Người xưa trở lại

“Trung tá Tomas Rath, người phát ngôn của sở cảnh sát thành phố Libezen xác nhận trước báo giới địa phương rằng: Chủ tịch hội người Việt của thành phố, là nghi can số một trong vụ án xảy ra tại nhà hàng “Chinatown”( phố Vysocany), đã bị bắt tại nhà riêng lúc 5 giờ sáng ngày…”

 

Bà Thương không đọc tiếp nữa, bà chăm chú nhìn hai tấm hình trong báo “Người Việt” đăng tải. Đó là bức ảnh chụp một người đàn ông châu Á béo lùn, hai tay bị khoá về phía trước, đang bị dẫn giải giữa hai cảnh sát đặc nhiệm bịt mặt. Tấm ảnh kia chụp nửa người nghi can: một khuôn mặt có chiều ngang quá dài, còn chiều dài lại quá ngắn. Mái tóc đã lổn nhổn những sợi bạc, chải lật về phía sau, xịt “gôm” cứng đét. Cặp kính cận đậu hờ trên sống mũi, nằm ngay dưới cái trán đã thấp, lại hói ngược tới tận đỉnh đầu.

Năm tháng qua đi, bà Thương đã để cho câu chuyện cũ trôi vào dĩ vãng. Thời gian đã giúp bà xóa dần được những mảng tối cuộc đời. Giờ đây, bước vào ngưỡng cửa của cái tuổi “tri thiên mệnh” bà đã thoả mãn với hạnh phúc bên chồng con. Nhưng hôm nay, bất ngờ đọc bản tin trên báo, những gì năm xưa lại như một cơn lũ tràn về, khiến lòng bà se sắt. Con người trong ảnh đây, khuôn mặt đã bị lớp bụi thời gian phủ lên làm biến dạng, bấy nhiêu năm đã trôi qua, nhưng với bà, nó hình như vẫn không có gì thay đổi. Qúa khứ xa xăm đã bị lãng quên, kỷ niệm buồn đau đã được chôn chặt trong lòng, nay chúng lại trở dậy như từ dưới đáy mồ.

*        *       *

Mùa thu năm 1989, bị cắt ngang hợp đồng lao động ở Đức, Thương và Hùng quyết định nhận tiền đền bù và về nước. Sau khi xây xong ngôi nhà ba tầng to nhất phố huyện, họ làm lễ cưới. Đám hỷ rình rang tới vài ba ngày mới cuốn phông màn. Còn vốn, họ mở cửa hàng bán xe đạp. Qua mấy năm, cặp vợ chồng vẫn vò võ một mình. Ngồi ăn cơm chỉ có bốn mắt nhìn nhau buồn rười rượi. Mẹ Hùng sốt ruột, ra hấm vào hứ. Hễ có ai hỏi thì bà lại đánh cái thượt:

- Ôi dào ôi!... “trươn”!

Ở quê của Thương, người ta vẫn gọi những con trâu cái không chửa được là “trâu trươn”. Nghe được lời mẹ chồng, Thương đau lòng lắm. Cô và Hùng cũng đã chạy hết thầy này tới thợ nọ, nhưng vẫn không ăn thua gì. Rồi cả năm trời nay, cửa hàng kinh doanh không có lãi. Thêm vào đó, tin tức làm ăn như “sóng thần” bên Đức truyền về, làm họ càng sốt ruột. Bàn đi tính lại, Thương và Hùng quyết định bán nhà để quay trở lại miền đất hứa xa xôi.

Người tìm đến mua căn nhà của vợ chồng Thương là một trí thức người Việt, đang định cư tại Cộng hoà Séc. Ăn mặc sang trọng, nói năng lịch lãm, anh ta rất trân trọng gửi Hùng tấm các-vi-dít với dòng chữ in nghiêng rất đẹp:

Mai Tuấn Hoàng

Thạc sỹ triết học

Giám đốc công ty TNHH Limexport.

Trong khi Hùng vừa xoay xoay tấm “cạc” trong tay, vừa nói chuyện với khách thì Thương cáo mệt, lui vào nhà trong nằm nghỉ.

Sau ba lần thương lượng, Tuấn Hoàng hứa như đinh đóng cột, rằng sẽ bảo đảm trọn gói cho Thương và Hùng quay lại Đức. Chính anh ta sẽ làm thủ tục cho hai người sang Séc làm việc trong công ty Limexport. Vậy là ngôi nhà được sang tên một cách chóng vánh.

