Mimosa!

Từ lâu, tôi có thói quen đi bộ từ bốn giờ ba mươi, đến năm giờ ba mươi sáng mỗi ngày. Dạo trước, tôi vẫn đi loanh quanh trong khu vực mình ở, cùng với mấy ông hàng xóm. Hơn một tháng trước, cách nơi tôi ở vài trăm mét, bỗng mở một con đường nhựa rộng thênh thang, dài hơn một cây số, băng qua một khu đầm trũng, đầy rau muống và lau sậy um tùm, tiến sát đến bờ sông Hương. Suốt từ chập tối cho đến năm giờ sáng, điện cao áp bật sáng trưng.Tôi quyết định “Chuyển phỏm” đi sang con đường mới đó.

Mới sang, chưa quen ai, nên tôi cứ lẳng lặng tiến hành chương trình của mình. Con đường dài hơn một cây số, đi với tốc độ khoảng 6 km một giờ, tròn ba vòng là tôi hoàn thành kế hoạch. Nếu cứ như vậy, thì cũng chẳng có gì đáng viết ra đây. Nhưng thực ra, trên con đường đi bộ thể dục buổi sáng, ngỡ như rất bình yên ấy, cũng ẩn chứa bao điều bất ngờ. Có thể là thú vị, cũng có thể là vô cùng nhiêu khê…mà không ai có thể đoán trước được, bất kỳ điều gì sẽ xảy ra.

Một hôm, cũng như thường lệ, tôi có mặt trên con đường mới, khi ánh điện còn rực sáng. Gió từ phía sông Hương thổi lên mát rượi. Phải nói là không khí ở đây tuyệt hảo, chúng ngọt lịm trong từng nang phổi. Khi đang miên man suy nghĩ, và say sưa hít thở bầu không khí trong lành, thì một mùi hương thoảng qua mũi tôi. Nó như vừa ngầy ngậy, như vừa trộn lẫn mùi hoa chanh, hoa bưởi, hoa lài...Tôi không biết nó là mùi gì? Nó hư hư, thực thực, lúc có, lúc không!!! Tôi hiểu đó không phải là mùi nước sông Hương. Nước sông Hương có thể thơm mùi hoa chanh, hoa bưởi. Nhưng mùi ngầy ngậy…thì không bao giờ!!!

Tôi ngước lên, phóng tầm mắt về phía trước. Cách khoảng vài chục mét, một người đang thong thả tản bộ cùng chiều với tôi. Vì khoảng cách hơi xa, thị giác chưa thực sự trở lại bình thường, và lại là vùng hơi tối của con đường (vì tiết kiệm điện nên người ta bật đèn cách quãng), nên tôi không thể nhận dạng được người ấy một cách cụ thể. Nhưng mùi hương ấy nói với tôi rằng: Đó không chỉ là một phụ nữ, mà còn là một phụ nữ đang tuổi hồi xuân!

Khi ý nghĩ ấy thoáng qua, tôi bật cười với chính mình! Thực ra nhận xét ấy không phải là của tôi. Mà là của ông bạn vong niên, đã sống cùng tôi một thời gian dài ở nước ngoài thuở xa xưa. Lần ấy, chúng tôi vừa ngồi uống rượu, vừa xem ti vi nói về tuổi  “Hồi xuân” của phụ nữ. Lúc đó tôi còn trẻ, nên chưa chú ý lắm. Còn ông bạn của tôi thì thích mê man. Nhưng được một lúc, ông ấy vớ lấy cái điều khiển bấm cái tách, ti vi tắt ngủm.

-      Sao, anh chán hồi xuân rồi à? Tôi ngạc nhiên hỏi. Ông ấy vừa lắc đầu vừa nói:

-       Lý thuyết quá, toàn trên trời dưới biển. Mày biết không! Cái hội phụ nữ hồi xuân, hai con mắt của họ như hai núi lửa phun trào, còn cơ thể lại có một mùi hương vô cùng đặc biệt!

