Theo dấu chân người lính
Ghi theo lời kể của anh Nguyễn Duy Mùa- cựu chiến binh Quê quán: Thôn Phú Hậu 2- Xã Xuân Vinh- huyện Thọ Xuân- Thanh Hóa Hiện đang sống ở Thị xã Sầm Sơn.
Theo dấu chân người lính
Nguyễn Thuận - Ghi chép
Mùa hè năm 2013 sau 40 năm xa cách, bởi nhiều lý do, tôi mới có dịp trở về vùng quê xưa Thanh Hóa. Nơi đây một thời thày mẹ nuôi của tôi đã từng chắt chiu từng củ khoai, hạt gạo nuôi chúng tôi, những học sinh K8 từ mảnh đất Vĩnh linh chất đầy bom đạn để lớn lên, để thành người.
Con sông Chu giờ đây đã đổi khác. Từ chợ Khu của cái đất nghèo xã Xuân Vinh- Thọ Xuân qua làng Long Linh đến con đê nơi lũ trẻ chúng tôi một thời bay nhảy. Nhớ lắm những ngày mưa lũ, trên cây cầu Pháp xây ở làng Trường Thịnh, chúng tôi đi học về cởi áo quần lao đầu xuống dòng sông. Cái cống Quanh (Còn gọi là cống Ngọc Quang có 7 cửa) đã từng bị bom Mỹ đánh trúng nhưng chẳng hề gì . Ở đây gần trường mà chúng tôi học ở xã Xuân Tân
Điều kỳ thú, ra quê Thanh, tôi lại gặp một người. Đó là người anh rể trong gia đình tôi sống, một chiến sĩ, một cựu chiến binh, một người thật việc thật đã từng chiến đấu trên quê hương Quảng Trị thân thương của tôi. Thật bất ngờ, đây chính là một tư liệu sống. Sự tò mò thúc dục, tôi dục anh kể như sợ để đánh mất đi cơ hội ngàn vàng. Chìm trong ký ức của anh về quá khứ, tôi bồi hồi nghe anh kể:
“Ngày 25/6/1966, tôi nhập ngũ. Chỉ sau 25 ngày 1 tháng, hành quân thần tốc ngày thì nghỉ, đêm đi chúng tôi đã có mặt tại Bắc sông Bến Hải, lâm trường Bãi Hà là nơi đóng quân tạm thời. Trong thời gian chờ đợi vượt sông, đơn vị được lệnh khẩn cấp vì bộ phận tiền phương đã đi chuẩn bị chiến trường. Trung đoàn 812 từ Lào trở về chỉ có bộ khung, toàn bộ số lính mới như chúng tôi được bổ sung vào E2, còn E1, E3 đã đi vào Nam, vì thế nên chúng tôi không được huấn luyện. đến Bãi Hà thì nghỉ được 15 ngày dựng lán để huấn luyện, chỉ được học cách sử dụng súng và bóp cò.”
Chiến tranh là thế. Con người ta không được phép chuẩn bị đầy đủ hành trang. Là người lính chỉ được phép nghe và thực thi mệnh lệnh. Lâm trường Bãi Hà nằm ở phía Tây huyện Vĩnh Linh. Thuở ấy nơi đây là rừng rậm. Trên những con đường sỏi đá nhấp nhô len lỏi qua các triền núi những chiến sĩ của ta đã từng “nằm gai nếm mật”Hai bên những con đường hẹp những cây léc sắc nhọn chực cứa vào tay người. Trời Vĩnh linh mùa hè nóng bức. Gió Lào thổi khô rát. Không khí ngột ngạt vô cùng. Mùa mưa nước ngập tràn tắc hết đường. Nước suối đổ ồ ồ đẩy trôi những thân gỗ khô lạng lách như cố tình đe dọa mạng sống con người. Trên mặt đất chằng chịt những hố bom, hố pháo Mỹ bắn vào từ biển và từ căn cứ Cồn Tiên- Dốc Miếu.
Bãi Hà là quê hương Vĩnh Linh của tôi . Anh của tôi đã đặt chân đến đây. Cũng như bao người lính khác “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tuổi 18, từ cái xóm Phú Hậu của đất Xuân Vinh, anh chia tay gia đình, bà con chòm xóm, người yêu cũng chỉ mới thương thầm nhớ trộm, anh lên đường không chút so đo tính toán cho chính bản thân mình. Và anh đã đến quê tôi, một vùng đất hoàn toàn xa lạ với anh, một vùng đất đầy chết chóc. Tôi ở quê anh và anh ở quê tôi trong những năm tháng ấy.
