Kẻ ngoại đạo

Nhà văn NGUYỄN THANH CẢI. Quê: Tứ Kỳ - Hải Dương - Hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh Hải Dương - Hội viên hội Nhà báo Việt Nam - Hội viên Hội Địa chất Việt Nam. Tác giả đã xuất bản 9 tập sách. Trong đó có 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Tập truyên ngắn MA LÀNG được Tặng thưởng của Liên hiệp các Hội văn học - Nghệ thuật Việt Nam ( năm 1996) và 3 tập truyện được Giải thưởng văn học Côn Sơn. Năm 2013, Nhà xuất bản Văn học ấn hành cuốn tiểu thuyết CỔNG LÀNG về đề tài nông nghiệp nông thôn đang được phát hành Toàn quốc... Tacphammoi.net trân trọng giới thiệu một trong 5 truyên ngắn của Nhà văn Nguyễn Thanh Cải vừa gửi tới Tòa soạn.

 

KẺ NGOẠI ĐẠO

 

Truyện ngắn của NGUYỄN THANH CẢI

Nghệ sĩ nhân dân Vũ Hậu – giám đốc Nhà hát chèo thành phố Nam Hưng vừa nhận được thông báo nghỉ chế độ hưu trí, thì các phòng ban khối Thành ủy - Ủy ban đã rộ lên bàn tán, ai là người thay thế ông. Thực ra, thì nội bộ Nhà hát và Sở Văn hóa đã âm thầm bàn tán từ lâu, đã trở thành đề tài bàn luận không những chỉ trong phòng làm việc, mà ngay cả các quán bia vỉa hè. Cho đến hôm nay, giám đốc Vũ Hậu được Thành phố thông báo trước ba tháng theo quy định của Bộ Nội vụ thì dư luận mới rộ lên.

Người ta bàn tán theo nhiều kênh: Thứ nhất, là bình luận về cuộc đời và sự nghiệp của ông Vũ Hậu với quá trình phát triển của sự nghiệp chèo. Có người bảo hát chèo có từ bao đời rồi. Cả thành phố có thời chẳng mấy xã, phường không có đội chèo, đội cải lương. Nhưng nhiều người khẳng định đến cái thời ông Vũ Hậu theo cha vào Đoàn chèo từ năm 13 tuổi. Lúc đầu, chỉ đóng vai phụ, cho đến ba mươi mấy tuổi mới vào được vai chính. Rồi mãi đến năm bốn mươi, năm mươi mới nhấp nhỉnh làm Đoàn trưởng, sau đổi là Giám đốc Nhà hát chèo của thành phố. Ai cũng không quên cái thời trước ông. Có thời kỳ khủng hoảng, năm năm thay ba lần đoàn trưởng mà nội bộ vẫn phức tạp, kiện cáo nhau từ đồng bồi dưỡng đi phục vụ vùng sâu, vùng xa đến việc sắp xếp vai chính, vai phụ. Thôi thì đủ chuyện, lúc đó người ta gọi là chợ chèo chứ không phải là Đoàn, mà sau này ông nâng cấp lên thành Nhà hát chèo thành phố phát triển rực rỡ như ngày nay. Xứng danh với truyền thống đất chèo xứ Nam Hưng có thương hiệu. Sau những lần đi biểu diễn, nhất là những cuộc Liên hoan toàn quốc, lần nào đoàn đi thi cũng mang về xủng xiểng huy chương. Vừa rồi tổng kết bốn muơi năm thành lập Đoàn, mười lăm năm thành lập Nhà hát chèo , ông được tặng Huy chương lao động hàng Nhì, tập thể được Huân chương lao động hạng Nhất. Đặc biệt là năm, bảy năm gần đây, cứ hai năm Nhà hát của ông lại có thêm nghệ sĩ được phong danh Nghệ sĩ ưu tú và ông cũng thuộc con số hiếm hoi trong hàng giám đốc, trưởng đoàn cấp tỉnh thành được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân. Thành tích ông được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân không phải chỉ là người quản lý giỏi, mà đã nhiều lần đóng vai chính của vở diễn hoặc đạo diễn đạt Huy chương vàng. Ông đóng cả vai chính diện và vai phản diện. Ông nhập hồn vào nhân vật, thăng hoa trong mọi tiết tấu, vai diễn và những ca từ ngân nga như giót vào tâm can khán giả. Mười lăm năm làm giám đốc Nhà hát, ông chăm lo tới mọi người, từ ông bảo vệ, đến cậu lái xe chở đạo cụ. Còn, đối với diễn viên có nhiều năm tháng xây dựng đơn vị, ông đặc biệt quan tâm đến con, em họ và những diễn viên trẻ mới tập tẹ vào nghề, ông rất chân tình dạy bảo. Trong đơn vị lời khen cũng nhiều, song cũng có những kẻ dị nghị, mở miệng ra là bịa đặt, bôi nhọ nói xấu ông. Ông cũng day dứt lắm, mình giáo dục mãi không được thì phải kỷ luật. Cá nhân bị kỷ luật thì hằn học, oán hận ông. Ông nghĩ, trong cơ quan mà kỷ luật không nghiêm thì làm sao giữ được kỷ cương và lòng tin của tập thể anh em trong đơn vị. Trong trường hợp thông báo ông chuẩn bị nghỉ hưu, những kẻ xấu cũng là một kênh đi chiêu mộ người ngoài đạo về làm giám đốc cầu may cơ hội mới…

