Ma nhà tiêu

Tiểu thuyết “Huynh đệ” của nhà văn Dư Hoa (Trung Quốc) ra đời bị nhiều người chỉ trích nặng nề rằng, Dư Hoa - một trong những tác giả đáng kính nhất tại Trung Quốc hiện nay - lại sản xuất ra một tác phẩm đáng gọi là rác rưởi và mang đầy hơi hướng, kiểu cách Hollywood như vậy. Tuy nhiên, không ít người ca ngợi nội dung cuốn sách, coi đây là một bức tranh sống động về một xã hội Trung Quốc ngày càng thực dụng, buông thả và mất thăng bằng. Với tôi, đây là một tác phẩm rất lớn và Dư Hoa là một trong những nhà văn Trung Quốc đương đại tài năng nhất. Từ “Huynh đệ” tôi xin kể một loạt câu chuyện dung tục đã xảy ra trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, tình tiết các câu chuyện và vấn đề cần nêu trong tác phẩm không giống Dư Hoa. CAO THÂM

Mười ba tuổi, Văn Chèo đã biết mò xem trộm phụ nữ tắm. Thời ấy, quê Chèo không mấy gia đình có nhà tắm. Mùa lạnh, các chị thường xách xô nước xuống bếp hoặc ra chuồng trâu. Mùa hè, các chị thường ra sông. Đấy là dịp để Chèo và đám bạn rình mò. Nhưng xem ban đêm không thỏa, Chèo muốn khám phá bí ẩn của chị em giữa ban ngày. Chèo nghĩ, muốn vậy, chỉ còn cách nấp xem chị em vào…nhà tiêu.

Nhà tiêu là gọi cho ra vẻ lịch sự, thực ra là cái hố xí. Ngày ấy, phong trào “hố xí hai ngăn” lan tỏa khắp miền Bắc. Có nhà văn từng viết, hố xí hai ngăn là một trong những phát minh quan trọng của nền khoa học công nghệ Việt Nam thế kỷ 20. Ngăn này “đi”, ngăn kia ủ phân, liên hoàn, mang lại nhiều tiện ích. Bọn tư bản chúng nó ở nhà cao tầng, không làm hố xí hai ngăn, phân chảy ra đường ống trôi ra sông, rồi lại bơm nước sông nấu ăn, rất phản khoa học!

Phát minh vĩ đại này cũng được ứng dụng ở quê Chèo, nhưng sau thời gian ngắn đã bị phá sản. Là bởi, cả hố xí chỉ mỗi cái lỗ nhỏ tròn tròn, đậy nắp gỗ hay bê tông, nhấc lên nhấc xuống rất bất tiện. Trong nhà tiêu lại không có điện, đêm hôm mò mẫm, nhiều người “ném mìn” không trúng lỗ. Người “đi” sau sợ dính “mìn” người đi trước nên “ném” dịch ra ngoài. Dần dần, “mìn” rải bừa bãi ra đến tận cửa. Dân nông thôn quen tự do, khó đi vào khuôn khổ. Thôi, chi bằng cứ trở lại phương pháp cổ truyền. Ấy là đào cái hố lộ thiên bên mép ao, xung quanh quây lá mía, của ra vào treo mảnh bao tải; bên trong gác hai tấm ván, trên đó đặt hòn đá lục lăng và thúng tro.
Phương pháp cổ truyền này chi phí đầu tư không lớn mà rất giản tiện. Đôi khi không chuẩn bị được giấy vệ sinh, người ta có thể với tay qua vách lá mía là vặt được lá chuối, lá khoai; hoặc ghé mông vào mảnh bao tải, tiện hơn nữa là hòn đá hình lục lăng…