Nghe anh kể lòng tôi bồi hồi xúc động. Tôi bỗng nghiệm ra –Quân đội ta trưởng thành từ đâu, không phải lúc nào cũng được huấn luyện bài bản mà chính là thực tế trong cuộc chiến tranh sinh tử, với ý thức sẵn sàng chết, sẵn sàng ra đi vì đất nước.
Tôi ngồi bên ấm trà cùng với ly cà phê bốc khói. Bãi biển Sầm Sơn chiều nay mờ đục. Gió thổi mạnh lắc lư những chiếc chòi bán hàng ven bãi tắm. Những chiếc xe ô tô điện đưa khách vẫn vô tình đua với thời gian. Không gian chiến tranh trong quá khứ hình như chỉ tồn tại trong tôi và anh bên ly cà phê đắng.Tôi chìm vào ký ức nghe anh kể:
“Từ năm 1966 đến 1968 Trung đoàn vượt sông tham chiến tại Quảng Trị. Cụ thể là hai huyện Do- Cam, bộ đội chủ lực của ta đánh địch trên cả 2 mặt trận hỗ trợ đồng bằng xây dựng cơ sở và đánh đồn, giúp dân phá ấp chiến lược, trong thời gian này đơn vị đã cùng với bộ đội địa phương tiêu diệt được tên Sâm là một tên việt gian khét tiếng của Quảng Trị. Tiếp đến là trận đánh trên ngã tư Sòng ( Nay thuộc xã Cam An và Cam Thanh- Cam Lộ) ta đã diệt tiểu đoàn Trâu điên. Ở Do Linh, tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 5 sau khi vượt bến Giàng Phao đã tiến thẳng vào Kinh Môn
( Nay thuộc xã Trung Sơn Gio Linh Quảng Trị )lập chỉ huy sở đánh địch ở dinh điền, miếu Bái Sơn trận đánh ở Hồ Khê ,Tân Kim( Gio Sơn- Do linh) ta tiêu diệt cả 1 thiết đoàn quân Mĩ được nhân dân vô cùng phấn khởi trong đó nổi lên là trận tấn công gió lốc của đại đội 3 có sự tham gia của chiến sĩ B40 Võ Mai Phong dũng sĩ diệt Mĩ, diệt cơ giới,trong trận đánh đêm tại Hồ Khê sau trận đánh này Võ Mai Phong từ 1 chiến sĩ đã lên làm B trưởng còn Trần Ngọc Quý từ chiến sĩ lên làm Đại đội trưởng cả 2 người này được trung đoàn 812 cử ra Bắc báo cáo thành tích trong hội nghị toàn quân,sau đó”
Đứng từ vùng đất đỏ thôn Kinh Môn ta có thể nhìn rõ quận Trung Lương ( Nay thuộc thôn Cao Xá- xã Trung Hải- Gio Linh) nơi đây là trụ sở của chính quyền Mỹ ngụy.
Bến Giàng Phao nay còn đó, Từ chợ Kênh đi lên theo trục đường sông chỉ một đoạn ngắn mà thôi. Nơi ngã ba con sông Hiền Lương dọc theo bờ Nam, phía Bắc là địa bàn thuộc xã Vĩnh Thành, Vĩnh Sơn. Hai bên bờ sông dạo ấy chỉ có những rặng tre xanh xõa tóc. Phía bờ Nam, dọc sông là cụm rú Xuân Hòa cây cối um tùm. Ban ngày thuở ấy, nơi đây không gian đôi bờ im lìm, ngồi dưới hầm chỉ nghe được tiếng nước vỗ bờ rì rào khi triều lên. Trên không trung liên tục tiếng máy bay Mỹ gầm rú.
Men theo sông lên thượng nguồn con sông xưa vẫn chảy. Giòng nước ngọt của thượng nguồn đang về hòa chung giòng nước mặn của biển để thành nước lợ
Tôi chợt nghĩ đến bến Giàng Phao, Hói Cụ, nơi khúc sông đầu nguồn đang thu hẹp dần. Vẫn màu nước trong xanh ấy, Dấu tích chiến tranh đã phai mờ. Rừng cây xưa không còn nữa. Những con đường lát đá nối dài đến nghĩa trang Trường Sơn. Ngày ấy,dưới những tán lá rậm rạp của cây rừng, bộ đội ta ban ngày ẩn nấp trong những căn hầm dã chiến. Ban đêm lại là những cuộc hành quân vượt sông. Anh là một trong những người chiến sĩ kiên gan ấy.
