Chuyện bây giờ mới kể
Cả bốn con người cùng nghĩ suy, hồi tưởng, bất chợt có đoàn cán bộ công đoàn, thanh niên cùng mấy bà con hàng xóm đến chơi. Cánh cổng bật mở, ánh nắng chiều từ phía núi Tản Viên chiếu vào làm cả căn nhà ánh lên màu vàng ruộm. Tiếng cười xen lẫn tiếng chào nhau rộn rã, làm bừng lên trên khuôn mặt mỗi người những niềm vui, nỗi buồn và suy tư khó tả. (Nguyễn Quang Tình - Chuyện bây giờ mới kể)
I
Được tin cô con gái rượu đi học cao học ở nước ngoài về và mang theo chàng rể tương lai để giới thiệu với gia đình. Cả nhà ông Ngọc Thế, bà Hà Linh cứ cuống lên vừa vui vừa bận rộn, nào là sắp xếp nhà cửa đến chuyện mượn xe ô tô loại nào để đi sân bay đón con, rồi thì cả cái chuyện mua hoa gì tặng con và khách ? Ngày về của Nhất Linh cũng như số hiệu của chuyến bay cũng đã được thông báo cho cả nhà. Chiếc xe ô tô Lếch xù mới toanh loại bảy chỗ đã đứng chờ ở cửa sân bay trước giờ gần một tiếng. Vì có cuộc họp đột xuất nên ông Thế phải đến cơ quan, mọi việc đón rước đã được bà Hà Linh và cô con gái Nhị Linh chuẩn bị gồm hai bó hoa hồng tươi rất đẹp, máy quay phim kiêm chụp ảnh mi ni, riêng quần áo mặc và đầu tóc cũng được lựa chọn cẩn thận từ mấy hôm nay rồi. Đúng giờ, chiếc tầu bay Bô inh to đùng của hãng hàng không Anh quốc hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Hành khách trên chuyến bay này với rất nhiều quốc tịch khác nhau hối hả xuống cầu thang và xếp hàng vào cửa ra, tại nhà chờ thấp thoáng đã có người làm xong thủ tục hải quan đi ra. Mặc dù lượng khách rất đông nhưng bà Hà Linh và cô con gái Nhị Linh cũng đã nhận ra người nhà của mình là Nhất Linh đang cùng một chàng trai đẩy xe hành lý ra cửa. Cả hai mẹ con ùa vào tặng hoa và hỏi thăm rối rít, cậu bạn trai của Nhất Linh ngượng nghịu nhận hoa và lí nhí nói lời cảm ơn. Sau khi yên vị, chiếc xe từ từ chuyển bánh đưa tất cả mọi người về nhà trong nội thành Hà Nội. Cậu Phương Vinh (con rể tương lai) có vẻ hơi buồn vì nhớ mẹ, biết mẹ sức khỏe yếu lại bị say xe nên việc về nước lần này cậu chưa báo cho mẹ biết với lại muốn dành cho mẹ sự bất ngờ nữa. Đường về hôm nay rất may không bị tắc nên chỉ gần một giờ mọi người đã có mặt tại nhà, ai cũng vui mừng, riêng cô em gái Nhị Linh cứ luôn miệng hỏi thăm tíu tít là bên Tây có lạnh không, ăn uống có hợp khẩu vị không, có cơm và cá kho tương như ở nhà không? Kể từ lúc gặp anh rể tương lai, Nhị Linh cứ thấy một cảm giác rất lạ, anh ấy đẹp trai, cao to, da trắng hồng với hàng râu xanh mờ đều rất nam tính và mạnh mẽ. Nhưng không hiểu sao lại khó tả cảm xúc khi mới gặp lần đầu thế nhỉ? Sắp xếp đồ đạc vào trong nhà xong cũng vừa lúc ông Thế ở cơ quan về đến cổng. Mọi người cùng đứng lên ra chào, người mà ông nhìn thấy đầu tiên là bạn trai và là người yêu của con gái ông, cũng không hiểu sao khi hai người nhìn thấy nhau ông Thế lại thấy trong mình như có một luồng điện xung không nóng mà người có cảm giác bị gai gai. Sau khi gặp gỡ mọi người giới thiệu lẫn nhau để làm quen, tất cả mọi người có mặt trong phòng khách đều rất vui và nhận thấy giữa Phương Vinh (người yêu của Nhất Linh) và ông Ngọc Thế lại có một cái gì đó là lạ? Từ dáng người, mầu da đến khuôn mặt đều như có cùng những nét tương đồng? Chả ai bầy tỏ suy nghĩ riêng, và nếu có thì cũng cho đó là chuyện thường tình, thiếu gì người giống nhau ở đời! Chỉ có điều Vinh còn trẻ lại ở châu Âu lâu ngày mới về nên cứ bẽn lẽn không được tự nhiên, đôi môi và má đỏ như con gái tuổi dậy thì, nhưng không hiểu sao đôi mắt cứ hay nhìn xuống và như trong đó chứa ẩn một nỗi buồn mơ hồ gì đó, còn chiều cao thì hơn ông Thế nửa cái đầu. Sau cuộc gặp gỡ nói chuyện sơ qua, hai vợ chồng ông Ngọc Thế có việc phải đi, buổi chiều Nhị Linh rủ cả Phương Vinh cùng Nhất Linh đi chơi siêu thị gần nhà tiện thể mua đồ ăn nguội cho buổi tối.
