Bụi chuối
Hai hôm rồi cả xóm 5 yên ắng quá. Bọn trẻ nhà ông Thanh- vốn nổi tiếng khắt khe, được chơi đùa thỏa mái. Hôm trước nữa, chúng còn chơi đến tận gần mười một giờ đêm, về không bị ông Thanh quát mắng. Hỏi chúng mới hay ông Thanh đi đám cưới nhà ông anh kết nghĩa ngoài Lý Nhân cách đây sáu cây. Ông đi từ sáng hôm thứ bảy, cho đến giờ là xế chiều thứ hai. Về một cái ông liền cất giọng:
- Con gái của bố đâu, ra bố cho kẹo.
Cái Thủy mọi khi sợ bố lắm, hôm nay nhắc đến kẹo nó chạy ra luôn. Nó cầm kẹo rồi bắt đầu nức nở:
- Bố ơi! Con sợ lắm. Hôm qua con đi chơi về, có thằng trộm. Nó…nó cởi trần, mặc quần đùi, nó chạy từ trong bụi chuối ra, nó ôm cái gì đó. Nó…nó chạy qua hàng rào ô rô sang nhà bác Trường mất.
Cái Thủy sáu tuổi, nói nhiều lúc nói chuyện nọ xọ chuyện kia. Ông Thanh muốn nghe rõ ràng:
- Thu em nó nói thế là thế nào?
Dù đã được mẹ dặn không được nói chuyện đã xảy ra hồi tối qua cho bố nghe. Nhưng ngửi thấy hơi rượu phà ra trong hơi thở và ánh mắt đỏ ngầu của ông Thanh làm cái Thu sợ. Nó đành khai hết chuyện đã xảy ra rằng:
- Tối qua ăn cơm xong, mẹ cho hai chị em con tự dắt nhau sang bác Tư xem phim. Bác Tư chỉ cho xem một lúc rồi bắt hai chị em con về học bài. Con dắt cái Thủy về nhà, chẳng thấy mẹ đâu cả. Ở trong nhà mẹ thắp cái bóng ngủ tối om om, chắc mẹ sợ tốn điện. Cái Thủy vừa gọi mẹ thì có tiếng soàn soạt trong bụi chuối. Con soi đèn pin vào bụi chuối, có người đàn ông cởi trần, mặc quần đùi, ôm cái bọc gì đó chạy ra.
- Có nhìn rõ mặt thằng đó không?
Thu run run:
- Cái đèn pin nhà mình tối quá, con không nhìn rõ.
Đang nói, mắt nó sáng ra:
- Bố đừng lo, vẫn còn may chán, mẹ con bảo chưa mất gì.
Ông Thanh nghe con nói thế vẫn tức:
- Thế nó chạy sang nhà bác Trường, hai đứa có nghe tiếng chó sủa không?
- Tại cái Thủy khóc dữ quá, con cũng sợ, chẳng nghe được xung quanh.
Trả lời những câu hỏi của bố xong, Thu dắt em chạy biến vào bà nội “lánh nạn”. Ở nhà chỉ còn ông Thanh và bà Liêm, ông quay sang hỏi:
- Lúc con tao khóc mày ở đâu? Mày cho con tao đi chơi, mày ở nhà làm gì ?
Bà Liêm liếc mắt đi chỗ khác, giọng ấp úng:
- Thì…thì tôi ra vườn thu dọn mấy thứ.
- Thứ gì mà mày phải thu dọn trong bóng tối?
Nhìn bộ dạng bối rối không biết trả lời sao của bà Liêm, ông đã lờ mờ hiểu. Ông hiểu chả có thằng ngu nào vào rình cái nhà rách này, chỉ có thằng vào “rình con vợ” ông. Ông điên lên, chạy vào cầm cái gậy ở đầu giường quật tới tấp:
- Này thì trộm này, trộm này. Nhà mày có thứ để trộm rình cơ đấy?
- Chả trộm. Quanh đây thiếu gì? Dăm bữa, nửa tháng, các nhà xung quanh lại mất con gà, con chó đấy thôi.
- Thế tao hỏi mày: nhà mày đã mất bao giờ chưa?
- Xưa chưa, giờ mất.
Bà Liêm vừa tránh, vừa cố cãi nho nhỏ. Ông Thanh không kìm chế được. Ông chửi, đánh, đập phá, gào thét để cả xóm sang xem:
- Đấy mọi người xem. Trộm không vào nhà, chạy từ bụi chuối ra, còn cởi trần nữa. Con này, mày dám lừa cả bố mày. Thằng nào? Thằng nào? Mày nói ngay không ông đập mày chết.
