Người đi nhặt nắng
Kể cũng lạ khi chỉ cần ngồi một chỗ bên chiếc máy tính là có thể nắm bắt được cả thế giới trong vài cái click chuột. Vì thế mà con người trở nên gần gũi với nhau hơn trong một thế giới phẳng rộng mênh mông. Thời đại kỹ thuật số là thế… Mở vài trang báo mạng ra để cập nhật tin tức, Tú bỗng giật mình khi cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé trước một đống kiến thức khổng lồ. Mỗi ngày lại có thêm một phần mềm mới, một công cụ mới ra đời để hỗ trợ con người làm việc. Tú lo lắng không biết phải làm sao để có thể học được hết tất cả cái mớ kiến thức ngày càng ngồn ngộn cao như trái núi trong khi đó sức người thì có hạn.
Từ ngày làm công việc quản lý đến giờ, Tú lu bù với những hợp đồng, dự án. Những ngày cuối năm lại tất bật với hợp đồng, hóa đơn, các loại chứng từ. Bao giờ cũng thế, cứ đến giữa năm là lại phải lo đề xuất ý tưởng, xây dựng đề cương, viết thuyết minh đề tài, phác thảo công việc...để tìm kiếm công việc cho cả năm sau. Nhiều khi Tú mải mê với nó đến nỗi vợ anh phải gắt gỏng lên trong điện thoại, lúc đó anh mới nhớ ra là mọi người trong gia đình đang đợi anh về ăn tối. Công việc xây dựng thuyết trình bảo vệ các đề tài khoa học đã là công việc bắt buộc của các cơ quan nghiên cứu như cơ quan của Tú. Chỉ ít ngày nữa thôi, những cuộc họp đấu đá sứt đầu mẻ trán lại xảy ra. Bình thường gặp nhau cười cười nói nói, chén chú chén anh vậy thôi chứ vào các cuộc họp đấu thầu đề tài khoa học là sẽ biết nhau ngay. Khi ngân sách nhà nước bị cắt dần, khi hàng năm lương trả cho cán bộ công nhân viên được tính bằng đề tài thì ai cũng muốn giành giật kéo thật nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về phía mình. Từ khi nghị định 115 ra đời, nó giống như một hình thức "khoán 10” trong nghiên cứu khoa học đã làm Tú thường xuyên mất ăn mất ngủ. Vai trò và gánh nặng đè lên vai Tú khi anh phải chăm lo sự sống của bao nhiêu cán bộ công nhân viên chức. Nghĩ đến đây, Tú khẽ thở dài và đưa tay bóp nhẹ cái trán vốn bướng bỉnh của mình như để suy nghĩ, tìm tòi, khám phá... Rồi anh tự nhủ: "nước nổi thì bèo nổi...”
Nhâm nhi một ngụm cafe đen không đường không đá, cái vị ngăm ngăm của nó làm cho Tú hiểu thế nào là cay đắng, được mất, hơn thua của cuộc đời. Nó giống như một bữa cơm nhiều món ngon nhưng thiếu rau sống vậy. Trước đây, anh không thể uống nổi cái thứ nước đen ngòm, đắng ngắt đó. Nhưng lâu rồi thành quen, giờ đây mỗi ngày không uống một ly cafe là Tú lại thấy bứt rứt khó chịu. Lúc này đây, Tú mới thấy thấm thía câu nói của một thầy giáo đã từng dậy anh trong một lần anh đi hoc lớp chính trị cao cấp: "cafe đắng hay ngọt, đậm hay nhạt là do chính ta cảm nhận mà nên”. Điều lớn nhât mà Tú học được là trong cuộc sống con người ta cần phải chân thành với nhau hơn.
- Sếp ơi! Hôm nay Sếp có đi thăm chị Vân không ạ? Câu hỏi của của người trợ lý đã cắt ngang mạch suy nghĩ của anh. Anh giật mình, cái bút đang cầm trên tay bỗng rơi xuống mặt bàn làm cho anh nhớ đến hôm nay là ngày anh phải đi thắp hương cho Vân. Một luồng gió nhẹ thổi qua làm cho mấy tờ giấy trên bàn rơi xuống đất. Cái nắng mới chớm hè nhưng sao mà gay gắt, chói chang.