Vào lúc thành phố bắt đầu lên đèn thì cả hai ông bà cùng về, bữa tối được dọn lên, mọi người vào bàn. Mặc dù sống ở thành phố đã lâu, song ông Thế vẫn quen ăn các món cũ mà mọi người vẫn gọi là của thời bao cấp gian khổ, ông chỉ thích ăn cá kho tương mặn, dưa chua, canh bầu bí … những món ăn tây như dăm bông, xúc xích, pa tê, bơ, sữa, bánh mỳ đen... ông đều không thích. Ai cũng bảo thời mở cửa đổi mới sướng thật, cái gì cũng có. Ngày trước quanh năm đói, lúc nào cũng thiếu ăn thấy cái gì cũng thèm, còn bây giờ đầy đủ cả thì lại chẳng ăn được bao nhiêu. Sau bữa ăn tối, ba mẹ con nhà bà Hà Linh chuyển sang phòng bên ngồi nói chuyện, phòng khách chỉ còn lại hai người đàn ông. Ông Thế hỏi về nghề nghiệp, gia đình và dự kiến tương lai của Phương Vinh.
Phương Vinh kể: Bố cháu quê Hải Phòng, mẹ quê ở Hải Dương, sinh cháu ở thị trấn Anh Đông, bố làm thợ hàn, mẹ là công nhân cốt thép trong một công trình xây dựng của ngành than. Vinh là con trai duy nhất, bố mất sau một thời gian bị tai nạn lao động, mẹ nuôi Vinh lớn lên trong xóm thợ của ngành than. Cuộc sống của những gia đình công nhân xây lắp cứ nay đây mai đó, lúc ở công trường Anh Đông sau lại chuyển lên Nguyên Thái. Bố thường xuyên đi theo công trình xây dựng, còn hai mẹ con được ưu tiên ở lại từ lúc Vinh đi học lớp một. Tuy học ở một vùng quê ngoại thành nhiều khó khăn, gia đình kinh tế không dư giả nhưng Vinh rất chăm học nên năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lên cấp phổ thông trung học được tuyển vào lớp chọn chuyên toán, nhưng môn thích và đam mê nhất lại là môn Vật lý. Hết năm học lớp 11, Vinh được chọn đi thi môn Lý cấp Quốc gia và đạt giải nhì, sau đó lại được chọn cử đi thi Toán quốc tế và đạt giải ba. Một điều may mắn nữa là Vinh lại được học bổng đi du học nước ngoài, và ở nơi xa Tổ quốc ấy Vinh đã gặp và yêu Nhất Linh. Kết thúc kỳ thi đạt loại giỏi, được thầy giáo hướng dẫn, nhà trường cho học tiếp lên cao học và bảo vệ xong luận án tiến sỹ. Vinh đã được mời ở lại làm việc hoặc giảng dạy tại trường mình đã học, nhưng Vinh đã từ chối vì thương nhớ mẹ và cũng nhớ lời dặn của bố lúc còn sống là “ Sau này con có học gì, làm nghề gì thì cũng xin vào ngành than để làm việc và cống hiến, vì gia đình mình chịu ơn các bác, các cô, chú của ngành Than nhiều lắm”. Những câu chuyện kể của Phương Vinh nghe lõm bõm, ngắt quãng …rồi cả tên bố và mẹ của Vinh cùng vùng đất mà gia đình Vinh đã ở làm cho Ngọc Thế giật mình và dần hồi tưởng lại quãng thời gian tuổi trẻ của mình cách đây hơn hai mươi năm về trước !
