Nhà thơ và hai bác phó

Tên làng tôi là Gạo. Có người cho rằng, sở dĩ có tên ấy là bởi, các cụ xưa từ mạn xuôi lên đây khai hoang, đói ăn triền miên nên mơ ước sau này con cháu làm ra nhiều gạo. Người khác lại giải thích, đơn giản vì làng tôi có cây gạo. Cây gạo đứng ở đầu làng. Thân cây nham nhở những hình thù kỳ quái, tục tĩu bởi những vết khắc của lũ trẻ chăn trâu. Từ đường cái quan nhìn vào, vòm cây nhô lên trước những mái nhà lúp xúp. Vào quãng tháng Ba, vòm cây đỏ rừng rực như tảng máu lớn. Đó là mầu đỏ của hoa gạo.

 

Mấy năm nay nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo con đường đổi mới của Đảng, dân làng tôi cơ bản được đáp ứng nhu cầu về gạo. Nhưng điều đáng buồn là cả làng không có lấy một người nổi tiếng; độc một ông phó cạo có trình độ đại học; nhưng ông đi làm cán bộ nhà nước được mấy năm, thối chí về mở hiệu cắt tóc.

 

Mới đây, đột nhiên làng tôi xuất hiện một nhà thơ. Thực ra, cái tên nhà thơ là do dân làng đặt cho chứ thơ anh chưa bao giờ được đăng báo. Tên cúng cơm của anh là Nhu – Ma Văn Nhu – trước mọi người anh tự giới thiệu mình là Mai Văn Nhu. Anh giải thích, anh sùng bái  thơ Maiacốpski (nhà thơ Nga) nên tôn nhà thơ vĩ đại này là bậc sư huynh!

Anh Nhu người nhỏ thó, mặt quắt, nhằng nhịt những vết nhăn nom giống quả đu đủ đực bị héo. Bộ ria mép thưa, mọc từ hai chân mũi khoanh cái mồm của anh lại, trông như miệng điếu cày. Tóc anh lúc nào cũng xù ra, không chải và hình như không chải được. Quần áo anh mặc thường là vải sáng mầu. Có điều, anh ít quần áo để thay, lại không thường xuyên giặt giũ, nên nó nhàu nát, loang lổ màu cháo lòng và hôi hám quá! Được cái anh lúc nào cũng sơ vin, không đeo dây lưng, bên ngoài khoác áo gile nên ra dáng nghệ sĩ tợn!

Nơi anh Nhu hay lui tới đọc thơ là gốc cây gạo. Bởi, ở đấy là nơi tụ tập của những người đi chợ vào nghỉ chân trú nắng, những người chờ cắt tóc ở quán ông phó cạo và có cả lũ trẻ chăn trâu. Trước đám đông không phải anh đọc thơ mà là hét. Anh hét rằng:

“Trăng

Nhễ nhại

Bên hồ

Ngọn gió hoang

Lang thang

Bờ suối vắng

Sơn nữ

Áo chàm

Mê đắm

Bầy liếu điếu trong vòm cây

Nghe

Nghe

Đàn dê con

Trong chuồng

Quậy phá…”

Tôi không hiểu gì về những điều anh hét. Nhưng nhìn tóc anh xù lên, mồm sùi bọt mép, mặt co rút như lên cơn động kinh, tôi gai hết người. Đám đông thì vỗ tay hò hét, yêu cầu anh đọc tiếp. Tôi biết, sự tán thưởng của mọi người là sự bỡn cợt, nhạo báng. Nhưng anh Nhu tưởng đó là sự hâm mộ mình nên cao hứng đọc tiếp. Lần này tôi lờ mờ hiểu rằng, hình như anh đang nói về cái chết:

“Cái chết ơi

Mi ở đáy vực

Há toác

Đen ngòm

Ta

Gã đàn ông giang hồ phiêu bạt

Ta đi qua trận mạc

Đói khổ và đạn bom

Qua những cánh rừng

Đầy quạ đen và hơi độc

Ôi cái chết

Mi chẳng có gì đáng sợ!...”

Đám đông lại  rú lên. Bà Xuyền nhổ bãi nước trầu rồi rằng:

- Này, tôi hỏi nhà thơ: nhà thơ bảo mình là gã giang hồ phiêu bạt, vậy ông đã phiêu bạt những đâu? Ông đi bộ đội ngày nào  mà biết cả cánh rừng nhiều quạ đen và hơi độc, hử?

