo cho lão mấy đường cơ bản.

Thứ nhất: Hỏi! Trong mỏ này ai là người đáng sợ nhất?

- Mấy người ngồi đó nhanh nhẩu, người bảo là Trưởng phòng bảo vệ, người khác nói là Trưởng công an, người này lại nói là thầy mo, thầy cúng, rồi thằng nghiện, bệnh nhân HIV...vv, mãi không có ai trả lời được câu hỏi của vị quân sư! - Cuối cùng quân sư kết luận: “ Người đáng sợ nhất ở mỏ là Giám đốc, có chức, có quyền, có nhiều tiền, quyền sinh, quyền sát, tuyển người, đuổi người, nâng lương, cách chức...” cái gì chả làm được, ai là người dưới quyền mà chả sợ, nếu có nói là không thì chỉ nói nhỏ, nói trộm hoặc nói sau lưng giám đốc thôi. Vậy thì để kết luận gia đình lão Loách phải làm được một việc:

- Hãy thuê nghệ nhân làm một con bù nhìn thật khéo, toàn bộ thân hình chiều cao, cỡ bụng, dáng đi, mặt mũi phải giống hệt vị giám đốc thật tỷ lệ một trên một (1/1). Đặc biệt nhất là phải kiếm được bộ quần áo nào mà giám đốc hay mặc khi đến văn phòng. Làm xong được vị “ Giám đốc bù nhìn” thì cho mặc quần áo, cài điện thoại di động, đội cho thêm cái mũ, đợi đến đúng giờ Tý thì mang ra bờ ruộng đặt yên vị... cứ thế mà làm. Buổi chiều xong việc, quân sư ra xe về Hà Nội. Nhà lão Loách theo kế sách đặt vị “giám đốc mỏ” ngay khu bờ ruộng ngô. Kết quả đạt được sau mấy ngày thì quả đúng như vị quân sư  đã mách bảo, lũ chim chuột, khỉ, chó... không thấy bén mảng đến khu ruộng lúa và nương ngô nữa. Lão chủ ruộng là người ít chữ, bố mẹ không có chữ để dạy và cũng chả cần biết nhiều chữ để làm gì, thấy có kết quả mà không hiểu sao cái con “Bù nhìn giám đốc” kia sao mà lũ chim, chuột, khỉ ... lại sợ đến thế? Nghĩ mãi mà tự mình không trả lời được, sau khi thu hoạch xong một vụ mùa năng suất, lão phấn khởi ra mặt. Với bản chất thật thà của người dân tộc chưa bị bọn cán bộ người Kinh dưới xuôi lên tác động chi phối, lão cứ chờ vị quân sư dưới xuôi lên để tạ ơn. Chờ mãi đến gần Tết nghe cô nấu ăn của mỏ nói chuyện ngày mai lại có khách Hà Nội lên, lão hỏi thăm vị quân sư, cô nhân viên bảo hình như có đấy, vì việc này liên quan đến tuyên truyền và môi trường thì thế nào anh ấy cũng lên. Lão Loách chọn mấy quả bí ngô to, hai chục bắp ngô đã phơi, gần một yến khoai lang để làm quà tặng ân nhân. Tuy là người nghĩ ngắn, nhưng lão quyết tâm gặp để hỏi tại sao cái lũ chim chuột kia nó lại sợ con “Bù nhìn giám đốc”?