Bước chân lên tới bậc cao nhất của cầu thang máy bay, Hùng hồ hởi: “Tạm biệt nhé quê hương ngèo khó!”. Thương chẳng vui cũng chẳng buồn, cô cố nén suy tư của mình vào thật sâu bên trong. Thương nhớ tới cha mẹ ở quê: “Đi như thế này, biết đến bao giờ mới được trở về? Ai còn? Ai mất?”. Mới nghĩ như vậy thôi mà đã hai hàng nước mắt. .

Chuyến bay tới Nga hôm ấy, khách đa phần là người Việt. Nhóm “Đức quay”, ngoài vợ chồng Thương, còn có vài người khác. Đón họ ở sân bay Mas-cơ-va là hai người còn trẻ. Một người chừng 30 tuổi, khoác chiếc Na-tô Com-măng-đô rất hầm hố, cắt đầu đinh. Đôi mắt ti hý với những cái liếc lành lạnh. Trước khi tất cả được nhồi vào trong hai chiếc La-da màu sữa, người đưa đường rít hai hàm răng: “Nhất cử, nhất động, mọi người phải tuân theo chỉ lệnh của chúng tôi, ai làm khác, sẽ lĩnh hậu quả”. Xe nổ máy, Thương cảm thấy thanh thản lạ. Lúc đầu là những cánh rừng bạch dương phủ trắng tuyết, sau đó là phố phường hiện ra bên ngoài cửa kính. Người và xe bắt đầu tấp nập. Có một đoàn dài phụ nữ Nga, khăn trùm kín mặt, nhẫn nại đứng xếp hàng dưới mưa tuyết.

- Chỉ là để mua một ổ bánh mỳ thôi đấy.

Người lái xe má tóp, tóc để chấm vai giải thích cho mọi người biết. Thì ra nước Nga hùng cường đang trở lại nạn đói thời 1917… Xe chạy về khách sạn “Hoa hướng dương”, nó nằm cách sân bay chừng 20 km. Nhóm người được dồn vào hai phòng khách, họ tuyệt đối không được nghe điện thoại để đề phòng bị bọn “đầu đen” trấn cướp. Bọn này đến từ vùng núi Kap-ka-ze, chúng chuyên săn lùng những người Viêt Nam bé nhỏ và tội nghiệp. Đêm hôm ấy, với Hùng đứng bên cửa sổ căn phòng, cô còn nghe thấy có cả tiếng súng nổ trong các con hẻm của Matxcơva.

Trưa hôm sau mọi người được ra phố, Thoa rủ cô Soa người Hải Dương đi xem chợ, nhưng Soa kêu mệt nằm lại trong phòng. Mãi đến chiều không thấy Soa đâu, đang hỏi nhau, thì có người bảo nhìn thấy cô ta đi với tay dẫn đường. Thằng bé Lâm, vô tư nói với mọi người rằng: “Trưa nay cháu nhìn thấy cô Soa ngủ với chú đưa đường”. Thằng bé nói xong, chưa kịp ngậm miệng thì đã bị ông bố vũ phu vả ngay cho một cái: “Trẻ con! biết gì mà nói, câm mồm!”. Mọi người lặng đi, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng của mình. Hình như họ thấy ngượng với thằng bé 13 tuổi.

Tối đó, Thương chờ Soa ngoài hành lang. Cô nói có ý trách:

-Vì em mà thằng cu Lâm bị đòn oan.

-Sao lại vì em?

Thương kể lại cho Soa nghe câu chuyện buổi chiều. Soa im không nói gì, lúc sau cô bảo:

- Ôi dào! Văn nghệ ấy mà, mất gì của mình đâu chị.

-Nhưng sao khi ngồi nhà chờ sân bay, em nói với chị rằng, đi sang với chồng bên Đức?

Soa kéo Thương ra phía cầu thang, ở đây chẳng ai có thể nghe thấy họ nói chuyện.

-Vâng! Đúng như vậy chị ạ, chồng em đã sang Đức được mấy tháng rồi. Cưới nhau mới được vài tuần, anh ấy đã đi. Đêm nằm một mình, nhớ, không tài nào nghủ được.Viết thư về cho em, anh ấy bảo: Vay mượn cũng phải đi, càng nhanh càng tốt. Visa của em chỉ vào được Nga. Đoạn từ đây sang Đức, chồng em phải trả tiếp 5“cây”cho người của họ bên ấy. Hôm qua, lúc vào nhận phòng khách sạn, thằng khốn nạn ấy bảo em rằng: “Cho” nó, thì sớm được sang với chồng, nếu không thì chết mục xác ở đất này. Không còn cách nào khác chị ạ. Tiền thì em không có, chỉ có cái thân…

Nói đến đây, giọng Soa có vẻ lạc đi. Thương ái ngại nhìn bờ vai của cô gái run rẩy, rồi tự hỏi: Sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa, cho tới khi cô ta đến được với chồng?

