Sông quê nước chảy đôi dòng
Mùa thu, dòng sông dưới chân cầu chảy êm ả, lai láng như dải lụa mượt mà ôm lấy vùng làng đảo. Tôi chợt thấy rất rõ hai làn nước xuôi ngược chảy sóng đôi, bên nam màu hồng sậm, bên bắc màu xanh biếc. Tôi thực sự ngỡ ngàng. Thật ra, tôi chỉ nghe nói sông quê nước chảy đôi dòng, chứ chưa có dịp nhìn tận mắt. Sáng nay tôi mới biết, dưới chân tôi, dòng sông quê đang chảy đôi dòng, thao thiết mang muối mặn và phù sa về phía biển
Đám tang bà Sớm có lẽ đông nhất làng từ trước tới nay. Đi sau linh cữu bà là những người con trai gái, dâu rể đã đứng tuổi nước mắt dàn dụa và đàn cháu, chắt khóc vật vã. Có hai lão ông râu tóc bạc phơ cùng mang vành tang trắng đi bên nhau cũng sụt sịt lau nước mắt. Thỉnh thoảng không cầm được lòng, họ bật lên thành tiếng:
- Bà Sớm ơi! Bà bỏ chúng tôi đi thật rồi ư? Sao không để tôi đi trước?...
Thuở trẻ, cô Sớm đã xinh đẹp lại nết na. Mồ côi cha mẹ, Sớm ở với dì ruột chèo đò ngang trên sông Chanh. Mới chín, mười tuổi cô bé đã bát cạy mái chèo nhẹ nhàng, khéo léo, nhưng cứng cáp, đưa con đò đầy dằm tới bến. Chiếc tay guốc chèo mòn nhẵn bóng như một mẩu sừng trâu. Khi Sớm mười sáu tuổi, đã bao chàng trai để ý. Nhưng cô chỉ nhớ có Lâm, chàng trai thường lội dọc bãi sông với nghề cất vó. Lâm người xóm Thầu Dầu khoẻ mạnh, chất phác và cùng cảnh nghèo khó. Bến đò, dòng sông đã chứng kiến ánh mắt, lời nói của họ trao nhau. Người dì cũng đồng cảm dành cho đôi trẻ những buổi tối con đò bồng bềnh trên sông nước đầy trăng. Năm Sớm mười tám, Lâm mang trầu cau, con gà trống và mấy ống gạo nếp đựng trong chiếc tay nải đến trình dì:
-Nhà cháu chẳng còn ai. Cháu xin có lòng thành nhờ dì làm lễ cúng gia tiên, cúng ông tơ bà nguyệt và ông sông bà nước cho chúng cháu được về với nhau...
Căn nhà gianh và ổ rơm rối rít tiếng nói cười của cặp vợ chồng trẻ. Chả mấy chốc rặng mồng tơi đã leo xanh rờn bờ dậu thưa. Đông vụ, họ cấy hái, đập lúa, cày thuê cuốc mướn cho các nhà giàu. Vãn mùa, Lâm đem lưới vó ra sông cất con cá con tôm, Sớm tranh thủ ra bến cầm chèo cho dì. Thế rồi Lâm tòng quân vào bộ đội lên mặt trận Tây Bắc. Được mấy năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh về làng, mang theo bộ quân phục bạc màu và đưa cho vợ hộp huân chương cất vào chiếc hòm gỗ: - Khổ quá, trên cử đi học, nhưng chữ nghĩa nó không chịu vào. Tớ về "cơm làm ruộng, cá kiếm ăn", nhàn cái đầu hơn! Thấy con đò ọp ẹp, chốc chốc dì vợ lại phải khom lưng tát nước, Lâm liền vào rừng vác gỗ về xẻ ván đóng chiếc mới. Căn nhà gianh xiêu vẹo được cất lại.... Bà dì mong mỏi có cháu bế. Nhưng nhiều năm sau, vợ chồng Sớm vẫn không đẻ được đứa con nào. Đi hết đền nọ phủ kia cầu cạnh, vẫn thế. Lâm hao gầy hẳn đi. Còn Sớm lại chắc lẳn và ngày một đẹp thêm ra.
Chiến tranh chống Mỹ. Bà dì bị trúng bom của giặc thả xuống bến sông. Hai vợ chồng như nghé mất mẹ. Từ đó, Lâm cáng đáng việc cày bừa đồng áng theo công HTX cho Sớm thay dì tiếp tục chèo đò. Những gã đàn ông đa tình biết cảnh ngộ của vợ chồng Sớm, được dịp buông lời bướm ong cợt nhả, cố ý đào sâu nỗi đau của Sớm: - Cô lái ơi! Nhà anh sẵn khoai sọ lắm! Em có lấy giống thì đến, chị nhớn sẽ nhường lại cho. Còn được thêm tiền gạo đem về! -Sớm ơi! Nằm với anh một đêm. Chỉ nháy mắt là có thằng cu! Ba mươi xuân ngoại rồi, không có đứa chống gậy sau này thì buồn chết!... Tiếc làm gì! Trời đất mênh mông, biết đâu mà lần... Cốt được tẹo mậm là quí!...