Tôi bắt đầu thấy hấp dẫn, liền hóng hớt hỏi:

-      Họ thơm lắm à?

Vớ lấy cốc Vodka uống cạn một hơi, ông ấy trả lời bằng cái giọng của một giáo sư đầu ngành, chuyên nghiên cứu về nhân chủng học:

-      Phụ nữ thì ai chả thơm. Hương thơm cũng là một thứ vũ khí lợi hại của chị em. Nhưng đấy là mùi thơm của phấn, nước hoa, xà bông…tóm lại là ngoại lai. Nhưng phụ nữ hồi xuân lại giống bông hoa, tự tỏa ra một mùi hương rất lạ, nó nồng nàn, ngầy ngậy vô cùng quyến rũ. Nó giống như từ trường của thanh nam châm vậy. Bọn đàn ông mà rơi vào đấy, thì chỉ có từ trọng thương…đến hy sinh anh dũng mà thôi!!!

Nói xong, ông ta ngửa mặt nhìn lên trần nhà, như nhớ về cái gì đó.

Anh đã bị rồi à! Thấy thế nào? Bị trọng thương, hay hy sinh?

Tôi dồn dập hỏi. Làm một tợp rượu, ông ta gật gù trả lời:

-      Không có đáp án cho câu hỏi này. Sốt ruột làm gì, cậu còn trẻ mà. Sau này thế nào cũng có lần lâm trận…cứ yên trí!!!

…Trời ơi, cái mùi “Ngầy ngậy” đang cách tôi vài chục mét đây thôi. Mình đang lâm trận rồi sao? Tôi bình tĩnh đánh giá tình thế của thực tại: Có cái quái gì đâu, toàn thần hồn nát thần tính…Chỉ là cái mùi ngầy ngậy thôi mà! Tôi tặc lưỡi bước tiếp. Dẫu đã trấn an như vậy, nhưng không hiểu sao, các bước chân của tôi cứ như có gió đẩy phía sau. Chúng hối hả như vận động viên Ma-ra-tông chạy nước rút vậy. Mình bây giờ chắc giống con ếch đang bị cái mồi hoa mướp thôi miên đây! Tôi vừa cười cợt mình vừa bước đi hối hả.

Chỉ mấy phút, tôi đã gần đuổi kịp cái mùi” Ngầy ngậy” kia. Đó là một phụ nữ, tuổi trên dưới bốn mươi, tóc để xõa sau lưng, nhưng trên đầu vẫn đội một cái mũ vải trắng, có cái lưỡi trai hơi dài, xoay ngược về phía sau. Cùng cái quần sọc trắng ngắn, và cái áo thun trắng ba lỗ bó sát người, toàn thân người phụ nữ dưới ánh đèn như tự phát sáng lấp lánh. Các bước chân của tôi tự động chậm lại. Cả một vùng không gian ba bốn mét sau cô ấy, tràn ngập một mùi hương không thể gọi tên. Chúng mộng mị đầy ma lực. Tôi chầm chậm hít hà, mê man trong mùi hương đó. Chắc là vùng từ trường nguy hiểm đây, mình phải bứt lên, không lại trọng thương bây giờ! Tôi tự nhủ và tăng tốc.

Nhưng, trên cõi đời này, nhiều thứ không phải lúc nào cũng theo ý mình!!! Khi tôi vượt qua người phụ nữ, khoảng ba bốn bước chân, đang đắc ý, là mình đã thoát khỏi vùng nguy hiểm một cách đơn giản, thì nghe một tiếng “huỵch”, đồng thời một tiếng kêu như rên, nhói cả tim:

-      Ôi! Đau quá!!!

Tôi quay phắt lại. Người phụ nữ đã bổ xuống lề đường với tư thế “vồ ếch”, hai đầu gồi và hai bàn tay chống xuống nền gạch. Tôi lo lắng chạy lại hỏi:

-Cô bị vấp à? Có đau lắm không. Để tôi giúp.

