Bến Lệ Am
Một mảng không gian tịch mịch, u uất. Một dải thời gian ngưng đọng, lắng sâu. Cả một vùng sông nước sóng bạc lấp lánh sáng loà, được rọi chiếu từ một mảnh trăng thu. Bên kia, bến xa mờ đục càng làm cho vận khí âm-dương ở đây trở nên lạnh lẽo vô cùng. Đêm khuya thanh vắng, người ta bỗng nghe văng vẳng đâu đây có tiếng đàn, tiếng hát ở một nơi sâu thẳm, như được vọng lên từ dưới đáy sông.
Nhưng bến này không phải là bến Tầm Dương, mà là Lệ Am. Chẳng biết tự bao giờ, đã xưa lắm rồi, người ta gọi tên bến đò đó là Lệ Am - bởi lẽ, đó là nơi ở của hai con Am Am (tên một loại ma sống dưới nước, theo quan niệm của cư dân, miền trung du ven sông Cái). Hằng đêm, chúng từ dưới sông rẽ nước đi lên, đến bụi lau gần bờ, xoã tóc ngồi khóc nỉ non.
Cậu ruột tôi dáng người thấp đậm, râu tóc đã bạc trắng, tay chống gậy trúc, chân trần rẽ lối đưa tôi đến một triền đồi - nơi đó có lối mòn đi xuống bến Lệ Am xưa. Đứng trên cao, nhìn dòng nước đặc quánh phù sa cuồn cuộn chảy về xuôi, ông đã đọc hai câu thơ trên trong “Tỳ bà hành” để bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện về bủ Bếp. (“bủ” tiếng địa phương chỉ người già, tôn kính).
***
Ngày ấy đã lâu lắm rồi, chẳng còn ai nhớ nổi nữa. Cái thời khai sinh lập địa, người thì ít, ma quỷ thú dữ thì nhiều vô kể. Lối mòn dẫn xuống bến Lệ Am ngập trong lau lách. Dọc hai bên đường, rễ cây rừng cuộn vào nhau, gồng lên như những đàn rắn độc. Sóng nước vỗ bờ mải miết ngày đêm, đã bào dần lòng đất thành những bờ vực chênh vênh, ầm ào đất lở. Đò là một con thuyền độc mộc, do cha con một người trong núi Buộm ra vừa đâm cá, vừa chèo đưa khách qua sông.
Nơi đầu dốc đi xuống bến đò có một quán nước, mái lợp cỏ gianh, vách đan phên nứa đứng siêu siêu. Trên chiếc chõng tre, chủ nhà bày vài ba bó sắn luộc, nải chuối, dăm quả thị, đĩa trầu và nồi nước vối. Đó chính là quán nước của bủ Bếp. Bủ Bếp trông hiền lành phúc hậu. Mái tóc bủ đã pha màn sương và đôi mắt không còn tinh nhanh nữa. Bủ Bếp rất kiệm lời, nhưng lại hết sức ân cần tử tế. Khách bộ hành, ai lỡ độ đường hay chuyến đò đêm, đều được bủ lo cho một chỗ nghỉ. Rét thì đốt củi sưởi, đói thì luộc sắn luộc khoai ăn. Dân quanh vùng quý bủ lắm, săn bắn được thú rừng, họ đều chia cho. Nhà dột nát, họ chặt cây cắt gianh lợp giúp.
Bủ Bếp có một cô con gái tên là Thiên Hương. Thiên Hương đã tới tuổi trăng rằm, đẹp như hoa xuân nở đầu non. Môi đỏ như son trầu, nước da trắng tựa ngó cần và cô có một suối tóc đen mượt dài chấm gót. Đã đẹp người lại đẹp nết, hàng ngày cô chăm chỉ lên nương cuốc đất trồng sắn, trồng khoai; xuống bãi bới đất trồng rau. Khi ở nhà thì ngày ba buổi, cô xuống sông xách nước giúp mẹ. Lần nào xuống bến, cô cũng bỏ khăn, xoã tóc ngắm mình dưới dòng nước trong xanh. Đám thiếu niên ở núi Buộm, mỗi lần cho ngựa ra sông uống nước, mải ngắm Thiên Hương mà quyên cả lối về. Bủ Bếp thương chồng bao nhiêu thì lại thương con bấy nhiêu. Năm Thiên Hương lên hai tuổi thì chồng bà chết trận. Bà đã địu con vượt suối, vượt ngàn dòng dã mấy đêm ngày, đến tận nơi đây để tìm cho được xác chồng.