Bỗng chốc, gương mặt của người con gái có tên Vân chợt hiện về. Gương mặt ấy anh mới nhìn thấy một lần, mà sao nó như rất gần gũi thân thiết với anh như ăn đời ở kiếp vậy. Anh chợt nhớ đến ngày này của 5 năm về trước. Cũng một buổi sáng khi anh bắt đầu mở máy để check mail như thế này. Những dòng chữ từ một địa chỉ lạ cứ nhạt nhòa trước mắt:
"Chào Chú ! Cháu viết thư này vì lý do cách đây 180 ngày cháu đã gửi thư cho chú để xin chú một số thông tin và tài liệu về một loài vi sinh vật ở Việt Nam. Cháu và chú đều chưa biết mặt nhau. Cháu chỉ là một nữ sinh viên đang thực hiện những công việc liên quan đến lĩnh vực này mà thôi. Cháu đã rất cần tài liệu nghiên cứu về sự phát triển của loài vi sinh vật đó trên một số loài côn trùng có ích ở Việt Nam. Vì các thành tựu của Việt Nam còn ít và cũng ít được công bố trên mạng nên việc tìm tài liệu là rất khó khăn. Cháu lang thang trên mạng rất nhiều để tìm nhưng không thấy. Cuối cùng cháu đã tìm được tên và địa chỉ của chú và biết chú là một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lĩnh vực đó ở Việt Nam. Cháu đã gửi thư để xin chú tài liệu và nhờ chú giải đáp một số câu hỏi liên quan đến nó. Vì khó khăn nên cháu mới tìm đến chú, tại sao chú không trả lời thư của cháu? Phải chăng vì chú là lãnh đạo nên chú tự cho mình cái quyền không cần phải trả lời thư của người lạ? Hay là cháu chỉ là một sinh viên nên không đáng để chú phải quan tâm? Khi cháu xin tài liệu, cháu biết là chú có thể cho và có thể không cho. Chú có thể nói thẳng với cháu là chú bận hoặc nói rằng đó là tài liệu nghiên cứu nội bộ nên chú không thể cho cháu được. Đó cũng là một câu trả lời. Đằng này chú lại không trả lời thư, không nói có cũng chẳng nói không, vậy là sao? Như thế là không, có, đúng, sai không rõ ràng. Chẳng lẽ đó là đặc điểm và tư cách của những người lãnh đạo? Như thế không chỉ là thiếu ý thức vì người khác mà đó còn là thiếu ý thức trong việc đào tạo thế hệ trẻ. Phải vậy không chú? Mặc dù hàng ngày chú không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng trên một góc độ nào đó cũng có thể gọi chú là một người thầy. Vì chú cũng đã, đang và sẽ hướng dẫn học sinh, sinh viên. Một người thầy giỏi không phải là người mang kiến thức đến cho học sinh mà là người dạy học sinh cách đi tìm kiến thức. Đào tạo không chỉ là việc xách nước đổ vào thùng mà là phải biết thắp nên ngọn lửa. Có thể cháu đã sai khi gửi thư này, nhưng rất mong chú hiểu những điều cháu muốn nói. Hy vọng chú sẽ yêu quý, tôn trong học sinh, sinh viên nhiều hơn nữa khi chú biết đứng vào vị trí của họ. Khi yêu một ai đó, thì hãy nên đứng ở phía họ để yêu họ. Chúc chú sức khỏe, tâm huyết với nghề và có nhiều ý thức hơn nữa trong việc đào tạo thế hệ trẻ”.