Người phụ nữ rên rỉ không nói nên lời, chỉ xuống bàn chân phải. Thì ra, vì không để ý, cô ấy đã vấp phải cái vòng sắt trên một cái nắp hố ga còn mới tinh trên đường. Những người thợ khi đặt nắp hố ga, đã không đập cho những vòng sắt ấy nằm xuống, nên vô tình đã tạo ra những cái bẫy vô cùng nguy hiểm. Mũi bàn chân phải nhỏ bé cùng với cái giầy ba ta trắng, mắc cứng trong cái vòng sắt đó. Nâng người phụ nữ đứng lên, bảo cô ấy vịn vào vai, tôi lựa cho thuận chiều, từ từ rút bàn chân ra khỏi cái bẫy quái ác. Chắc bàn chân bị gập quá mức, nên đã bị bong gân. Còn chân trái thì chắc trầy da, máu loang đỏ cả vùng đầu gối. Tóm lại người phụ nữ không thể đi lại được nữa.

-      Nhà cô ở đâu? Tôi đưa về. Có thể cô phải vào bệnh viện cũng nên.

Chỉ tay về phía đầu con đường cô nói:

-      Dạ, cảm ơn anh. Nhà em là quán cà phê Mimosa ở ngay khúc cua đầu đường kia ạ. Cảm phiền anh gọi giùm em chiếc xích lô là được.

Quán cà phê này tôi biết. Nó chỉ cách chỗ chúng tôi đang đứng khoảng ba trăm mét. Cũng may, con đường này dẫn về chợ đầu mối, nên dù mới sáng sớm, đã thấy nhiều loại phương tiện thô sơ, chở hàng ngược xuôi hối hả. Tôi vẫy một cái xích lô, dìu người phụ nữ lên xe, nhờ người đạp xích lô đưa cô ấy về nhà.

-      Cô nhớ phải đến bác sỹ nghe. Tôi dặn với theo.

-      Dạ, cảm ơn anh nhiều. Cô cảm ơn tôi lần nữa.

Tôi nhìn theo đến tận lúc, cái xích lô rẽ trái, mất hút nơi đầu đường, mới tiếp tục công cuộc đi bộ của mình. Có con côn trùng gì đó đậu lên cánh mũi, làm tôi ngứa khó chịu. Tôi đưa tay phẩy nó đi. Chợt mùi hương của người phụ nữ bất ngờ tỏa ra từ bàn tay tôi. Lạ thật, tại sao lúc bên cô ấy, tôi không ngửi thấy chi hết. Tôi đã đỡ cô ấy đứng dậy, đã rút chân cô ấy ra khỏi vòng sắt. Thậm chí, cô còn tựa hằn vào tôi cả mấy phút, mà có thấy chi đâu? Chợt nhớ hai câu thơ của Xuân Diệu: Tôi muốn buộc gió lại. Cho hương đừng bay đi…Không biết cụ Xuân Diệu đã lấy thi hứng để viết bài này từ đâu? Hay cụ cũng đã “lâm trận” như tôi lúc nãy. Là nhà thơ lớn có khác, cụ có ngay một bài thơ hay nức nở. Còn tôi, người trần mắt thịt, chẳng thấy gì, ngoài cái mùi hương ngầy ngậy…còn phảng phất trên hai bàn tay mà thôi! Làm sao tôi có thể” buộc” chúng lại được bây giờ?

Bẵng đi cả tuần lễ, sự cố hôm nọ tôi đã quên từ lâu. Đã vào cuối mùa hạ, tôi càng chăm chỉ đi bộ. Chỉ hơn một tháng nữa, xứ Huế của tôi sẽ vào mùa mưa bão, lụt lội miên man. Mùa mưa sẽ kéo dài bốn năm tháng, suốt thời gian ấy, mọi sự rèn luyện ngoài trời coi như cấm chỉ, buồn thật!

-      Chào anh.

Khi tôi đang nghĩ về mùa mưa, thì nghe tiếng chào như ngân lên sau lưng. Tôi quay lại, nhận ra người phụ nữ hôm nọ. Vẫn cái mũ vải có lưỡi trai dài, đội ngược về đằng sau, cùng bộ đồ trắng hôm ấy.