Đang kể anh dừng lại.. Hình như trong anh quá khứ đang tái hiện về.Màu áo Tô Châu cái bát B52 sắt mạ kền có in hoa sặc sỡ lúc lắc trên ba lô. Những bước chân đi trong im lặng. Tiếng xào xạc của lá khô…Nóng lắm, cái nóng của miền Trung. Trời hè càng đốt. Chỉ khi có chút bình yên các chiến sĩ nhao nhao ngâm mình trong dòng suối. ghẻ lở ,hắc lào ngứa không chịu được. Khổ một nỗi mấy con vắt như con đỉa cứ chực bám vào thân mình mình, sợ hơn súng đạn.
Anh kể tiếp:
“Năm 1967 đơn vị được ra Quảng Bình làm công tác bổ sung tháng 7 năm 1967 lại trở vào tiểu đoàn 5 và 6 đánh địch ở Cù Đinh và Ba Gie tiểu đoàn 4 cùng với 3 đội đặc công của mặt trận tổ chức đánh trận Cồn Tiên .Cồn Tiền là căn cứ quân sự kiên cố nhất có hàng rào dây thép gai, bãi mìn nhiều tầng là một căn cố kiên cố được xây dựng trong hệ thống hàng rào điện tử Mắc na ma ra. Có xe tăng, pháo binh và sân bay trực thăng,sau một thời gian nghiên cứu kĩ lưỡng ngày 14 tháng 7 năm 1967 ta quyết định nổ súng dưới sự chỉ huy của đồng chí tham mưu trưởng Minh Long trận đánh này ta tiêu diệt gần 1000 tên phá toàn bộ sân bay, hầm ngầm và bắn cháy 4 máy bay. Vì số lượng địch đông đến sáng ra chúng tổ chức phản kích kết hợp cùng với địch quân dưới đồng bằng phối hợp đánh chiếm lại. Bộ đội ta thương vong nhiều nên ta buộc phải rút lui” .
Trời Quảng Trị lúc bấy giờ chỉ nghe âm thanh gầm rú của chiến tranh. Đêm đêm, những ánh chớp từ lửa đạn của pháo phòng không, đạn từ các nòng súng 12ly7 của những cây súng trường K44. Tiếng pháo biển của quân thù, Tiếng pháo mặt đất từ Vĩnh Linh dội tràn trong không gian. Trên đất Gio Linh âm thầm tiến sát đồn thù đấy là những chiến binh chưa qua huấn luyện. Anh tôi là người như thế.. Cồn Tiên nơi anh đã đến, chỉ một vùng đất nhỏ xơ xác cỏ cây thôi thế mà tại đây, thời điểm ấy, đã có 150 chiến sĩ ta nằm lại.
Bất chợt tôi hỏi anh :
- Khi vào trận anh nghĩ gì?
Anh cười thật hiền. Chẳng nghĩ gì cả, đã ra trận thì chỉ có sống, chết. Chết vinh còn hơn sống nhục.
Trầm ngâm nhâm nhi ly cà phê anh tiếp:
“Năm 1968 cùng với toàn quân đơn vị bước vào cuộc tấn công đồng loạt ở phía Bắc Quảng Trị có sư đoàn 304 còn sư đoàn 324 chúng tôi đánh ở phía Nam vùng Triệu Phong và Hải Lăng phải nói rằng vang dội hào khí nhưng thực ra ta mới nổ súng một số điểm nhỏ lẻ thì không thấy địch kháng cự chỉ có sư đoàn 304 đánh Thành Cổ gặp khó khăn còn 324 không có trận đánh nào lớn . Địch bỏ chạy vào Thừa Thiên. Ở Quảng Trị mãi sau chúng mới tổ chức tái chiếm Thành Cổ .
