Mong mẹ về chợ
Trong mỗi con người đều có một miền ký ức được mặc định lâu bền. Ký ức của tôi lại hướng về làng quê, nơi có bao bà mẹ lam lũ đã nuôi chúng tôi nên vóc nên hình, thế hệ ấy đã là người thiên cổ và những câu chuyện tôi sắp kể chắc thế hệ con cháu không hình dung đầy đủ và có thể họ bảo rằng: Cái ông viết văn này buồn mồm thì tưởng tượng ra. Không phải đâu, cái thời chúng tôi nó vậy.
Bây giờ lũ trẻ không có thói quen “mong như mong mẹ về chợ” nữa. Mẹ chúng đi chợ cả ngày cũng được hay bao giờ về chúng cũng không để ý bởi chúng không còn mong quà. Quà cho trẻ bây giờ cũng không nhất thiết cần phải mua. Cuộc sống no đủ dần nên một số nhu cầu tự nhiên biến mất, đi theo nó là những câu ca dao tục ngữ người ta dần quên. Mặc ai quên chứ riêng tôi suốt đời ám ảnh về hình tượng câu ca : MONG NHƯ MONG MẸ VỀ CHỢ.
---------
Cách tôi mấy nhà có gia đình ông Viết, bà Nghè. Ông làm nghề thả lưới giăng câu và bà cấy lúa và đội cá đi chợ bán. Ông bà đẻ 9 người con bốn trai, năm gái. Mà cũng lạ, càng đói, càng đẻ mà trời sinh ra phụ nữ thời đó sinh đẻ dễ như gà vịt. Có bà cả đời mang bụng chửa.
Bà đỡ cũng thật kinh khủng, dao kéo không có, các bà dùng cật nứa cắt rốn trẻ sơ sinh, lấy đất vách rắc mún rốn “sát trùng”, thiếu sữa nhai gạo sống mớm vào miệng, đau bụng thì lấy con dán đất trong bếp buộc vào rốn…Khó tin lắm phải không các bạn trẻ? Có thật 100% đấy, nhiều thứ còn kinh khủng hơn tôi kể nhiều.
Mỗi nhà chúng tôi đều có một khóm tre, đấy là nơi cha mẹ chúng tôi dùng để lấy vật liệu đan đó, đan lờ bắt cá, lấy lạt buộc vách rơm, làm cán cuốc cán gầu và cuối cùng mới là nhu cầu hóng mát.
Ở lũy tre đó, tuổi thơ chúng tôi thường vác cái bụng ỏng đít beo, cởi chuồng nhồng nhỗng ra ngồi chờ mẹ đi chợ về.
Gần một tiểu đội trẻ nhà bà Nghè, trứng gà trứng vịt cứ ngồi buồn thiu như vậy ngóng lên con đê làng, chúng chẳng còn thiết chơi trò trẻ con vì bụng đói veo. Khi người ta đói thì chẳng thiết trò gì cả, chỉ nghĩ đến ăn.
Kia rồi! Từ phía xa xa, một bà đội cái thúng chem trên đầu tong tả bước. cái khăn vuông mỏ quạ tùm hụp che bớt nắng gió, che bớt cái mặt nhám bã chè. Chiếc nón khoác ở khuỷu tay nhọ nhạy theo nhịp bước.
Lũ trẻ lúc này ào ào xung trận. Đứa lớn chạy trước, đứa nhỏ chạy sau, có đứa chậm chân khóc ré lên.
Bà Nghè đặt cái thúng xuống bậu cửa, lấy khăn vuông lau mồ hôi và chuẩn bị đối phó với đàn con tranh quà.
Có nhiều nhặn gì đâu, vài cái bánh đa mỏng tèo, mấy gióng mía le, một nắm kẹo bột, mỗi con chỉ được một thứ nên chúng vồ nhau tranh phần và ăn gian ăn lận rồi cấu xé nhau váng nhà. Có đứa lăn vào lòng mẹ ăn vạ.
Bà bắt đầu chửi rủa:
- Cha bố lũ giời vật, cha mẹ đứa thánh vật, sao chúng mày làm khổ tao thế này, sao không chết bớt đi cho tao khỏi nợ.