Chào cô! Chân cô thế nào rồi? Tôi ân cần hỏi thăm!

-  Dạ, khỏi rồi ạ. Hôm nay em bắt đầu đi lại. May quá…

Tôi hiểu hai từ “may quá” của cô theo một ý khác, nên nhanh nhảu tiếp lời:

-      Ừ, hơn một tuần đi được là may rồi. Nếu là tôi, thì có khi rên hàng tháng cũng nên!

Người phụ nữ bất chợt quay mặt sang phía tôi:

-      Không! Em nói may quá…không có ý như vậy!

Tôi không hiểu cô định nói gì, bèn hỏi lại:

-      Thế cô bảo: May quá…là sao?

Sau mấy giây chần chừ, cô trả lời như cái kiểu, người vừa trút được gánh nặng:

-       May là được gặp anh. Em mong…được gặp anh!!!

Tôi cười phá lên như chưa bao giờ được cười:

-      Trời ơi! Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa ai mong gặp tôi cả! Cô là người đầu tiên muốn điều đó. Cảm ơn cô nhiều lắm!

Người phụ nữ giọng như hờn dỗi:

-      Anh thấy em buồn cười lắm à? Em mong gặp, để cảm ơn anh thôi mà!!!

-      Cô có phải là Công tằng Tôn nữ ….gì đó không? Mà bài bản quá vậy. Chỉ là chuyện bình thường, ai cũng nên giúp đỡ nhau thôi mà!

Tôi lấy cái giọng đùa cợt để xoa dịu cô ấy. Im lặng một lúc, người phụ nữ mới cất tiếng nói. Tôi ngỡ như cô ấy tự sự vậy:

-      Em chỉ có một nửa là Công tằng…thôi. Ba em người Đà Lạt, mạ em người Huế.

-       Tôi hiểu rồi. Thảo nào quán cà phê của cô lại có tên là Mimosa…Cô đặt tên quán như vậy, để nhớ về quê nội phải không?

Tôi quan tâm hỏi.

-      Em cũng không rõ lắm. Lúc làm quán, cái tên Mimosa tự nhiên hiện lên trong đầu em, cả nhà cũng không ai có ý kiến gì, nên em đặt như vậy.

Người phụ nữ giải thích với cái giọng rất chân thật.

-      Anh đã ghé vô quán của em lần nào chưa? Cô đột ngột hỏi.

-      Chưa, nhưng tôi đã đi qua rất nhiều lần, nên biết. Tôi thật thà trả lời.

-      Mời anh ghé vô, để em chiêu đãi cà phê nhé. Cô chân thành mời.

-      Cảm ơn cô. Nhất định là tôi sẽ ghé. Tôi là dân nghiền đây mà. Tôi hứa với cô rồi nói:

-      Thôi, cô từ từ đi nghe. Tôi phải đi nhanh, cô không theo kịp đâu, mệt lắm. Mà nhớ chú ý cái vòng sắt hôm nọ nghe chưa?

-      Dạ. Em phải cảm ơn nó cũng nên! Cô trầm ngâm nói.

-      Cô cảm ơn vì nó chưa làm cô gẫy chân hả? Tôi tò mò hỏi.

-      Một phần thôi. Cái chính là nó đã giúp em làm quen với anh!!! Cô mỉm cười, nửa như đùa, nửa như thật.

-      Thế thì tý nữa gặp, tôi cũng cảm ơn nó luôn. Tôi phụ họa với cô.

Chúng tôi cùng cười vang. Tôi bước nhanh về phía trước, thấy trong lòng dâng lên một niềm vui là lạ.