Năm ngày sau khi tới Mas-cơ-va, nhóm “Đức quay” được lệnh ra ga xe lửa để đi Praha. Người đưa đường lần này là một thanh niên trắng trẻo, ăn vận kiểu thành phố khá lịch sự. Anh ta khoác chiếc ba-dờ-suy màu lông chuột, khăn quàng cổ bằng dạ trắng và đương nhiên đôi giày màu nâu được đánh xi tươm tất. Ngoài nhiệm vụ dẫn nhóm của vợ chồng Thương sang Séc, người thanh niên này còn có một trọng trách là áp tải hàng: một chiếc va ly màu đen, to và nặng, được kiền thêm hai đai da bên ngoài. Chiếc va ly này được hai nhân viên đường sắt đưa ngay lên buồng xa trưởng. Nó sẽ nằm ở đây tới khi tàu đến được Vac-sa-va. Người ta bảo, các “soái” ở Nga buôn vàng sang Balan, rồi lại “đánh” computer từ Balan về Nga. Tích luỹ “tư bản” kiểu như vậy, họ trở nên giàu có. Nhiều người trong số đó có cả bằng Đốc -tờ. Ngồi ở một chiếc ghế còn trống, trong toa xe hạng ba lạnh giá, nhìn họ làm việc với nhau, Thương đoán rằng, bên trong chiếc va ly màu đen kia toàn là vàng.

Tàu chuyển bánh. Như một con trăn khổng lồ, nó trườn mình trên những sa mạc tuyết trắng mênh mông. Con đường dài tưởng như bất tận phía trước, đôi khi làm những kẻ tha hương nản lòng. Mỗi lần đi qua những ga lẻ nằm rải rác trên mảnh đất đông Âu nghèo khó, Thương lại chạnh lòng nhớ về những cái tên “Chí Chủ, Vũ Ẻn, Ấm Thượng…”, với tiếng rao bán quà bánh dễ thương, mỗi khi cô đi tàu về quê thăm mẹ.

Một lần vượt qua biên giới của Ukraina hay của Balan, là một lần tàu lại bị cảnh sát biên phòng sục sạo. Trong khi tim mọi người đập thậm thình, thì nhân vật đưa đường vẫn thản nhiên, mắt không rời cuốn tạp chí “Na-u-ka” bằng tiếng Nga:

-Yên tâm đi! Bao trọn gói cả rồi.

Anh ta nói chuyện với họ thậm chí bằng cả thổ ngữ, nghe như gió thổi. Thỉnh thoảng người mới lên có vé đến đòi chỗ, ai đó lại phải đứng dậy. Trong nhóm, chỉ vài người được mua vé đàng hoàng.

Đến Praha, người ra đón họ tự giới thiệu là trợ lý của giám đốc Tuấn Hoàng. Đi cùng anh ta còn một người nữa, chạc tứ tuần, dáng cù lần, mặt mũi xấu xí. Anh ta theo xe, dường như chỉ để khuân vác. Người này, suốt chặng đường về khu Praha-10, không nói một câu nào.

Tuấn Hoàng rạng rỡ với chiếc cà-vạt đỏ chói thòng xuống quá thắt lưng, lủn củn đi bắt tay từng người:

-Chúc mừng tất cả đã tới Cộng hoà Séc an toàn! Mọi người yên tâm, chúng ta đã đặt được một chân vào miền đất hứa.

Mừng là phải, nhẩm nhẹ trong đầu: mười người, trung bình mỗi người 5 nghìn“ đô“, chuyến này mà trót lọt, Tuấn Hoàng đút túi ít nhất hai chục nghìn chứ chẳng chơi. Anh ta đôn đáo, cắt đặt công việc cho các nhân viên của mình đâu vào đấy.

Những người khác thì được gửi vào trong các gia đình người Việt, nhưng riêng vợ chồng Thương, được Tuấn Hoàng ưu ái đưa về văn phòng công ty của mình ở thành phố Luochomutov, cách Praha chừng 100 km về phía Tây-Bắc. Thành phố nằm gần đường số 7 . Đây là con đường độc đạo dẫn lên biên giới. Khuôn viên rộng chừng gần 1000m2, có tường bao quanh, đã được Tuấn Hoàng mua từ năm ngoái. Văn phòng là một căn nhà nhỏ, nằm phía trước, nhìn ra mặt đường. Cửa sau thông ra một cái vườn rộng , cuối vườn là một căn nhà cũ kỹ, có một tầng áp mái. Bây giờ đang là mùa đông, tuyết phủ trắng khu vườn. Từ xa, Thương đã nhìn thấy rèm cửa lay động, hình như có người đang theo dõi họ.