Nghe nhiều thành chai. Sớm tỉnh bơ trước những lời tán tỉnh như hạt mưa rớt trên áo tơi. Những lời đó đến tai Lâm. Anh cũng buồn lắm và tối về chỉ biết an ủi vợ: - Nhà chấp chuyện vặt đó làm gì cho mệt. Thiên hạ đã đầy, chẳng riêng chi mình. Cốt sao cửa nhà đầm ấm, vợ chồng no đói có nhau. Tôi cứ thương mình là được!
Năm ấy, công trường lấn biển khai hoang diễn ra sôi động ngoài cửa sông. Từng khúc đê đã hiện hình đợi một vùng đất mới ra đời. Công trường thiếu cọc gỗ, cọc tre để cắm chẫy, thiếu đá hộc đổ xuống những đoạn sâu để chốt cái. Các trung đội dân quân và lực lượng thanh niên, phụ nữ các xã được huy động ra các rừng bãi, núi đá khai thác vật liệu về phục vụ làm cốt hợp long đê. Cứ hai, ba người một con thuyền nan hoặc thuyền ván chở củi gỗ và đá hộc. Sớm và Nhâm, bạn gái trong xóm cũng tham gia chiến dịch, thay nhau cầm lái con đò của mình ra Đầu Đá vịnh Hạ Long chặt củi. Trong một chuyến, củi đã chất đầy khoang mũi, họ xuống núi chèo thuyền về. Chiều buông nhanh. Đến Hang Luồn, mệt quá, chị em bèn rủ nhau cột thuyền vào mỏm đá nghỉ nấu cơm ăn. Con thuyền nép mình ngay dưới hốc đá. Bên trên là một vòm hang nhỏ, nước ngọt sau những cơn mưa rỏ long tong. Hứng một ít nước vo gạo, Sớm há miệng đón những giọt mát lạnh cho đỡ khát và lấy chứa thêm vào chiếc thảm sành để dùng dần. Ăn cơm xong, thì trời tối. Gió biển lùa suôn suốt hang núi. Cơn buồn ngủ từ trong ruột ngủ ra. Hai chị em rải manh chiếu nằm trên sạp lái, chìm một giấc ngon lành. Đến khi thấy lưng ướt lạnh, Sớm mới giật mình vùng dậy. Đầu chị đụng luôn vào vòm đá đau điếng. Sớm ôm đầu la thất thanh:
- Chết rồi! Nhâm ơi! Dậy, dậy! Nước lên, thuyền mắc một nửa vào hang! Nhâm hoảng hốt, huơ tay quáng quàng:
- Làm sao bây giờ hả chị? Thuyền đắm mất rồi! Hu hu... Mẹ ơi... là mẹ ơi!
- Bình tĩnh! Lấy sức chống lên như tao đây này! Không thì chết cả nút. Giời ơi là giời! Hai...ba! Mạnh! Dích mạnh ra cửa hang. Có ai không, cứu chúng tôi với!
Trời mờ sáng. Nước mỗi lúc một to. Nửa trong vòm đá, con thuyền chúc hẳn xuống, nước xoáy ào ào vào khoang. - Chết đến nơi rồi chị Sớm ơi! - Chết cũng phải cố! Ai cứu bây giờ? Ngửa mặt gào to lên! May sẽ có người cứu! Có ai... Cứu... chúng tôi với... trong hóc đá... đây này...
Một chiếc thuyền chã ván đang kéo lưới gần đó. Tiếng kêu từ trong núi vọng ra. Họ ngừng tay, lắng nghe. Đúng rồi! Có tiếng người kêu cứu. Chú Màu ơi! Tới đó xem sao! Chiếc thuyền vội vã rê cả đám lưới đang kéo dở, chèo thốc thác tới Hang Luồn. Anh Nghiên ơi! Có tiếng đàn bà con gái. Chiếc thuyền đò mắc một nửa trong vòm đá. Do nước lên không biết đây mà! Trông như đò chị Sớm! Anh để em thả neo... Màu chưa kịp nói hết, Nghiên đã nhảy xuống, oà đến cửa hang mấp mé nước. Lấy hơi lặn, bơi luồn vào trong, Nghiên chồi lên bám lấy mạn thuyền. Trong hang tối lờ mờ, hai người đàn bà đang chới với la hét. Anh cự đầu lên vòm đá, nghiến răng chống cật lực. Không nhúc nhích tẹo nào. Đống củi gỗ và chiếc vành mui mắc kẹt cửa ngoài. Chắc chắn chiếc bánh lái còn cắm sâu bên dưới, không thể đẩy thuyền ra được.
- Con rựa đâu?
- Trong khoang! Trong khoang...
Nghiên nhoai vào khoang, mò được con rựa. Nhanh thoắt, anh lại tụt xuống lặn về phía bánh lái, giơ rựa chặt trong nước. Phải hai, ba hơi ngoi lên, ngụp xuống, mới chặt đứt được chiếc bánh lái bằng gỗ táu rắn như thép.
- Nằm rạp dưới khoang, không nát thịt bây giờ! Nghiên vuốt mặt hét to. Anh vít lái, dìm thấp xuống, rồi lấy sức đẩy mạnh. Con thuyền trồi ra khỏi vòm đá, vọt đánh bông một cái. Nước ào lại đằng mũi. Thuyền chòng chành suýt đắm.
