Lão
"Đến chuyến cuối cùng, đi mới được nửa đường, lão thình lình khuỵu xuống, gục đầu trên bó mạ, bất động. Nhằm ngày triều cường, không bao lâu sau nước đã tràn vào đầy ruộng, bó mạ nổi cao, chầm chậm trôi đi, không có điểm tựa, mặt lão úp xuống! Trời chưa tối hẳn. Gió đuổi mưa từ hướng tây nam lất phất bay về, rơi lấm tấm trên những chiếc lá đu đủ, dồn lại, nhỏ xuống từng giọt, từng giọt trông như những giọt nước mắt!" (T.T. Giang Viên)
Lão đi lòng vòng, tiếc hùi hụi những dãy bờ thật cao, mùa nước lũ không bao giờ ngập, bao quanh những ao nuôi tôm, đất thật hoai đã nhiều năm bỏ trống.
Từ khi cái nghề nuôi tôm thẻ chân trắng về đây, thời gian thu hoạch ngắn, lãi cao, dân làng dốc toàn vốn liếng, kể cả vay ngân hàng hoặc hỏi tiền tháng 100/120, ùn ùn đào ao nuôi, dù một ít kỹ thuật chỉ nghe truyền miệng, nhất là khâu sản xuất con giống từ nhiều nơi chưa được kiểm nghiệm đầy đủ.
Thực tế cho thấy không dễ ăn chút nào. Cũng có người thành công thật đấy, nhưng chỉ 20% là cùng, nhưng rồi liên tiếp những vụ sau, khi trúng, khi thất, chao qua chao lại, tiền lần hồi chạy đâu mất tiêu. Đa số những ai trắng tay, nợ nần chồng chất, không tiền đầu tư tiếp, ao nhiều năm bỏ hoang, phù sa lấp dần, cỏ phủ gần giáp mặt nước. Có người bị con nợ vây như cơm bữa, hết anh nầy đến chị nọ, đủ lời nặng nhẹ, trách móc. Chịu hết nổi, con nợ đành phải xa vợ, xa con, lén lút trốn về thành phố sống cuộc sống không có ngày mai.
Lão bắt đầu thực hiện ý định, tuy thu nhập không cao, nhưng ngày nào cũng có đồng vô đồng ra, phụ thêm con cháu cho vui nhà vui cửa.
Gần ba tháng sau, trên mặt nhũng bờ ấy, hai hàng đu đủ xanh rờn bắt đầu ra hoa, làm niềm hy vọng theo thời gian lớn dần trong lòng lão. Lão làm việc cật lực, nắng mưa, giờ giấc không thể khuất phục ý chí sắt đá của lão. Sáng sớm, người ta đã thấy lão dùng cuốc giẫy cỏ, giũ đất thật sạch, tủ đầy gốc, giữ độ ẩm, hoặc dùng gàu tưới nước. Những người có dịp đi ngang qua thấy vậy đều hỏi sao bác, sao chú, sao anh không kêu con cháu giúp sức cho đở vất vả, mệt nhọc. Lão chỉ cười, cái nụ cười hiền khô mới dễ thương làm sao!
Lão còn trồng xen rau muống, dây lang lấy đọt để cải thiện bữa cơm hằng ngày. Lão dự trù hỏi chủ ao, nuôi cá. Hai mươi ký cá rô phi con có bao nhiêu tiền đâu. Loài cá lớn nhanh như thổi, vài ba tháng cá mẹ đẻ cá con, cá con đẻ cá con nữa, đẻ… đầy đàng đầy đống, thôi thì mặc sức mà ăn, mà bán.
Những khi nghỉ mệt, ngồi dưới gốc đu đủ, gió hiu hiu mát rượi, lão nghĩ lung tung kế hoạch mùa sau. Nào mướn hai công đất đã lên liếp cạnh bên để trồng bí rợ, không cần lấy trái, chỉ lấy ngọn bán 30 ngàn đồng ký chứ ít ỏi gì. Cắt xong, tưới đủ nước, bón phân nặng tay, không bao lâu, từ những nách lá, chồi non tua tủa đăm ra thấy ham. Nào lão sẽ trồng ớt, mùa mưa đất thịt trồng không úng nước như đất cát, trái ra lừ hết trông như đeo bông tòong teng, thật vui mắt, đã ghê! Trồng ớt mùa mưa vừa là mùa nghịch, vừa có trái nhiều bán đươc giá cho mà coi nghen. Lão hừng chí bật cười hả hả, tiếng cười xả hết ga ấy, xé tan bầu không khí tỉnh lặng của đồng quê vốn dĩ yên bình.