Vợ chồng Thương sẽ nghỉ trong căn nhà này. Chủ căn nhà chính là người đàn ông xấu xí đã đón họ ở ngoài ga. Tên anh ta là Bường. Vợ Bường còn rất trẻ, dáng mảnh mai với nước da xanh mai mái. Cô tên Loan, nhà ở Phú Thọ. Còn Thương là người Ấm Thượng, nên họ nhận ngay ra đồng hương. Bữa đó, Loan làm cơm tối sớm hơn mọi ngày, bốn người quây quần vui vẻ.

-Em mừng quá, lâu rồi, hôm nay nhà mới lại có khách, mà lại cùng quê. Ở đây chỉ thui thủi một mình, buồn lắm chị ạ.

Họ ríu rít nói chuyện với nhau về những vùng đất quen thuộc ở miền ven sông có “rừng cọ, đồi chè”. Vừa dẫn Thương lên trên gác, Loan vừa thủ thỉ.

-Chị sướng thật, được đi cùng chồng. Sang đến bên ấy, chẳng mấy mà trở nên giàu có. Cuộc sống vợ chồng em bên này bấp bênh lắm.

-Loan và anh Bường sang bên này lâu chưa? Quan hệ với anh Tuấn Hoàng như thế nào?

Thương bắt đầu gợi chuyện.

Loan không trả lời ngay, cô bật đèn ngủ, cùng Thương ngồi dựa lưng vào thành giường. Sau khi kéo chăn cho hai người, cô bắt đầu kể cho Thương nghe cái “đoạn trường” của mình:

-Chuyện của em buồn lắm chị ơi. Em đã đi đằng đẵng ba năm trời nay, nhưng vẫn chưa tới được nước Đức.

Năm ấy, sau khi thi trượt đại học, em ở nhà phụ cho mẹ bán hàng ở chợ Mè. Bên nội, em có một bà cô ruột, là công nhân lao động ở Đức. Cô hứa sẽ cho bố mẹ em vay tiền để chạy cho em sang đấy. Thư về cô viết: “Sáng mở mắt ra, uống xong cốc cà-fê là đã có 100 Mác. Sướng chửa. Chỉ khoảng vài tháng là hoàn được vốn cháu ạ”.Vậy là em quyết định đi.

-Hồi ấy mất bao nhiêu?

Thương hỏi cắt ngang.

-Sáu “cây” chị ạ. Trả trước một nửa.

Nằm ở Nga đến tuần thứ hai, mọi người lần lượt đi cả. Riêng em phải ở lại. Hỏi, thì chúng chửi: “Đ…mẹ con này lắm mồm. Cứ chờ đấy!”. Tối hôm ấy, nằm một mình trong khách sạn, em hoang mang vô cùng. Đang lúc sợ hãi, thì thằng Phúc“sẹo” vào…

Thằng này người Hải Phòng, mấy năm trước đã từng chạy sang Hồng Kông. Ở đấy nó làm tay sai bảo kê sòng bài cho các ông trùm người Trung Quốc, trong băng nhóm Triều Châu khét tiếng. Sau đó, lũ lâu la bảo kê lại chạy đi tứ xứ làm ăn. Thằng Phúc“sẹo” được đồng bọn ở Nga rước sang, chuyên hành nghề cờ gian bạc bịp và đâm thuê chém mướn. Sau này quen thông thổ, nó lập băng bảo kê các cửa hàng ở Mas-cơ-va, rồi tổ chức đường dây đưa người. Em đi chuyến này, chính là theo đường dây của thằng Phúc“sẹo”.

Lúc đầu nó dỗ ngon ngọt rằng, ở đây với nó sẽ có cuộc sống sung sướng, nó sẽ cho nhiều tiền…Em quỳ xuống chắp tay lạy nó, nhưng nó vẫn sấn sổ giật phăng quần áo của em ra.Tuy rất khiếp sợ và chân tay đã bủn rủn, nhưng em vẫn cố sức cào cấu chống trả. Chị bảo, sức lực mình mấy nả so với thằng du côn lực lưỡng ấy. Nó đá em một cái dập đầu vào tường, rồi túm tóc lôi em ra bên cửa sổ. Từ trên cao mười tầng, nhìn xuống mặt đất hun hút đen ngòm, em ngất đi. Tỉnh dậy, thấy mình loã lồ trên giường, em biết không còn gì để giữ nữa…Cho đến lúc chết, em cũng không thể quên được những giây phút đen tối ấy.

Sống với thằng Phúc“sẹo” được vài tháng, khi giữ lại được người con gái khác, nó đem bán em cho thằng Thi“phò” là trùm một đường dây bên Séc. Nhưng trước khi bán đi, nó còn cho hai thằng đệ tử hãm hiếp em suốt một đêm.