- Ôi! Anh Nghiên! Sống rồi! Anh ở đâu mà kịp cứu chúng em?
- Ở biển lên! Có bữa làm mồi cho cá ngáo, cho cua bể nó rúc! Sao các cô lại đậu ở đây? Phải tính con nước chứ!
-Chúng em chở củi cho công trường! Mệt quá, ăn cơm xong ngủ quên. Không nhớ ra thuỷ triều lại lên nhanh đến thế! Tưởng chết. May quá lại có anh! Biết đền ơn bằng gì bây giờ? Thuyền anh đánh chã ngoài này à?... Hai chị em líu ríu. Chú Màu nhảy sang vừa tát nước thuyền hộ, vừa trêu:
- Đền chị Sớm cho anh ấy!
- Ai lại thế! Anh Nghiên ối người đang đợi, thiết gì tôi gái đã có chồng mà chú Màu nói vậy!
Nhà Nghiên ở đầu làng Lưu, chỉ cách làng Yên một bờ rào gai. Thực tình ngày trước Nghiên từng đứng xa trông lại, từng nhờ người đánh tiếng đến Sớm, nhưng thất vọng. Lúc bấy giờ sau cải cách ruộng đất, các trai làng như Nghiên thuộc hạng con nhà phú nông, địa chủ thường ít lọt vào mắt các thôn nữ. Cha mẹ Nghiên sắm thuyền lưới cho con xuống biển. Từ đó Nghiên quanh năm bồng bênh đánh chã cá trên cửa sông Chanh ra vịnh Hạ Long. Anh vẫn chưa lấy vợ. Thỉnh thoảng Nghiên có gặp Sớm trong những đêm chiếu chèo làng Trung Bản hát ở sân đình. Hai người chỉ thoáng thấy nhau. Những phút ấy, Nghiên không khỏi xao lòng xen lẫn hờn tủi. Trong sâu thẳm, anh vẫn thầm nhớ Sớm. Thương hoàn cảnh Sớm không con, có dịp gặp, anh không nỡ buông lời cợt nhả như kẻ khác.
Sớm đột nhiên có chửa. Biếng cơm. Đi chợ, cốt mua củ rong riềng, miếng bánh đúc về ăn dở. Thấy con chó chạy qua cũng thèm rỏ rãi. Lâm vui mừng ra mặt, vào chợ mua bằng được ít thịt chó gói lá chuối đem về cho vợ. Nhìn Sớm bốc ăn ngon lành, anh luồn tay sờ vào chỗ bụng vợ đang nhôm nhổm, nóng rẫy: Dễ tới mười lăm năm! Bây giờ chắc mới đến lúc phấn hoa gặp noãn?... Anh hy vọng, nhất định Sớm sẽ đẻ cho anh một thằng cu!
Nhưng đầu đường cuối chợ... Chuyện chị Sớm được anh Nghiên cứu thoát khỏi mắc kẹt ở Hang Luồn và sau đó bỗng dưng có chửa loang nhanh khắp làng. Người ta xôn xao dị nghị, mỗi kẻ một phách. Bao nhiêu năm nay, cô lái đò vỏ ngoài phây phây mà ruột lại là quả cau điếc. Bây giờ, cái bụng chang ang thế kia. Không biết của chồng hay của ông khách nào tài hoa đến thế? Hoá ra đời người đâu dễ chính chuyên! Nhưng chứng tỏ chị ấy đẻ được! Đợi đứa trẻ ra đời là biết ngay cái giỏ nhà ai!... Người thơm thảo đến hỏi thăm, nói lời thật lòng mừng cho chị. Kẻ ghen ghét thì nghi nghi hoặc hoặc, bĩu môi đằng sau. Thậm chí có bà, có chị thường sang nhờ vả cái cối xay, tranh thủ buổi trâu cũng lặng lẽ xa lánh, nhỡ gặp giữa đường cũng giả đò bán lối. Chị biết, đành bấm bụng vậy. Thiên hạ phập phù đồn thổi, hơi đâu mà bịt miệng người ta. Miễn là chị đã có mang! Chị sẽ giấu Lâm. Của chồng, của vợ chứ của ai? Đầu non con nước, con chị phải được vuông tròn cái đã!
Những lúc một mình, Sớm bàng hoàng nhớ lại...
Để thuận tiện giao thông thời chiến, huyện cho xây mở rộng bến đò thành bến phà. Khách qua sông không còn thấy chị lái đò đỏ mặt trước những lời trêu chọc nữa. Đò của Sớm được trưng dụng chuyên chở củi cho công trường. Thuyền chã của Nghiên cũng điều động đi chở đá. Tất cả tập trung cho con đê khai hoang chắn ngang cửa biển. Từ bấy, mỗi lần rời bến, thể nào Nghiên cũng tìm cách rong thuyền mình gần thuyền chị em Sớm. Bóng Sớm như một ngọn lửa trên con thuyền, dù xa leo lét, đứng nơi nào anh cũng nhận ra.