Đọc đến đây, Tú lặng người đi trong chốc lát. Bốn từ "Người đi nhặt nắng” được ký dưới thư thay cho tên của người viết. Anh đọc lại từng câu, từng chữ sao mà chua xót. Những dòng chữ như những vết dao cứ nhảy múa trước mặt anh chập chờn, rồi nhẹ nhàng cứa vào da thịt. Anh không thể hình dung ra người viết lá thư này là người như thế nào mà có những dòng chữ sắc lạnh. Đúng là cách đây khá lâu Tú đã nhận được thư xin tài liệu của người đó, nhưng rồi công việc lu bu làm cho anh đã quên khuấy đi mất. Bốn từ "Người đi nhặt nắng” như đã mang thêm cái ngột ngạt về ùa khắp căn phòng những ngày chớm hạ càng làm cho Tú thêm tò mò về người viết lá thư này. Quả thật, anh chưa gặp người con gái có cá tính mạnh mẽ như vây. Anh quyết định hồi âm:
"Thư gửi Người đi nhặt nắng! Tôi thành thật xin lỗi bạn vì sự đãng trí trước đây của tôi. Giờ này chắc bạn đã không còn cần đến tài liệu đó nữa. Hãy cho tôi được bày tỏ thiện chí của tôi với bạn. Tôi sẽ vui mừng chào đón bạn nếu bạn muốn đến làm việc ở cơ quan tôi”. Một tuần sau, Tú đã nhận được thư trả lời. "Chào chú! Lần trước cháu gửi thư chỉ muốn nhắc nhở chú đừng vô ý lãng quên như thế với bất kỳ ai nữa chứ không phải để có ý định xin về cơ quan chú làm việc. Cháu chỉ muốn chú nhận ra một điều là không phải đã là sếp thì thích làm gì thì làm. Có nhiều lý do mà cháu không thể về cơ quan chú để cùng chú làm việc. Cháu luôn mong chú là một người lãnh đạo giỏi, sáng suốt, mẫu mực, tâm huyết với nghề để mãi làm tấm gương cho thế hệ sau này. Cảm ơn chú. Nếu có duyên, chắc chắn sẽ có ngày gặp nhau”.
Rồi cứ thế, thời gian trôi đi với bộn bề công việc. Thỉnh thoảng, trong những lúc trống trải hoặc căng thẳng nhất của công việc, Tú lại nhớ đến những dòng chữ mà "Người đi nhặt nắng” đã gửi cho mình. Nhiều lần Tú đã vào mạng tìm kiếm bốn từ "người đi nhặt nắng” nhưng không thấy. Anh không biết là từ khi nào những dòng chữ sắc như dao ấy đã găm chặt vào tâm hồn anh. Tú đã mơ hồ cảm nhận ra một điều gì đó có lúc lóe sáng, có lúc lại biến đi thật khó lý giải. Rồi anh lại miệt mài, cố gắng để vượt qua mọi khó khăn vì những dòng chữ đó đã tiếp sức cho anh. Tú đã biết sống tốt hơn nhờ những dòng chữ ấy. Anh cũng chợt nhận ra mọi thứ xung quanh thật mong manh, từ cái ghế giám đốc đến hạnh phúc gia đình mà anh đang có. Tất cả những thứ đó như đang đợi anh mắc sai lầm là chúng có thể vỡ vụn và tan biến đi. Vì thế, Tú đã rất cẩn trọng để nâng niu giữ gìn tất cả. Một năm sau, Tú là người đại diện của Việt Nam được mời đến Nhật Bản để dự lễ trao học bổng cho các kết quả về chuyên ngành mà anh đang nghiên cứu. Không khí trang nghiêm long trọng của buổi lễ tôn vinh các công trình nghiên cứu khoa học đã làm cho Tú cảm thấy tự hào vô cùng. Chưa khi nào anh cảm thấy yêu cái nghề của mình như thế này. Lúc này đây anh mới biết là trong số những người được nhận học bổng ấy, có một lưu học sinh Việt Nam. Khi hai