Lưu Điếc
Nó giao xưởng mộc cho vợ chồng cô út rồi xung phong ra trông coi đình làng, suốt ngày quét dọn lau chùi, rỗi việc lại đánh cờ, hút thuốc lào vặt với mấy ông già về hưu. Mấy lần giục nó lấy vợ để có người bầu bạn, chăm sóc lẫn nhau, nó chỉ cười trừ. Giục quá thì nó bảo: tìm đâu được người như cô Bắc bây giờ. Mình biết nó vẫn còn yêu vợ lắm. Đàn ông chung tình như nó hiếm như... khủng long thời nay vậy.
Hồi mình học cấp hai, nhà mình được xã cho mượn mảnh ruộng hai sào, loại chân ruộng cao, để tăng gia. Ruộng đất thời ấy nhiều, trai tráng ra trận hết, có đủ người làm đâu. Nhà thằng Lưu điếc bạn học với mình là nhà nông thứ thiệt, mình nhờ nó dạy cày bừa, rồi mượn trâu và nông cụ nhà nó để làm ruộng. Vụ mùa thì cấy lúa, dạo đó đang thịnh hành các loại lúa NN8, rồi Trân Châu lùn, vụ chiêm thì làm mầu. Trong nhà công nhân mà cũng đầy ngô, khoai, đỗ như ai. Thằng Lưu tai thính như tai chó săn nhưng có biệt danh lạ đời là Lưu điếc, vì một lý do rất đặc biệt, mình sẽ giải thích sau. Nó vui tính, khỏe như trâu và có nhiều tài lắm. Ngoài tài làm ruộng thì đan thuyền nan, đặt cụp bắt cá sông, đơm đó, đặt trúm lươn, bơi qua sông Cầu ăn trộm ngô dân xóm bãi...việc gì nó cũng giỏi. Nó rất thích chơi với mình, thỉnh thoảng lại rủ rỉ: bao giờ mày lấy vợ thì lấy cái Hoa em gái tao nhé! Chuyện này sẽ kể vào dịp khác. Nhưng mình nể nhất nó cái tài ném mìn bắt cá sông. Nhồi lạng thuốc TNT vào ống bơ, đặt vào đấy cái kíp nổ, rồi cắt một đoạn dây cháy chậm dài khoảng chục phân nhét vào kíp, thế là có quả mìn tự tạo. Sông Cầu thời đó nhiều cá lắm, ném một quả mìn cá nổi trắng một vùng, bắt nhanh được hai thúng, còn bọn đi hôi mỗi đứa cũng được vài cân. Thời đó bom Mỹ và mìn tự tạo ném xuống sông Cầu ầm ầm, chưa có vấn đề về bảo vệ môi trường như bây giờ. Thằng Lưu chơi mìn khét tiếng suốt một dải sông Cầu, từ đập Ba Đa lên đến cầu Gia Bẩy, nên được gọi là Lưu điếc. Điếc không sợ...mìn.
Năm 1970 Lưu điếc đi bộ đội, là lính đặc công nước. Đánh khoảng ba mươi trận nhưng chỉ bị thương có một lần, số nó đỏ. Năm 1976 cu cậu ra quân, dẫn về nhà một cô gái cao ráo trắng trẻo, mắt lá răm, tên là Bắc, rồi cưới. Cô vốn là một điều dưỡng viên trong trại điều dưỡng Hiệp Hòa, Lưu điếc về trị thương ở đây, may mắn tán được. Vợ nó nhẹ nhàng, khéo léo, đảm đang lắm, được mẹ chồng quý như con gái. Sinh hạ cho Lưu điếc ba đứa con thì vợ nó chẳng may qua đời vì bị bệnh máu trắng, lúc đó đứa con gái út mới được hai tuổi. Nó vất vả, làm đủ nghề để nuôi con, cuối cùng đứng được với nghề đóng đồ gỗ cao cấp truyền thống. Sập gụ, tủ chè, bàn thờ...một thời bán chạy lắm, xuất sang Trung Quốc cũng nhiều. Thời gian thấm thoắt trôi qua, tiền kiếm cũng đã đủ. Nó bảo nghỉ ngơi thôi. Hai thằng lớn nhà nó theo nhau đi du học rồi ở lại nước ngoài làm việc, gọi chẳng về. Nó giao xưởng mộc cho vợ chồng cô út rồi xung phong ra trông coi đình làng, suốt ngày quét dọn lau chùi, rỗi việc lại đánh cờ, hút thuốc lào vặt với mấy ông già về hưu. Mấy lần giục nó lấy vợ để có người bầu bạn, chăm sóc lẫn nhau, nó chỉ cười trừ. Giục quá thì nó bảo: tìm đâu được người như cô Bắc bây giờ. Mình biết nó vẫn còn yêu vợ lắm. Đàn ông chung tình như nó hiếm như ...khủng long thời nay vậy.