Đêm ấy đoàn thuyền chở đá và củi đậu sát vách núi cho anh chị em nghỉ qua đêm, đợi nước lên mai tiếp tục về. Sau một ngày lao động mệt mỏi, mọi người ai nấy thiếp vào giấc ngủ. Trong khoang, Nhâm đã say nồng. Còn Sớm tự dưng trằn trọc, khó chợp mắt. Chị khẽ khàng trút ra ngoài mui, ngồi một lúc lâu trên mũi thuyền hóng gió. Trời nhiều sao quá. Màn đêm và mặt vịnh dày đặc ánh sao nhấp nháy, chẳng khác gì những hạt thóc nẩy mầm vãi trên ruộng bùn vừa mõ. Bóng những hòn núi nằm trên bãi như những con cá khổng lồ bị mắc cạn. Tiếng cáy còng đùn bọt tí tách như tiếng mưa râm ran khắp triền đêm xa thẳm. Đây đó, tiếng những con cá bống đớp "tom tõm" y tiếng trống cầm chầu chiếu hát ả đào mà thuở bé có lần Sớm theo đám bạn đứng nghe lỏm ở nhà ông Lý Trắc... Chợt có bóng người đang lội đến. Bước chân rút nhẹ trên bùn non cố giấu tiếng động vào tiếng sóng ì oạp dưới cuối bãi. Sớm nín thở. Bóng người tới càng gần, ngay sát mạn thuyền. - Anh Nghiên! Sao anh lại...? - Suỵt! Nhớ em quá, không ngủ được! Cơ này trăng sắp mọc. Lên núi ngắm đi em! Anh cõng! - Chết! Sao lại thế? Người ta biết... - Có đánh thuốc nổ vào tai cũng chẳng thức được họ! Nào... - Em đã có chồng! - Nhưng tôi thương em! Không nói xiết được lòng tôi lúc này đâu! Tôi biết em đang khổ một nỗi... Mà tôi cũng đang khổ chẳng kém gì em. Xuống với tôi đi! Sớm còn bối rối chưa kịp định thần, Nghiên đã vươn cả hai tay ra kéo, vác lên vai, rồi xoay nhanh người Sớm áp vào lưng mình. Anh vòng tay đằng sau ghì thật chắc. Sớm đấm thùm thụp mấy cái liền vào bả vai Nghiên. Nhưng cuối cùng cũng buộc phải bám chặt cổ Nghiên khỏi ngã. Cứ thế, Nghiên cõng Sớm lội nhanh qua bãi bùn lún ngập tận gối. Hơi thở Sớm phà vào mang tai, khiến anh như ngợp đi trong bao la gió và bản nhạc côn trùng vùng rừng mặn. Hai người đã ngồi bên nhau dưới chân núi. Anh liều thế? Không sợ à? Dám ăn cắp vợ người ta!... Nhưng mà tôi yêu Sớm! Sao ngày ấy em chẳng thèm nhìn tôi? Tôi buồn chán từ bấy. Hình như trời sắp đặt lại cho tôi được gặp em?... Anh định kể công với em đấy à? Đây cứ trả luôn bằng dăm buổi cấy nhá!... Không! Sớm đừng hiểu lầm tôi. Người khác mắc nạn tôi cũng cứu. Đằng này lại là Sớm và Nhâm. Như vậy là trời có ý... Tôi muốn em cấy cho tôi cả đời! Trăng bắt đầu mọc kia kìa Sớm ơi! Sớm thật thà ngẩng lên nhìn vầng trăng hạ tuần ló khỏi mỏm núi phía trước. Anh trăng màu trắng bạc toả nuột nà trên khuôn mặt Sớm. Nghiên thốt lên: Trời ơi! Đẹp quá! Không ngăn nổi, Nghiên ôm chặt Sớm vào lòng, nồng nàn và đay nghiến...
Vụ gặt tháng Mười vừa vãn. Sớm sinh con. Một thằng cu đỏ hỏn. Không giống Lâm. Nó hao hao một người nào đó mà Lâm từng gặp. Lâm hình dung mãi chưa ra. Con phải giống bố chứ? Đằng này... Nó là con ai? Con ai? Niềm vui vụt nhanh như ruộng lúa vừa chắc hạt đã vùi trong mưa bão. Nhìn Sớm ôm con, âu yếm tấng hậng như ôm một cục vàng, lòng Lâm rối bời bời. Anh hậm hực và buồn chán quay đi, nghĩ tủi phận cho mình. Chả lẽ lúc này lại gạn hỏi, ruồng rẫy Sớm? Máu gái đẻ xông lên lại rõ khổ...