Do có sự chủ quan nên quân ta tiến quân quá sâu toàn bộ lực lượng dồn hết xuống đồng bằng công tác đảm bảo hậu cần không tốt không đáp ứng được yêu cầu của bộ đội chiến dịch phát triển nhanh vũ khi gạo đạn không tiếp ứng được bộ đội thương vong nhiều nên ta không giữ đựọc Đồng Bằng buộc phải lên rừng bỏ lại chiến trường là một điều sau này các nhà chiến lược mới thấy đau ,chúng ta để mất chiến trường mất toàn bộ cơ sở cách mạng mà hàng chục năm trước đó xây dựng mới có. Cụ thể khi ta kéo cờ giải phóng dân tình kéo theo reo hò khi ta rút lên là rút cả một đội quân hỗn loạn ( trong số đó có rất nhiều tên được cắm vào hàng ngũ của ta kéo theo ).Lúc này cơ sở cách mạng ở đồng bằng gần biến mất có lẽ chỉ có một số du kích bám trụ như người nữ anh hùng ở Quảng Trị Trần Thị Tâm. Gần kề với khu vực của cô Tâm anh hùng ấy, ở đơn vị chúng tôi cũng có một cán bộ hậu cần đó là trung uý Trịnh Hùng Bắc là người bạn cùng quê được cử xuống đồng bằng xã Hải Phú Hải Thượng để tổ chức mua gạo của dân dấu lại trong nhà chờ bộ đội xuống lấy . Cả một đội quân chủ lực mà chỉ có hậu cần như vậy thì thử hỏi ai lo ai chịu cho được vì vậy nên chúng tôi đói cái đói có thể nói không sách vở nào kể lại được .Có lần trên đường đi gặp một cây chôm chôm tiểu đoàn ra lệnh nổ mìn cho cây đổ khi đổ xong đồng chí tiểu đoàn trưởng nói một câu tôi nhớ đến bây giờ (Mút cái con mẹ chúng mày nuốt cả hạt cho nhanh no) còn những ngày chúng tôi ăn củ nâu, củ chân trâu, lá vòi voi chờ cho tối đến mới xuống đồng bằng lấy gạo nếu không bị chết vì phục kích bị lạc đường nói chung cái mà chúng tôi cần ăn được là các loại củ lá mọc dưới suối giáp ranh hai xã Hải Phú- Hải Thượng còn phía trên có còn cái gì sống được đâu.”
Chiến tranh không chỉ là chết chóc. Chiến tranh còn có cái đói, cái đói cố hữu ngàn xưa mà cha ông ta từng chứng kiến…
Hải Lăng đất và cát, cảnh đất trọc hoang vu, nhìn từ xa chỉ thấy một không gian trơ trọi. Thế mà trong lòng đất vẫn tồn tại sự sống, đấy là bà con, những du kích ẩn mình trong cát. Đang kể anh chợt trầm ngâm nhìn ra mặt biển xa xăm. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt anh, đôi mắt đã có phần mờ đục. Anh thở dài giọng lắng xuống:
“Địch đã vây 6 tháng rồi mới lên rừng gặp lại đơn vị với 6 năm liên tục là chiến sĩ thi đua đến năm 1972, anh Trịnh Hùng Bắc đã hy sinh. Cùng thời gian này có trường hợp hy sinh của Dương Minh Huệ là người ở Đông Sơn. Huệ là đứa em nhỏ nhất trong đơn vị cũng là chiến sĩ của Đầu Mầu năm xưa nay là y tá, cái đêm mà Huệ hy sinh thật khó quên bởi trước đó chiều hôm qua tôi và Huệ cùng với Tùng nhận nhiêm vụ xuống đồng bằng lấy gạo. Trên đường đi Huệ có nói nếu lấy được gạo là tốt còn không thì em nhờ anh nói sau này nếu có thể gặp lại bố em thì chỉ cần anh nói khi vui thì cầm cành hoa huệ là bố em sẽ hiểu vì ý Huệ là không lấy được sẽ chờ đến hôm sau dù có chết. Trên đường xuống Hải Phú đến ngã ba gặp phải trực thăng địch bắn xối xả, tôi vọt qua cây gỗ đổ chắn ngang đường chạy sâu vào rừng. Một lúc sau không thấy Huệ và Tùng, tôi quay lại Tùng đã bị thương đạn bắn vỡ bàn chân, Huệ nằm bất tỉnh viên đạn cắm vào háng máu ra nhiều băng bó xong cho hai bạn một mình tôi đưa hai bạn về phẫu 32 cùng cách đó 1 tiếng đồng hồ ,cõng Tùng về trước xong tôi xin người ra cáng Huệ về, lúc này Huệ đã tỉnh và đột nhiên Huệ hát, bài hát “Phi đội ta xuất kích” của Tường Vi. Tôi mừng lắm Huệ còn sống. Tôi chạy nhanh xuống trạm phẫu báo cáo và làm thủ tục để chuyển viện xong thì thật không ngờ, đó cũng là lúc Huệ trút hơi thở cuối cùng.Vì nhiều lý do cho đến nay, tôi luôn ân hận, canh cánh bên lòng vì mình chưa có dịp nói lại câu mà Huệ đã nhờ trước đó, còn Tùng thì đã gặp lại nay đã khoẻ.”
