Vợ chồng già

mùa xuân đang về, mang theo sự thay đổi kỳ diệu của vạn vật. Trong khi, những lá bàng cuối cùng đỏ như máu lìa cành xào xạc bay trong gió, thì cỏ cây trong vườn đâm chồi nảy lộc. Hoa cúc, hoa đào, hoa hồng... khoe sắc dưới nắng xuân, ong, bướm dập dìu. Chim hót cành cao... Phải chăng những chiếc lá vàng rơi cho mầm nụ đâm chồi. Sự ra đi của bà Hạnh âu cũng là quy luật sinh, tử của muôn đời. Đức hạnh của bà, mối tình đôi vợ chồng già, sẽ gieo mầm cho cây đời xanh đẹp như mùa xuân!

Sau đợt mưa phùn, rét đậm, kéo dài đã gần tháng nay mới thấy mặt trời. Rặng cây xoan trơ cành, từng chùm quả khô treo như nhạc ngựa. Những chiếc lá bàng đỏ như máu lìa cành xoay trong gió.  Ngoài vườn đào, cúc, chúm chím ngậm sương mai.  Đàn chim nhà, chim trời: cu cu, chào mào, họa my vừa thay lông xong, đua nhau luyện giọng. Bản hòa tấu  nhiều cung bậc cuả chim đang vẫy gọi mùa xuân, làm ông Đức bừng tỉnh. Sau khi bà Hạnh vợ ông qua đời ở tuổi bẩy ba. Đã hơn tháng nay ông chìm trong đau khổ, tưởng như không thể vượt qua.
Một buổi sáng đẹp trời, tôi đến chia sẻ nỗi buồn với ông bạn già. Hai anh em chúng tôi thân nhau từ tuổi học trò. Cùng được kết nạp vào Đảng một ngày. Tôi vòa bộ đội,  anh Đức đi thanh niên xung phong.  Khi về hưu mới gặp nhau, gắn bó, hàn huyên khi tuổi đã xế chiều. Ông Đức đang ngắm mảnh vườn,  cảm giác như mơ, như thực,  trước thềm mùa xuân.  Thả hồn trong tiếng chim, và vẻ đẹp của hoa, cây cảnh. Lặng lẽ nhặt chiếc lá bàng đỏ như máu vừa lìa cành... Ông ngộ ra quy luật sinh, tử, của tạo hóa, và ngẫm thân phận mình! Không hề biết tôi đang ở phía sau ông.
Vẫn trầm tư ngắm cây cầu bán nguyệt, gắn trên hòn non bộ bắc qua con suối lớn, sơn thủy hữu tình. Hai mố cầu nằm trên lèn đá chênh vênh,  tượng đôi trai gái đang hôn nhau...  Đây là nơi  anh đặt nụ hôn đầu với cô Hạnh,  thanh niên xung phong xinh đẹp nhất lâm trường Nậm Ngọt, cách đây hơn nửa thế kỷ, trên đất Điện Biên. Có lần ông đã nói ý tưởng bố cục hòn non bộ này với tôi, như hướng dẫn viên du lịch. Và ông cười khà...tâm đắc lắm.  Khi vui, buồn,  ông lặng lẽ hàng giờ ngắm cây cầu chênh vênh trên vách núi.  Nhớ lại mối tình trong trắng, đắm say,  với cô Hạnh ngày nào.  Đôi,  ba lần ông nói với bà về cây cầu này. Tại đây,  ông đã nắm tay người yêu, vụng về tõ tình với cô thanh niên xung phong như thế nào...bà Hạnh nhìn ông trìu mến, má ửng hồng,  tủm tỉm cười ... “anh khéo  tay thật. Nhưng ngồi cả đêm chẳng nói được lời yêu!” Đó là những kỷ niệm được bàn tay, và ý tưởng lãng mạn ông ký thác vào đá. một cách trung thực, tài hoa. Một hòn núi có hồn cốt. dễ mấy ai làm được thế này!