Miệng làng lúc phảng phất lúc rộ lên. Nhà Lâm có con tu hú đẻ nhờ! Được cái mậm là tốt rồi! Ai biết đấy là đâu!... Lâm ngao ngán bỏ hàng buổi đồng áng, mặc con trâu suốt đêm thèm rơm đứng vằng muỗi, cọ sừng vào dóng cột. Mọi nét mặt, cử chỉ của chồng đều không qua mắt Sớm. Lòng chị cũng nhói đau thương chồng da diết, chứ đâu phải gỗ đá. Chị cũng không ngờ, tự hỏi sao cái phút giây ấy lại ập đến nhanh thế? Ăn vụng chóng no! Biết làm sao được? Giờ đây chị chỉ nghĩ đơn giản: Mình đã có con, có thể sinh con. Chắc trời dun dủi nên mới xảy ra sự thể này? Chị dám chịu. Đứa con là của chị, của cả Lâm, tuy nó là giọt máu của Nghiên mà chị hứng được trong cái đêm trăng sao ngoài núi đá. Chị sẵn sàng chịu Lâm xỉ vả, chịu tiếng đời đưa đẩy. Nhưng quyết không thể mất con, cũng không thể mất Lâm. Nguôi ngoai, chị sẽ thuyết phục Lâm. Cốt được con người làm vốn quí. Chị tin Lâm sẽ vị tha. Chị sẽ làm cán cân giữa hai người.
Thằng Mầm lớn lên, mũm mĩm như con cun cút. Tiếng bi bô của nó mới vô tư và đáng yêu làm sao! Lâm nhận ra nó giống tay Nghiên con ông Xã Trấn làng Lưu có con thuyền chã ván! Tuổi mục đồng, hai người thường dàn quân trong những cuộc chơi giắt cờ lau tập trận, rồi tồng ngồng lao bàn trượt trát bùn trên vạ đê. Học cùng trường Kim Bị, họ không chơi thân, nhưng cùng đường về vì hai làng giáp nhau. Lâm sớm bỏ học bởi nhà nghèo và mồ côi cha mẹ sau nạn đói năm Ât Dậu. Trường Kim Bị đóng cửa do thực dân Pháp chiếm làm bốt. Nghiên phải sang trường huyện học tiếp. Cả hai không có gì bợn gợn trong nhau. Chỉ là tình làng xã... Nhưng bây giờ Nghiên lại là ân nhân của Sớm, của Lâm. Thì ra nguyên do từ cái lần ngoài núi! Vả lại, nếu đận ấy không có Nghiên kịp đến cứu thuyền củi, cứu hai chị em? Chắc rằng Lâm sẽ mất Sớm. Nhưng, tâm địa người ta sao lại khó lường đến vậy?...
- Nỡ lòng nào cô sấp mặt với tôi! Cô giấu được mãi sao? Hãy nói sự thể tôi nghe! Lâm vò đầu bứt tai, nghiến răng cố ghìm lồng ngực muốn vỡ tung.
- Thôi! Em xin nhà. Đừng bắt em thuật lại sự tình làm gì cho khổ! Trời ơi! - Sớm ôm mặt, lặng đi. Thằng bé bỗng hu hơ khóc, giơ chân nắm tay đạp đạp vào không gian. Chị vội quệt mắt, với chiếc tã trên đầu giường bọc bế nó lên, rồi nhìn thẳng vào chồng: - Tại tôi! Tại tôi! Sự đã rồi, tôi đâu muốn thế. Anh chửi tôi, đánh tôi thì cứ việc. Cả nửa đời tôi đã... Mọi sự tôi đều... vì anh. Tôi chỉ tiếc... sao ông giời không cho thằng bé giống mẹ nó nhiều hơn? Để nông nỗi này một mình tôi sống để bụng chết mang đi cũng cam! Nhưng... Sao đàn ông các anh...? Thằng bé này... nó vô tội. Nó không can cớ gì. Nó cần có tình thương...! Nuôi lớn nó, tôi sẽ đem trả lại người ta! - Sớm bật khóc.
- Nào tôi đã nói quá gì đâu mà nhà lại gay gắt thế? Tôi muốn sự rõ ràng, rành mạch. Tôi biết phận tôi mà! Lâm cố nuốt cái nghèn nghẹn nơi cổ họng. Nó là đứa trẻ. Tôi thương lắm chứ. Nhưng nhà cũng phải thấu lòng thằng đàn ông như tôi...
- Tôi hiểu, tôi muốn anh yên lòng... nên mới định giấu anh!... Mà anh cũng nên thấu cho, bao năm trời ăn ở với nhau...
Cánh đồng qua bao mùa cấy gặt. Thằng Mầm đã cắp sách đến trường. Không ngờ Mầm học rất thông minh, giỏi nhất lớp. Trường làng vẫn học nhờ trong ngôi đình giữa đất hai làng. Nhà Nghiên ở gần đó. Một lần, ngoài sông về, Nghiên đánh bạo ra đứng ngấp nghé mé cửa lớp nhìn cu Mầm học. Thằng bé hồn nhiên, hí húi trên trang vở. Khuôn mặt non tơ sáng rỡ. Chao ôi! Nghiên nhận ra mình ngay trên gương mặt nó. Cả khuôn người đậm đậm cùng nước da ngăm dãi nắng, nước da của những người đi biển!... Tiếng trống tan trường vang lên. Nghiên bước vội qua sân, đứng nép sau cánh cổng. Hoà trong đám học trò như đàn vịt đồng túa ra nhộn nhịp, thằng bé đang đi tới. Ngực anh thậm thịch như hồi trống vừa dứt lại thúc lên. Anh lấy bình tĩnh đón ngang, vội dúi vào tay nó mấy đồng xu.