tiếng Việt Nam thân yêu được vị chủ khảo xướng lên, anh đã vui mừng khôn xiết. Cái tên được xướng lên ấy là một cô gái có dáng người bé nhỏ dịu dàng. Khi anh trao tấm bằng khen cho cô gái, anh cảm thấy nơi ánh mắt của cô gái có điều gì đó rất gần gũi, quen thuộc. Sau buổi lễ, bữa tiệc liên hoan vui vẻ được diễn ra thật ấm áp dưới sắc cờ Tổ Quốc. Cô gái đã cùng anh trò chuyện huyên thuyên và chia sẻ với anh những kinh nghiệm học tập và nghiên cứu của mình. Anh nhận ra ở cô gái đó một sự đồng cảm kỳ lạ. Lúc này đây anh mới thực sự thấu hiểu những khó khăn mà người Việt Nam khi không ở Việt Nam đã trải qua và anh mới thực sự hiểu hết ý nghĩa thế nào là màu cờ sắc áo. Anh thầm cảm ơn những gì mà người đồng nghiệp nhỏ bé đã chia sẻ cùng anh. Anh cảm thấy vui vô cùng vì nhận thấy sự nỗ lực không ngừng của thế hệ trẻ, họ đã sẵn sàng vươn lên để đón nhận nhiệm vụ khi thế hệ của anh đã chuẩn bị bước sang phía bên kia con dốc cuộc đời. Trong đoàn người tiễn anh ra sân bay về nước, có cả người đồng nghiệp bé nhỏ ấy. Qua ô cửa sổ máy bay nhìn xuống, anh vẫn thấy thấp thoáng tà áo dài màu xanh da trời đang hướng về phía anh tặng anh những nụ cười tươi rói. Buổi sáng hôm đó không khí thật trong lành, dễ chịu, trời cao ngăn ngắt một màu xanh.
Một tuần sau, Tú trở lại cơ quan làm việc. Tâm hồn anh cảm thấy nhẹ bẫng, trong trẻo lạ thường. Anh cảm thấy yêu đời hơn, mọi thứ tươi đẹp trẻ trung hơn. Anh ghé vào sạp báo ở cổng cơ quan, mua một tờ Văn Nghệ. Lâu lắm rồi anh mới mua lại tờ báo này. Trước đây cũng đã từng có một thời anh đam mê viết lách nhiều lắm. Nhưng rồi số phận xô đẩy, công việc bận bịu nên đã rất lâu rồi anh không còn đoái hoài gì đến nó nữa. Mở tờ báo ra đọc, liếc qua trang thứ hai, đập vào mắt anh một dòng tin buồn:
"Ban văn nghệ... xin thông báo, nhà văn Vũ Thụy Vân đồng thời cũng là một người nghiên cứu khoa học. Sau một thời gian dài do tiếp xúc và làm việc nhiều với hóa chất, chị đã bị mắc bệnh ung thư và mất tại... Chị không chỉ là một người làm khoa học đầy tâm huyết mà còn là một người rất say mê với nghiệp văn chương. Chị đã từng gắn bó cùng bạn đọc với nhiều tác phẩm có giá trị qua các bút danh "Phía trước là bầu trời” và "Người đi nhặt nắng”.
Nhìn vào bức ảnh dưới dòng tin buồn đó, Tú như không tin ở mắt mình khi nhận ra người trong ảnh chính là người đồng nghiệp bé nhỏ mà anh mới gặp cách đây không lâu. Anh bàng hoàng hơn khi chợt nhận ra người đồng nghiệp bé nhỏ ấy chính là người đã gửi đến anh những dòng chữ sắc như dao ngày nào. Anh cố vịn tay vào mép bàn để khỏi khuỵu xuống, anh cố mím chặt môi để cố giấu đi tiếng khóc sắp sửa bật ra. Từ xa màu nắng hắt lại vàng xuộm nửa cuối hành lang. Vòm trời vẫn xanh cao vời vợi mà sao lại cứ đùa giỡn với anh. Tú gõ nhẹ vào bàn phím, lần đầu tiên anh tìm thấy bốn từ "Người đi nhặt nắng” trên google. Ngoài đường, những bông hoa nắng cứ chập chờn ẩn hiện thật mong manh.