Lớn dần lên, Thiên Hương càng bộc lộ thiên hướng “cầm kỳ thi hoạ”. Bài “Đò ơi” do cô tự soạn, mỗi khi cô cất tiếng ca, nghe trong vắt như tiếng chim rừng gọi sáng. Lần nào nghe con gái hát, bủ Bếp cũng thổn thức. Nghe tiếng gọi đò, bà tưởng như nghe tiếng gọi của lòng mình, tới người chồng ở nơi nghìn trùng xa cách.
Trong núi Buộm có một nhà giàu họ Kiều, mấy lần đánh tiếng mai mối, định hỏi xin Thiên Hương về làm dâu, nhưng cô không chịu. Cô thương mẹ phải sống lạnh lẽo một mình bên bến đò hưu quạnh. Nhiều lần bủ Bếp lựa lời khuyên nhủ, nhưng cô vẫn một mực từ chối. Một hôm cô thủ thỉ với mẹ rằng, cô đã gặp một người… Bà gặng hỏi mãi thì cô mới kể rằng: “ Bữa kia, con nằm chiêm bao, gặp một người con nhà Xích đế. Người ấy có đôi mắt sáng, tiếng nói lớn mà thanh tao. Trán rộng, răng lớn, hàm vuông. Tính tình trầm lặng, nhân hậu”. Nghe xong, bủ Bếp lấy làm lo lắng trong lòng.
Chiều tối hôm đó, bủ Bếp ra mộ chồng thắp hương. Bà vẫn nghiệm rằng, mỗi khi cuộc sống của hai mẹ con gặp điều gì trắc trở, ông vẫn luôn ở bên bà để chỉ đường dẫn lối.Thắp liền ba tuần hương và ngồi bên mộ chờ trời tối, bà mong rằng khi màn đêm buông xuống, ông sẽ dễ nhận ra đường mà theo bà về nhà. Khói nhang quẩn quanh nơi ông nằm, phần lặn vào những ngọn cỏ, rồi thấm sâu vào lòng đất ẩm. Phần thanh thoát lên cao, rồi nhoà vào trời mây thăm thẳm…
Quả nhiên đêm đó ông về.
Vào khoảng canh ba, khi bủ Bếp bắt đầu thiu thiu trên võng, bà bỗng thấy ông đứng ngay bên mình. Khuôn mặt ông sạm đen thuốc súng, mình để trần, bám đầy nắng gió. Cầm tay bà một lúc, ông chậm rãi:
- Tôi thương hai mẹ con bà quá. Vì thân xác tôi mà bà và Thiên Hương phải sống nơi đường hoang ngõ vắng. Bà phải luôn nhớ rằng, nơi đây xưa là bãi chiến trường, trên bờ cũng như dưới sông, người chết nhiều vô kể. Xác của họ không được chôn cất tử tế, nên xương cốt cho đến nay vẫn bị đất lở sóng vùi. Họ trở thành ma đói, ma khát lang thang khắp nơi, mong tìm được người thân để trở về quê cha đất tổ. Tuy vậy, âm – dương cách trở, muôn sông ngàn núi điệp trùng ngăn cách, những âm hồn vô hình đã an bài ở cõi khác, dù có muốn nhiễu nhương cũng không thể xâm hại được đời sống của người hữu hình. Cũng như vậy, không dễ gì mà người trên dương thế, lại giao hoan, hay tầm nã được kẻ dưới âm phần. Khi người ta chết đi, xương cốt nằm đâu thì hồn phách tinh anh ở đấy. Tôi may mắn được mẹ con bà tìm thấy và chôn cất tử tế, nên mới có thể về thăm nhà một cách dễ dàng. Còn hàng trăm vạn tráng sỹ đã phơi thây nơi chiến địa, đêm nào cũng ôm nhau than khóc, rồi lang thang đến tận những nơi thâm sơn cùng cốc, mà vẫn bằn bặt đường về quê hương.
