Canh bạc
Sáng sớm hôm sau, cô bắt xe đến một phố biển xa xôi, hy vọng sẽ không một ai còn biết đến mình. Sẵn có tiền, lại tháo vát thông minh, cô nhanh chóng thuê lại được một quán cà phê giải khát ở sát bờ biển mang tên “Cây Dừa”. Cô chủ quán mới với khuôn mặt dễ thương, dáng thanh mảnh, ăn mặc hợp thời trang lại nói năng mềm mỏng, khéo chiều chuộng các “Thượng đế” nên chẳng bao lâu, khách bảo nhau đến quán ngày càng đông, Hoài phải thuê thêm nhân viên giúp việc.
Đêm xuân. Trời se lạnh. Lực đến nơi hẹn sớm. Với bao nhiêu dự định trong đầu về hạnh phúc, về cuộc sống cho tương lai… Hơn lúc nào hết, anh nóng lòng mong gặp người yêu để chia sẻ. Anh rất cần sự động viên khích lệ của Hoài.
...Thời gian cứ trôi đi, 10 phút, 30 phút… rồi hàng giờ đồng hồ vẫn chưa thấy bóng dáng người yêu. Từ thắc thỏm sốt ruột rồi cồn cào lo lắng. Hay có chuyện gì đã xảy ra? Câu hỏi không được trả lời nên Lực càng đứng ngồi không yên. Đám cỏ dưới chân vô tình bị đế dép tổ ong của Lực chà nát. Đang định đến nhà Hoài xem sao thì cô xuất hiện. Lực vội bước đến định ôm choàng lấy người yêu nhưng không hiểu sao thái độ của Hoài hôm nay rất lạ, cô lảng tránh vòng tay nồng nàn yêu thương của Lực. Không một lời giải thích về sự chậm trễ của mình, cô lạnh nhạt: Em đã quyết rồi, đây là buổi gặp nhau cuối cùng. Em không thể làm vợ anh để suốt đời cắm mặt xuống đất kiếm củ khoai, hạt thóc, nheo nhóc với đàn con như lợn nái trong chuồng. Em sẽ đi tìm cuộc sống mới của em… Hoài còn nói nhiều, nhiều nữa nhưng tai Lực đã ù lên, không còn nghe thấy gì.
Hoài đã bỏ đi từ lúc nào, còn Lực vẫn đứng đó như trời trồng, ngỡ ngàng, đau đớn và thất vọng…
Ngay đêm ấy, Hoài bỏ nhà ra đi cùng với ba cô gái khác ở xã bên. Một chiếc xe con với một tay dẫn mối bé loắt choắt đang chờ họ ở ngay đầu làng.
Những cô gái quê tội nghiệp, sau khi xe chuyển bánh một lát đã nôn ra mật xanh mật vàng, không còn biết trời đất là gì nữa.
Rồi các cô bị đánh thức dậy trước một ngôi nhà năm tầng. Một gã ăn mặc rằn ri nét mặt dữ tợn, cổ và tay đều đeo dây xích bạc to đùng, hắn đưa các cô lên tầng thượng, cục cằn, chỉ nói mỗi một câu cộc lốc: Tạm nghỉ ở đây, rồi quay gót.
Có lẽ chẳng sự học nào lại nhanh, nhậy bằng sự học làm đẹp của phụ nữ. Chỉ sau ít bữa người ta đã khó có thể nhận ra những cô gái nông thôn chân chỉ hạt bột.Trong những bộ váy áo thiếu vải, khoe thịt họ đã nhanh chóng hóa thân thành gái nhà hàng thứ thiệt.
Có thể nói, nổi bật trong số đó là Hoài. Với nước da trắng hồng trời phú, cặp mắt to, đen, hai lúm đồng tiền duyên dáng và ba vòng: ngực, mông, eo lý tưởng, bằng con mắt tinh đời, bà chủ nhà hàng Động Tiên này đã biết chắc rằng Hoài sẽ là cái máy in tiền cho bà ta.