Câu chuyện của anh về cái chết của chiến sĩ Dương Minh Huệ làm mắt tôi nhòa đi. Biển Sầm Sơn hình như càng mờ đục hơn. Những con sóng hối hả đập vào bờ tung bọt trắng xóa. Kỳ lạ thật, Con người chúng ta, những người lính của chúng ta ngày ấy thật kỳ lạ. Cái chết đã cận kề mà tiếng hát vẫn vang xa. Chắc có lẽ các anh muốn gửi lại những lời ca hào hùng cho thế hệ mai sau, Cũng có thể trước lúc ra đi các anh muốn gửi lại cho tương lai một thông điệp rằng đất mẹ Việt Nam mãi mãi là những bài ca của tuổi trẻ.
Vẫn là mặt trận Quảng Trị ngày ấy. Khói, lửa, nóng và bom đạn cày nát đất từng giờ. Cuộc chiến thời gian này gần như chững lại. Sự hy sinh mất mát của đồng đội, sự tan vỡ của các cơ sở đau nhói từng phút từng giờ trong lòng anh. Anh ngậm ngùi nhớ lại:
“Gần 6 tháng nay mặt trận không có tiếng súng,bộ đội hoang mang cơ sở mất lòng tin. Đơn vị quyết định toàn bộ số anh em còn lại đủ sức chiến đấu tốt của trung đoàn 812 tập trung cho D6 bộ binh đánh một trận để lấy lại niềm tin cho các cơ sở dưới đồng bằng. Mục tiêu là từ giáp ranh Hải Phú vượt qua Hải Thượng xuống đến Bến Đá và đánh ngược trở lại điểm cuối cùng là Hải Phú. Đến gần sáng thì đồng chí Nguyễn Phi Hùng tiểu đoàn trưởng hy sinh .Sau một đêm chiến đấu gần như hy sinh gần hết chi còn lại khoảng một tiểu đội tổn thất này được dự báo trước bởi vì ta đánh địch ngoài công sự mang tính võ trang tuyên truyền hành quân nhanh gặp địch ở đâu đánh đó ( số liệt sĩ này do dân chôn cất). Đầu năm 70 được rút ra Bắc chuẩn bị cho một chiến dịch mới mãi đến cuối năm 1970 chúng tôi mới được lệnh mở chiến dịch đường 9 Nam Lào. Một số đơn vị đó của E812 đánh Cù Nuội Lao Bảo, cuối cùng toàn bộ lực lượng của sư 324 và một số đơn vị khác đánh thắng vang dội ở đường 9 Nam Lào. Lúc này tôi đang nằm điều trị tại quân y viện 68 cũng kịp thời trở về tham gia vào trận đánh chốt giữ đèo Lao Bảo một chốt chặn rất quan trọng của mật trận không cho địch rút về đồng bằng để quân ta tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch trên chiến trường đường 9 Nam Lào”
Chiến thắng đường 9 Nam Lào đã đi vào lịch sử.Dấu chân của những người lính như anh vẫn còn in trong lòng đất Quảng Trị. Những tên làng tên đất quê hương Quảng Trị còn ghi mãi trong lòng các anh.Còn các anh, trên mảnh đất này, đã để lại máu, tên, tuổi mười tám đôi mươi của mình trong những giòng nước, trong những thân cây xanh và trong lòng những người dân Quảng Trị.