Ông đỡ bà ngồi dậy, bủ Bếp nắm chặt tay chồng:
- Ông đã về! ông ơi! Ngày đêm mẹ con tôi mong nhớ ông vô cùng.
Bà thấy tay ông lạnh lắm, người sống ngoài kia chắc chịu nhiều sương gió. Ông sửa lại vành khăn đã tuột trên đôi vai gầy của vợ, rồi hỏi bà:
- Tôi nói, bà có thấu lòng tôi chăng?
Bủ Bếp cắn chặt môi để cố gìm tiếng nấc. Bà khẽ gật đầu, rồi nhìn ông chờ đợi.
- Tôi nói thế, là nói tới thân phận những người làm ma như tôi trên này. Nhưng riêng loài Am Am dưới sông lại khác. Chúng là loài ma nước, chuyên ẩn mình nơi sông hồ. Người chúng chỉ nhỏ như đứa trẻ lên mười, hình hài đầy lông lá, quái dị như giống đười ươi trong động. Bộ lông của chúng rất dày không thấm nước, bởi thế chúng rẽ sông hồ đi lại như thường. Những đêm mưa phùn gió bấc, vào khoảng canh ba, chúng hay lên ngồi rình ở những đoạn sông thanh vắng, xoã tóc che mặt nói chuyện như người. Nhưng ngược lại, chúng rất sợ gặp người và ánh sáng. Từ vạn vạn năm rồi, Am Am đã bị một lời nguyền truyền kiếp, là chỉ khi nào dìm chết được người thì mới được lên bờ làm ma cạn, với bóng hình đẹp đẽ. Nhà ở của chúng là lớp bùn nhơ dưới đáy sông hoặc ao hồ. Khi tìm được người tương đồng thanh khí, đúng thời khắc là chúng nhập hồn vào người đó, dùng lời lẽ du dương dẫn họ đi.
Bủ Bếp sợ quá, nắm chặt tay chồng:
- Mình ơi! hôm trước Thiên Hương nằm mơ, tôi sợ lắm. Hay là có một người, con nhà Xích Đế đã thành Am Am định bắt nó đi? Làm thế nào giữ được con chúng ta?
Không trả lời ngay, ông vuốt nhẹ lên mái tóc đã điểm bạc của vợ, rồi ôm bà vào lòng. Cảm giác ngất ngây của hạnh phúc năm nao, đang trỗi dậy trong lòng người đàn bà đã mười lăm năm ở vậy nuôi con. Bà thấy hai người như đang bồng bềnh trên con đò được nhẹ khuơ mái chèo và lướt đi trong làn sương buổi sớm. Bà và ông cùng yên lặng, để lắng nghe từng nhịp thở của nhau, để tận hưởng những giây phút hạnh phúc hiếm hoi nhất trong cuộc đời… Bỗng nhiên có một cơn gió lạnh nổi lên. Bủ Bếp thoáng nhận thấy trong gió có mùi tanh của binh khí, rồi bà nghe thấy có tiếng quân reo, lẫn trong tiếng trống trận dập dồn. Ông càng xiết chặt bà vào lòng mình hơn, rồi nói:
- Tôi đã trở về với thiên cổ từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn là quân sỹ của triều đình. Chiến trận liên miên, nay đây mai đó, cho nên không phải lúc nào cũng ở bên hai mẹ con được. Trống đã giục, đã đến giờ tôi phải đi rồi, bà dẫn tôi đến chỗ Thiên Hương, để tôi được thấy con của chúng ta khôn lớn… Đoạn ông cúi xuống, nhìn sâu vào mắt bà:
- Bà hãy ghi nhớ lời tôi dặn!- Bủ Bếp nước mắt chan hoà ngước nhìn chồng:
- Trăm năm tôi xin ghi tạc trong lòng.