Bị dồn vào thế bí, anh Nhu ngẩn mặt, miệng dểu ra, bộ râu lúc này giống như dấu hỏi. Rất may, ông phó cối nhanh nhảu đỡ lời:

- Thế mới tài! Nghệ sĩ người ta còn tưởng tượng ra đủ thứ ở trên đời ấy chứ, bà xem vô tuyến thì biết đấy… Trên đường này làm gì có…

Ông phó cối đang cao hứng, bất ngờ, thằng Thiên con nhà Thăng vớ đâu con cóc cụ, thả vào chân anh Nhu. Anh Nhu rú lên chạy thục mạng.

… Một sự kiện làm dân làng Gạo bất ngờ sửng sốt, đó là tập thơ “Gió hoang” của anh Nhu ra đời. Tập thơ tập hợp những bài mà anh từng đọc cho dân làng nghe dưới gốc cây gạo. Thơ được tin trên giấy tốt. Bìa một in một cô gái mặc áo tắm, ngồi hớ hênh trên dòng suối. Góc trái bìa bốn là ảnh anh Nhu, với gương mặt như trên đã miêu tả. Sự kiện này khiến dân làng đánh giá lại anh Nhu. Riêng tôi cũng có cảm giác rằng, những bài thơ mà mọi người  đùa cợt anh Nhu như chứa đựng những điều cao siêu, huyền bí, tôi không thể hiểu nổi, dân làng tôi cũng không hiểu nổi. Và giờ đây, mái tóc, bộ râu, bộ quần áo của anh Nhu xem ra có vẻ thuận mắt. Hóa ra, trong cái dị lập, ngồ ngộ hâm hâm của anh Nhu như chứa đựng một tâm hồn lớn, tài năng lớn. Dân làng tôi, cả đời chỉ biết kiếm gạo, không phát hiện ra.

Trong làng có ông phó cạo là phê phán thơ anh Nhu kịch liệt. Mỗi khi có ai đó nhắc về thơ anh Nhu trước mặt ông, ông quát:

- Thơ gì? Thơ con cóc, thơ tắc tị…

Biết ông nhiều chữ nhất làng, nên chẳng ai dám tranh luận. Duy chỉ ông phó cối, là anh em thúc bá với anh Nhu, thi thoảng lại được anh Nhu mời uống rượu lòng lợn tiết canh, lớn tiếng vặc lại. Tuy nhiên, để chứng tỏ mình là người “đông” văn hóa nhờ lượm lặt được từ những chuyến đi kiếm ăn trong thiên hạ, ông phó cối có vẻ khiêm nhường:

- Thưa bác, tôi thiển nghĩ, một khi nhà xuất bản đã cho in thì rõ ràng thơ của anh Nhu được nhân dân cả nước đọc chứ không đùa đâu bác ạ.

Ông phó cạo băm bổ:

- Ai đọc tôi không cần biết. Riêng tôi, những câu chữ được gọi là thơ ấy nó vô nghĩa và dung tục lắm.

- Ô hay, đấy không phải là thơ, vậy là gì, thưa bác? Bác không được đi nhiều nên không hiểu tình hình thời sự văn nghệ hiện nay rồi. Bác ơi, chính những thứ câu chữ được ghép thành vần điệu mà lâu nay ta vẫn quen gọi là thơ ấy, mới là thứ đáng xổ toẹt. Giờ đây, thi ca hiện đại người ta đề cao chất tâm linh. Thậm chí người ta còn quan niệm rằng, thơ chỉ là cái bóng của chữ, nhìn vào thì thấy sướng mắt; đọc lên nghe sướng lỗ tai. Tôi nghĩ, thơ hãy cứ đáp ứng được hai nhu cầu ấy của con người đã là điều quá sức đối với nhà thơ. Cần gì phải gò ép, lệ thuộc vào ý tứ, khuôn mẫu, phải không ạ?

Ông phó cạo ngừng cắt tóc. Cái kéo trên tay chĩa vào ông phó cối như sắp nhảy vào cuộc ẩu chiến. Giọng ông sắc lẻm như tiếng kéo xén tóc:

- Các ông muốn quan niệm về nhà thơ như thế nào, mặc. Riêng tôi, tôi thấy những loại thơ như của anh Nhu anh nhiếc gì đấy, ít nhất là không phải thơ Việt Nam, nếu không nói đó là sản phẩm của thói hư danh bệnh hoạn, muốn khác người, muốn muốn nổi tiếng đành bày đặt ra một thứ hình thức méo mó, lập dị để lòe bịp mọi người. Theo tôi, nghệ thuật muốn đạt độ siêu lại là cách thể hiện sao cho giản dị nhất.

