Hồi ức về trường hợp hy sinh của một liệt sĩ

Phan Long, Tân Hội quê tôi là ngoại thành Hà Nội, chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 20 km và là một vùng đất cách mạng kiên cường, thuộc địa phận huyện Liên Bắc. Trước CM tháng 8 đã có nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về hoạt động, xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng. Đảng viên và nhân dân Tân Hội đã tham gia cuộc khởi nghĩa 19/8 giành chính quyền và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945.

 

Sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, chiếm lại thủ đô Hà Nội thì ngay sau đó chúng mở rộng địa bàn. Tất nhiên quê tôi là nơi chúng dồn rất nhiều binh lực trong các cuộc càn quét để lập tề, lập bốt. Hầu hết các cơ quan của Đảng và chính quyền ta, chuyển lên Việt Bắc để trường kỳ kháng chiến. Ở địa phương, chỉ còn các cơ sở Đảng bí mật, các phân đội du kích, vẫn bí mật hoạt động, duy trì phong trào, giữ vững liên hệ với dân và với chiến khu.

Theo trí nhớ của tôi, khi ấy mới lên tám tuổi, có một lần tôi chứng kiến một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức, giữa một bên là cả một trung đội lính hỗn hợp cả Tây và ngụy với chỉ một chiến sĩ đảng viên Cộng sản và sự hy sinh anh dũng của ông mãi mãi còn ghi nhớ trong đầu óc tôi, không hề phai mờ.
Đó là một buổi chiều mùa đông, không mưa và không giá lạnh lắm, ngày 12 tháng Chạp năm 1950. (Tôi chỉ nhớ ngày âm lịch). Tôi đang dắt bà tôi bị mù từ nhà hàng xóm về thì nghe tiếng xì xồ, rồi nhiều tiếng người xáo xác báo gọi “Tây đến đấy!”.
Theo thói quen thì các cụ già, đàn bà, trẻ con nhanh chóng phải tụ tập lại vào trong nhà để trú tránh đạn. Dân quân du kích và trai tráng phải tìm nơi tập kết , xuống hầm trú ẩn hoặc chuẩn bị chiến đấu.
Tôi đưa bà tôi cùng cô ruột tôi và các anh chị em lau nhau trong xóm vào nhà thím tôi là bà Kim,ngồi tất trong nhà. Lúc ấy, từ ngả đường Xóm Bàng, Từ vườn ông Nghi Tràng dọc lên theo bờ ao nhà tôi lúc nhúc bọn lính Tây và ngụy đi lên, và cả phía Xóm Đình đi vào, chẳng mấy chốc chúng đã bao vây kín khu vườn của Cụ Ký Khải. Chúng đứng rải ra khắp chung quanh vườn đứa nào đứa ấy lăm lăm súng carton và lựu đạn. và một bọn bốn tên leo lên nóc ngôi bếp của Cụ Hương Ba ngay sát đốc nhà bà Kim, bắc một khẩu trung liên chĩa xuống phía vườn.
Bỗng hai ba thằng Tây đen, xông vào nhà chúng tôi, chúng lơ láo nhìn quanh rồi, trong sự sợ hãi của tất cả mọi người, chúng tiến đến lôi cô Mười của chúng tôi ra sân. Một tên vào bếp vớ chiếc cuốc, rồi ấn vào tay cô tôi, lôi xềnh xệch cô tôi sang bên vườn, qua một cái xối tường rào đất. Lại thấy hai tên nữa kéo ông Tấn là bố của anh Hoàn từ nhà bên cạnh, qua sân cũng cầm theo một cái cuốc.
Thế rồi chúng hò hét và nổ súng ầm ầm thị uy. Một lúc sau thấy tiếng cuốc thình thịch, thình thịch. Một lúc nữa thấy tiếng một thằng Tây hô to lơ lớ “Viet minh! Viet minh…!” Tôi thấy cô tôi hớt hải loạng choạng chạy về sân, rồi đến ông Tấn cũng bổ nhào về và cả khu vườn đã vang dội tiếng súng.