II
… Những năm giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ hai mươi, đất nước mới đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc dài nhất trong lịch sử được vài năm lại trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, bị cấm vận, lạm phát tăng cao chưa từng có, cuộc sống của những người cán bộ công nhân vô cùng vất vả. Các gia đình cán bộ công nhân với cuộc sống bao cấp, gạo muối, thịt, cá, thậm chí cả rau quả cũng đều phải mua bằng tem, phiếu. Cán bộ nhân viên khối cơ quan chỉ được cung cấp 13 ki lô gam gạo một tháng, từ 3,5 lạng đến 5 lạng thịt lợn, 1 cân cá mắm, nửa lít nước mắm và 0,5 kg đường… Ngọc Thế là kỹ sư mỏ học ở Liên Xô về được tiếp nhận vào làm việc ở phòng kỹ thuật, đang sống và học tập ở một đất nước phát triển có cuộc sống sung sướng phải về làm ở một môi trường vất vả, Thế không khỏi suy nghĩ và buồn chán. Tuy vậy do phong trào Đoàn thanh niên ngày ấy rất sôi động đã níu kéo anh đến với các sinh hoạt tập thể. Đẹp trai, trắng trẻo, hát hay, đàn giỏi nên anh đã được cử vào đội văn nghệ của công ty đi biểu diễn tại các công trường và xí nghiệp trực thuộc. Trong khu tập thể nghèo nàn với toàn nhà tranh, tre dựng lên cho các gia đình cán bộ, công nhân trong đó có gia đình của đôi vợ chồng công nhân cơ khí. Họ sống với nhau vui vẻ và không hề điều tiếng gì với ai trong khu tập thể và đơn vị, chỉ có điều nghe nói họ lấy nhau từ lâu mà chẳng có con. Cùng ở tập thể gần gia đình ấy, Thế vẫn đến chơi luôn sau những chuyến công tác và biểu diễn văn nghệ về. Anh chị ấy sống rất cởi mở và coi Thế như em trai, nhiều buổi tối Thế còn gửi gạo nhờ nấu cơm chung để ăn cùng với gia đình. Những lúc hứng chí cả hai anh em còn uống với nhau một vài chén rượu nữa. Một chiều thứ bảy có mưa dầm, bên chai rượu và đĩa lạc rang hai người đã uống và tâm sự. Khi đã có rượu vào thì người ta thường nói thật tất cả những suy nghĩ của mình, chai rượu trắng nút lá chuối khô đã vơi gần đến đáy, trên gương mặt rắn rỏi của Hoàng Phương xuất hiện một nỗi buồn nặng trĩu. Phương kể với Thế “ Anh đi bộ đội lúc còn trẻ, khi đang học lớp mười, cả nước tổng động viên, thế hệ của anh xếp bút, sách lên đường. Những học sinh cuối lớp 10 được đặc cách cấp bằng tốt nghiệp cấp III, rồi theo đồng đội vào chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Anh đóng quân ở vùng Quảng Trị sau được điều vào chiến trường Tây Nguyên, rồi sau giải phóng lại vào chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, bị thương và được chuyển ra miền Bắc, được quân đội cho học nghề và anh đã xin chuyển ra làm việc ở đơn vị xây lắp thuộc ngành Than. Anh yêu Yến thợ cốt thép và nên vợ chồng, nhà nghèo nên việc cưới, hỏi đều do Công đoàn và Đoàn thanh niên tổ chức cho tất cả. Song việc chậm đường con cái làm cả hai vợ chồng buồn lắm, cả hai người đã đi khám thì bác sỹ đã kết luận là do anh bị ảnh hưởng của chiến tranh nên không thể có con. Vợ anh cũng buồn nhưng thương chồng nên cứ âm thầm chịu đựng, những lúc ngồi một mình anh chỉ muốn uống thật nhiều rượu để say mà ngủ, nhưng càng uống càng tỉnh, ngồi một mình muốn khóc quá mà không khóc được ? Chao ôi ! Sao cuộc đời này lại làm cho mình buồn thế, mình thì chịu được, nhưng chỉ thương cho Yến!..” Là sinh viên học nước ngoài về, khái niệm về chiến tranh và mất mát đối với Ngọc Thế chỉ mơ hồ nhưng khi nghe anh Phương tâm sự mà cảm thấy thương và thông cảm. Thời gian cứ thế trôi đi, kỹ sư Ngọc Thế đã trở thành người bạn gần gũi của gia đình Phương và Yến.
Khu tập thể công nhân ở gần thị trấn Anh Đông dành cho những gia đình công nhân và cả những gian nhà liền kề dành cho những công nhân tập thể còn độc thân. Các công nhân, nhân viên nữ thì ở trong một dãy nhà mười gian, các nhà có từ sáu đến tám gian thì được xếp cho công nhân nam ở, mỗi gian bốn người. Ngọc Thế được xếp ở cùng ba nhân viên làm ở phòng kỹ thuật, vật tư và một nhân viên bảo vệ. Thấy Thế hiền lành, đẹp trai lại có chiếc xe máy Liên Xô nên ai cũng muốn chơi thân để thỉnh thoảng được mời lên xe đi một đoạn ra ga xe lửa Anh Đông đón khách và mua thức ăn khi có lương tháng. Những hôm có tiền mua được con cá chép hay mớ cá rô tươi về rán hoặc cái chân giò lợn về liên hoan uống rượu quê, những bữa tiệc như vậy vui lắm, chuyện trò rôm rả, ai có việc gì cũng kể hết ra, hết chuyện thì đi ngủ. Nhiều hôm trời nóng quá không ngủ được lại kéo nhau ra sân công trường hóng gió. Mỗi nhà tập thể, trên vì kèo tre gần nóc cứ khoảng hai đến ba gian nhà, phòng quản trị cho lắp chung cho một bóng đèn sợi đốt khoảng trăm rưởi oát để dùng chung đến mười một giờ đêm thì tắt hết. Anh bảo vệ cùng phòng còn trẻ nên hay bị phân công trực ca ba, cứ nửa đêm anh ta về phòng khẽ lay Thế dậy và lấy tay che vào mồm bảo im lặng không đi dép để theo anh ta đi xem cái này hay lắm. Tuổi còn trẻ lại tò mò, Thế khoác vội cái áo đông xuân theo. Đêm khuya đến các gian nhà tập thể của các cặp vợ chồng trẻ để xem họ làm gì! Cảnh nhà tranh vách nứa, điện bị tắt nên mỗi phòng có thắp một ngọn đèn dầu. Chỗ nhìn cận cảnh và vị trí tốt nhất do anh bảo vệ chuẩn bị từ chiều dành cho Thế, trên chiếc giường hạnh phúc cặp vợ chồng trẻ quấn lấy nhau kèm theo tiếng nói thì thầm rất nhỏ, khi thì có tiếng cấu chí, tiếng rên khe khẽ xen lẫn hơi thở thỏa mãn trong tình yêu và hạnh phúc. Được chứng kiến hết cặp này rồi lại sang dãy nhà khác, Thế bị kích thích đến cao độ, chiếc si líp đỏ và cái quần đùi trắng đang mặc mới mua ở chợ Phủ Lỗ không làm gì mà ướt sũng, đầm đìa nếu là ban ngày hoặc ở chỗ có ánh sáng thì quả là xấu hổ và không biết giấu đi đâu được! Xem được vài chỗ, Thế không chịu nổi phải tự bấm tay ra hiệu cho anh bạn để về và đi ra hàng rào đối diện nhà máy thiết bị điện để tự giải quyết sau đó về phòng ngủ. Nhiều đêm như vậy, Thế rất thích lấy vợ nhưng ngặt nỗi là đi lâu về chưa quen được ai...