Buổi tiếp khách đầu tiên trong phòng Vip, được thông báo là phải chiều chuộng một đại gia khiến Hoài hồi hộp chờ đợi. Bỗng cửa phòng kẹt mở, trước mắt cô là một người đàn ông tai to mặt lớn, dáng vẻ đường bệ nhưng chắc phải trạc tuổi cha cô. Sau khi sập cửa, gài lại cẩn thận, ông ta quăng cái cặp đen xuống ghế rồi hướng mục kỉnh về phía cô. Bất ngờ ông ta nhào tới bế xốc cô lên giường, miệng phả ra toàn mùi rượu bia. Ông ta cứ rên rỉ: Ôi, thiên thần bé bỏng của anh!... Cô đang lúng túng, chưa biết làm gì thì những ngón tay mập mạp của ông ta đã thành thạo lột trần cô như nhộng.
Sau khi đã thỏa mãn cơn dục, vị ấy đẩy cô sang một bên, cúi tận mắt nhìn những vệt hồng nhầy nhầy trên tấm ga trắng tinh, vị ấy mỉm cười mãn nguyện rồi mở ví lấy ra hai tờ 500 000 mới kính coong gài vào chỗ kín của cô: Phần thưởng cho em đấy. Ngoan nhé. Anh sẽ thường xuyên đến thăm.
Từ một gái quê ngây thơ e ấp, Hoài đã trở thành tâm điểm của “ Động Tiên” làm mê mẩn bao vị có máu mặt trong và ngoài thành phố. Cô quay cuồng trong vòng xoáy tiền bạc. Cô hãnh diện với những bộ trang phục đắt giá, với vòng xuyến đầy cổ, đầy tay. Cô cảm thấy cuộc đời thực sự lên tiên…
Nhưng tuổi trẻ và sắc đẹp cũng chỉ như hương như hoa, sẽ phai tàn theo năm tháng. Thời hoàng kim của cô cũng không thể kéo dài mãi mãi. “Động Tiên” nhiều lần đã thay chủ nhân mới của các bữa nhậu thâu đêm suốt sáng. Khách tìm đến cô cũng đã thưa dần. Cô bắt đầu nghĩ đến việc phải lo cho mình một nơi nương tựa. Một hôm, sau khi lên giường với vị khách đã từng gắn bó với cô nhiều năm, lựa lúc ông ta vui vẻ Hoài liền kéo tay, nũng nịu: Anh hãy cho em một thân phận. Em sẽ từ bỏ tất cả để một lòng một dạ hầu hạ anh. Ông ta liền cau mày cười nhạt: Không được, em đã “làm vợ khắp người ta” thì sao có thể chính chuyên. Như bị một cái tát xây xẩm mặt mày, chẳng còn gì ê chề nhục nhã hơn.
Ông khách đã đi từ lâu, còn cô vẫn nằm trơ ra đó như kẻ mất hồn. Cô hận cuộc đời, hận ông ta và hận cả sự nhơ nhuốc của bản thân mình. Kể từ ngày xa quê, đây là lần đầu tiên cô rơi nước mắt.
