Bán mảnh ruộng cuối cùng nuôi 8 con học đại học

Câu chuyện ông nông dân Cao Ngọc Hiệp (Vĩnh Long) liều bán đến mảnh ruộng cuối cùng để lo cho cả 8 đứa con học đại học là điều khiến nhiều người tại Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc năm 2013 nể phục.

Đổi đất, vườn lấy sự học

Ở ấp Tân Lộc, xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - một vùng quê nghèo khó, ai cũng cảm phục hành trình vất vả, gian nan của vợ chồng ông Hiệp để nuôi dạy 8 người con học đại học. Làm nghề nông, chỉ biết bám đất vậy mà ông đã dám bán dần đến mảnh ruộng cuối cùng để trang trải cho các con học hành. “Tài sản” duy nhất của ông giờ là 7 người con trai của ông đã tốt nghiệp, có việc làm ổn định, chỉ còn cô con út đang học năm thứ ba Đại học Cần Thơ ngành Kinh tế.

Năm 1975, ông Cao Ngọc Hiệp lập gia đình và được cha mẹ cho 5 công ruộng và 2 công đất vườn. Quanh năm hai vợ chồng ông Hiệp vất vả cấy cày nhưng cũng chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn. Bản thân ông cũng chỉ được học đến cấp 2, bà Lê Thị Kim Tiếng - vợ ông cũng chỉ có điều kiện học hết cấp 1.

“Do sống nghèo khó, không được học hành đến nơi đến chốn nên từ khi lấy nhau, vợ chồng tôi đã quyết tâm phải hy sinh bản  thân, phấn đấu làm lụng, không quản ngại vất vả để kiếm tiền cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Dù bữa no, bữa đói tôi cũng phải giúp các con có kiến thức và khoa học kỹ thuật để chúng thoát nghèo và trở thành người công dân có ích cho xã hội”- ông Hiệp tâm sự.

Do bản thân vợ chồng ông có trình độ văn hóa thấp lại đông con nên cuộc sống vô cùng túng thiếu. Hơn nữa, làm nghề nông lại lệ thuộc vào thời tiết, năm nào được mùa thì đủ ăn, năm mất mùa thì gia đình lại sinh thêm nợ nần để có cái ăn qua ngày.

Ông Hiệp kể: “Tuy khổ cực vậy nhưng vợ chồng tôi luôn động viên các con phải cố gắng học hành, đứa lớn kèm cặp đứa nhỏ, còn về phần mình, chúng tôi phải làm thêm đất rẫy để tăng thêm thu nhập cho các con ăn học. Làm rẫy vào mùa khô thì vô cùng khổ, có những ngày tôi phải oằn lưng gánh đến 500 gánh nước, phải canh chừng khi nước lên thì tát vô mương để có nước tưới cây. Công việc vô cùng cực khổ nhưng tôi không để các cháu làm mà chỉ yêu cầu chúng chú tâm vào việc học”.

Thế nhưng, khi con thứ nhất của ông là Cao Phước Ngoan thi đậu vào Đại học Kinh tế (Đại học Cần Thơ), vợ chồng ông đã phải nhắm mắt cầm cố 5 công đất ruộng để xoay xở có tiền cho con đóng học. Đến đứa thứ hai, rồi đứa thứ ba lại tiếp tục đỗ đại học thì nợ nần ngày càng nhiều, lãi mẹ đẻ lãi con. Không có tiền trả nên vợ chồng ông đành bán luôn 5 công đất đã cầm cố - nguồn sống duy nhất của gia đình. Tài sản nhà ông cũng không có cái gì đáng giá trừ chiếc ti vi và vài cái xe đạp cho tụi nhỏ đi học.

“Tài sản” quý cuối đời

Năm 2004, tai họa ập xuống gia đình khi vợ ông Hiệp bị khối u trong dạ dày. Cùng thời điểm đó thì đứa con thứ tư và đứa thứ năm tiếp tục thi đậu vào đại học. Để có tiền chữa bệnh cho vợ và lo cho các con, ông Hiệp đành liều bán thêm một công vườn nữa. Một năm trời, một mình ông Hiệp vừa phải lo tiền chữa trị cho vợ, vừa phải lo cho các con ăn học nên cảm thấy sức lực mình đã cạn kiệt.

Đến năm 2006, người vợ không chống chọi được với căn bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời. Từ khi mẹ mất, thương cha các cháu đã bảo nhau vừa đi học vừa  bươn chải kiếm việc làm thêm để vơi đi gánh nặng cho bố.

Người con thứ năm, Cao Phước Tâm (Đại học Cần Thơ) hiện công tác tại Công ty Viettel Bình Tân, Vĩnh Long tâm sự: “Khi mẹ mất, chúng em cũng buồn và lo lắng lắm, nhưng sau đó các anh lớn đã tự tìm việc làm thêm để kiếm tiền vừa trang trải cho bản thân vừa giúp các em tiền đóng học. Bởi vì những gì quý giá nhất trong nhà cũng ra đi để lo cho chúng em hết rồi”.

Và trời không phụ lòng người, khi biết hoàn cảnh gia đình vô cùng cơ cực, con cái có nguy cơ phải nghỉ học thì hàng xóm, người thân cũng như Hội Khuyến học xã đã đến tận nhà động viên cha con ông Hiệp. Người thì cho mượn tiền, người cho mượn đất để ông có cái lo cho các con tiếp tục học.

“Cũng nhờ sự giúp đỡ của bà con, sự hỗ trợ của Hội Khuyến học cùng với sự nỗ lực của các con, gia đình tôi đã vượt qua được khó khăn, việc học hành của các con được đến nơi đến chốn, các cháu đã có được công việc tốt. Như vậy là ước mơ của vợ chồng tôi đã thành hiện thực” - ông Hiệp xúc động cho biết.

Những năm qua, gia đình hiếu học của ông Cao Ngọc Hiệp đã truyền khát vọng, khích lệ nhiều người dân nghèo nơi đây vượt khó để cho con cái chữ.