Dân trong làng không ngờ, phương pháp truyền thống này tạo nhiều kẽ hở lợi hại cho Văn Chèo hành sự. Địa điểm hắn nhắm tới là chuồng tiêu nhà ông Hàm vì nó nằm bên bờ ao, xung quanh cây cối rùm ròa, rất kín đáo lại tiện đường qua lại. Người đi làm đồng, người đi chợ có nhu cầu đều rẽ vào. Khi đó, hắn chỉ cần nấp dưới bờ ao, ngóc đầu lên là mọi bí ẩn của chị em bị phơi bày. Hắn khoái nhất là là giây phút người đàn bà kéo quần xuống, miệng thở è è, tay vo vo nắm giấy. Chờ lúc người đàn bà đang ngất ngây trong cơn khoái lạc, hắn nhẹ nhàng luồn cái que, căn đúng tầm rồi xọc thẳng vào nơi cần xọc. Người đàn bà nhảy dựng, rú lên, vọt ra ngoài chạy thục mạng. Phân vãi ra quần, ra đùi, vãi ra cả đường. Khi đó hắn ngụp xuống ao, lặn một mạch sang bờ bên kia, chui qua bờ mương, từ từ lên bờ vừa đi vừa huýt sáo.

Sau vụ đó, dân làng đồn rằng hố xí nhà ông Hàm có ma, ban đêm không ai dám bén mảng tới đó.

Trong làng, mỗi anh Nam lấy được vợ người Hà Nội. Từ hôm anh Nam đưa vợ về thăm quê, hàng xóm luôn sang nhà cụ Đường, mẹ anh Nam, người mượn đòn gánh, người xin trầu không - ấy là họ lấy cớ để xem mặt con gái Hà Nội. Vợ anh Nam da  trắng nõn, môi đỏ; quần áo thơm nức. Chèo thoáng nghĩ, con người trắng nõn, thơm tho ấy liệu có đi đồng không nhỉ? Rồi hắn thấy chị ấy ăn ốc luộc. Quê Chèo người ta ăn ốc mút bằng cách cắn vỡ đít con ốc, sau đó ngậm đầu miệng con ốc, mút. Ban đầu vợ anh Nam cũng lấy gai cây bưởi, khều. Nhưng xem ra, tiến độ không đáp ứng với nhu cầu của chị nên chị cũng cắn, cũng ngửa cổ, mút. Nước ốc ứa ra cả làn môi mọng đỏ của chị. Quan sát vợ anh Nam mút ốc, Chèo phát hiện ra một điều lí thú rằng, đã ăn ốc, chắc chắn vợ anh Nam phải đi đồng! Vậy là hắn quyết tâm mai phục. Người hắn rộn lên khi tưởng tượng, đằng sau bộ áo quần sang trọng, sạch sẽ, thơm tho kia là…cái gì nhỉ?

Nhưng quái lạ, Chèo phục cả tuần vẫn không thấy vợ anh Nam vào nhà tiêu!
Bữa nọ, cánh thợ xây đang sàng cát để trát lại cổng đình làng. Chợt, họ phát hiện mấy bọc giấy báo, chằng bằng dây chuối, vùi trong đống cát. Có người tưởng dễ chừng đó là những thang thuốc bắc, kẻ gian trộm của bà lang què, đem chôn để tìm cơ hội tiêu thụ. Bác Hoằng nắn nót moi cát, nâng gói giấy lên, cẩn trọng tháo nút buộc, mắt hấp háy. Ôi trời, một bãi phân người nhoe nhoét, vàng khè, thối inh xộc lên khiến các bác thợ bịt mũi. Bà Xuyền, phụ nề, chống xẻng ngỏng cổ sang nhà cụ Đường mà rằng:
- Tiên sư cha bọn thành thị ăn trắng mặc trơn về đây mà ỉa bậy nhá!
Bác Hoằng lẩm bẩm:

- Chết thật. Có chỗ đi đồng đàng hoàng không đi,  lại đem chôn cứt trong cát thể này. Bậy quá, bậy quá!

Bà Xuyên chưa thỏa cơn bốc hỏa:

- Có ăn có học mà ngu không bằng con chó nhá. Chó làng này nó còn biết đi ra ra vười nhá…


Trong những câu chửi chua ngoa ngoắt cay độc của bà Xuyền không hề nhắc đến tên chị Thùy, vợ anh Nam. Vậy mà đêm đó, anh Nam và chị Thùy lên tàu ra Bắc, không chào ai; sau này cũng không thấy về làng.