Nhưng lòng kiêu hãnh của cô đâu thể dễ dàng bị quật ngã, cô nghĩ: bọn lắm bạc nhiều tiền phụ ta thì có thiếu gì kẻ nghèo hèn sẵn sàng chết dưới chân ta. Và đối tượng đầu tiên cô nghĩ đến là người xe ôm gần đây vẫn thường chở cô đến các tụ điểm. Anh ta tuy nghèo nhưng mặt mũi sáng sủa, lại nhanh nhẹn khỏe mạnh, chu đáo. Thế rồi vào một đêm rất khuya, sau khi đi khách về, Hoài chủ động mời người xe ôm ấy vào phòng. Sau khi tự tay khui hai lon bia rót đầy hai chiếc cốc thủy tinh trong suốt, cô bất ngờ hỏi: Anh thấy tôi thế nào? Đẹp! Tôi lại có khá nhiều tiền nữa. Thế thì còn gì bằng. Anh có thích tôi không? Đẹp thì ai chẳng thích. Phần thắng tưởng như đã nắm chắc trong tay, cần gì phải úp mở nữa, cô liền nói toạc: thế thì chúng ta thành vợ thành chồng nhé, tôi sẽ bỏ cái nghề này, ta sẽ mở một cửa hàng kinh doanh lớn, sẽ sống một cuộc đời vương giả… Cô tưởng hắn sẽ vồ lấy cô vì sung sướng nhưng hắn chỉ cúi đầu im lặng rồi ngước lên nhìn cô, dứt khoát: Không. Tôi không dám. Bọn đàn ông chúng tôi không bao giờ bỏ được tính ghen tuông. Có lấy nhau thì trước sau cũng tan đàn sẻ nghé thôi. Người chồng sẽ luôn bị ám ảnh rằng vợ mình đã từng qua tay bao nhiều kẻ khác…
Không thể chịu đựng được những lời bộc bạch chân thành của gã xe ôm, cô rít lên trong cổ họng: Thôi, đủ rồi, anh cút đi, tôi không muốn nhìn thấy mặt anh nữa. Người xe ôm lặng lẽ ra khỏi cửa. Căn phòng trống vắng chỉ còn mình cô với bao câu hỏi, bao ý nghĩ mông lung: Ôi, đến gã xe ôm mạt hạng cũng khinh mình ư? Một kẻ khố rách áo ôm như gã mà cũng từ chối mình ư!? Cô đau xót nhận thấy bị lạc lõng giữa chốn phồn hoa đô hội này: Không người thân, không bè bạn, sống nhơ nhớp với cái “vốn tự có” thì bị trả giá bằng sự khinh bỉ là đương nhiên thôi. Trong phút tuyệt vọng nhất, cô chợt nhớ đến quê hương. Đã hơn mười năm kể từ ngày bỏ làng ra đi cô chưa một lần trở lại, tuy thỉnh thoảng vẫn gửi tiền về nhà nhưng cô dấu hết thân phận, địa chỉ để nuôi tâm nguyện sẽ có một ngày vinh hoa phú quý trở về…
Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán thiệt hơn, cô quyết định về quê, đất mẹ rộng lòng sẽ chẳng nỡ chối bỏ đứa con lầm lỗi.
Khi chiếc taxi vừa đến đầu làng, chính cái nơi hơn mười năm trước cô đã bước chân lên chiếc xe định mệnh, cô hết sức ngỡ ngàng thấy sự đổi thay của quê hương. Khu đồng trũng trước mặt, xưa bỏ hoang hóa thì nay đã là một trang trại rộng lớn với vườn cây, ao cá và cả hệ thống chuồng trại khang trang, xa xa phía thôn xóm, xưa nhà gianh vách đất thì nay đã sừng sững mọc lên nhiều nhà cao tầng…
Bảo cho xe tấp vào một quán nước ven đường, sau khi đã cẩn thận kéo sụp chiếc mũ xuống che nửa mặt và đeo thêm cái kính râm to đùng, cô bước xuống xe. Bà chủ quán là người niềm nở, vui chuyện chẳng mấy chốc đã nhanh chóng cung cấp cho cô những thông tin cần thiết. Tay rót nước mời khách, miệng vừa nhai trầu bà cụ vừa kể:
… Quê tôi xưa nghèo khổ lắm, bây giờ thì khá giả rồi cô ạ. Cứ nhìn cái trang trại của giám đốc Lực trước mặt kia thì biết. Được nhà nước và địa phương tạo điều kiện cho vay vốn, chú ấy đã thuê khu đồng trũng này làm trang trại. Lúc đầu cũng gian nan lắm nhưng chú ấy không nản. Mấy năm nay làm ăn phát đạt, là điển hình đổi mới đấy. Các đoàn ở Trung ương và trong ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm luôn luôn. Chợt có đoàn người từ văn phòng trang trại đi ra, bà cụ hãnh diện chỉ người thanh niên tầm thước măc áo sơ mi trắng đang tươi cười hướng dẫn khách: Đấy, giám đốc Lực đấy. Chú ấy đã tạo nhiều công ăn việc làm cho con em ở làng xã. Ai cũng yêu mến chú ấy. Rồi bà cụ bỗng chép miệng: Trước đây nhà giám đốc nghèo lắm nên bị cô người yêu bỏ để đi tìm sung sướng nơi Thành phố. Khổ, gái nhà quê thì biết làm gì, lớ ngớ nơi phố xá rồi cũng đến thành trò chơi cho người ta mất thôi…
Nghe chuyện, Hoài có cảm giác như bà cụ đang ám chỉ mình, đang trách móc mình. Vừa ân hận, vừa hổ thẹn, cô vội vàng mở ví lấy tờ 100 000 đưa cho bà cụ rồi lên xe bảo tài xế quay về Thành phố.