Tổ chức Thành ủy đến làm việc với đơn vị, nắm lại nguồn cán bộ kế cận trước mắt và lâu dài, chứ chưa bàn đến nhân sự cụ thể. Song, dư luận trong, ngoài đã bàn luận rôm rả, gần như thời sự của ngành. Nào là ông A ban này, ông B sở nọ về làm giám đốc. Có ông đánh liều bắt mạch đưa ra những đề án thật mùi mẫn để chao chác, mua chuộc nhân viên trong đơn vị. Hy vọng mục tiêu được đầu tư vài chục tỷ đồng để xây dựng công trình, hy vọng phết phẩy cũng lên đời. Còn hai ông phó thì chỗ khen, nơi chê; Nào là quan hệ kém, nào là không qui tụ được, nào là chuyên viên yếu… Thôi thì ba bè, bẩy bối tung ra bôi nhọ, triệt hạ làm giảm uy tín lẫn nhau.

Thế là có một Phó ban của thành phố thắng cử, được quyết định về làm giám đốc Nhà hát chèo thay NSND Vũ Hậu nghỉ hưu. Buổi đầu tiên giám đốc mới tên là Phạm Tiểu Mạnh ra mắt tập thể đơn vị. Cả hội trường tề tựu đông đủ để xem khẩu khí ông ta thế nào. Sau mấy lời tự giới thiệu xuất xứ và mối quan hệ của mình với cấp trên, tiếp đó ông chỉ lên trần nhà chê cái trần của hội trường quá thấp; chỉ ra phía sau chê cái khu tập thể nhân viên ở quá bề bộn; chỉ ra cái cổng, chê quá chật hẹp không hợp thời… Rồi ông nói anh A, chị B lãnh đạo thành phố hứa sẽ duyệt cho tôi vài chục tỷ để xây dựng. Nói đến đây, mọi người nhìn nhau, hào hứng vỗ tay. Tâm trạng mọi người coi lời tuyên thệ của ông như một mốc chuyển biến của đơn vị. Những một số nghi ngại nói là: Hãy đợi đấy !

 

 

 

 

 

 

 

Đúng là lãnh đạo mới có khác. Đúng là cái tên đây mới là Tiểu Mạnh, còn Đại Mạnh chắc rằng ông sẽ hét to. Công việc đầu tiên là ông đứng ra chỉ đạo tổng vệ sinh.