Rất nhiều ngày sau đó, sáng nào chúng tôi cũng gặp nhau, trò chuyện mươi phút trước khi tôi đi nhanh, còn cô thì nhẩn nha đi với tốc độ thường ngày của mình. Tuy vậy chúng tôi cũng không có thêm thông tin gì về nhau, chỉ chào hỏi, nói những chuyện không đầu, không đuôi. Tôi gọi cô bằng biệt danh: Mimosa. Cô bằng lòng với cái tên ấy. Cô kể cho tôi nghe về Đà Lạt, về các loại hoa, về thung lũng Tình yêu, về hồ Than thở…Có lẽ em sẽ chuyển nhà về Đà Lạt. Tôi nghe loáng thoáng cô nói về điều đó, nhưng không để ý lắm. Chúng tôi không hỏi tên nhau, không hỏi về gia đình, con cái, công việc, số điện thoại. Chỉ có điều, là có những buổi sớm, vì lý do nào đó mà cô vắng mặt, thì con đường trở nên vắng vẻ khác thường. Nó như dài ra rất nhiều. Sáng hôm sau, khi gặp mặt, chúng tôi vui mừng tíu tít, như những người thân, gặp lại nhau sau bao ngày xa cách! Tôi để ý thấy, những lời mời tới thăm quán của cô, hôm nào cũng được nhắc lại, với một âm hưởng ngày một mặn mòi hơn!

Cuối cùng thì cơ hội ghé thăm quán Mimosa cũng xuất hiện. Sáng chủ nhật hôm ấy, tôi có việc đi qua quán của cô. Ngày mai tôi bắt đầu một chuyến công tác xa, gần một tháng, nên quyết định ghé vô. Quán Mimosa là quán cà phê nhỏ tại gia. Ngôi nhà  lầu nằm thụt sâu vào bên trong khuôn viên, nhường khoảnh đất mặt tiền, độ vài chục mét vuông bán cà phê. Toàn bộ không gian này, được dựng một giàn bằng ống sắt chắc chắn, cao khoảng gần 5m. Trên giàn được phủ một tấm lưới màu xanh da trời, rất nhiều giò lan treo phía dưới, đây đó những chùm hoa dài buông xuống khoe sắc rực rỡ. Khoảng mươi bộ bàn ghế nhỏ xinh xắn dành cho khách, được đặt chạy theo sát hàng rào chè tàu, bao lấy khuôn viên quán. Cà phê Mimosa giản dị, với hoa, với nhạc Trịnh không lời du dương, tạo ra một không gian thanh bình, thư giãn giữa chốn thị thành đô hội.

Khi tôi bước vô, cô đang mang cà phê cho mấy cô cậu thanh niên, (chắc là sinh viên) họ đều chăm chú dán mắt vào các máy tính bảng đặt trên đầu gối. Tôi chọn một bàn tận góc vườn bên kia, ngồi quay lưng về phía họ. Phục vụ mấy sinh viên xong, cô cầm chiếc khay đi lại phía tôi:

-      Chào anh! Anh dùng gì ạ?

Tôi giả vờ như không nghe thấy, cắm cúi đọc mấy cái tin trên điện thoại.

-       Anh dùng…

Khi cô đang hỏi lại lần thứ hai với một ngữ điệu rất nhẫn nhịn, thì tôi ngửng lên, quay mặt về phía cô. Cô đứng sững, miệng hơi mím lại, tuyệt đối không có một phản ứng chi về hình thể. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn rõ mặt nhau trong ánh sáng ban ngày. Cô có một gương mặt ưa nhìn và đôi mắt buồn thăm thẳm. Sao đôi mắt này không giống hai núi lửa phun trào…nhỉ? Khi đang thầm thắc mắc, thì tôi nhận thấy ánh mắt của cô rạng dần lên, cuối cùng thì nó rực lên như nắng, lấp lánh những tia cười. Cả gương mặt cô ửng hồng. Một nụ cười như mãn nguyện, như hạnh phúc tỏa sáng, ẩn hiện trên đôi môi của cô!

-      Em cứ tưởng, anh là dân xã hội đen kia đấy!!! Cô trêu tôi.

-      Thì tôi từ bóng tối bước ra mà. Sao cô lại làm một mình vậy? Có cần thuê nhân công không? Tôi đang rảnh đây! Tôi đùa với cô.