Chiếc taxi quay đầu vội vàng như chạy trốn, cuốn theo lớp bụi màu đất quê hương và lời gọi với theo của bà cụ: “Ới cô gì ơ… ơi, còn thừa tiền nà… ày”
Trở về Thành phố, căn phòng cũ đã có người thuê, Hoài bảo lái xe đưa cô đến khách sạn nghỉ. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, cô quyết định từ bỏ cái nghề nhơ nhớp để làm lại cuộc đời.
Sáng sớm hôm sau, cô bắt xe đến một phố biển xa xôi, hy vọng sẽ không một ai còn biết đến mình.
Sẵn có tiền, lại tháo vát thông minh, cô nhanh chóng thuê lại được một quán cà phê giải khát ở sát bờ biển mang tên “Cây Dừa” . Cô chủ quán mới với khuôn mặt dễ thương, dáng thanh mảnh, ăn mặc hợp thời trang lại nói năng mềm mỏng, khéo chiều chuộng các “Thượng đế” nên chẳng bao lâu, khách bảo nhau đến quán ngày càng đông, Hoài phải thuê thêm nhân viên giúp việc.
Đã mấy tuần liền, Hoài quan sát thấy trong số khách quen của quán có một vị rất đặc biệt. Có lẽ anh ta hơn cô chừng dăm bẩy tuổi, nước da ngăm đen, dáng người to cao khỏe mạnh. Cứ chừng bốn giờ chiều anh ta xuất hiện, chọn cái bàn nhỏ ở gốc cây dừa, gọi một tách cà phê phin rồi nhâm nhi đến tận tối. Nhìn nét mặt đăm chiêu như có tâm sự không vui của người đàn ông ấy, lòng cô bỗng trào dâng niềm trắc ẩn, cô cầm cốc nước dừa đến bên bàn rồi kéo ghế ngồi đối diện. Hình như không chịu nổi cái nhìn của Hoài, vị khách bâng quơ mở lời: Chiều rồi mà sao còn oi bức thế không biết! Cô mỉm cười: Thế sao anh không gọi cốc dừa đá? Cô quay vào bảo nhân viên mang dừa đá ra. Từ hôm ấy Hoài cứ có ý ngóng vị khách đặc biệt. Mỗi khi anh ta đến, dù bận đến đâu cô cũng tranh thủ ngồi bên anh một lát. Mỗi lần anh ta đến muộn lòng cô lại cồn cào lo lắng, lo sợ có điều gì bất trắc xảy ra… Rồi họ trở nên thân thiết, gắn bó từ khi nào không hay.
Bẵng đi vài tháng mới thấy anh xuất hiện. Sau khi cạn chén trà, với nét mặt trang trọng anh bảo: Tối nay chị có rảnh không? Có thể dành cho tôi một chút thời gian? Vâng! Hoài luống cuống suýt đánh rơi chiếc cốc.