Bác phó cối giận run người:

- Ông thì biết cái gì? Quanh năm ngồi gốc cây gạo, biết gì mà lớn tiếng!

- Còn ông quanh năm bới ăn ở lỗ cối, cùng lắm nghe lỏm, học đòi chuyện người khác chứ có học hành gì mà đòi tranh luận về học thuật?

Ông phó cối dứ dứ cái đục vào ông phó cạo, mà rằng:

- Này, thằng già! Mày là cái thằng đầu chày đít thớt, bị cơ quan nhà nước người ta thải hồi chứ hơn gì tao…

Cuộc đấu khẩu giữa hai bác phó lúc đầu có vẻ như tranh luận về học thuật, bỗng trở thành cuộc cãi vã thô lậu, sặc mùi chợ búa. Khiến thơ văn và thịt chó, thi sĩ và lưu manh, lộn tùng phèo hết cả, dân làng Gạo chẳng biết ai đúng, ai sai…

Bà Xuyền nhổ toẹt bãi nước trầu ra khỏi miệng, rồi rằng:

- Thôi, thôi, em xin hai bác. Ai lại người nhớn mà mang chuyện riêng của nhau ra réo chửi như thế, dân làng người ta cười cho! Mà em “lói” khí không phải, các bác đừng cười chứ thơ văn là phải đặt được những bài thơ như truyện Kiều, hay bài gì mà có đoạn “em ơi em ở lại nhà…” ấy hai bác nhẩy? À, phải rồi, bài “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính… Đấy, đặt thơ phải đặt được những bài  như thế mới mê li quằn quại. Còn thơ của cái chú Nhu, em cấm hiểu cái cóc khô gì sất.

Rốt cục, trong cuộc cãi vã giữa hai bác phó, bác nào cũng bị thiệt hại, chỉ có anh Nhu là được lãi. Nhờ có cuộc cãi vã mà tên tuổi anh Nhu nổi như cồn, có người bên tận làng Chum cũng muốn biết mặt mũi anh Nhu. Những lúc như thế anh Nhu mừng vui nhảy nhót như người lên đồng.

… Vẫn dưới gốc cây gạo. Anh Nhu đang cao hứng đọc thơ trước công chúng. Chợt, một người đàn bà xồ sề hộc tốc chạy tới. Chị rít lên:
- Trời ơi. Lại thơ phú…

Nói rồi chị túm tóc anh Nhu day kịch liệt. Mọi người kinh ngạc, không biết điều gì đã xảy ra. Bác phó cạo ngừng tông-đơ chạy tới can ngăn:

- Kìa chị Nhu. Xin chị bình tĩnh…

- Bác bảo em bình tĩnh thế nào được. Ai lại chồng con, chẳng có lo chuyện làm ăn, suốt ngày mải mê chuyện thơ phú rồi nói năng bậy bạ linh tinh.

- Ô kìa, sao chị nói vậy? Anh ấy làm thơ được tiền nhuận bút lại được cả nước biết tên còn gì!

Chị Nhu kêu khóc lồng lộn như bị chọc tiết:

- Ôi trời ơi. Lúc đầu em cũng tưởng thế nên nghe theo hắn, bán đi lứa lợn với hai tạ thóc để in thơ. Ai ngờ thơ ấy chỉ để hắn đi khoe. Giờ còn ba bó ở kèo nhà. Bọn làm pháo cũng chả thèm mua, vì Nhà nước cấm đốt pháo… Ối giời ơi, tôi xót của lắm bà con ơi! Công mẹ con tôi mấy tháng giời dậy sớm thức khuya làm lụng để cho hắn… Này! – Chị hướng về phía anh Nhu, nghiến răng kèn kẹt – Mày đi đâu kiếm ăn được thì đi. Đi đi cho khuất mắt bà!

Anh Nhu nấp ở gốc gạo. Gương mặt tái mét, ngây dại. Có lẽ anh sợ quá, không để ý rằng, ngay trên đầu anh, chỗ thân cây gạo, là hình vẽ tục tĩu của bọn trẻ trâu…