Loan không nói được nữa, nước mắt của cô đã đầm đìa hai bên tay áo. Thương quay sang ôm lấy Loan, cô để cho Loan gục đầu vào vai mình mà nức nở. Sợ cô ta quá xúc động, Thương vỗ về:

-Chị hiểu em Loan ạ. Em không cần phải kể tiếp nữa đâu. Chị hiểu em mà.

-Không chị ạ, em phải kể cho chị nghe, để chị hiểu thêm về số phận của những kẻ tha hương như chúng ta bên này. Đã mấy năm nay, em phải chôn chặt những đớn đau, nhục nhã trong lòng. Ngay cả chồng mình, em không cho biết. Nhưng hôm nay, em sẽ kể cho chị.

Lúc ấy, em đã có ý định chạy trốn và báo cảnh sát. Nhưng chúng kèm em rất riết, thằng Thi“phò” rút dao kề vào cổ em doạ: “Khôn hồn thì câm mồm theo tao, bép xép, tao cho cả nhà mày vào rừng”. “Vào rừng” có nghĩa là sẽ bị chôn sống; cũng có thể bị cắt gân chân hay đốt gan bàn chân... Đó là cách ra tay thông thường của các băng đảng bên này. Chị biết không, trong các nghĩa trang ở Mas-cơ-va, đã có cả trăm ngôi mộ của người Việt không người nhận. Họ là những nạn nhân của tất cả các loại bạo lực mới sinh ra trên mảnh đất này.

Thi“phò” trước kia cũng là dân hợp tác lao động ở Nga. Do vô kỷ luật, vi phạm hợp đồng nên bị đuổi về nước. Y trốn ở lại, sống giang hồ rồi nhận làm tay chân cho Phúc“sẹo”. Thời gian sau, định sang Đức làm ăn, nhưng đi đến Séc, y gặp thằng bạn buôn bán ma-tuý, nên ở lại cho đến nay.

Thằng Thi“phò” cũng như thằng Phúc“sẹo”, đó là một đám côn đồ mất hết tính người. Ngoài việc bảo kê, đưa người, bán buôn ma-tuý…thằng Thi“phò” còn nhận những hợp đồng đâm chém gây án mạng bên Đức. Ngược lại, khi cần “thanh toán” ai, chúng lại thuê các sát thủ bên Đức sang. Cảnh sát rất khó tìm ra bọn này. Nhưng nhục nhã và khốn nạn thay cho lũ băng đảng người Việt, chúng chỉ quen thói “nồi da xáo thịt”, còn khi gặp bọn đầu trọc, hay bọn đầu đen thì lại chạy “vãi” cả ra quần.

Những người Việt lương thiện sống trên mảnh đất này, chịu ba bốn tầng áp bức. Họ kiếm được đồng tiền gửi về quê hương, nhiều khi phải đổi cả máu và nước mắt chị ạ.

Ở với thằng Thi“phò” đến hôm thứ ba, nó bắt em giấu ma-tuý trong người, ra bán ngoài chợ đường biên. Em bắt đầu mất ăn mất ngủ vì sợ bị cảnh sát bắt. Về nhà lại phải chịu đựng một nỗi khổ triền miên: lên cơn nghiện, đánh; không giao được thuốc, đánh; không tìm được gái, đánh… Có hôm nó lên cơn, dày vò em như thú vật. Nghĩ tới cái phận “đoạn trường” của mình, lại phải sống với lũ mặt người dạ thú, uất quá em cứ khóc ròng rồi hét lên: “Giết đi! giết chết tôi đi!”. Mặt nó vẫn lạnh tanh. Xong việc, nó bóp cổ em gần chết rồi chửi: “Mẹ mày, làm bố mất cả ngon”… Chị ơi! Đã có lúc em nghĩ tới tự tử.

Thương không nói gì, cô nắm chặt tay như sợ Loan tuột đi đâu mất. Không gian im ắng lạ thường. Họ nghe được cả tiếng nói chuyện rì rầm của Hùng và Bường bên dưới. Loan dùng vai áo để thấm nước mắt, ngừng một lát rồi kể tiếp:

Đang trong cơn hoang mang tuyệt vọng, may mắn làm sao, em đã gặp anh Bường.

Anh Bường ngày xưa đi bộ đội. Đâu như đánh nhau ở Quảng Trị, bị sức ép của bom nên đầu óc không còn được bình thường như trước. Tai lại bị điếc mất một bên. Là người cùng họ, nên anh Tuấn Hoàng đã đưa anh Bường sang đây. Vì anh Bường chậm chạp và quá thật thà, nên chỉ được giao làm những công việc nặng và tạp nhạp trong công ty, chịu nhận lương thấp.