Rồi một sự cố trong đời đã xảy ra với Thế. Đó là một chiều tối ngày thứ bảy, anh chị Phương có bữa ăn tươi mời Thế cùng dự cho vui, có con ngan do người trong làng Kim cho vì anh Phương đã hàn tặng họ cái kiềng dùng để đun cám và cả cái khung xe đạp bị gãy nữa. Chị Yến khéo chế biến nên món nào cũng ngon, anh Phương và Thế lại còn uống rượu kèm theo lạc rang nữa, vui và quá chén nên Thế bị say và được đưa vào giường ngủ. Anh Phương đi bộ sang nhà máy Z của quân đội để xem chiếu bóng cuối tuần miễn phí. Tối ấy ở khu tập thể lại mất điện lưới, ngủ được chừng một giấc nghe chừng đêm đã về khuya, Thế bừng tỉnh sau thấy cay mắt định mở nhưng lại thấy cảm giác như có ai kéo díp mắt lại, ngủ tiếp, bỗng nhiên cơn mơ ập đến với những cận cảnh của các đêm trước làm cho Thế lại bị kích thích, cảm giác thèm khát và thích phụ nữ lên đến đỉnh điểm. Tự nhiên lại có một cơ thể phụ nữ mềm mại và thơm dịu nằm bên cạnh vừa nhẹ nhàng vừa tạo cảm giác ham muốn, đêm tối mênh mông chả nhìn rõ được cái gì, cả khu nhà chìm vào giấc ngủ chỉ có lũ giun, dế thao thức với những tiếng rên rỉ, nỉ non. Không biết là tỉnh hay mơ, Thế giang tay ôm gọn người phụ nữ vào lồng ngực nở của mình rồi vội vã làm các động tác theo bản năng đàn ông mà bây giờ mới thực hiện lần đầu trong đời. Người đàn bà bị chủ động đè xuống trong hơi thở gấp gáp xen lẫn sự sợ hãi mơ hồ nhưng vẫn chịu đựng sức nặng của một thân thể thanh niên trai tráng khỏe mạnh, chị ta bỗng kêu rú lên bởi một cơn đau bất ngờ đột ngột. Sự việc diễn ra như tự nhiên, chị Yến cam chịu và rồi chị rùng mình một cái bất giác ôm chặt lấy tấm lưng to lớn săn chắc của Thế mà kéo ghì xuống. Còn Thế, sau một lúc người đang căng cứng anh bỗng thấy mình nhẹ đi, trong con người như bị ai tháo đi cái van hơi nước khiến nó chảy ra ào ạt với công suất mạnh nhất chưa từng có không tài nào kìm hãm được, người giật lên một hồi sau đó lại làm cho cả cơ thể mất trọng lượng bồng bềnh nằm trong trạng thái mơ màng như đang bay trên mây rất nhẹ để tận hưởng, tất cả đạt đến tuyệt đỉnh của sự sung mãn và hư vô khó tả! Hai người vẫn quấn lấy nhau và không còn biết đến cái sự đã qua mà cũng chẳng biết đó là hạnh phúc hay bất hạnh? Cánh cửa bật mở, anh Phương đã đứng đó từ lúc nào! Châm ngọn đèn lên, hai con người nằm trên giường vẫn chưa hiểu việc gì. Mặc vội chiếc quần, Thế mới hồi tưởng lại sự việc vừa diễn ra. Thế quỳ xuống chân anh Phương để xin anh tha thứ cho sự dại dột điên cuồng và mù quáng mà mình vừa gây ra. Anh Phương nói cho vợ mặc quần áo vào và cả hai người cùng ngồi tại chỗ để trao đổi. Anh bảo: Sự việc đã diễn ra rồi, tôi không nói lại nữa, song tôi yêu cầu Thế phải viết một bản cam kết không được tái diễn đồng thời phải xin chuyển đi một nơi khác công tác và không bao giờ được quay lại chỗ này nữa. Cực chẳng đã cộng với sự ô nhục do mình gây ra, phần nữa lại rất sợ bị kỷ luật với tội hủ hóa với vợ người khác và thông tin ra ngoài thì cuộc đời coi như bỏ đi. Thế lẳng lặng viết tờ cam kết, câu chữ và ý tứ trong tờ giấy theo nội dung anh Phương nói, anh Phương đưa vào gần ngọn đèn để đọc kỹ rồi gập tờ giấy lại làm tư cất vào hòm gỗ khóa lại. Ra khỏi gian nhà tập thể của gia đình Phương - Yến, Thế không dám về phòng ngủ mà đi bộ lang thang ra ga Anh Đông tìm một cái ghế đá ngồi dặt dẹo ở đó cho đến sáng. Theo lời đã hứa, sáng thứ hai Thế đến phòng Tổ chức xin chuyển đi công tác chỗ khác, mặc dù không có lý do chính đáng nhưng Thế vẫn nói là xin đi Nguyên Thái để gần gũi người yêu học sư phạm trên đó.