- Gặp lại lão Mù A Loách, vị quân sư đã quên hẳn chuyện cũ, nghe kể lại khi nhớ ra “quân sư” bảo: Có gì đâu mà phải hỏi, bình thường cái con bù nhìn rơm để coi ngô, lúa kia ông cho nó mặc những bộ quần áo rách, đồ bỏ đi của công nhân và nhân viên là con cháu ông hoặc đi nhặt đi xin, mà phàm là người đã mặc quần áo rách thì con chó còn không sợ. Các vị không nghe người ta nói “ Chó cắn áo rách” à? Cũng lại có câu với người “ Quen sợ dạ, lạ sợ quần áo”. Đã mặc quần áo của giám đốc thì không cần biết trong đầu ông ta có bộ óc to, hay nhỏ, nói giọng trầm ấm hay the thé, cứ có chức vụ Giám đốc hay Tổng giám đốc Nhà nước là ai cũng sợ, từ các loại đầu gấu, lái xe, lái máy, thợ điện, thợ hàn ...đến cả dân cư trong khu tập thể ai cũng sợ, vậy thì cái lũ khỉ và chim chuột... kia nó cũng phải biết, đi tìm chỗ khác mà kiếm ăn, chứ cứ mù quáng lao vào đây, giám đốc mà tức lên nó huy động cả bè vây cánh cùng với nhóm lợi ích của nó đã tạo dựng từ trên xuống dưới rồi giao cho Tổ chức cán bộ đi phân hóa, nói xấu, đặt điều, nói không thành có... Tuyên truyền để tất cả mọi người dưới quyền cùng tập trung tìm mọi mưu sâu, kế độc... nó đã trị thì có mà chết tất, chả cứ khỉ mà đến bố khỉ cũng chết. Chả cần đọc binh pháp Tôn Tử, nhưng cũng biết kế thứ ba mươi sáu (chuồn) đi chỗ khác là thượng sách!

Biết tính cách người dân tộc, người ta đã quý mới cho mình cái gì mà không nhận thì làm người ta buồn, anh cán bộ văn phòng (mọi người thường gọi là quân sư) kia vui lòng nhận mỗi thứ một tý cho cùng vào bao tải dứa buộc lại bảo lái xe đưa vào sau xe, gửi tặng lại cho cháu lão Loách mấy trăm nghìn. Trong khi ngồi chờ lãnh đạo “quân sư” kể cho lão Loách và những người ngồi cùng đó câu chuyện cũng có liên quan: Chả là ở một cơ quan nọ, biết giám đốc cũng chả có tài tướng gì, vì vây cánh và chạy chọt, dùng tiền công quỹ lo lót nên được ngồi vào vị trí kế vị, giám đốc say sưa những tưởng ghế này là vĩnh viễn, quên mất đó là của Nhà nước và tập thế mà lại tưởng cha ông mình để lại. Lộng hành, coi thường cấp trên, hỗn láo với các bậc tiền bối, cư xử với cấp dưới như người làm thuê, làm mướn cho nhà mình, thậm chí còn nói với mọi người giúp việc là biết chữ mà không biết đọc... một vài kẻ cơ hội cũng nịnh bợ và tranh thủ đầu tư vào cái ghế này. Vì chúng dốt nát, vô học nên phải sử dụng kim ngân, rót được ít vốn chạy ghế nên chúng cũng tưởng có được áo, mũ của giám đốc, đi đâu cũng nói năng văng mạng, ra oai, cùng hàm trưởng phòng nhưng mồm khi phát ngôn lại toàn giọng của kẻ bề trên. Thậm chí còn dọa kỷ luật người này, cách chức người kia! Quả là nực cười, kết quả khi cái ghế bị đổ thì cái lũ tham mưu dởm cũng như người máy “mất điện” luôn. Vậy nên nếu người ta không có thực tài, không chịu đọc sách, không sống tử tế, lương thiện mà chỉ sống cơ hội, lừa lọc với đểu cáng... thì trước sau chả sớm thì muộn cũng bị lật mặt nạ ra thành bộ mặt thật xấu sa. Và để chuẩn bị về tôi nhắc ông Loách là vụ tới có làm bù nhìn để trông coi ruộng nương cạnh mỏ thì nhớ phải mặc cho nó bộ quần áo của giám đốc đương chức, chứ giám`đốc đã mất chức thì không có tác dụng, mà cái lũ khỉ già nó biết thì nó đốt luôn cả ruộng nương của ông đấy nhé! Chúc gia đình ông thành công, lúa ngô năng suất, tôi xuôi đây!...

Chàng Sơn, tổng Nủa thuộc Xứ Đoài

Thu Ất Mùi - 2015