Ông Giám đốc trước đây thường nói: “Ta phải sạch từ trong ra”, từ mỗi căn hộ, phòng làm việc, ra sân, ra cổng... Còn ông Tiểu Mạnh phải khác, ông yêu cầu “Dọn từ cổng vào, phải khang trang từ cái mặt tiền !” Nghe cũng có lý. Rồi ông bắt phó phòng Hành chính đánh xe ra phố mua mấy chục lọ nước rửa, để về rửa những vết son phấn mà trong khi hóa trang, diễn viên sơ ý bôi lên tường. Xem ra cũng có lý. Một cuộc cách mạng triệt để đây ! Ông miệng nói, tay làm. Những câu nói dân dã, bỗ bã, tếu táo như phường chợ. Xem ra ông này cũng quần chúng hòa nhập ra phết, khác với ông giám đốc cũ, việc riêng thường nhỏ nhẹ, trao đổi tại phòng, việc lớn họp hành đúng, đủ thành phần, Nghị quyết cân nhắc từng chữ… Hãy nhìn giám đốc mới kia kìa, sáng nào cũng đứng cổng bảo vệ 5 phút, nhắc nhở từng người với những câu chát chúa: “Giờ này mới đến thì nghỉ mẹ nó đi cho xong nhé !” Có đối tượng thì ông mềm hơn “Đêm qua vợ chồng chót dại hay sao mà dậy muộn!” . Cũng không ít anh em trong cơ quan khen giám đốc mới sâu sát, dân dã… Còn hai ông phó giám đốc chưa dám thể hiện gì… Nghe anh em nói thì ậm ừ cho xong, thực tâm là hai ông này đang nghe và ngóng để hành sự cho êm đẹp.

Công việc tiếp theo là ông làm Đề án xây dựng Nhà hát. Dự án ước tính năm chục tỷ đồng. Mấy ông cùng kệ tán đồng: “Năm chục tỷ đồng với ngân sách Thành phố này có thấm vào đâu, khẩn trương làm cho anh em trèo hái với nhé. Bao ngày tung hô nay mới có thời cơ đến đấy nhé !”

Giám đốc Phan Tiểu Mạnh ngửa mặt lên trời : “Yên tâm đi…” Tại cuộc họp cơ quan ông thông báo với tập thể : “Tôi vốn không ham danh vọng cái nghệ sĩ hão huyễn nào. Dự án đầu tư xây dựng xong là tôi xin nghỉ. Dù chưa đến tuổi nghỉ hưu tôi cũng nghỉ, chứ không kéo dài sự trì trệ đâu !”. Một số người vỗ tay, nhìn nhau hưởng ứng: “Khảng khái quá, nhưng lúc ấy tìm được người thay ông cũng khó chứ lỵ !”. Mấy người nhìn nhau: “Hình như ông này đã một thời chuyên đi làm tư vấn đấu thầu các công trình xây dựng hay sao ấy? !”. Mấy người nghi ngại: “Tôi sợ sau khi có vốn đầu tư, phết phẩy phần trăm xong, ông lại bán nhượng công trình cho người khác ấy”.

Lại thêm một quan điểm chỉ đạo, ông nói tại cuộc họp:

- Nhìn thấy anh em đời sống thu nhập kém tôi chảy nước mắt. Vậy thì chúng ta phải nhạy bén với cơ chế thị trường. Tôi yêu cầu tài vụ hàng tháng phải trả đủ lương theo ngân sách cấp cho anh em, cho phép đơn vị tổ chức nhiều tổ nhóm hoạt động với chương trình tổng hợp, kể cả hề, xiếc, ảo thuật. Kinh phí được tỉnh cấp dựng một vở mới trong năm chia cho các tổ nhóm. Các tổ, nhóm phải năng động với thị trường xem khán giả người ta thích kiểu gì thì phục vụ, hợp đồng với các ban, ngành, địa phương, xí nghiệp… kể cả đám cưới, trừ đám ma…

Mọi người reo lên. Một số người thì nhìn nhau lo ngại không hiểu mình sẽ đi theo tổ, nhóm nào. Ông hiểu ý, giải thích luôn:

- Ai không đi theo tổ nhóm nào thì làm gì tùy theo sở trường. Tôi sẽ trả đủ phần lương cứng để sinh sống.