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi làm phôi pha và nhạt nhòa nhiều kỷ niệm cuộc đời, hôm nay ngồi trước một cậu thanh niên trẻ nghe chuyện gia đình làm cho Thế nghĩ suy về quãng thời gian và tuổi trẻ ngày xưa mình đã để lại trên mảnh đất Anh Đông. Thế bảo Phương Vinh về phòng nghỉ, sáng mai sẽ đưa Vinh về thăm mẹ và gia đình bên đó luôn một thể. Trở về phòng ngủ, Ngọc Thế không sao ngủ được những kỷ niệm còn lại rất lơ mơ của một thời trai trẻ bồng bột đã đi vào quên lãng sao hôm nay nó lại hiện về với mình? Anh không sao lý giải được, chỉ mong cho trời chóng sáng để cùng với Phương Vinh về thăm lại mảnh đất ngoại thành có gia đình Vinh ở đó.
III
Chiếc xe ô tô bảy chỗ mầu đen từ từ lăn bánh vào con ngõ nhỏ bê tông ở một khu nhà mà trước đây gọi là khu tập thể xây lắp, giờ đã được bán thanh lý cho các gia đình xây dựng nhà kiên cố. Được tin con về, bà Yến mừng lắm, sau lại ngạc nhiên vì sao lại có lắm người cùng về với con đến vậy? Vinh vừa gọi mẹ vừa chạy ào xuống ôm lấy mẹ sau một thời gian dài xa mẹ đi học, cả hai mẹ con ôm lấy nhau chẳng muốn rời, thằng con trai to lớn quá mà mẹ nó chỉ đứng đến ngực, bà Yến lúc trẻ người nhỏ nhẹ thanh thoát, bây giờ nghỉ hưu người như bé lại và gầy khô. Chắc Vinh nghĩ mình vẫn còn là một đứa trẻ của mẹ nên cậu khóc, mắt đẫm lệ, hỏi mẹ lí nhí được mấy câu và cũng quên luôn cả mấy người khách và cả người yêu về cùng! Ông Ngọc Thế xuống xe nhìn thấy cảnh hai mẹ con Vinh gặp nhau nên rất xúc động, cảnh cũ người xưa hiện về trong trí nhớ của ông. Thôi đúng rồi, người đàn bà nhỏ nhắn đang ôm con kia là chị Yến, vợ của anh Phương thợ hàn năm trước đây mà, làm sao mà quên được! Người xưa đã nói “một ngày nên nghĩa”! Vậy mà Thế đã từng sống và ở cùng vợ chồng họ hàng năm trời trong cùng một khu tập thể? Là một cán bộ kỹ thuật sau lại sang làm Công đoàn và tổ chức, kinh nghiệm cuộc sống đã rút ra là làm việc gì Thế cũng phải suy nghĩ cẩn thận trước sau. Để cho hai mẹ con hết thời gian xúc động, Thế chủ động đến chào hỏi bà Yến, rời con trai quay lại nhìn khách bà cứ cuống hết cả lên, vừa vội vàng mời mọi người vào nhà uống nước, bà cũng quên luôn cả mấy bà hàng xóm được nhờ sang đón khách. Khi quay lại nhìn rõ ông Thế, bà sững người lại và cất tiếng: Ôi ! Chú Thế ! Sao chú lại đến đây, lâu lắm không gặp, chú và gia đình bây giờ ở chỗ nào ? Anh Phương mất rồi chú ạ! Bà hỏi liên hồi, rồi lại nói một mình, rồi bà khóc trong tiếng nấc để nói với Thế. Từ con người chủ động, bây giờ Thế lại chuyển sang bị động, cứ ngồi im chưa nói được điều gì. Tất cả mọi người đi cùng cứ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, gồm có con gái Nhất Linh, bà Hà Linh, con gái Nhị Linh rồi lây đến cả Phương Vinh nữa. Để cho Phương Vinh giới thiệu mọi người với bà Yến, khi đến ông Thế thì bà Yến ra hiệu cho Vinh không cần nói thêm gì nữa. Bị hụt hẫng và pha chút ngạc nhiên, thì ra mẹ và ông Thế (bố vợ tương lai) đã là người quen biết nhau từ trước. Vinh ngồi im để mọi người trò chuyện. Nhìn đồng hồ biết là thời gian còn sớm, ông Thế chủ động bảo: Bên này có nhiều di tích lịch sử lắm, mọi người ở trong nội thành ra chưa biết, nhân tiện có xe Vinh đưa mọi người đi thăm Cổ Thành, đền Sải và chợ huyện nữa. Được gợi ý lại có sự hưởng ứng nên Vinh nhanh nhẹn sắp xếp để mọi người chuẩn bị đi chơi, còn lại ông Thế và bà Yến có chuyện riêng nên ở nhà. Chiếc xe ra khỏi con ngõ nhỏ trong tiếng cười nói xôn xao ầm ĩ một hồi.