Tiếng chuông điện thoại trong túi áo tôi đổ hồi... ông Đức quay lại.
Ôi, anh Xuân! Đến từ lúc nào mà tôi không biết?
-Thấy anh chìm trong kỷ niệm, tôi không muốn làm hỏng cái khoảnh khắc nhạy cảm này, cứ đứng nhìn, ông ngây như phỗng. Tôi biết cụ đang nghĩ gì rồi...
-Mời anh vào nhà. Tết đến rồi. Tôi ngắm vườn cây một chút.
-Ừ, ta vào nhà thôi. Để tôi thắp hương cho chị Hạnh. Hôm nọ không thấy anh đi nhận huy hiệu năm mươi năm tuổi Đảng,  tôi chuyển hướng câu chuyện.
-Nhận được giấy mời từ hai, ba ngày trước. Đêm nằm bà ấy bảo tôi: “Đợt này ông được nhận huy hiệu năm mươi năm tuổi Đảng, thấy chú Đạo bí thư chi bộ bảo được hơn ba triệu đồng. Ta biếu u, và tặng các cháu nội , ngoại,  mỗi người một ít báo đáp, và chia sẻ niềm vui.  Đến hôm  giỗ thầy, làm vài mâm tươm tất mời khách. Số tiền còn lại ông mua cái chăn dạ mới, và cái đệm cứng mà nằm, nếu thiếu thì lấy thêm tiền nhà.  Vừa mổ cột sống,  rét nàng Bân còn mãi tận tháng ba đấy.  Ông nằm đệm mềm kia không ổn đâu.”
- Số tiền mua chăn đệm,  tôi muốn để tặng bà. Vì gia đình ta được như ngày nay, con, cháu thành đạt là nhờ sự đảm đang, vun xới, của mẹ nó. Bốn mặt con, tôi có nuôi dạy con được như bà đâu!
Anh biết đấy,  ông Đức tiếp,  tôi bị tai nạn giao thông, nhất là khi mổ cột sống nằm liệt giường ba bốn tháng trời,  mọi sinh hoạt bà ấy đều chăm sóc chu đáo tại chỗ. Mà bà ấy có được khỏe mạnh đâu, suy tim độ ba, người phù nề ra. Do di chứng bệnh tiểu đường. Lúc nào trong túi áo, hoặc đầu giường cũng có túi thuốc. Có lần bà ấy dặn tôi : “ nếu thấy em ú,  ớ... khó thở thì anh lấy loại thuốc này cho em uống ngay.” Mấy năm nay bệnh tim ngày một nặng, tôi thì què, mẹ tôi đã ngoài chín mươi tuổi. Nhà ba người già đau yếu.  Cứ nghĩ,  bà ấy sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Dẫu biết vậy, vẫn không khỏi bàng hoàng. Đúng là tình nghĩa vợ chồng đầu gối , tay ấp!
Hai khóe mắt ông Đức những giọt nước mặn chát,  đặc quánh lại, lăn xuống cằm,  trong tiếng nấc khan tắc nghẹn của ông già bẩy  mươi sáu tuổi đầu,  râu tóc bạc phơ thương lắm!
-  Thời trẻ, chắc chị Hạnh xinh gái lắm nhỉ. Tôi vội lái câu chuyện sang hướng khác.
- Người đẹp của lâm trường đấy. bà ấy hát rất hay, và cũng là cây vợt bóng bàn có hạng. Mình thích bà ấy từ cái đêm hội diễn văn nghệ mừng xuân của lâm trường, với thanh niên địa phương. Chưa có cách tiếp cận người đẹp, thì đã làm cô ấy giận rồi.
- Sao thế, tôi hỏi.