- Thằng nào? Chẳng có thằng nào cả. Ông luyên thuyên vừa thôi.
Bà Liêm nhất định không chịu nhận. Đối với bà chuyện chửi bới, đánh đập này xảy ra quá thường xuyên rồi. Nói có gì khác, không nói có gì khác.
- Chạy qua nhà thằng Trường à? Chắc chỉ có thằng chó ấy chứ còn thằng nào, bản chất máu gái không chừa được. Nhân lúc ông đi vắng dám “ mèo mả, gà đồng”. Phải thằng khác chạy qua, con chó nhà nó đã chẳng cắn cho tơi bời.
Ông Trường cũng đi ăn cỗ ở Yên bái hồi sáng nay, chỉ có vợ con ở nhà. Bà Tân nghe thằng say chửi chồng mình liền xắn ống quần chạy sang, tới nơi bà xắn luôn cả ống tay:
- Này thằng kia. Mày nhìn rõ chồng bà không? Mày bắt gặp ông ấy đang làm gì vợ mày không? Mày dám vơ chồng bà vào, bà cho hai thằng con bà sang túm cổ, đánh cho mày một trận. Mày hỏi con vợ mày, con trăm thằng, có thằng nào là chồng bà không? Bố láo, bố toét.
Bà Liêm nhỏ nhẹ:
- Thôi chị ạ, chị chấp gì lão say nhà em, chị chấp lão có chấp cả đời. Chị thấy đấy có hôm nào lão không uống rượu say, không chửi. Trộm nó vào rình lại nghi cho vợ lăng nhăng thế này, thế khác. Khổ với lão.
- Chị chị em em cái gì? Bụng mày nghĩ sao, mày tự biết.
Chửi xong bà Tân bực bội ra về. Bà tức lắm, tức thằng chó ấy dám nêu tên chồng bà. Nhà bà có hai đứa con trai đã đến tuổi hẹn hò. Nó nói thế, chúng dám đi đâu hỏi vợ nữa.
Cô em gái ông Trường lấy chồng ngay xóm ngoài. Nghe tin, cô chạy vào nhà anh trai, hỏi xem đầu đuôi câu chuyện thế nào. Đợi hai đứa con trai đi chỗ khác, bà Tân tỏ bày nỗi lòng:
- Cô ạ, tôi chả biết có phải anh cô không? Khổ nỗi, tối qua ông ấy bảo sang nhà cụ Kiến xem bóng đá từ bảy giờ tới mười một giờ về. Bây giờ đi hỏi cụ, có ở đó không sao, không có ở đó hóa ra lạy ông tôi ở bụi này. Chết cái ông ấy có tính lăng nhăng từ trước rồi. Tôi sang chửi để lấy cái tiếng, để dọa nạt, tránh cái thiên hạ cho mình thừa nhận nên không dám nói.
Em gái ông Tường nhìn chị dâu thở đái, cô khẽ động viên:
- Chị ơi, chị đừng buồn nữa. Từ khi về đây, bà ấy có biết bao nhiêu ông. Nhỡ đâu vụ tối qua không phải anh em thì khổ thân anh. Nói qua, phải nói lại số của bà ấy cũng khổ, coi như chị thương cái thân ấy mà đừng giận.
Sợ nói nhiều chị dâu buồn thêm, cô em gái ông Trường ra về. Câu chuyện giữa chị dâu và cô em chồng tốt bụng dừng lại ở đó.
Bên nhà ông Thanh, chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Sợ lời dọa nạt của bà Tân, ông Thanh không dám đả động gì đến ông Trường. Ông chỉ biết tróc nã vợ. Nó vợ ông, hóa ra vợ trăm thằng, ông nhục nhã:
- Con kia, mày thấy chưa? Cái con trăm thằng. Tao lấy mày về làm vợ, tao không lấy mày về làm đĩ
Bấy giờ bà Liêm chẳng thèm nói năng hay cãi lại. Bà đã trở thành con người vô cảm, mặt dầy từ lúc nào?
Bà Liêm vốn quê ở Nam Định. Ngày mười tám, đôi mươi có vài người đến hỏi, chưa vừa ý. Bà tự thấy mình không xinh đẹp lắm, bù lại sự khéo léo, hiểu biết có phần, bà chờ người tốt hơn đến hỏi. Rồi nháy cái bà đã bước sang tuổi ba mươi, cái tuổi ế sưng, ế sỉa. Có người quen làm mối cho ông Thanh, gia đình bà đồng ý luôn.
