Tản văn: Tháng mười một trải lòng!
Thế là Tháng 11 đã lại về! Vẫn biết rằng đức tôn sư trọng đạo, lòng yêu nghề…phải được trang trọng ghi nhận trong trái tim mỗi người suốt cả năm, cả đời. Nhưng tháng 11, bao giờ những người làm nghề dạy học chúng mình cũng đặc biệt ghi nhớ. Tháng này có ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cũng là ngày Hiến chương các nhà giáo 20-11 (FISE) mà cả thế giới tôn vinh những người làm nghề dạy học, một nghề cao quý trong những nghề cao quý.
Ngoài đường, lớp lớp học trò đem những bó hoa tươi thắm đến tặng các thầy cô giáo. Hầu hết các trường học đều trương những băng rôn với dòng chữ thật nhân văn: “Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11” hoặc là “Tiên học lễ hậu học văn”… Đọc những câu chữ ấy mỗi nhà giáo chúng ta đều thấy ấm lòng. Tôi - người viết những dòng này- cũng như các bạn đồng nghiệp thôi, thường hay tự soi lại lòng mình xem đã xứng dáng với sự vinh danh của cuộc đời dành cho nghề nghiệp của mình hay chưa?
Cũng dịp đầu tháng 11 năm 2014 này tôi được gặp gỡ họp mặt cùng các bạn thời sinh viên Sư phạm ngày xưa. Cả hội sinh viên Khối Hóa 3 của Khoa C6, thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm nào tụ bạ về tận đất Hải Dương để được gặp lại nhau. Cái thời mà sinh viện sư phạm cay đắng gọi là : “Ăn như sư,ở như phạm” với bao nhiêu dạt dào kỷ niệm. Người ta thường nhớ nhiều về thuở tủi cực, mấy ai nhớ nhiều cái lúc phong lưu. Trong cuộc gặp mặt của các cựu giáo chức ấy, nhiều người đã lên ông, lên bà, có người lên cụ rồi, tất thảy đều rất mãn nguyện, tự hào về nghề nghiệp của mình. Và đây đó tôi được nghe cả những điều trăn trở, thậm chí ân hận bởi những năm tháng đứng trên bục giảng đã chưa làm hết được những điều mình mong muốn. Nhưng điều còn lại cuối cùng vẫn là tình người mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được.
Tôi có một người thầy mà trong trái tim mình rất mực kính trọng. Thầy Nguyễn Minh, giảng viên môn Hóa đại cương mà nhiều sinh viên ngành Hóa học của Sư phạm Hà Nội những năm xưa đều biết và nhớ. Thầy đã ngoại bát tuần, đang nghỉ hưu và dưỡng bệnh tại nhà riêng ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mới đây tôi điện thăm, thầy tâm tình với tôi rằng :“Thầy bị ung thư trực tràng nằm đây không đi lại được, cái quy luật sinh-lão-bệnh-tử mà ! Có học trò từ ngoài Bắc điện vào hỏi thăm Thầy hạnh phúc lắm. Nếu cuộc đời cho hồi sinh trở lại thì thầy vẫn chỉ chọn làm nghề dạy học thôi… ”.
*
Nhưng, những năm tháng gần đây tôi thấy rất buồn lòng. Đây đó có những chuyện dạy giả, học giả nhưng bằng thật mà các cơ quan thông tấn báo chí đã phơi ra quá nhiều. Ở một vài nơi trong nước còn có cả chuyện tày trời, học trò đánh, chém cả thầy, cô giáo. Có những thầy cô không còn chút liêm sỉ rao bán cả bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…Có trường học còn tạo ra những khoản thu bất chính, những cơ chế mà buộc phụ huynh học sinh phải phong bao, phong bì. Có những thầy cô chủ nhiệm muốn thu tiền của trò với ngàn lẻ một lý do, nhưng để trốn tránh trách nhiệm thì thông qua Ban đại diện phụ huynh (lớp học nào, trường học nào mà không có Hội phụ huynh!) Cứ thế, những hành vi không đẹp ấy làm mờ dần đi hình ảnh đẹp đẽ về người thầy. Những thầy giáo, cô giáo chân chính và tâm huyết với nghề mỗi khi nghĩ và nói về chuyện này đều rất đau lòng. Vẫn biết rằng con sâu bỏ rầu nồi canh, nhưng nếu cả bầy sâu xâm thực vào thì nồi canh thật khó chữa.
Đã có nhiều ý kiến muốn chỉ ra đâu là nguyên nhân của những sa sút đáng ngại đó của nghề Giáo dục đào tạo. Phần nhiều những lời trách cứ hướng về “Bộ Tư lệnh” của ngành - Đó là Bộ Giáo dục và đào tạo. Cổ nhân đã dạy: Sai một ly đi một dặm. Mỗi chủ trương đưa ra đều ảnh hưởng đến toàn ngành, toàn xã hội. Nhìn lại những năm qua, có thể liệt kê ra chồng chất những chủ trương, quyết định thiếu chuẩn của “Bộ Tư lệnh”, có những quyết định mà chưa đầy một tháng sau khi ban hành đã phải ký văn bản phủ nhận (chẳng hạn như QĐ tặng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học. Hoặc như chủ trương yêu cầu học sinh mua hàng vạn máy tính bảng…v.v) .Những quyết định, chủ trương được hình thành trong “nhà kính”, xa thực tiễn và bất khả thi như thế.,Vậy làm sao có thể đòi hỏi có trường chuẩn, có lớp chuẩn được ? Làm sao có thể cho ra đời những lớp học trò chuẩn được? Nhìn tình trạng xuống cấp toàn diện của sự nghiệp giáo dục hiện nay, không ít các thầy, cô giáo tâm huyết, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã phiền lòng, thở dài và thốt lên :“Toét mắt bởi tại hướng đình thôi !”.
Và tôi đã tự hỏi: Vì sao không có được một Hội nghị Diên Hồng về Giáo dục và Đào tạo nhỉ?