- Tôi được cử trưởng ban giám khảo, cùng các anh, chị lãnh đạo địa phương. Lẽ ra,  với chất giọng nữ cao trong sáng, mượt mà, và phong cách thể hiện nội tâm, ngoại hình,  rất nhuần nhuyễn của cô Hạnh đáng được trao giải nhất đơn ca nữ. Nhưng, ban giám khảo thống nhất trao cho cô Y Ban, người địa phương.  Để động  viên, khích lệ phong trào “ tiếng hát át tiếng bom” lúc bấy giờ. May sao, hôm tổng kết rút kinh nghiệm hội diễn ở cơ sở, mình đã giải tỏa được nỗi buồn của Hạnh trong cuộc họp cán bộ đoàn.
Chiều hôm ấy ăn cơm tại đơn vị Hạnh. Cũng may, được lãnh đạo, và các bạn vun đắp mối tình cho hai đứa,  mình thấy tự tin hơn. Mạnh dạn mời cô ấy đi dạo để tõ tình! Nhưng đi loanh quanh mãi chẳng biết nói thế nào cho hợp. trong lòng bối rối, bức xúc... Chỉ  vài lời tõ tình mà soa lúc bấy giờ khó nói đến thế.  Đã diễn thuyết trước hàng trăm người có sao đâu. Hai đứa đi mãi đến cây cầu bán nguyệt thì dừng lại. Anh nhìn kìa, thác đổ đẹp không. Cô ấy lên tiếng, phá không gian trầm lặng kéo dài. Ừ,  đẹp quá em nhỉ. Dưới chân thác,  guồng nước đang đổ vào đồng, cái cối giã thập thình, cần mẫn  dưới chân cầu như đo đếm thời gian...thúc giục tôi phải mở lời, rồi đến đâu thì đến.
-Tôi đánh bạo: Em có nhận được thư nhà không Hạnh . Hai bác và gia đình ta vẫn khỏe chứ? (Trước khi đến đây, tôi đã hỏi về gia đình Hạnh, qua cô Quế, bạn đồng hương rất thân của Hạnh, là kế toán lâm trường. Quế thích tôi, nhưng tôi chỉ yêu Hạnh)
- Cảm ơn anh. Thầy, u em, các anh chị trong gia đình vẫn khỏe .
Ông anh trai,  học cùng khoa mỏ địa chất với chủ tịch nước Trần Đức Lương, cũng đang công cán ở tỉnh Điện Biên. Các chị gái đã có gia đình êm ấm cả rồi. chỉ còn em xấu người , xấu nết chả ai thèm nhìn...
-Thế thì hôm nào em cho anh theo về ra mắt các cụ nhé.
-Ghê nhỉ. Đã đâu vào đâu mà đòi ra mắt.Thế còn cô Quế bỏ cho ai? Định bắt cá hai tay à.
- Tôi nắm lấy bàn tay em. Anh với Quế không có gì đâu. Anh thề đấy! Thấy nàng không phản ứng gì, tôi liều hôn lên mu bàn tay em, mà trống ngực đập thình thình... Nàng âu yếm, sắp đến giờ điểm danh rồi,  ta về thôi anh!
Cả đêm đó tôi sung sướng, thao thức với tâm trạng  của người đang yêu. Cứ mường tượng nụ hôn môi em thì nó thế nào nhỉ. Mơ đến một chân trời hạnh phúc, trong cái tổ ấm gia đình đêm mong, ngày nhớ. Nếu thầy, u tôi biết thì các cụ mừng lắm!
Sáng hôm sau, tôi về cục họp. Họ bán cho mỗi đại biểu hai mét vải pô pơ lin mầu nõn chuối.  Mừng quá, thế là có quà tặng nàng vào dịp tết rồi, chắc là em sẽ rất vui!
Chiều, trên đường về lâm trường, tôi ghé vào chỗ Hạnh . Em đang nấu ăn  trong bếp, chạy ào ra đón tôi nói,  cười,  riu rít. Dắt xe đạp của tôi vào phòng mình.
-Anh ở đây ăn cơm chiều với bọn em nhé. Hôm nay em tổ chức  mừng sinh nhật.