-      Em làm một mình ba năm nay rồi, mời anh vô trong nhà.

Cô cầm tay, kéo tôi đứng dậy. Bàn tay cô mềm mại và ấm nóng lạ thường. Tôi theo cô vào trong. Đó là căn phòng đầu hồi của ngôi nhà, nơi pha chế cà phê. Một bộ sa lon nhỏ, kê bên cạnh cửa sổ nhìn ra vườn. Trên mặt quầy pha chế, mấy chục phin cà phê đã được ủ sẵn, tỏa hương thơm ngào ngạt. Cô mời tôi ngồi xuống ghế, rồi rối rít chuẩn bị.

-      Thôi, cô cứ cho tôi một phin đã ủ sẵn là được. Pha mới làm gì cho mất công. Tôi ái ngại đề nghị.

-      Không được, anh là khách đặc biệt, nên phải có cà phê đặc biệt chứ! Cô vừa làm, vừa nói với tôi.

-      Tất cả khách hàng đều là Thượng Đế…sao lại có cà phê thường và cà phê đặc biệt vậy? Quán này thiên vị quá. Tôi đùa cô.

Cô bê phin cà phê và hai ly trà nóng đặt lên bàn, rồi ngồi xuống cạnh tôi chậm rãi nói:

-      Vâng, mọi khách hàng đều là Thượng Đế của quán. Nhưng anh thì không phải! Cô mỉm cười bí hiểm.

-      Tôi hiểu rồi, tôi được chiêu đãi không phải trả tiền, nên không được làm Thượng Đế chứ gì?Tôi giả bộ lý giải.

Quay lại nhìn tôi với ánh mắt thật lạ, hai bàn tay cô ôm chặt lấy cánh tay trái của tôi ép vào lòng, cô nói qua hơi thở gấp:

-       Anh là Thượng Đế của riêng em thôi!!!

Tôi không kịp phản ứng chi. Cô ngả đầu vào vai tôi. Mùi thơm từ cô dâng đầy quanh tôi át cả mùi cà phê. Tôi có cảm giác trôi bồng bênh trong mùi thơm ấy.

-       Cảm ơn anh đã đến với em! Anh ôm em một lần được không?

Tiếng cô rì rào như tiếng gió nhưng bỏng cháy thiết tha. Trong tôi dâng đầy những cảm xúc mâu thuẫn lẫn lộn. Tôi không muốn đi quá xa, để cô hiểu lầm tình cảm của mình. Nhưng tôi cũng không thể phũ phàng từ chối, để làm cô tổn thương. Tôi mơ hồ nhận ra rằng: Tâm hồn cô đang dồn nén một nỗi cô đơn khủng khiếp! Nỗi cô đơn ấy đã làm cô suy kiệt mọi sức lực. Trái tim cô đang khát khao mãnh liệt, một tình yêu chân thành, một hạnh phúc gia đình bình yên! Mình đừng lợi dụng tình cảm của cô ấy là được. Quyết định như thế, tôi vòng tay ôm lấy cô, như thể ôm người em gái của mình vậy. Cô cũng ôm lấy tôi, với vòng tay xiết chặt, toàn thân cô như sắp bùng cháy. Cô ngửa mặt lên, mắt nhắm nghiền, đôi môi ngọt ngào, nóng bỏng căng lên, da diết. Sau giây lát lưỡng lự, tôi đặt một nụ hôn lên trán cô.

Có tiếng xe máy của khách rẽ vào quán. Tôi buông tay khỏi hai bờ vai của cô. Cô ghì lấy tôi lần cuối, hôn thật nhanh lên má tôi, rồi đứng dậy đi ra ngoài đón khách. Phải một lúc, tôi mới tĩnh tâm trở lại. Ngó qua cửa sổ, thấy ông khách vừa đến đang ngồi trên cái ghế tôi ngồi lúc nãy. Ông đang lau đôi bàn tay đen ngòm của mình bằng cái khăn vải, cũng đen kít như vậy.