Từ sau cái buổi ấy, Nhà hát chèo được bung ra với nhiều phường hội, đua nhau tìm thị trường phục vụ. Một số gọi là mắt xanh, mỏ đỏ, chân dài túi xách đeo trễ vai tới các cơ quan, xộc luôn vào phòng thủ trưởng cốt là có cái hợp đồng biểu diễn, bao nhiêu tiền tùy theo hảo tâm của các bậc đại gia. Một số do sức khỏe, năng lực, quan hệ kém chẳng được vào tổ nhóm nào thì đi cắt tóc, gội đầu, đánh móng tay… Có ông chồng suốt ngày đi đánh phỏm … Nhà hát chèo có giám đốc mới về đúng là trăm hoa đua nở theo cơ chế thị trường.

Thời gian sau, thuê mướn kiểu gì rồi Đề án cũng xong. Rồi thiết kế, rồi thi công… Đúng là chỉ có giám đốc Phạm Tiểu Mạnh mới làm được. Rồi ai cũng nhận thấy giám đốc Mạnh đúng như các cụ xưa nói: “Mạnh vì gạo – bạo vì tiền”. Phong bao dày, mỏng luồn vào các cửa… suôn sẻ, khỏe khoắn.

Năm đầu làm các thủ tục đầu tư. Năm sau thì làm phần khung vỏ. Năm cuối cùng láng trát và hoàn thiện. Nhanh thế mà cũng mất ba năm, Phạm Tiểu Mạnh không những phải quan hệ mật thiết mà còn nhạy bén với các đối tác, mới được cấp vốn theo cái gọi bổ sung công trình điểm. Gần năm chục tỷ đồng chứ có ít đâu. Cán bộ các ban ngành thanh tra giám sát thăm hỏi cũng nhiều. Lối đi vào công trình đã nhẵn dấu chân, chưa kể đến những cuộc hẹn gặp theo địa chỉ tầm xa. Lại còn khâu kiểm tra theo kế hoạch của ngành với các vở diễn, thôi thì đủ mọi cách lấp liếm, tự chế… cho xong. May mà cơ quan chưa có đơn từ gì trầm trọng, có chăng chỉ dư luận xì xào chuyện này, chuyện khác. Thì bây giờ cơ chế dân chủ, cơ quan nào chả có chuyện lộng ngôn.

Thế rồi ngày khánh thành cũng đến.

Hoa thì không thiếu, mà lời khen, chê cũng nhiều.

Mỗi tổ, mỗi nhóm chọn một tiết mục về phục vụ - giám đốc định bụng qua đây ông sẽ có báo cáo chuyên đề về phương án trăm hoa đua nở của Nhà hát chèo qua ba năm chia nhỏ thực hiện phương án bám lấy thị trường mà phục vụ. Biết đâu sẽ trở thành điển hình toàn quốc (?) Giám đốc cho văn thư mang giấy mời tới các ban, ngành lãnh đạo trong tỉnh. Rồi ông đích thân đánh xe đi mời lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ quản lý chuyên môn nghệ  thuật biểu diễn về dự lễ khánh thành.

Lễ khánh thành Nhà hát tổ chức ngắn gọn. Sau những lời phát biểu, chủ yếu là chúc mừng ngắn gọn, rồi dành cho hơn chục tiết mục NSND Vũ Hậu được mời phát biểu. Ông không nói gì đến thành tích mà chỉ nói là: Những năm qua, tôi nghĩ là một Đoàn nghệ thuật phải quan tâm hàng đầu đến công tác nghệ thuật, còn khâu xây dựng Nhà hát đúng là tôi chưa làm được, đó là yếu điểm thời tôi. Tôi chúc mừng anh Mạnh đã xây dựng được Nhà hát”. Đại biểu chăm chú theo dõi, chẳng biết phó giám đốc phụ trách nghệ thuật chỉ đạo hay duyệt thế nào mà có hai tiết mục hề chèo nói về thế mạnh của giám đốc Phạm Tiểu Mạnh do anh em tự sáng tác. Những thế mạnh của giám đốc Mạnh được thể hiện ngay trong nội dung tiểu phẩm. Các đại biểu chăm chú theo dõi, có người hào hứng cổ vũ, có người phản đối nội dung. Biểu diễn được một lúc thì nhìn mặt diễn viên nào cũng nhễ nhại mồ hôi, phấn son  nhòe  nhoẹt. Khách ngồi dưới ghế vơ cả sách báo ra quạt. Tiếng diễn viên trên sân khấu thể hiện va đập vào tường nhại lại. Mấy ông đại biểu Cục quản lý nghiệp vụ nhấp nhẩm nhìn nhau... Còn giám đốc Mạnh, hình như ông đang bận xã giao, chúc tụng nên chẳng chú tâm xem một vở diễn nào. Qua buổi, mọi người kháo nhau đến tai giám đốc Mạnh, ông mới dậm chân, trợn mắt quát to: “Thằng phó ấy nó thù tao, nó hại tao, rồi tao có chuyển công tác, chức giám đốc Nhà hát này cũng không đến mặt nó”. Ông bực dọc răn đe.