Biển về đêm thơ mộng xiết bao. Những vì sao trên trời như sà xuống mặt biển, lấp lánh như dải ngân hà.Tiếng sóng hôn bờ dào dạt yêu thương. Họ sánh đôi bên mép nước, nghe gió mơn man trên mái tóc phiêu bồng. Bất chợt anh nắm lấy tay Hoài, nồng nàn kéo về phía mình: Hãy nói gì đi em, rằng em có mến anh không? Đã từng chung đụng với bao nhiêu đàn ông, tưởng như đã quá chai sạn với những rung động tình cảm thế mà trong giây phút này cô không sao kìm nén được lòng mình, hạnh phúc tưởng như trong mơ dâng trào khiến cô như nghẹt thở. Khuôn ngực vạm vỡ của anh cảm nhận được tấm thân mảnh mai của cô đang run lên và những giọt nước mắt ấm nóng của cô đang lăn xuống…
Đêm ấy họ ngồi bên nhau đến sáng, kể cho nhau nghe về những tủi nhục, thăng trầm của cuộc đời mình: Anh mồ côi cha mẹ từ tấm bé nên họ hàng đặt cho cái tên là Côi, được cô ruột nuôi cho ăn học nhưng khi chưa hết cấp III thì cô bị tai nạn giao thông qua đời. Không nơi nương tựa, cậu bé mồ côi ngày ấy phải đi đánh giầy, nặn than, thậm chí phải ăn cắp mà sống. Sau nhờ có sức khỏe, được người ta cho làm cửu vạn trên chuyến tàu vượt biển sang Hồng Kông rồi phiêu dạt đến các nước Đông Âu. Vốn con nhà nghèo nên Côi chịu được mọi cực khổ, làm được mọi việc khó nhọc, mạo hiểm, kể cả làm đầu gấu để tồn tại. Ngót hai mươi năm có mặt ở hầu hết các nước Đông Âu, Tây Âu bươn trải làm ăn cũng kiếm được khá tiền nhưng buồn. Buồn vì thiếu quê hương, vì lang thang chui lủi trên đất khách, bị khinh rẻ, như con chim lạc đàn không tổ ấm. Nghe nói bên mình cho mở cửa làm ăn Côi rủ mấy người bạn về nước chung vốn mở công ty kinh doanh ngay trên thành phố quê hương này. Còn cô cũng không giấu anh điều gì, về mọi nỗi niềm riêng tư tủi nhục, về canh bạc của cuộc đời mình. Côi ân cần, lau khô những giọt nước mắt cho cô và ngỏ lời muốn cùng cô xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Cô thầm cảm ơn Trời Phật xót thương đã xui khiến cho hai con người cô đơn lạc loài gặp được nhau, sẻ chia cho nhau.
Đêm đã tàn. Mặt trời đỏ rực đã nổi bồng lên khỏi mặt biển. Một ngày mới bắt đầu.