Tôi cố dán mắt vào một lỗ thủng bên vách đốc nhà nhìn sang, thì thấy một cái miệng hầm hình vuông chừng bằng cái bàn cờ nhỏ lộ ra. Súng trung kiên của chúng và các súng trường chung quanh vườn, chĩa vào bắn nát cái nắp hầm đã bật ra trên đất, và bắn khắp vùng chung quanh cái cửa hầm đó.
Một thằng lính ngụy gào lên : “Ê Việt Minh! Đầu hàng đi! Đầu hàng đi! Giơ hai tay lên khỏi hầm!”. Nó gào ba bốn câu liền.
Không thấy câu trả lời. Cũng không thấy cánh tay nào giơ lên. Bỗng một bàn tay vút nhanh lên khỏi miệng hầm, tung ra một quả lựu đạn. Nó nổ chỉ cách mép hầm chừng ba mét. Bọn lính đứng quanh vườn đều giật mình, tái mét, chúng bổ người nằm rạp xuống như một cây chuối bị chặt ngang. Nhưng ngay sau đó còn nghe một tiếng nổ nữa ngay dưới căn hầm, chỉ thấy ục một cái và nó lọt thỏm trong cái loạt âm thanh xé trời của khẩu trung liên từ trên nóc bếp bắn thẳng vào cửa căn hầm.
Náo loạn một hồi rồi tiếng súng đã im. Chúng đã lôi lên xác người chiến sĩ cách mạng vừa anh dũng chiến đấu và đã hy sinh., cùng với một chiếc dao găm có bao và một máy đánh chữ đã vỡ nhưng không có một mảnh giấy nào nguyên vẹn. Chúng đều đã cháy nham nhở và bầm nát gần hết.
Chúng đặt ông trên một chiếc chõng ở giữa vườn, rồi thằng Tây ra ngó nghiêng nhìn vào thi thể ông, nó lắc lắc cái đầu rồi quay ra, khoát tay một cái. Tôi thấy tất cả bọn lính tây, ngụy đều lần lượt đi vòng quanh thi thể của ông, tay cầm súng có lê hoặc không có lê, chĩa vào người ông một cái rồi quay đi. Chúng rút lúc đó khoảng hơn gần năm giờ chiều và đến tối hôm đó, người nhà mới vào vườn nhận xác ông. Đến đêm, gia đình, dân làng làm đám tang, đội du kích làm lễ truy điệu ông rất kín đáo và đưa ông về an táng.
Đó là trường hợp hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Tài Rồng. Ông nguyên là giáo viên hương sư cùng thời và là bạn thân của cha tôi là Nguyễn Thạc Tế, cùng tham gia cách mạng thời gian 1945 (có thể ông hoạt động trước bố tôi ít năm). Bà giáo Rồng và mẹ tôi cũng rất thân nhau. Căn hầm của ông nằm ngay trong khu vườn của cụ thân sinh ra ông. Ông đã có một con gái đầu, một con trai và mới sinh con gái thứ ba. Khi ông hy sinh, tôi cũng không rõ ông đang giữ trọng trách gì của cách mạng và hôm đó ông đang có công tác gì ở địa phương. Nhưng câu chuyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và sự hy sinh anh dũng của ông, thì tôi được chứng kiến từ đầu đến cuối.
Nhân ngày Thương binh liệt sĩ, tôi xin được viết lại câu chuyện này, để mọi người được biết thêm về tấm gương bất khuất hy sinh của người đảng viên cộng sản, người liệt sĩ anh dũng của quê hương Phan Long, Tân Hội. Xin được kính cẩn thắp nén nhang lên mộ phần liệt sĩ Nguyễn Tài Rồng, chia sẻ niềm nhớ thương với bà giáo Rồng, cùng các em Bích, Hùng, Hiền và các cháu của ông.
26/7/2013