Một buổi trưa, Văn Chèo lại lách qua bụi chuối, cạnh nhà tiêu. Thấy bóng người, con gà trong nhà tiêu hốt hoảng bay loạn xạ rồi rơi tõm xuống hố phân. Lúc sau, con gà ngoi lên xõa cánh, rùng mình. Phân bắn tung tóe vào mặt, vào người Chèo. Hắn định bơi ra giữa ao gột rửa, chợt phát hiện đằng kia một người đàn bà chửa, ôm bụng đi về phía nhà tiêu nên nằm im. Hắn nằm im là sợ bị lộ lại vừa háo hức vì sắp được xem một tấn trò lạ. Đúng là tư thế của người chửa vào nhà tiêu khác với người thường. Chị ngồi xổm, hai tay chống vào đùi, lưng cứng đờ, đầu hơi ngật về phía sau. Không biết các thứ khác của người chửa có khác người thường không nhỉ? Hắn tự hỏi rồi ngoi đầu, rướn người, ngửa mặt lên chút nữa để tận hưởng sự khác lạ của người đàn bà chửa. Bất thần, người đàn bà chửa bốc nắm tro vãi vào mặt hắn:

- Thằng ranh con khốn nạn!

Hắn tối tăm mặt mũi, nhoài ra bờ ao.

…Đấy là chuyện của hơn hai mươi năm trước. Bây giờ Văn Chèo là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt, sản xuất kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than với vốn điều lệ trên một ngàn tỷ đồng,tạo việc làm cho hàng tram người; doanh thu mỗi năm vài chục tỷ đồng…

II

Sau này, khi làm Giám đốc Công ty tư nhân khai thác than, Văn Chèo đầu tư mấy tỷ bạc xây dựng hệ thống nhà xí rất hiện đại để “báo thù” ngày xưa. Trong ấy có gương, lược, khăn mặt, xà phòng thơm. Văn Chèo còn chi tiết tới mức, bố trí cả móc treo áo cho khách. Chèo cho đây là phát minh quan trọng. Nhà tiêu các công sở, các biệt thự, dù hiện đại đến đâu vẫn không có móc treo áo. Quý khách cao sang chui vào, mùi phân ám vào áo vetos, thối lựng lên vẫn thản nhiên vào hội trường bắt tay; vào nhà ăn cầm thìa cầm đũa. Mất vệ sinh quá! Vậy mà vợ Chèo lúc nào cũng phê bình anh ăn phở cứ khoắng lên là kiểu ăn của nhà quê, là mất vệ sinh. Chấm mắm mà cứ mang cả gắp rau chấm sang đĩa thức ăn khác cũng là mất vệ sinh. Sao lại mất vệ sinh! Mang thức ăn chấm vào đĩa thức ăn khác đỡ vãi mắm ra mâm, sạch sẽ bằng mấy vị quan khách mang cả hơi phân vào phòng ăn!

Nhưng thợ lò Công ty Thành Đạt thường đi ủng và mặc áo bảo hộ, không cần xà phòng, không cần móc treo áo. Được mấy bữa, khu nhà vệ sinh hiện đại  nhoe nhét bùn đất. Trước thảm cảnh đó, Văn Chèo cử một người ăn lương chỉ để lau chùi và thường trực ngay cổng nhà vệ sinh để tư vấn, hướng dẫn người đi đồng. Theo đó, quý khách vào nhà vệ sinh phải bỏ ủng, mũ, giày dép bên ngoài. Ai đến Thành Đạt đều đều khen Chèo đi trước thời đại. Chèo ngửa mặt cười phớ lớ, nghĩ bụng, bọn ngu!