Ông nhẹ nhàng nói tiếp:
- Tôi chỉ có thể biết trước được điềm hay gở, mà báo mộng lại cho bà thôi. Còn nếu số phận của con như vậy, tôi cũng không thể cứu được. Nhưng bà phải luôn nhớ rằng, nhà ta ở gần sông, bà chớ nên để con xuống đó một mình vào lúc chiều đêm hay khi đúng ngọ. Đó là những thời khắc mà Am Am vẫn ngồi dưới đáy sông rình người. Nói đoạn, ông lạy bà ba lạy rồi quay gót, dấn thân vào màn đêm thăm thẳm, lãng đãng sương bay.
Bủ Bếp choàng tỉnh dậy, bà vội vàng lần ngay theo lối ông vừa ra, thì chỉ thấy cánh cửa liếp (cửa đan bằng tre nứa) vẫn còn lay động như có ai đó vừa mở. Ngoài kia là đêm đen, lạnh giá không một bóng người.
Kể từ ngày ấy, bủ Bếp đinh ninh nhớ lời chồng dặn, bà không để Thiên Hương xuống sông lấy nước nữa. Sáng, chiều làm việc gì cũng có hai mẹ con. Nghe lời chồng, bà âm thầm chuẩn bị cho công việc chuyển nhà vào sâu trong núi Buộm. Cuộc sống của hai mẹ con cứ vậy trôi đi. Cho tới một hôm, bủ Bếp phải lên rừng hái lá thuốc để chữa bệnh cho một người ở Ao Trâu. Bà ra đi từ sớm tinh mơ, định bụng sẽ trở về trước giờ ngọ. Nhưng đường đi phải tránh hổ báo, nên mãi khi trời xẩm tối, bà mới xuống được tới chân núi. Nghĩ về Thiên Hương, bà lo lắng vô cùng, chân bước mà tưởng như không chạm đất. Chưa tới ngõ mà bà đã hối hả gọi con. Nhưng tịnh không có tiếng trả lời. Linh tính báo cho bà biết, có việc chẳng lành. Hết lên nương, lại xuống bến gọi tìm, nhưng bà vẫn không thấy bóng dáng Thiên Hương. Đêm ấy đám trai tráng trong núi Buộm và Ao Trâu, chia nhau lên rừng, xuống sông, đốt đuốc sáng rực cả một vùng để tìm Thiên Hương, nhưng đến tận sáng, họ đành tay không trở về.
Vậy là Thiên Hương đã bỏ bà mà đi rồi. Cọp bắt hay Am dìm, bà cũng không biết nữa. Ngày bỏ ăn, bà vật mình sầu thảm. Đêm ra mộ ông cầu khấn, mà không thấy ông về. Sót thương thân con còn non nớt, phận con quá mỏng manh, bủ Bếp khóc than tới khô đôi dòng lệ. Từ đấy trở đi, thui thủi một mình, bà sống một cuộc đời đau đáu nhớ thương.