IV
Hai người ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn gỗ cũ, đó là bộ ghế sa lông nan được mua phân phối từ hồi mới cưới, có tuổi đời hơn cả Phương Vinh, nó mòn nhẵn, sứt sẹo, có thanh bị mọt gãy nên thành dựa lưng chỗ được chỗ không. Nhà cửa tuy sạch sẽ nhưng không có bàn tay đàn ông lâu ngày nên sự sắp xếp có vẻ bề bộn thiếu gọn gàng ngăn nắp. Khi cả hai người đã yên vị thì những kỷ niệm xưa mới hiện về một cách đầy đủ và hiện hữu.
Bà Yến kể: “ Dạo ấy, sau cái đận anh Phương sắp xếp chuyện ấy và để đuổi Thế đi, rất may là tôi có thai, anh Phương với tôi mừng lắm. Nghĩ lại thì rất ân hận và biết ơn Thế, tôi rất yêu và thương anh Phương nên để anh không buồn và suy nghĩ khác tôi không bao giờ nhắc đến cái chuyện cũ đã qua. Nếu không có Thế, chắc gì anh ấy đã sống với tôi! Khi cu Vinh ra đời, cả hai bên gia đình nội ngoại và anh Phương mừng lắm, ai cũng quý cũng yêu, nhưng người yêu thương nó nhất vẫn là anh Phương. Anh coi nó như hòn vàng hòn ngọc, cứ đi làm về là anh nâng niu bế ẵm nó, đến tuổi đi học lớp mẫu giáo lớn anh vẫn cõng đi, đón về hàng ngày. Lúc bé khi nó đau ốm chỉ có anh nựng nó, dỗ nó mới chịu uống thuốc và ăn cháo, ăn cơm. Bất kể thứ gì mà con thích anh đều tự làm và kiếm tìm hoặc mua bằng được cho con, khi con học phổ thông cơ sở, anh mua xe đạp và tập cho con biết đi, ngày nào được nghỉ sớm cũng đạp xe đến cổng trường để đón “hộ tống” con cùng về nhà. Xe đạp con đi ngày nào cũng được kiểm tra săm lốp, phanh, yên để xe không bị hỏng hóc trên đường. Trộm vía con, thằng cu Vinh cũng ngoan và xinh xắn từ bé nhưng càng lớn nó lại càng không có nét nào giống bố, anh Phương thì đen và gầy, còn nó thì trắng trẻo chả có nét nào của mẹ và bố. Đã có nhiều người trêu chọc, khích bác anh Phương nhưng anh ấy bảo: “Con cái nhiều người không giống bố mẹ là chuyện thường, xã hội bây giờ chuyện gen đột biến thì có gì là lạ”. Có lúc bị trêu nhiều anh tức quá nói: “Ừ thì con tớ không giống bố đấy! Cá vào ao ai thì người ấy được”.Gia đình cả hai vợ chồng làm công nhân xây lắp nên nghèo, anh Phương là người tốt lắm, ai cần gì nếu có là anh giúp ngay, nhà có chiếc xe đạp để đi làm mà anh bạn cùng tổ mượn rồi mang đi cắm lấy tiền đánh bạc, anh không đòi lại được cũng thôi và bảo “ Đã mất rồi, có đòi cũng chả được, thôi cho nó vậy, coi như mình bị mất cắp ở ga”! Khi thằng Vinh đi học về, anh đón con ở cổng, tôi để ý có lúc thấy anh suy tư và cặp mắt buồn nhìn xuống. Có một hôm chỉ có hai người ở nhà, anh bảo với tôi “ Yến này! Cu Vinh lớn rồi, hay là ta cho nó đi tìm bố ?” Tôi điếng người, nhìn sâu vào mắt anh tôi thấy ở đó có một nỗi tư duy đăm chiêu thăm thẳm. Thương chồng và con, tôi mắng át anh đi :“Anh chỉ nói vớ vẩn, nó là con anh, tìm tòi cái quái gì?” anh im lặng và không nói thêm câu nào nữa. Tôi bắt anh thề độc là không bao giờ được nhắc đến chuyện đã qua lâu lắm rồi. Không được để lộ thông tin này với con, anh thề với tôi là như vậy nhưng tôi biết là anh vẫn tâm trạng mông lung lắm.