Vài lần gặp em bán ma-tuý ngoài chợ, biết được hoàn cảnh xót xa của em, anh Bường đã vay thêm tiền của anh Hoàng, rồi sang xin thằng Thi“phò“ cho chuộc em ra. Được sống tự do, ơn sâu nghĩa nặng, em đã nhận lời lấy anh Bường làm chồng. Mặc dù hình thức và tâm trí không bằng người, nhưng anh ấy có một tấm lòng chân thật và ấm áp. Anh Bường thương em lắm, anh động viên em giữ gìn sức khoẻ, anh sẽ cố làm để đủ tiền trả nợ, sau đó hai vợ chồng sẽ chạy sang Đức. Vì mấy lần phải phá thai, sức em yếu lắm, không giúp được nhiều cho anh ấy, nên đã hai năm trôi qua, chúng em vẫn không kiếm đủ tiền để trả nợ cho anh Hoàng. Bây giờ lại bụng mang dạ chửa… em thấy cái số mình sao khổ vậy. Nhìn về phía trước, em chỉ thấy trắng một màu tuyết lạnh chị ơi.

Thương ngậm ngùi chia xẻ lòng mình, để an ủi cô gái:

-Riêng gì em đâu, chị mang tiếng hai lần đi “Tây”, nhưng vẫn còn lận đận mịt mờ lắm, chưa biết tương lai thế nào.

-Chị còn may mắn được đi cùng chồng, em thấy cũng yên tâm. Ngày em đi, một thân một mình, giữa hang hùm nọc rắn khổ nhục vô cùng. Nhưng… trưa nay, lúc chị đi trong vườn, thấy chị trắng và đẹp như thế này, em sợ lắm…

Thương khẽ rùng mình, nghe Loan nói, cô thấy như có chuyện gì đó đang sắp “vận” vào người, nhất là từ khi Tuấn Hoàng đến hỏi mua nhà.

Đến tối ngày thứ ba, thì Thương cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy chiếc Robur Elo phủ bạt kín mít và chiếc Skoda Favorit bốn chỗ ngồi, lọc xọc chui vào sân. Lúc đó khoảng 18 giờ. Trên xe lố nhố bóng người lên xuống.Trong văn phòng, giám đốc Tuấn Hoàng quần áo kín mít, đang nói gì đó với hai lái xe người Séc.

Vợ chồng Loan tiễn họ ra ngoài, bốn người nắm chặt tay nhau. Loan ôm ghì lấy Thương, nói trong nước mắt:

-Chị đi nhé, cầu mong cho mọi người bình an. Khi nào có điều kịên, quay lại thăm chúng em.

Vợ chồng Thương đã giữ đúng lời hứa. Sau này, khi Cộng hoà Séc vào được Liên minh châu Âu, họ đã trở lại thành phố này. Nhưng, người xưa không còn ai ở đấy nữa.

Người đưa đường nói như ra lệnh:

-Ưu tiên ba phụ nữ đi Skoda. Tất cả im lặng và tuyệt đối nghe theo hướng dẫn của chúng tôi. Chiếc Robur ra trước, ước khoảng vài phút , chiếc Skoda bám sau. Họ nhằm hướng biên giới.

Nơi đổ bộ của nhóm “Đức quay” là một căn nhà nhỏ tồi tàn, được làm bằng gỗ thông, nằm ngay bìa rừng, cách đường biên khá xa. Gian nhà này cũng đã được Tuấn Hoàng mua lại từ năm trước.Theo lời nguời đưa đường, họ sẽ phải đi trong sáu tiếng đồng hồ, để vượt qua những cánh đồng và rừng thông bị tuyết phủ trắng, mới tới được đất Đức.

Chiếc Robur đã quay đầu. Mọi người chuẩn bị hành trang đã xong. Hùng lo lắng hỏi người đưa đường về chiếc xe sau, thì nhận được câu trả lời: “Chỉ biết, nhóm nào đi theo nhóm ấy, không hỏi nhiều!”. Rồi ra lệnh: “Lên đường!”. Tốp người đen xì câm lặng, dấn những bước chân xào xạo trên tuyết, họ khuất dần vào khu rừng thông tối mờ xơ xác.

Thương chợt choàng tỉnh dậy, xung quanh đen như vẩy mực. Cô còn đang chưa biết mình ở đâu, thì cánh cửa xe bật mở.

-Người này xuống!

Một người đội mũ trùm đầu che kín mặt, lôi Thương ra ngoài rồi ấn cô vào một cái nhà.