Bà cũng lăn ra đầu hè mà khóc. Khóc chán rút cái vọt cài trên mái gianh xuống vút đen đét vào bất kỳ cái mông đứa nào trong tầm với. Bà đánh con như để trút bớt bao cay cực trong lòng, cái cay cực do cái nghèo hèn vây bủa.
- Giời ơi là giời! Chúng mày không im tao bó chiếu từng đứa chôn ngay bây giờ, tao buông sông cho Hà Bá ăn thịt hết chúng mày bây giờ! Tao gọi Thành hoàng làng bóp cổ từng đứa, tao gọi Thiên lôi bổ chết từng đứa, phanh thây xé xác cho quạ nó dỉa, cho cắt nó lôi.
Có lúc bà lại chửi con có vần có vè: Ới cái lũ diều tha, quạ mổ, ma bắt cắt lôi kia, tao khổ lắm rồi, chúng mày chết trôi sông đắm đò tất cả đi cho rảnh.
Chửi con chán bà quay ra chửi thần thánh, chửi Thành Hoàng làng, chửi tất.
Mỗi buổi đi chợ về, cái chợ tại gia của bà lại họp, cả làng nhức óc nhưng lâu dần cũng quen.
Lũ con bà bị chửi rủa thậm tệ nhưng chẳng đứa nào bị ma bắt cắt lôi, chả đứa nào trôi sông đắm đò, Thành Hoàng mang tiếng thiêng thế mà chả dám làm gì bà, ngài cũng không vật chết đứa nào cả.
Thì ra cuộc sống này, khi người ta bần bách, chẳng ai còn nghĩ đến kiêng kị.
Cứ tưởng sau lâm trận, bà sẽ không bao giờ mua quà và lũ con không bao giờ tranh nhau ăn. Không phải! ngày nào bà cũng mua quà, ngày nào cũng rủa con và ngày nào lũ con cũng đón mẹ đi chợ về để được tranh nhau, để được ăn đòn, để được nghe chửi.
Chúng cứ lớn dần và lần lượt cầm súng lên đường đánh giặc. Mẹ lại ra đứng gốc tre nhà mình nhìn theo bóng con khuất dần, khuất dần. Đến khi chỉ là một chấm nhỏ trên con đê mẹ mới dám nâng vạt áo lau nước mắt. Mấy đứa đi rồi mãi mãi không trở lại với Mẹ, với anh em, xóm mạc họ hàng. Thân họ tan vào cõi hư vô nơi trời xa thăm thẳm.
Thương quá những bà mẹ nghèo trên đất nước này! Thương quá những đứa con lớn lên từ đói khổ để làm Người.
Mẹ đã được phong danh hiệụ Mẹ VN anh hùng vì có 3 con chết trận. Mẹ không mong cái danh hiệu ấy. Chả có bà mẹ nào trên hành tinh này muốn đổi con để lấy danh hiệu. Chiến tranh tai ác đã mặc nhiên khoác lên nỗi đau cho các Mẹ . Không biết cái phút giây các Mẹ nhận danh hiệu sẽ cười hay khóc. Nếu cười thì đó là tiếng khóc biến tướng vì các mẹ cạn khô dòng lệ từ lâu rồi
Tôi cũng là một người có quãng tuổi thơ, ngồi bên gốc tre mong mẹ về chợ trong cơn đói quắt quay. Mẹ chỉ có mình tôi là trai nên bao giờ cũng được ăn quà, dù chỉ là một chiếc bách đúc ngô mà Mẹ vẫn âu yếm bảo: Cho Cún con Rùa vàng.
Quá vãng là điều làm ta luôn thổn thức, luôn nghĩ suy trong lộ trình cuộc sống, hỡi bạn! bạn đã bao giờ MONG NHƯ MONG MẸ VỀ CHỢ CHƯA?
Tin cùng chuyên mục
Chuyện bây giờ mới kể
28/10/2014
Ông Tạch Già
27/10/2014
Hoa sữa mùa thu
25/10/2014
Ma nhà tiêu
21/10/2014
Xin anh thấu hiểu cho lòng em
18/10/2014
Lão
10/10/2014