Anh hổn hển: - Con... cháu cầm lấy. Bác thưởng cho... học giỏi! Thằng bé ngơ ngác, chưa hiểu, Nghiên đã bước gấp, khuất về phía cây đa. Nơi sống mũi anh cay xè. Cảm giác vừa ân hận, vừa sung sướng, lâng lâng trộn lẫn... Nhiều lần như vậy, Nghiên để dành những đồng xu mới, những con cá ngựa khô, những chiếc mo mực trắng phau cho thằng bé và dặn nó giữ làm đồ chơi. Thằng Mầm về khoe:
- Có một bác nào ấy cứ đón ở cổng trường cho con những đồng xu với những thứ này, bố mẹ ạ! Hôm nay bác lại cho con một nắm tiền to! Cu Mầm móc trong cặp một nắm tiền cuộn tròn, chìa giữa hai người. Lâm nghẹn sững không nói gì. Sớm ôm chầm lấy con, bỗng hai dòng nước mắt ứa ra, rơi lên khuôn mặt thơ dại: - Lần sau con không được cầm nghe chưa? - Nhưng bác ấy cứ giắt vào cặp con rồi bác ấy chạy đi! Con bỏ đấy ngộ mất thì sao? Hứ ừ... Mầm chẳng thèm nữa đâu! Thằng bé buông những đồng tiền xuống đất. Sớm đành bùi ngùi nhặt lên, đem giắt một chỗ... Nhân một ngày phiên chợ Đông, trên đường về, Sớm đánh bạo ghé qua nhà Nghiên:
- Cảm ơn anh! Xin trả anh. Lần sau mong anh đừng làm thế, hư trẻ. Chúng tôi vẫn nuôi được nó ăn học. Đừng làm khổ tôi! Mà anh cũng lấy vợ đi. Tôi tìm cho...
-Nhưng... Sớm ơi! Tôi thương nó, thương Sớm... Nó là giọt máu của tôi! Tôi không thể vô tình. Đừng cạn tàu ráo máng với tôi...
- Không! Nó là của vợ chồng tôi! Sớm quả quyết bước nhanh.
Một hôm khác, học về muộn, Mầm hớn hở: Mẹ ơi, bác ấy tên là Nghiên. Trưa nay bác đón con vào nhà chơi! Nhà bác bao la những lưới là lưới bắt cá ngoài biển. Bác có cái tủ đầy những quyển truyện tranh... Nom bác hiền như bố mình. Thằng Khoa cũng đi với con, lúc về nó cứ bảo con giống bác ấy y đúc. Có phải vậy không mẹ? Mẹ ngắm con đi!
Năm đó, cũng là năm Sớm tiếp tục mang thai và cu Mầm có em bé. Một thằng cu nữa. Thằng em chẳng giống thằng anh tẹo nào. Da nó trắng trẻo hơn Mầm, tiếng khóc lại to. Vừa khóc nó đã rờ ngay vú mẹ, bú chùn chụt. Mầm thích quá, vỗ tay reo: - Con có em để có bạn chơi rồi! Sao mẹ lại khóc? Chợt Mầm hỏi mẹ, nhưng nó không biết đấy là những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ nó. Ai cũng bảo cu em giống hệt bố Lâm! Từ nay, mẹ Mầm đã quen đẻ em bé! Những giọt nước mắt hạnh phúc đó, lại chỉ Sớm biết. Thằng bé thứ hai chính là giọt máu của Lâm. Đêm ấy, Lâm ghì chặt vợ như chưa bao giờ được ôm, như sợ Sớm sẽ tan mất vào sương khói. Ngực Sớm nở tròn căng, ngái thơm mùi sữa. Da thịt Sớm ấm mềm cùng mái tóc thoảng mùi lá sả sau khi tắm như mới lạ trong vòng tay, khiến Lâm càng thêm nghị lực. Sớm âu yếm: -Mới hôm kia... Mà hôm nay mình... bỗng dưng khoẻ thế? - Vì nhà đấy! Chợt Sớm rùng mình rất mạnh. Khoé mắt giàn giụa. Cảm giác trong cơ thể Sớm rất rõ ràng, minh bạch. Cơ thể Sớm đón nhận sự sống ấy như một hạt mưa sau cơn mưa cuối hạ đọng trên mái nhà, rơi trúng vào chiếc bát hứng đợi dưới giọt gianh. Hình như hôm nay trời lập thu? Buổi sáng, em thấy nắng ngả vàng trên giàn hoa lý, hoa mướp. Đem bắc lại đám giàn cho vững đi, để chúng leo chung, kẻo sang thu mướp đậu quả lắm, dễ đổ! Sớm thì thầm vào tai Lâm. Anh xiết chặt Sớm đến nghẹt thở: - Ư! Có lẽ vậy! Nhưng em có biết tôi thương em đến thế nào không? - Có chứ!