Sau buổi khánh thành, lãnh đạo thành phố Nam Hưng tiếp thu ý kiến của Bộ và các Ban, Ngành chuyên môn yêu cầu Nhà hát phải làm lại trang âm, bảo đảm chất lượng cách âm theo tiêu chuẩn Nhà hát và thay bóng đèn loại ánh sáng lạnh và xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động đúng tính chất của một đơn vị nghệ thuật cấp thành phố loại hai trở lên. Giám đốc Phạm Khắc Mạnh nêu ra kế hoạch giao cho các tổ, nhóm phân lịch biểu diễn hàng tháng tại Nhà hát và đề nghị thành phố bổ sung kinh phí để làm lại cách âm và ánh sáng. Ông phó giám đốc phụ trách nghệ thuật nói là: Các tổ nhóm chỉ có thể đi phục vụ lưu động các địa phương trong tỉnh chứ không đủ nội dung cho một đêm diễn tại Nhà hát. Giám đốc Tiểu Mạnh hét lên: “Cho đến bây giờ ông vẫn ngấm ngầm phá chủ trương của tôi à ?!”.

Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật trả lời: “Thưa giám đốc, qui mô của một Nhà hát cấp thành phố phải gắn liền với nội dung, bằng những vở diễn đúng tính chất của một Nhà hát chèo. Còn các tổ, nhóm của ta chỉ có thể biểu diễn phục vụ ở cấp thông tin cổ động thôi ạ !”

Phó Giám đốc phụ trách Hành chính – tài vụ, kỹ thuật phát biểu: “Thưa giám đốc, trong dự toán đã tính cách âm bằng chất lượng chống cháu của ngoại và hệ thống ánh sáng đều thiết kế đèn lạnh. Chẳng biết giám đốc chỉ đạo hay bên thi công họ tráo thiết bị rẻ tiền ?”

Thực hiện chỉ đạo của Sở văn hóa, yêu cầu Nhà hát thành phố phải tập hợp lại lực lượng, xây dựng vở mới đúng chức năng tầm cỡ của một Nhà hát chèo, lấy lại thương hiệu mười lăm năm truyền thống của đơn vị !

Giám đốc Phạm Tiểu Mạnh tổ chức mấy cuộc họp liền vẫn không triệu tập được. Hầu hết các nghệ sĩ ưu tú, những nghệ sĩ đào tạo chuyên nghiệp – họ đã chuyển lên các đoàn Trung ương và sang các tỉnh lân cận.

Ông giao trách nhiệm cho hai phó giám đốc phải tìm gọi mọi người trở về, nếu không ông sẽ đề nghị cấp trên truy thu các danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân của họ.

Lời răn đe của giám đốc Mạnh đến tai mọi người. Họ nhắn về: “Ông hãy chuyển đi cơ quan khác, vì ngày xưa ông tranh cử để về làm giám đốc ! mà ông chỉ nghĩ các mục đích đầu tư, kiếm lời… Ông chẳng chú ý đến yếu tố kỹ thuật của một Nhà hát và hoạt động của cơ quan nghệ thuật biểu diễn. Đúng là kẻ ngoại đạo  như mọi người đã nhắc ./.

N.T.C