- Thế ư? Anh thật vô tâm. Nhưng,  anh có quà mừng sinh nhật em đây. Tôi lấy bút nắn nót :  “Thân tặng em yêu nhân ngày sinh nhật.” Cứ mừng khấp khởi về mảnh vải được phân phối, thật thích hợp cho cơ duyên này! Tôi trao mảnh vải cho em, và chờ phản ứng của nàng...
-Cảm ơn anh. Em rất thích. Vải áo, mầu này hợp với em lắm. Hạnh cất quà tặng vào rương, và lấy ra một gói nhỏ. Em tặng anh cái này. Nàng Đặt vào tay tôi một khăn mùi xoa thêu đôi chim bồ câu đang trún cho nhau, và gói thuốc lá THỦ ĐÔ, thơm phức.
-  Trên đường về, em tiễn tôi đến cầu bán nguyệt thì dừng lại. Hai đứa nắm tay nhau, mắt trộn trong ánh mắt, môi tìm đến làn môi... và, tôi đã biết nụ hôn dâng hiến, đắm say như thế nào. Sau bao tháng,  năm chờ đợi, ngay trên cầu này. Cây cầu tôi mô phỏng gắn trên hòn non bộ kia!
-Thế,  trước lúc ra đi chị Hạnh có trăng trối điều gì với anh không, tôi hỏi.
- Không. À... có, trước đó vài ngày, cũng vào buổi sáng đẹp trời như hôm nay. Tôi nhổ tóc sâu cho bà ấy. thấy bà ngồi im, không trò chuyện như những lần trước.
-         Em thấy trong người hôm nay thế nào, tôi hỏi.
- Em thấy người khác lắm. Có lẽ em đi trước u thôi!
Khi em chết, gánh nặng gia đình đổ lên vai anh hết. Các con, ở xa. Còn lại mẹ già, năm gian nhà trống, ba sào vườn, rồi anh làm sao, đi lại còn phải dò từng bước?
Đi với con, thì ai chăm sóc u? Nhà, đất, bàn thờ, mồ mả tổ tiên ở đây ai hương khói?... Nói đến đây, bà ấy gục vào ngực tôi khóc nức nở. Khóc cho số phận mình, và gia cảnh - nghĩ thương mẹ, thương chồng mà không thể sẻ chia.
-Thôi em, nín đi. Bệnh tim xúc đông quá không tốt. Rồi anh sẽ tính. Các cụ bảo: “Nhất điền, thiên vạn chủ.” Có mảnh đất nào một chủ ở mãi được đâu! Nhưng anh phải chăm sóc u thật tốt đấy nhé. Em thất hiếu với u rồi! Nhớ khuyên thằng Thành không nên quát mắng, roi vọt với con.
Dạy trẻ như vậy không tốt đâu. Không nhắc nó, nó đánh cháu tôi đấy. Ừ, anh biết rồi. Đó là lần cuối cùng tôi nhổ tóc sâu cho bà ấy.
Anh Đức tiễn chân tôi ra ngõ.  Những ngày áp Tết,  mùa xuân đang về, mang theo sự thay đổi kỳ diệu của vạn vật. Trong khi, những lá bàng cuối cùng đỏ như máu lìa cành xào xạc bay trong gió, thì cỏ cây trong vườn đâm chồi nảy lộc.  Hoa cúc, hoa đào, hoa hồng... khoe sắc dưới nắng xuân, ong, bướm dập dìu. Chim hót cành cao...
Phải chăng những chiếc lá vàng rơi cho mầm nụ đâm chồi. Sự ra đi của bà Hạnh âu cũng là quy luật sinh, tử của muôn đời. Đức hạnh của bà, mối tình đôi vợ chồng già,  sẽ  gieo mầm cho cây đời xanh đẹp như mùa xuân! Vâng, mùa xuân theo dòng thời gian cuộn chảy, mở ra cho thiên nhiên,  và con người sức sống mới và những dự cảm ngọt ngào. Hãy trút bỏ ưu phiền đón mùa xuân. Tạm biệt ông Đức, tôi hòa mình vào dòng người đi chợ Tết./.
- Tháng 02-2013.