Năm Đinh Tỵ 1977, hạn hán ròng rã tận tháng Bẩy mới có mưa. Đồng ruộng nẻ toác, khô rang. Mất mùa lớn. Một công chỉ được chia ba lạng thóc. Giáp hạt, cả làng bung hạt mộc mạch, nhiều nhà phải ninh củ chuối với con quéo ăn thay cơm. Do khéo lo xa, Sớm còn giữ được ít thóc cùng vài thúng khoai thái khô ăn độn. Bữa nào chị cũng nhặt hết những mẩu khoai sang bát mình, dồn lại những hột cơm cho bố con cu Mầm. Sáng nay, Sớm theo trâu đi bừa từ tinh mơ cho mát. Mới bảnh mắt, nắng đã như đổ lửa ngập trời. Thả trâu, rửa bừa xong, chị lại tranh thủ xuống cấy nhặt thêm công điểm. Nắng ngả sang chiều, rát bỏng lưng áo. Ruột Sớm bỗng đau quặn, mặt mũi tối sầm. Chị ngã sụp ngay trên luống cấy. Mọi người chạy xô đến vực dậy, cấp tốc đưa Sớm đi cấp cứu. Lâm vào rừng lấy tre đan thuyền nan để chở phân đã mấy ngày, vẫn chưa về.
Giữa kỳ nước kém, thuyền chã về đậu từng bầy dưới bãi Cống Vông. Đang phơi lưới, thấy có người khiêng võng chạy nháo nhào, Nghiên gọi vói lên hỏi thăm. Biết Sớm bị trúng cảm. Anh quăng cả lưới, lội tắt bãi, chỉ kịp ngoái lại dặn bầy chã trông giùm thuyền, rồi chạy theo tới bệnh viện. Sớm trúng cảm nặng quá, sốt li bì. Nghiên ở lại chăm sóc. Nằm thiếp hai ngày trời Sớm mới tỉnh. Sớm lạ lẫm thều thào: Anh Nghiên đấy ư? Nhà tôi chưa về à? Khổ quá, lại mất việc anh! Đừng lo! Sớm cứ yên tâm điều trị. Tôi đủ sức trông Sớm giúp anh ấy... Cu Mầm lúc này đã lên mười. Nó cõng bộ em sang viện với mẹ. Tay xách nách mang, Mầm hạ em, hạ chiếc bị cói đựng mấy quả trứng gà và nắm cơm xuống chiếc bàn, rồi quệt mồ hôi nhễ nhại: - Ôi bác Nghiên! Mẹ ơi! Mẹ đừng chết! Mẹ làm con sợ quá! Con nấu riêng niêu cơm trắng cho mẹ ăn chóng khỏi. Em Nam đây này!...
Nghiên ngẩn người nhìn Mầm, nghĩ bụng: Thằng con tôi! Thương quá! Ta là cha đẻ con đây! Anh ôm chầm lấy cả hai đứa: Con... Cháu giai ngoan của bác! Bố Lâm về chưa? Căn phòng đang sáng bỗng sẫm lại. Sớm và Nghiên quay ra. Lâm đã đứng sững ngoài cửa, trố mắt nhìn: - Mình đỡ chưa? Ông cũng ở đây cơ à? - Nhà chưa về kịp, không có xóm làng, không có anh ấy thì có lẽ... đã xanh cỏ! Sớm cố chống tay ngồi dậy. Lâm vội đỡ Sớm nằm xuống: - Thôi mình cứ nghỉ ngơi cho khoẻ. Mọi việc tôi đã thu xếp! Một lát, Lâm nhìn Nghiên: - Ông thông cảm! Tôi xin cảm ơn! Nghiên mỉm cười, nụ cười thật hiền, khiêm nhường và đượm vẻ có lỗi: - Có gì đâu! Tất cả vì Sớm mau lành! Lâm bất ngờ bóp chặt tay Nghiên kéo ra cửa. Khuất khỏi bức tường, anh nói rít qua kẽ răng, nhưng chỉ đủ cho Nghiên: - Ông còn vác cái mặt đến đây? Để chúng tôi yên! Anh em thằng Mầm là con tôi!
Nghiên sững sờ, cố trấn tĩnh quay vào. Anh bối rối chào Sớm và bọn trẻ. Sớm chột dạ, chợt hiểu điều gì vừa xảy ra. Chị hết nhìn cả hai người lại nhìn anh em cu Mầm, rơm rớm: - Em xin hai người hãy thương em. Vì em, vì các con mà gần lại với nhau. Đời người mấy nỗi đâu các anh. Xế chiều rồi, xin hãy tha thứ cho nhau... Tất cả tại em! Đôi mắt Sớm buổi ấy sao thăm thẳm, ánh lên đầy thánh thiện như một nàng tiên hiện hữu giữa hai người đàn ông và đám trẻ trong căn phòng nhỏ hẹp. Dẫu đa đoan, Sớm không thể đánh mất họ. Chị thương cả hai người bằng ngọn lửa đã trót cháy loang sang cả hai đống rấm ủ cạnh nhau. Cuộc đời là một bể dâu, chị sẵn lòng cam chịu để hai đống rấm cháy hết mình và những đứa con có mẹ, có bố, có chỗ dựa.