Tôi ngước mắt nhìn anh như cầu mong anh kể tiếp giai đoạn cuối cuộc đời lính của anh. Có một cảm xúc gì đó hơi hưởng của sự tự hào và luyến tiếc bỗng trào dâng trong anh:
“1972 đơn vị vào Thừa Thiên đóng quân tại Hương Điền, Hương Thuỷ sau đó lại quay ra đánh địch ở Bắc sông Mĩ Chánh do mặt trận phát triển quá nhanh nên chúng tôi đánh địch gần như không có chuẩn bị cứ gặp địch là nổ súng tinh thần của địch lúc này rất bạc nhược chúng có kéo nhau về Thừa Thiên bị ta chặn đánh không thể về được vì Bắc sông Mĩ Chánh đã có một trung đoàn án ngữ toàn bộ số địch ở Quảng Trị bị tiêu diệt 360 xe tăng và thiết giáp bị đốt cháy xác địch ngổn ngang khắp nơi. Lúc này 304 đã giải phóng xong Thành Cổ chiến dịch giải phóng Quảng Trị toàn thắng.
Đúng. Đây là sự thật. Tôi, năm 1974 từng có dịp vào Ái Tử .Dọc quốc lộ 1 hai bên đường là những bãi đất trống, ngổn ngang những vỏ đạn, dây thép gai, xác những chiếc xe tăng, xe cơ giới nằm la liệt. Trên con đường tắt từ Ái Tử về thị xã Quảng Trị xác xe tăng, xe bọc thép, pháo 105, 175 ly chất từng đống. Đáng tiếc, do bận giải quyết những vấn đề cấp bách để kết thúc chiến tranh và sau này sự vô tình của con người nên những vật chứng lịch sử đã bị thất thoát quá nhiều. Tôi ngước nhìn anh, gió biển thổi làm mái tóc đốm bạc của anh xơ xác. Giọng anh bỗng trầm hẳn, đôi mắt thoáng buồn, anh thở dài:
“Cuối năm 1972 do bị sốt rét tôi không thể cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu tôi đã được đưa ra Bắc chữa bệnh vì không đủ sức khoẻ phục vụ quân đội nên đã được xuất ngũ”
Trời nhạt dần, không khí biển hơi lạnh. Tôi cầm tay anh. Trong lòng như muốn nói lời cảm ơn.Thương anh, thương những đồng đội của anh, người còn, người mất. Anh và đồng đội của anh đã sống, chiến đấu một thời như thế trên mảnh đất Quảng Trị quê tôi. Rời khỏi bàn anh không quên nhắc tôi cặn kẽ:
“- Nếu có thể em nên liên lạc với VTV1 mục tìm kiếm đồng đội hay ký sự trở về liên hệ xem có thể tìm được hoặc chí ít cũng biết thông tin về các liệt sĩ cùng nhập ngũ một ngày với anh ở làng ta” :
1.Nguyễn Tất Hái, C12 trung đoàn 812 F324 hy sinh ở khu vực Tây Bắc Cồn Tiên năm 1967.
2: Nguyễn Tất Luyện, C18 trung đoàn 812 F324 hy sinh năm 1967 tại miền Tây Quảng Trị.
3: Trịnh Hùng Bắc, trưởng ban quân nhu E812 F324 bị bom hy sinh ở Tây Quảng Trị.
4: Ngô Văn Trung, E812 F324 hy sinh Miền Tây Quảng Trị
5: Lê Văn Thể, C18 E812 F324 hy sinh ở Quảng Trị
6: Lê Văn Nhuận, C18 E812 F324 hy sinh ở giáp gianh xã Hải Phú Hải Lăng Quảng Trị
Đây là số liệt sĩ gia đình không có điều kiện tìm kiếm, nếu em có thể tìm kiếm hộ trên trang mạng”.
Bạn đọc thân mến!
Bài ghi chép trên đây là chuyện người thật, việc thật . Những mong muốn của anh Nguyễn Duy Mùa cuối bài, chắc chắn rằng đấy cũng là mong muốn của tất cả chúng ta. Nguyễn Thuận
Vĩnh Linh, Quảng Trị
Tin cùng chuyên mục
Cái lưỡi
28/08/2013
Có phải em là mùa thu Hà Nội...
18/08/2013
Đối diện với ngọn Chóp Chài
17/08/2013
Sông quê nước chảy đôi dòng
14/08/2013
Chùm truyện cực ngắn của Trần Hoàng Trúc
13/08/2013
Hồi ức về trường hợp hy sinh của một liệt sĩ
04/08/2013