-      Sao cô có ông khách, giống thợ sửa ống khói thế?

Khi cô quay lại, tôi lập tức hỏi, để cả hai không bị ngượng nghịu, bởi những gì vừa xảy ra.

-      À, ông ấy chuyên đi đưa than Lào, sáng nào cũng ghé đây. Anh uống cà phê đi. Cô vừa trả lời, vừa đưa ly cà phê vào tay tôi.

-      Than Lào là than chi? Dùng để làm gì? Tôi tò mò hỏi. Cô mỉm cười giải thích:

-      Là than củi buôn từ Lào về. Nó dùng sưởi cho phụ nữ khi nằm ổ, và có thể nướng thịt, nướng bánh đa nữa.

Nghe cô giải thích xong, tôi bất giác bật cười, nhưng không dám cười to, chỉ khùng khục trong cổ họng. Cô ngồi xuống cạnh tôi ngơ ngác hỏi:

-      Anh cười chi vậy?

Dứt trận cười, tôi quay lại nắm lấy hai bàn tay của cô nói với tất cả tâm tình:

-      Anh rất hạnh phúc vì những tình cảm của em dành cho anh. Nhưng anh…cũng chỉ giống như những khúc than Lào kia mà thôi! Em cần một chỗ dựa vững vàng hơn! Với lại…

Khi đang định nói tiếp về gia đình của mình, thì thấy cô từ từ rút hai bàn tay ra khỏi tay tôi, quay mặt ra hướng khác. Nhìn hai bờ vai cô rung rung, tôi hiểu cô đang khóc. Để một vài phút trôi qua, tôi quay mặt cô lại, lấy tờ giấy ăn trên bàn, thấm nước mắt cho cô.

-      Sao số em lại khổ thế không biết! Nhưng dù sao em cũng sẽ nhớ anh nhiều lắm! Cô nghẹn ngào nói.

-       Anh đi công tác về, chúng ta lại gặp nhau mỗi ngày mà. Tôi an ủi cô.

-      Anh nhớ giữ sức khỏe. Không biết bao giờ mới lại được gặp anh. Em buồn lắm! Giọng cô nói, kiểu như một lời ly biệt!!!

Một tháng công tác trên vùng núi trôi qua thật lâu. Nhưng cuối cùng thì nó cũng kết thúc. Tôi kiếm được hai giò lan Hài rất quý. Về đến thành phố, tôi quyết định mang tặng cô một giò. Khi bước vào quán, tôi cảm giác có điều gì khác lạ đã xẩy ra ở đây. Cảnh vật vẫn vậy, những giò lan vẫn còn đó, những bộ bàn ghế vẫn y nguyên trên các vị trí cũ. Nhưng không còn những bản nhạc Trịnh du dương nữa, mà thay vào đấy là những bản nhạc trẻ sôi động, mở khá to. Tôi tiến thẳng đến cái ghế lần trước. Vừa  đặt giò lan lên giữa bàn, tôi đã nghe thấy tiếng hỏi:

-      Bác dùng gì ạ?

Tôi ngửng lên. Một cô gái tuổi mười chín đôi mươi, đang nhìn tôi với những ánh mắt háo hức và đon đả.

-      Cháu mới tới làm ở đây à? Tôi dè dặt hỏi.

-      Không, đây là quán nhà cháu. Cô gái trả lời với một chút kiêu hãnh.

-      Tháng trước, bác có vô đây, nhưng thấy cô chủ tự bán, có chồng con phụ giúp gì đâu? Tôi ngạc nhiên hỏi.

-      À, đấy là cô Thùy Mai. Cô ấy có hai cô con gái sinh đôi, nhưng đang học đại học trong Sài Gòn.

-      Thế ở đây chỉ có vợ chồng cô Mai thôi à? Tôi dò hỏi.

-      Không! cô ấy sống một mình, chú ấy đã mất ba năm nay rồi.

Một bí mật được hé mở.