Sau dạo đó, chẳng hiểu Sớm dàn xếp thế nào mà hai người cùng chấp nhận những đứa con của họ một cách thân ái. Dần dà, trong họ cuộc sống nhen ấm áp như trong một ngôi nhà. Dư luận trong làng lại ồn ào khuấy lên: - Kể cũng lạ! Hôm sang ông Lâm xin nắm hoa lý để chữa bệnh cho thằng cu cháu, rõ ràng tôi thấy hai ông bà ngồi nghe đám con cháu đứa gà đứa vịt hớn hở đọc thư anh Mầm dạy đại học trên Hà Nội gửi về. Cảnh nhà vui như Tết! -Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp thuyền ông Nghiên ngoài cửa Đầu Mối, thấy hai người ngồi trên mui phơi cá, phơi mực. Bà ấy vẫn lên chợ Hồng Gai bán cá. Mời chào lại có duyên, không ai nỡ quay đi... -Xưa nay, đời chỉ có cảnh "một chum hai gáo" chứ bao giờ "một gáo hai chum". Vậy mà làng ta, gáo bà Sớm vẫn múc cho cả hai chum cùng chan hòa, mát mẻ, mới thật tài tình!
Khi tuổi già, bà Sớm và hai ông cùng chung một bầy con cháu. Tuy hai ông vẫn ở hai ngôi nhà, nhưng cả hai ngôi nhà cùng ấm hơi người đàn bà vai đảm, tay khéo. Họ càng nhận thấy cuộc đời này họ không thể xa, không thể thiếu được bà. Có lẽ Trời cũng cảm thông cảnh ngộ và phù hộ cho họ. Nên đứa con nào cũng vô bệnh vô tật, lớn khôn và học hành giỏi giang. Lại làm ăn ra trò. Vòng chục năm lại đây, người ta thấy những ngôi nhà khang trang, cả cao tầng hẳn hoi của đám con cháu mọc lên. Ba ông bà thay phiên đến chơi hoặc trông nhà trông cửa cho các con để chúng đi làm và các cháu đi học. Chẳng ai thấy chúng ghét dơ, tỵ nạnh, ganh ghé chi nhau. Trái gió trở trời, hai ông bố nhức đầu xổ mũi, đám trẻ cùng xúm đến hỏi han, chăm nom thuốc thang. Bà Sớm càng đẹp lão với mái tóc bạc trắng và vẻ mặt phúc hậu. Ông Nghiên đã đành, còn ông Lâm cũng sáng thêm da dẻ. Bà Sớm ốm, hai ông cùng có mặt ở nhà ông Lâm túc trực. Ngày giỗ tết, con cháu xa gần về tụ họp đông vui. Anh chị Mầm bao giờ cũng được đàn em mời lên cầm chịch: - Đề nghị hai bác trưởng cho ý kiến! Mở đầu, anh Mầm thường nói: - Thầy mẹ chúng ta một thời vất vả. Các cụ sống vui ngày nào là trông vào anh em chúng ta ngày ấy. Sữa mẹ một bầu, anh em mình cùng bú...
Xúc động quá, anh đã khóc...
Tôi đi trong đám tang, ngổn ngang suy nghĩ. Nghe người làng nói về gia đình bà Sớm, mới càng ngộ ra rằng ở cái làng nhỏ bé của tôi quả thật mỗi hòn gạch lát trên các ngõ quê, khi lật lên đều có chuyện để nói, đều có chuyện có thể làm ai đó khó tin. Tin hay không thì tuỳ. Nhưng đây là chuyện vốn dĩ đã xảy ra ở làng. Mẹ tôi, dì tôi vẫn kể: làng ta có chuyện hai ông chồng cùng ăn ở thuận hoà với một người đàn bà và giữa những đứa con là một bà mẹ vất vả lo toan, gánh mọi truân chuyên, mọi đàm tiếu. Miệng lưỡi thế gian là những cơn dông. Vậy mà người đàn bà đã vượt qua được! Cái quan trọng ở đời là người ta thực sự cảm thông, tha thứ những gì trót xảy ra và biết quí yêu nhau... Hôm nay, về làng, rõ ràng tôi được thấy lẫn trong khói hương là những lời quê kiểng: - Bà Sớm là người có hậu! Cái hậu của mỗi đời người mỗi khác!
Đám tang đi qua chiếc cầu bê tông mới bắc. Mùa thu, dòng sông dưới chân cầu chảy êm ả, lai láng như dải lụa mượt mà ôm lấy vùng làng đảo. Tôi chợt thấy rất rõ hai làn nước xuôi ngược chảy sóng đôi, bên nam màu hồng sậm, bên bắc màu xanh biếc. Tôi thực sự ngỡ ngàng. Thật ra, tôi chỉ nghe nói sông quê nước chảy đôi dòng, chứ chưa có dịp nhìn tận mắt. Sáng nay tôi mới biết, dưới chân tôi, dòng sông quê đang chảy đôi dòng, thao thiết mang muối mặn và phù sa về phía biển
Tin cùng chuyên mục
Chùm truyện cực ngắn của Trần Hoàng Trúc
13/08/2013
Hồi ức về trường hợp hy sinh của một liệt sĩ
04/08/2013
Con gà tật nguyền
31/07/2013
Nhẹ bước dưới trời Côn Đảo
23/07/2013
Bụi chuối
23/07/2013
Răng đau
17/07/2013