Thời gian cứ tiếp tục qua đi, khi Phương Vinh lên học phổ thông Trung học, trong một đợt thi đua sản xuất cuối năm (khi ấy hay gọi là chiến dịch nước rút) anh Phương đi công trường, lúc đang hàn trên cao thì giàn giáo bên cạnh bị đổ kéo theo cả anh. Anh bị tai nạn cột sống phải nằm cố định một chỗ, tôi xin nghỉ việc theo chế độ một bảy sáu (NĐ-176) để chăm sóc anh. Cu Vinh thương bố lắm, nó cứ khóc suốt, đi học về lúc nào là lại vào viện với bố. Anh ấy nằm viện liên tục, tiền của tiết kiệm có bao nhiêu thì chi dùng hết cả vào việc ấy, hơn hai năm sau thì anh ấy ra đi để lại mình tôi cảnh “mẹ góa, con côi”.Trong hoàn cảnh ấy, trước đấy những người anh em đồng đội trong ngành Than cùng làm việc, ai cũng thương, họ quyên góp tiền đưa cho tôi để chữa bệnh cho anh, họ lo cho cháu Vinh ăn học. Ông Giám đốc đã nhiều lần đến nhà thăm hỏi, động viên, cho tiền, cho quà và tạo điều kiện cho cháu Vinh đi học không phải nghỉ giữa chừng. Thương bố lắm, nhiều hôm tôi thấy nó đi học về cứ nhìn ảnh bố là lại chảy nước mắt, nó cứ khóc thầm, biết nó yêu và nhớ bố nên tôi đau lòng lắm mà không biết nói với con thế nào.Tôi chắc nó phải ngậm buồn vào thật sâu trong lòng để cố gắng học giỏi và kết quả là được đi thi quốc gia, quốc tế gì đó, cả Công ty từ lãnh đạo đến công đoàn và bà con đều mừng và cùng bảo nhau quyên góp tiền cho cháu. Hầu hết ở đây là công nhân xây lắp nên đều nghèo, mấy ai nhà giầu có gì đâu! Vừa kể, bà Yến vừa xúc động liên tục dùng chiếc khăn mỏng lau nước mắt.
Để cho bà Yến đỡ và bớt xúc động, ông Thế vào chuyện kẻo việc này chưa thể để cho tất cả cùng biết vào lúc này được.
Ông nói: “Chị Yến này, thôi bây giờ già rồi gọi nhau là bà cho tiện! Quá khứ và thời gian cũng như tuổi trẻ bồng bột của tôi đã gây ra những khuyết điểm vô cùng lớn, đến bây giờ và mãi về sau cũng không sửa lại được. Tôi và bà cũng đã muốn quên hết tất cả mọi thứ đã qua, nhưng sự thể đến mức này thì không thể làm khác được. Thằng Phương Vinh và con Nhất Linh đi học ở nước ngoài quen nhau và yêu nhau, chúng về nước để ra mắt hai gia đình và đặt vấn đề xin cưới nhau.Tôi đã ngờ ngợ khi nhìn thấy nó lần đầu tiên, và hôm nay trở lại đất này thì ra có những việc để lại hậu quả thật khó lường. Việc đầu tiên và quan trọng nhất lúc này là phải nói cho hai đứa hiểu là anh em ruột, bà là mẹ nên dễ nói chuyện với con hơn. Tôi nhờ và hy vọng tất cả ở nơi bà, bà hãy nói với con cho nó hiểu để nó cảm thông và tha thứ cho tôi. Bà cũng nên làm mâm cơm để tôi thắp nhang tạ tội với ông Phương!” Câu chuyện dài dài, nhìn lên đồng hồ đã gần mười một giờ trưa, bà Yến đứng lên lấy khăn lau mặt và sắp sửa bữa trưa. Chuyện của hai người tạm dừng ở đó.
V
Sau bữa cơm thân thiện ra mắt hai bên gia đình, lấy cớ còn đi thăm một số bạn bè cũ, ông Ngọc Thế bảo lái xe đưa vợ và con gái Nhị Linh về Hà Nội trước. Trong căn nhà nhỏ còn lại bốn người, là người làm cán bộ lâu năm và luôn luôn có những suy nghĩ cẩn thận trước khi vào việc. Phương Vinh và Nhất Linh thì cứ quấn quít lấy nhau ngồi với nhau chung một ghế, Nhất Linh vô tư và tâm trạng luôn ngập tràn hạnh phúc bên người mình yêu. Ông Thế mở đầu, nghe tiếng nói chậm và có vẻ quan trọng, Nhất Linh bảo: Có chuyện gì mà bố quan trọng thế? Nhìn hai đứa con trẻ chưa biết chuyện gì, ông thấy đau nhói trong lòng, nước mắt từ đâu cứ rơi ra lã chã... thấy bố khóc, cả hai đứa không hiểu chuyện gì mà lại nghiêm trọng thế? Ông Thế bảo: “ Chuyện này dài lắm, chỉ có bà Yến, bà hãy cho các con biết cả đi, tôi là người có lỗi nhiều nhất trong việc này nên tôi mong bà hãy kể hết cho các con được biết.