Chiếc Skoda quay đầu rồi phi như ma đuổi ra khỏi chiếc cổng gỗ.Thương đứng bên rèm một mình ngơ ngác, rồi cô giật mình: kia như là ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Loan… mảnh vườn… và đây là văn phòng của…

-Kìa Thương! đứng gần cửa sổ lạnh lắm. Lại bên lò sưởi cho ấm.

Tuấn Hoàng đến từ lúc nào, đang cởi áo khoác.Y tiến lại phía Thương ra chiều vồn vã…

Hoá ra, xe đã quay đầu từ lúc nào, mà cả ba người ngồi bên trong đều không biết. Nhớ lại những chuyện Loan đã kể, linh tính báo cho Thương biết có chuyện chẳng lành, cô nghiêm mặt hỏi Tuấn Hoàng:

-Tại sao lại đưa chúng tôi trở lại thế này?

-Phát hiện cảnh sát kiểm tra, lái xe phải quay đầu ngay. Ngày mai anh sẽ tìm đường khác.

-Tại sao xe kia đi thoát? Anh cố tình giữ chúng tôi ở lại phải không?

Thương gằn giọng, mắt nhìn thẳng vào mặt Tuấn Hoàng.

-Kìa em! chỉ ở đây một tối thôi, mai lại đi tiếp cơ mà. Anh hứa sẽ đền bù tiền.

Tuấn Hoàng trở nên rất mềm mỏng. Vừa nói, y vừa tiến lại cầm tay Thương.

-Em cứ yên tâm ở đây với anh, sẽ có nhiều tiền.

Thương giật mạnh tay, nói như quát:

-Buông tôi ra, anh vẫn là kẻ hèn mạt ngày xưa. Tiếc rằng, tôi đã không kể cho chồng tôi nghe về con người thật của anh.

“Ngày xưa”, đó là cái ngày Tuấn Hoàng đang còn học bên Tiệp. Nghỉ hè, có người bạn làm đội trưởng một đội lao động bên Đức mời sang chơi. Những ngày ấy, cánh đội trưởng, phiên dịch sống sướng như vua con. Những gì thuộc vào hàng “độc”… họ muốn là được. Bạn của Tuấn Hoàng lúc đó “cai quản” cả trăm cô gái làm trong xí nghiệp may ở Schwarzenberg. Có khách quý ở Tiệp sang, cần người đến nấu nướng, phục vụ…Vì là đồng hương, lại xinh đẹp, tay đội trưởng liền “sức” cho Thương đến để tiếp khách. Suốt ba ngày, đãi đằng thịnh soạn.

Tối hôm ấy, trước khi Tuấn Hoàng trở về Tiệp, họ làm bữa linh đình. Tới khi “chén rượu, cuộc cờ” đã gần tàn, tay đội trưởng bỗng nhiên mở một cuộn băng phim sex. Ngồi một lúc, rồi không hiểu vô tình hay hữu ý, hắn bỏ xuống phòng câu lạc bộ đánh “tá lả” với công nhân. Còn lại hai người, Thương thực sự ngượng và bối rối, cô không biết nên về hay ở. Tới khi nhân vật nữ trong phim bắt đầu cất tiếng rên, thì Thương xô ghế đứng dậy. Tuấn Hoàng nhao ngay lên chặn lối:

-Xem đã em! Có gì đâu, văn hoá giải trí ấy mà.

Rồi không để cho Thương kịp phản ứng, y ôm ghì lấy cô. Cái mõm có cặp môi dày thâm xịt, điên cuồng cày xới trên má Thương, hắn rên ư ử:

-Anh yêu em! Thương ơi, anh yêu…

Thương vừa né tránh, vừa gắng sức gỡ được một tay ra, rồi bất ngờ giáng thẳng vào mặt Tuấn Hoàng một cái tát. Cô vùng dậy, xô y ngã ngồi xuống ghế rồi giật cửa chạy ra ngoài.

Không ngờ, gần chục năm sau, Tuấn Hoàng lại xuất hiện mua căn nhà của vợ chồngThương nơi phố huyện. Vì sợ Hùng đổi ý bỏ chuyến quay lại Đức, cô không dám kể cho chồng nghe lại chuyện này.

Tuấn Hoàng vẫn cố sán lại gần Thương.

-Mấy năm qua, lúc nào anh cũng nhớ tới em. Anh sẽ cho em…

-Anh Hoàng! anh đừng để tôi phải tát vào mặt anh lần nữa.

Thương cảnh cáo.

Nhưng Tuấn Hoàng vẫn lao tới, y đẩy Thương dựa lưng vào cạnh bàn rồi rít chặt lấy cô. Thương vô cùng sợ hãi cố sức vẫy vùng, cô chống tay lên mặt bàn, quờ quạng… Bất chợt tay cô chạm vào cái kéo cắt giấy, cô chộp lấy rồi dí ngay vào cổ Tuấn Hoàng:

-Buông ra! Nếu không…tôi đâm anh chết ngay lập tức.