Lão tin chắc rằng thế nào cũng trúng mùa. Khi bán đu đủ có tiền lão sẽ mua 300m dây điện kéo từ nhà ra vườn, sắm cái mô tơ để tưới cho đở vất vả. Lão sẽ tổ chức đám giỗ cho mẹ thật linh đình, mời đông đảo bà con lối xóm đến dự. Lão sẽ mua những thức ăn rất ngon cúng mẹ. Tuy nhiên, lão vẫn nhớ món cá khoai kho mẳn hồi nẳm, mẹ thường nấu cho cả nhà cùng ăn, khoái khẩu làm sao ấy, nên lão thường đùa: “ Món cao lương mỹ vị của mẹ đãi đấy nhé”, bởi cách nấu, cách nêm chẳng những làm tăng thêm hương vị đậm đà của thịt cá, còn tăng thêm vẻ đẹp món ăn trông mới bắt mắt. Lão nhớ rất rõ, mẹ mua cá khoai về, còn tươi rói, bỏ đuôi, kỳ, đầu và phần bụng, màu cá trong trong, trắng ngà, thịt cá mềm mại. Mẹ bắt xoong lên bếp, ước lượng nước vừa ngập cá độ vài phân, nêm ít nước mắm nhỉ, một muỗng cà phê mắm ruốc, ớt đâm, tí bột ngọt. Để lửa riu riu, khi nước sôi tim, mẹ lần lượt nhẹ nhàng gắp bỏ từng con cá đã rửa sạch vào. Mẹ không để lửa hỗn, nước sôi mạnh có thể làm thân cá nát vụn, xấu xí, mất ngon. Đến bữa ăn, xắt ngò om vào tô cá nóng hổi, bốc khói, thơm phức, văt chanh, chua chua, ăn với rau năn non, thì không chê vào đâu được. Đến ngày ấy lão nhất định chính tay lão nấu món cá khoai kho mẳn cúng mẹ. Ủa! Sao nước mắt lão rưng rưng vậy cà ?!
-Chú Sáu, con cấy xong rồi. Mạ dư cả trăm, chú cần mấy chục bó cũng được. Mạ xấu ỉn, chú tranh thủ cấy sớm kẻo gặp nắng, chết hết - Đứa cháu, con người anh ruột đứng gần từ lúc nào bất ngờ thông báo làm lão giật mình.
-Á!...Ừ! Lát nữa chú cho tụi nhỏ gánh về. Tiền bạc thủng thỉnh chú lo. 40 bó là đủ hà con.
-Con biếu chú đấy.
Đứa cháu đứng ngây người nhìn hai hàng đu đủ xanh ngắt, đều đặn, thẳng tắp như giăng dây, nổi bậc trên nền trời mờ đục- lác đác vài chòm mây xám bay ngang- phơi mình giữa vùng đất không một bóng cây.
-Thu hoạch đúng vào dịp tết là chú hốt bạc, no như cưởng đấy.
Lão im lặng mỉm cười, nụ cười hiền khô muôn thưở.
Sắp nhỏ đã gánh mạ về, những bó mạ thật to, bỏ loạn xà ngầu mé ruộng, quến bùn đất nặng trình trịt. Lão phải giâm mạ từ đầu ngoài đến đầu trong, lẽ ra phải đi trên bờ, nhưng cây lức mọc dày đặc, sâu róm đeo tùm lum, đụng tới chúng kể như hết làm ăn gì được, ngứa gãi trầy da chảy máu cũng vẫn chưa đã, nên đành phải lội ruộng, đất lầy quá gối. Hơn chục năm qua không nuôi, phù sa bồi dần, không lầy sao được. Ao nuôi của chị Tư Mành bỏ hoang, lão tiếc, xin trồng lúa.
Chuyển được mới hơn hai phần ba, lão đã thở dốc, dù trời diu mát, người lão vẫn nóng ran, mồ hôi mồ kê tuông nườm nượp. Đã bốn giờ chiều, công việc ngày nay không thể trì hưỡn đến ngày mai, lão luôn luôn tự động viên mình như thế. Lão lại tiếp tục ra sức làm cho xong. Nhưng đến chuyến cuối cùng, đi mới được nửa đường, lão thình lình khuỵu xuống, gục đầu trên bó mạ, bất động. Nhằm ngày triều cường, không bao lâu sau nước đã tràn vào đầy ruộng, bó mạ nổi cao, chầm chậm trôi đi, không có điểm tựa, mặt lão úp xuống!
Trời chưa tối hẳn. Gió đuổi mưa từ hướng tây nam lất phất bay về, rơi lấm tấm trên những chiếc lá đu đủ, dồn lại, nhỏ xuống từng giọt, từng giọt trông như những giọt nước mắt!