Mấy tiếng đồng hồ bên ấm nước chè xanh và bộ bàn ghế cũ, cả Phương Vinh và Nhất Linh cứ như được chứng kiến những sự thật đã diễn ra mà không có đứa nào nghĩ đó lại là sự thật. Một sự thật trớ trêu của số phận con người mà lại rơi ngay vào hoàn cảnh của chúng, đáng được tận hưởng hạnh phúc mà hóa ra hôm nay lại thật là ngày vô cùng bất hạnh với cả hai. Hai đứa đều khóc, chúng khóc cho tương lai và cuộc sống của chúng. Nhất Linh mặt đầm đìa nước mắt cứ ôm lấy vai và người của ông Thế mà lay, lắc, mà hỏi: Bố, tại sao lại là thế này, sao sự thật lại phũ phàng và nghiệt ngã với chúng con thế hả bố?
Phương Vinh là một chàng trai thông minh đã trưởng thành, tuy quá đau khổ nhưng cậu đủ bình tĩnh để xử lý tình huống. Dù có đau đớn, khóc lóc vật vã, than thân, trách phận hoặc làm gì đi nữa thì cũng phải đối mặt với sự thật, dù đó là một sự thật phũ phàng. Nghĩ về quá khứ, trong sâu thẳm của trái tim, có lúc cậu đã tự hỏi: Sao mình với bố Phương lại khác nhau nhiều thế, ngày khám sức khỏe để đi học ở nước ngoài tình cờ khi xét nghiệm máu thấy mình nhóm máu O, mà trong Y bạ của bố lại ghi là B? Nhưng để đi đến kết cục của ngày hôm nay thì không bao giờ cậu lại nghĩ là như vậy! Xâu chuỗi lại các sự việc, Vinh nhớ lại, thời kỳ bố của Vinh còn sống và cả những ngày bố đau nặng sắp mất, đã mấy lần bố gọi riêng Vinh vào gặp và định nói một chuyện gì hệ trọng, cứ sắp nói lại đắn đo suy nghĩ rồi lại thôi. Lần cuối cùng biết mình không qua khỏi, bố gọi Vinh đến bên giường bệnh, nắm chặt tay con, bố bảo : “ Con trai bố đã lớn rồi, hôm nay bố muốn nói cho con biết một sự thật, con đừng xúc động nhiều nhé”! bố vừa nói vừa ứa nước mắt trong sự khó nhọc của một con người không còn sức khỏe, bố cất tiếng gọi: “Vinh ơi! Con hãy ...” vừa được câu đó thì mẹ Yến mang cháo vào phòng, nhìn thấy mẹ, bố im lặng, nắm chặt tay con trai nấc lên một tiếng rồi ra đi trong nỗi đau đớn tột cùng của hai mẹ con Yến và Vinh.
Để thời gian cho mọi người cùng hồi tâm trở lại, ông Ngọc Thế nói: “ Bà Yến và hai con hãy tha thứ cho tôi, trong chuyện này tôi là người có lỗi. Cũng như trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua, hậu quả của nó thật khôn lường. Nhiều gia đình, nhiều thế hệ và cả biết bao nhiêu chàng trai ngày ấy đã ra đi, họ đã đổ máu, bỏ lại xương cốt trên chiến trường để lại những nỗi đau thương mất mát cho các gia đình mà không có một cái gì bù đắp nổi. Trong cuộc chiến tranh ấy, ông Phương là người chịu thiệt thòi và sự hy sinh thật lớn lao, về cuộc sống đời thường ông là một người chồng tốt, người cha rất đáng kính, tiếc là ông không còn sống được đến hôm nay để thấy con trai mình đã trưởng thành. Dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn thế nào trong cuộc đời thì Phương Vinh cũng phải phấn đấu để sống cho xứng đáng với bố Phương, với gia đình của hai bên nội ngoại.
Cuộc sống của mỗi người sẽ tiếp tục qua đi theo ngày, tháng, chỉ có thời gian mới là minh chứng cho cuộc đời và hành động của mỗi người. Cái thiện, cái ác, việc tốt, việc xấu đều thể hiện qua suy nghĩ và cách cư xử của mỗi người, vậy thì tất cả chúng ta hãy cố tạo dựng cho mình một phong cách sống sao cho đẹp. Rất may là nhờ có hồng phúc của gia đình và bố Phương phù hộ mà các con khỏe mạnh, học hành tiến bộ và may nhất là hai đứa tuy yêu nhau nhưng bố biết là các con rất ngoan, có học, biết được việc giữ gìn nền nếp gia phong và tiết hạnh mà chưa đi quá xa trong tình yêu nên mọi thứ đều có thể chịu đựng và hy sinh được. Dù không là vợ chồng nhưng là anh em ruột thịt, tình cảm vẫn vô cùng đáng quý. Hãy nhìn về phía trước và tha thứ tất cả lầm lỗi của quá khứ để nhìn về tương lai.
Cả bốn con người cùng nghĩ suy, hồi tưởng, bất chợt có đoàn cán bộ công đoàn, thanh niên cùng mấy bà con hàng xóm đến chơi. Cánh cổng bật mở, ánh nắng chiều từ phía núi Tản Viên chiếu vào làm cả căn nhà ánh lên màu vàng ruộm. Tiếng cười xen lẫn tiếng chào nhau rộn rã, làm bừng lên trên khuôn mặt mỗi người những niềm vui, nỗi buồn và suy tư khó tả.
Chiều hạ năm Giáp Ngọ -2014