Hoài cảm thấy cuộc đời như đang bồng bềnh trên mây, ngất ngây trong hạnh phúc. Rồi họ bàn tính sẽ làm đám cưới sớm. Côi âu yếm bảo Hoài phải nhanh chóng sinh cho anh những đứa con dễ thương. Sẽ chẳng có gì nhiêu khê vì anh là con côi còn Hoài định sau đám cưới mới đưa chú rể về ra mắt gia đình, chỉ cần làm thủ tục với địa phương rồi ra khách sạn vui với bạn bè là xong. Trước hôn lễ Côi phải ra nước ngoài ký hợp đồng với đối tác. Hoài ở nhà cứ khắc khoải mong Côi từng giờ. Không hiểu vì sao thời gian gần đây Hoài luôn thấy trong người mệt mỏi, thỉnh thoảng lại gai gai sốt, Hoài rất lo, sắp đến ngày cưới rồi mà ốm thì nguy. Cô quyết định phải đến bệnh viện khám sức khỏe. Khi lấy kết quả thì nhân viên y tế lại bảo phải chờ mấy ngày nữa khiến cô vô cùng sốt ruột. Đúng hẹn, vị bác sĩ già ngắm cô một lát vẻ ái ngại rồi trao cho cô hồ sơ xét nghiệm. Linh tính mách bảo có điều chẳng lành, Hoài bàng hoàng không tin ở mắt mình: Có phản ứng dương tính với HIV ư? Trời đất bỗng quay cuồng, chân tay như rời rụng. Không hiểu bằng cách nào cô cũng về được đến quán hàng. Sau khi đóng chặt các cửa, Hoài nằm vật ra giường, khóc không ra tiếng, lòng trống rỗng. Thế là hết! Hết tất cả! Cái giá phải trả cho canh bạc cô đã lựa chọn sao mà khắc nghiệt. Phải chăng đó là luật chơi? Là luật đời? Mà đã là luật thì đành phải chấp nhận thôi. Bỗng tỉnh táo hơn lúc nào hết, cô trở dậy gom hết tiền bạc, chỉ giữ lại cho mình một chút còn bao nhiêu cô ra bưu điện gửi tất về nhà cho mẹ, với dòng tin ngắn gọn: “Tôi là người được Hoài ủy thác gửi số tiền này cho gia đình, xem như một chút ân nghĩa sinh thành của cô ấy với mẹ cha. Ngay sau khi số tiền này gửi đi thì Hoài đã không còn nữa. Cô ấy nhờ nhắn hộ: Xin cha mẹ hãy mở lòng tha thứ cho đứa con bất hiếu và gia đình đừng đi tìm mà phí công vô ích”.
Nửa đêm hôm ấy Hoài đi ra bờ biển, nơi mới hôm nào hai người còn ngồi tâm sự, sẻ chia cho nhau tất cả những điều sâu kín nhất trong lòng, cùng họa lên một viễn cảnh hạnh phúc cho tương lai… Thế mà giờ đây chỉ còn lại dấu chấm hết!
Không một vì sao, biển tối đen như mực. Trời bắt đầu trở gió. Cô đến mép nước rồi cứ tiến ra xa. Xa mãi.
Sáng sớm hôm sau một tốp ngư dân dong thuyền đi biển sớm thấy xác một cô gái trẻ dạt vào bờ, mặt mũi chân tay vẫn như còn tươi nguyên. Bộ quần áo thun vẫn bó chặt lấy cơ thể. Trên chiếc cổ kiêu ba ngấn được cột chặt một chiếc túi nhỏ. Bác ngư phủ cao tuổi nhất cởi chiếc túi đó ra xem thấy bên trong có một bọc ni lông dán kín gói hai mươi triệu đồng và một bức thư tuyệt mệnh: “Số tiền này tôi xin được trao cho người hảo tâm giúp đỡ. Xin cho tôi một nấm mộ ven đường, nơi có nhiều người qua lại để vong hồn tôi bớt cô đơn. Ngàn lần cảm tạ”.
Ít lâu sau người ta thấy trên nấm mộ vô danh xuất hiện tấm bia đá, và tháng nào cũng có một người đàn ông còn trẻ đi ô tô đến thắp hương, trải hoa trên mộ người xấu số. Họ kháo nhau rằng, đó là vị giám đốc một công ty gì đó khá lớn ở trên tỉnh, ông còn là nhà tài trợ thường xuyên cho chương trình phòng chống HIV của Thành phố.
Tin cùng chuyên mục
Đâu rồi những đàn chim bay qua mùa thu
24/10/2015
Đôi điều cảm nhận về hồn thơ Đoàn Thị Tảo
21/10/2015
Gánh hàng rong của mẹ
11/10/2015
Bù nhìn coi ngô
03/10/2015
Nghề đánh đá ong xứ Đoài
03/10/2015
Thiên nhiên - Con người - Một thế giới
29/09/2015