Nhìn mắt Thương long lên, Tuấn Hoàng biết cô sẽ làm thật. Cái chất tiểu tư sản trong người không chế ngự được sự sợ hãi, y chững lại.

Cho đến khi Tuấn Hoàng khoác áo đi ra, Thương vẫn không biết rằng, có một người khác đang đứng bên ngoài của sổ.

Đã quá muộn, Bường kéo rèm định đi ngủ, bất chợt anh phát hiện ra văn phòng của Tuấn Hoàng vẫn còn ánh đèn. Đó là điều chưa từng xảy ra. Bởi vì, hàng ngày tới mười tám giờ là ông chủ đã phóng xe về Praha. Bường khoác áo, cầm theo cây gậy, anh tiến sát tới cửa văn phòng. Ở đây anh đã nghe được tiếng của Thương. Bường vòng ra sau nhà, qua khe hở của tấm rèm, anh nhìn thấy đúng lúc Tuấn Hoàng sợ hãi đang đi lùi ra phía cửa. Bường đã hiểu hết mọi chuyện. Chờ cho xe của Tuấn Hoàng đi khỏi, anh gõ vào kính ra hiệu cho Thương. Nhưng cửa chính đã bị khoá ngoài. Bường quay về gọi Loan, họ bắc ghế trèo qua cửa sổ. Thương ôm lấy Loan khóc tầm tã như mưa.

Chuyện đã rõ. Giờ họ chỉ còn việc bàn bạc, xem cứu Thương bằng cách nào. Ngồi đến quá nửa đêm, cuối cùng Bường đập tay lên trán:

-Hay ta nhờ anh Thắng?

-Đúng rồi, sao mình lại không nghĩ tới anh Thắng nhỉ?

Loan mừng rỡ reo lên.

Thắng trước kia là tiểu đội trưởng của Bường, anh ta sang lao động bên Tiệp trước Bường mấy năm. Bây giờ gặp lại, họ thân nhau như anh em ruột. Hiện nay hai vợ chồng Thắng bán quần áo ở chợ đường biên.

Theo kế hoạch, ngay đêm ấy Thương thoát ra ngoài. Cô được vợ chồng Thắng đón về, giấu ngay trong nhà.

Sáng hôm sau, Tuấn Hoàng dẫn được Thi“phò” tới văn phòng thì không thấy Thương đâu nữa. Chúng vội xua lâu la đi lùng sục trong chợ và các ngả đường. Sợ Thương báo cảnh sát, Tuấn Hoàng quay xe chạy một mạch về Praha.

Chờ tới ngày thứ ba, thấy tình hình không còn nguy hiểm nữa, Bường và Thắng đã dẫn Thương vượt biên sang Đức an toàn. Đặt được chân lên mảnh đất màu mỡ với ánh mặt trời chói chang, lòng Thương dạt dào hạnh phúc như được trở về với đất mẹ. Nhưng… Thương đâu có ngờ: để đi tiếp được chặng đường 20 năm sau đó, vợ chồng cô đã phải trải biết bao cay đắng, mới có được cuộc sống hôm nay ngọt ngào.

*         *       *

Bà Thương nhắm mắt lại, những giọt nước mắt lăn dài hai bên gò má đã thâm đen nhiều vết nám. Bà cứ ngồi im như thế, để cho quá khứ buồn đau lắng sâu tận đáy lòng… Ở đời, người ta có thể đem nhà cửa, tiền bạc, thậm chí cả sinh mạng ra để đổi lấy hạnh phúc. Nhưng không ai có thể mang lương tâm ra để đổi lấy sự no đủ cuộc đời…

Lát sau, bà lật trang đọc tiếp: Trong một cố gắng bắt giữ chiếc xe BMW màu đen chạy ra từ sàn nhảy Disko, cảnh sát Praha đã phát hiện ra: dấu vân tay của của người đàn ông gốc Á điều khiển xe, trùng hợp với dấu vân tay của sát thủ đã gây ra thảm án tại nhà hàng nói trên, cách đây 15 năm. Trước cơ quan điều tra, tên này đã khai ra kẻ chủ mưu chính là Mai Tuấn Hoàng -Giám đốc công ty Limexport – Nhà kinh doanh máu mặt nhất trong cộng đồng người Việt của thành phố. Cảnh sát đang làm rõ nguyên nhân của vụ giết người.

 

Halle/S. BRD, Mùa Thu-Nhâm  thìn (2012).

Nguyễn Công Tiến