Nhà báo Sơn Thủy có cô phóng viên học việc. Sơn Thủy quán triệt với cô phóng viên, muốn mau thành nghề, hễ ông đi đâu cũng bám theo, ông hỏi gì cứ giở sổ mà ghi. Bữa nọ, Nhà báo Sơn Thủy cùng cô phóng viên đến Công ty Thành Đạt làm việc. Nhà báo mót quá, liền tìm đến khu vệ sinh. Cô phóng viên lẽo đẽo đi theo. Sơn Thủy dơ tay ra hiệu cô phóng viên dừng lại. Cô phóng viên tưởng Sơn Thủy giục cô mau chân để kịp chứng kiến sự kiện quan trọng sắp xẩy ra nên hấp tấp bám đuổi. Khi bị anh thanh niên chặn lại để tư vấn, hướng dẫn đi đồng, Sơn Thủy sững sờ trong giây lát rồi bảo cô phóng viên, đã phát hiện đề tài báo chí mới lạ nhưng chờ đã. Cô phóng viên lí nhí đáp, vâng vâng. Lát sau, Sơn Thủy từ nhà vệ sinh ra, cười cười:

- Em biết đề tài anh phát hiện ở đây là gì chưa?

- Dạ, chưa ạ.

- Kia…

Cô phóng viên trẻ nhìn theo tay Sơn Thủy thấy mỗi chữ WC, đỏ mặt:

- Dã...á?…

- Em ngạc nhiên à? Lâu nay, cánh nhà báo thường nhăm nhăm chầu chực, bám đuổi những sự kiện lớn mà không chịu quan sát để phát hiện những chi tiết nhỏ xẩy ra trong đời sống xã hội…

- Dã...á?...

- Đôi khi, những sự việc, hiện tượng rất nhỏ nhưng nếu chúng ta chịu khó tìm tòi khám phá, sẽ khái quát được vấn đề rất lớn mà xã hội đang quan tâm.


- Dã...á?...

- Ví như việc quản lí khu vệ sinh của Công ty Thành Đạt này. Nếu nâng tầm nó lên, đâu phải chuyện nhỏ!

- Dã...á?...

- Đó là biểu hiện chân thực, sinh động của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà lâu nay báo chí chúng ta thường đề cập tới.
Cô phóng viên như đã hiểu ra vấn đề:

- Dạ. Vàng vàng.

- Văn hóa doanh nghiệp là một phạm trù rộng lớn, trong đó có sự ăn và sự…đi đồng.

- Vàng, vàng ạ

- Nghĩa là, nói như sinh vật học, đã đồng hóa phải có dị hóa. Em hiểu không?.
- Dạ, vàng.

- Nói theo kinh tế học thì có đầu vào, ắt phải có đầu ra. Em hiểu không?

 

Cô phóng viên phì cười:

- Dạ, vàng.

 

- Có gì đáng cười đâu. Sự đi đồng là quá trình tự nhiên của con người, có gì đáng cười đâu!

- Dạ, vàng, vàng.

-Xét về vật lý học, đó là hiện tượng co cơ của loài động vật có vú, mà em.

-Dạ, vàng vàng.

-Xét về hóa học học, đó là kết quả của quá trình phân hủy đạm ở mức độ cao, em hiểu không?

- Dạ, vàng, vàng.

- Trong ăn uống, người ta thường dạy nhau, ăn đúng chỗ, thì việc đi đồng cũng vậy. Đi thế nào cho đúng chỗ, đúng lỗ, đó là vấn đề rất đáng quan tâm. Em hiểu không?

- Dạ, vàng.

 

--  Anh thấy cung cách quản lí nhà về sinh như ở đây là mô hình hay, rất đáng được phổ biến để nhân rộng.

- Vàng, vàng, ạ…

Nói đoạn, Sơn Thủy kéo cô phóng viên đến bên anh thanh niên phỏng vấn về quy mô, về phương thức hoạt động của nhà vệ sinh. Cô phóng viên mở sổ ghi chép lia lịa. Mấy hôm sau, trên tờ báo xuất hiện bài viết: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp – nhìn từ khu vệ sinh của Công ty Thành Đạt”. Kèm bài là bức ảnh anh công nhân gương mặt đờ đẫn, đằng sau là khu vệ sinh tinh khôi và tráng lệ.

(Xem tiếp kỳ sau)