Lấy chồng được ba năm đầu, muộn con cái nhưng ấy lại là quãng thời gian hạnh phúc. Năm đẻ cái Thu, ông Thanh đi móc cua, bị rắn cắn chạy chữa bao nhiêu vẫn để lại di chứng. Bàn tay phải bị quặp ba ngón ở giữa, làm việc khó khăn. Khèo tay đã đành, ông sinh ra khèo cả tính nết, suốt ngày rượu che be bét. Rượu vào, lời ra, chửi cả bố mẹ hai đằng, bị mọi người khinh ghét.
Tính dứt áo ra đi, đến lúc làm bà làm không được. Bà tự hỏi “Nếu ông ấy không lấy mình, liệu có bị như vậy không?”.Bỏ thì thương, vương bà thành người có tội, thành kẻ cắm sừng lên đầu chồng.
Mới đầu bà thấy xấu hổ lắm, ra đường bà không dám ngẩng cao đầu, không dám nhìn trực tiếp vào mặt vợ của những người đàn ông ngoại tình với bà. Sau quen dần bà thấy “Mình vẫn còn tốt chán, mình không đòi hỏi nhiều, không xúi các ông ấy về bỏ vợ. Thử hỏi các ông ấy đi chỗ khác, chẳng tốn kém gấp nhiều lần. Có khi còn mất chồng như chơi. Lẽ ra các bà ấy nên cảm ơn mình mới đúng.”
Với chồng, bà càng không việc gì phải xấu hổ bởi chính lão, chính lão đã đẩy bà vào “con đường nhơ nhuốc” này. Không vì thế bà quên đi cái nghĩa, cái đạo của người làm vợ. nhớ hồi tháng ba năm trước, lão bị ốm, bác sĩ kết luận “ xơ gan giai đoạn đầu” do uống quá nhiều rượu. bà đã chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền, đi tận Hòa Bình tìm ông lang Ất nổi tiếng chữa bệnh nan y. May mắn hợp thầy, hợp thuốc lão không bị tử thần lôi đi. Đợt ấy lão sợ hãi cai rượu được gần hai tháng. Bỏ rượu một cái, lão liền khác hẳn ngay, lão sửa sang mọi thứ hỏng hóc trong nhà. Lão xin người ta mấy cây chuối về trồng ở vườn trước, lão bảo “để kiếm vài quả cho bọn trẻ ăn”. Tất cả hành độn, lời nói của lão giống như của một người cha đích thực. Nhìn những cây chuối mới trồng bà Liêm hình dung ra một tương lai tốt đẹp. Một gia đình hạnh phúc, nơi có tiếng cười râm ran, có tiếng chồng ân cần hỏi han vợ. Bà thầm cảm ơn ông trời đã đem lại hạnh phúc cho bà sau hơn mười năm. Đúng lúc bà quyết định thôi không quan hệ bất chính với những người dàn ông khác, ông Thanh quay lại uống rượu, còn tợn hơn trước.
Ấy vậy ông Thanh có thèm hiểu, thèm biết gì đâu. Ông cứ chửi, chửi cho sướng cái mồm. Ông chửi đến chín rưỡi nghỉ được một tí, có thằng nào đó ngang qua:
- Gớm nhà ông Thanh có bụi chuối mơn mởn thế kia, thảo nào trộm thích rình.
Ông tức mình vào trong bếp, lấy ngay cơn dao rựa mang ra bụi chuối chém tới tấp hàng trăm nhát. Bụi chuối tội nghiệp, cây bé đổ rạp, cây to chẩy nước ròng ròng. Bà Liêm nhìn nó xót xa, trước khi ra cổng tìm hai đứa nhỏ, bà khóc:
- Ông đừng có hâm nữa, ông ác vừa thôi. Đời tôi và đời bụi chuối này cứ tưởng có đất dung thân, ai dè vừa kịp bén rễ đã bị thằng say là ông phá hoại.
Bà Liêm bỏ chạy ra ngoài đường cái, ông Thanh chặt bụi chuối đến mệt lử mới chịu thôi. Xóm làng yên ắng trở lại.
Chuyện kẻ trộm của hay kẻ trộm tình là ai vẫn chưa có lời giải đáp…