-      Sao cháu biết rõ thế? Tôi kích động cô gái.

-      Nhà cháu bên kia, ngay sau nhà cô Mai mà!

Cô gái nhanh nhảu trả lời. Tôi gật gù ra vẻ hiểu, rồi hướng về cái biển: CÀ PHÊ BÓNG ĐÁ mới toanh, treo ngay ngoài cửa ra vào.

-      Ở đây mới lắp K+ à? Tôi tò mò hỏi?

-      Dạ!

Cô gái trả lời trong tiếng thở dài, rồi đột nhiên nhìn thẳng vào mắt tôi, đặt một câu hỏi, vừa ngây thơ, vừa như của một vị quan tòa:

-      Bác có hay cá độ bóng đá và đánh đề không ạ?

-      Bác không thích mấy thứ đó. Mà trông bác giống dân cá độ lắm à? Tôi mỉm cười hỏi.

-      Dạ, cháu không biết, nhưng đàn ông ở đây ai cũng mê những thứ đó.

-      Thế chồng cô Mai cũng chơi cá độ à? Tôi như tiện mồm hỏi.

Cô gái thở dài, rồi kể cho tôi nghe câu chuyện buồn của Mai:

-      Chú ấy không chỉ thích, mà còn nghiện nặng. Chú ấy bán hết mọi thứ để cá độ. Nhà lúc nào cũng như có chiến tranh. Khi hết đồ, chú ấy lấy cả tiền vốn của cô Mai mang đi. Cô Mai không đưa, thì chú ấy đánh như đánh kẻ thù. Mọi người nhiều lần chạy sang can, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cô ấy đã mấy lần nhập viện. Vô đó toàn nói dối là bị tông xe. Ai cũng khuyên nên ly dị, nhưng cô ấy cứ nói, là sẽ cố chịu để cho các con có bố!!! Ba năm trước vì nợ nhiều quá, chú ấy bị bọn chủ độ đâm chết trong một vụ xô sát ngay bên bàn nhậu. Dạo đó, tòa án lưu động của thành phố, đã xử vụ án này tại ủy ban phường. Ai cũng biết, sao bác không biết ạ?

Tôi lắc đầu. Tai tôi ù lên: Mai ơi! Sao cô lại im lặng như thế? Sao cô lại biến tôi thành kẻ vô tâm quá vậy!!! Tôi tự giằn vặt mình.

-      Thế bây giờ cô Mai ở đâu? Tôi cố bình tĩnh hỏi.

-      Sau khi bán nhà cho nhà cháu, cô ấy đã chuyển vô Đà Lạt cách đây khoảng hơn mười ngày rồi ạ.

Câu trả lời của cô gái, như một trái núi sụp đổ trong lòng tôi. Trái tim tôi đau nhói. Tôi lơ đễnh ngó lên, những chùm hoa lan đang chao trong gió, mấy cánh hoa rơi rơi như những giọt lệ buồn, như những bàn tay vẫy vẫy.

-      Bác uống gì ạ? Cô gái kéo tôi về thực tại.

-      Cho bác một ly đen không đường. Tôi đáp như một cái máy.

Tôi nhấm một hớp nhỏ, cà phê đắng tê cả lưỡi. Không! Cô ấy không phải là Thùy Mai. Tên cô ấy là Mimosa. Tôi giơ tay ôm lấy đầu, hai bàn tay tôi không còn tỏa ra mùi hương của cô ấy nữa. Nó chỉ còn khét lẹt mùi bùn đất và nắng gió. Tôi nhắm mắt cúi đầu xuống bàn. Thật lạ lùng, trong thẳm sâu của nỗi nhớ, mùi thơm ngầy ngậy quyện hương bưởi, hương chanh thơm ngát của cô, từ từ dâng lên ngây ngất. Tôi nghe thấy tiếng lòng mình nấc nghẹn xót xa: Mimosa! Bây giờ em ở đâu? Mimosa!

Huế 31/10/2013

Hoàng Văn Luận (Hoàng Thảo Chi)