***
Mãi cho tới một chiều kia, khi mặt trời vừa khuất sau đỉnh cao nhất của núi Buộm , màn đêm bắt đầu buông xuống, thì có một người trẻ tuổi xuống bến gọi đò. Bên kia sông, cha con người đâm cá chưa kịp động mái chèo sang đón, thì thình lình có một cơn gió lạnh nổi lên, trời đất mịt mùng, mặt sông cuộn mình, dậy sóng lớn. Ngay sau đó, mưa giăng kín trời, không biết đâu là bến bờ. Bởi vậy, người trẻ tuổi phải ngược lên túp lều của bủ Bếp để tá túc. Chờ đã lâu mà thấy mưa không ngớt, bủ Bếp bấm ngón tay, rồi quay ra nói với người khách trẻ: “ Tới khắc này mà trời vẫn không tạnh, thì đêm nay không qua sông được đâu. Cháu giở tay nải ra hong cho khô quần áo, ta đi nấu cơm rồi cùng ăn”. Bủ Bếp dùng một ống tre nhỏ để thổi lửa. Than hồng từ một thân củi gộc, làm bùng cháy đám bùi nhùi. Lát sau, những cành củi khô bắt lửa nổ tí tách. Túp lều đang lạnh lẽo âm u, chợt bừng lên ấm áp. Lúc này ánh sáng bập bùng của ngọn lửa, soi rõ khuôn mặt người khách trẻ. Bủ Bếp giật mình: “ sao người lại giống người?”- mắt sáng, trán rộng, hàm vuông…Người đang ngồi trước mặt bà đây, trông đúng như con gái bà đã tả trong giấc mơ của nó năm xưa. Bủ Bếp lạnh hết cả chân tay: “Chúng nó đã có tiền duyên với nhau chăng? Hay con ta vẫn còn sống và đang ở đâu đó?”. Vừa mừng, vừa sợ, bà toan đánh bạo hỏi chuyện người trai trẻ, thì người ấy cáo mệt xin đi nằm. Bên ngoài, trời vẫn gió mưa vần vũ. Nghĩ đến Thiên Hương, bà không sao chợp được mắt… nhưng thiên hạ trăm vạn người, cũng có người giống nhau, sao lại cứ vận vào với con mình? Tuy vậy, bà vẫn định bụng, sáng sớm mai nhất định phải hòi người khách lạ cho rõ ngọn ngành.
Gần tới canh ba, vừa chợp mắt được một lúc, bủ Bếp choàng tỉnh, bà nghe văng vẳng đâu đó có tiếng người gọi đò. Lúc đầu, tiếng gọi nghe đâu xa tít từ mãi dưới bến Lệ Am, sau càng ngày càng rõ dần. Khi nó đến trước sân nhà bà thì tự dưng im bặt. Bủ Bếp từ từ ngồi dậy, bà nghe bên ngoài có tiếng chân bước rón rén lại gần, rồi một lúc sau có những tiếng động rất lạ, chúng giống như móng vuốt của một con dã thú cào cấu lên tấm cửa liếp. Bà lặng im đến ngẹt thở. Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì bà bỗng nghe bên ngoài có tiếng một người con gái cất tiếng hát. Thanh âm có khi nhỏ nhẹ, đằm thắm thiết tha, có khi lại vút cao trong vắt như tiếng hót của chim rừng gọi ánh bình minh. Bủ Bếp bàng hoàng, bà ngồi bất động trên chõng lắng nghe, như uống từng lời, tùng chữ của bài hát. Đúng là giọng của Thiên Hương con gái bà. Bài “ Đò ơi” này, năm xưa không biết bao nhiêu lần, nó đã từng vừa đàn, vừa hát cho bà nghe.
Bên kia, trên chiếc võng, người khách lạ trở mình hai ba lần, rồi bỗng từ từ ngồi dậy. Một lúc sau như bị mất hồn, anh ta thẫn thờ đi về phía cửa. Bủ Bếp chợt nhớ lại lời của chồng mình năm trước: “Loài Am này, khi đã tìm được đúng người tương đồng hoà hợp, rồi nhập được vào hồn phách của người ấy, thì chúng dụ người ta bằng những lời hát du dương, hay thủ thỉ vào tai người ta những lời đường mật ngọt ngào. Con người, khi đã bị trúng dụ kế của nó, thì chỉ biết mê muội làm theo”. Không còn nghi nghờ gì nữa, Thiên Hương con gái nhỏ tội nghiệp của bà, đã bị biến thành Am Am và đêm nay, nó trở về đây để dụ dỗ người trai trẻ này. Tiếng nói của ông như vẫn vọng bên tai bà: “Dìm được một người chết đuối, Am Am sẽ được lên bờ làm ma cạn. Chúng sẽ thoát kiếp bùn nhơ, thân hình sẽ không còn xấu xí nhầy nhụa nữa. Tuy không được ở với người, nhưng chúng vẫn được mang hình hài xưa, đẹp đẽ, thanh tân”. Nghĩ tới đó, bủ Bếp thấy trong lòng nhẹ nhõm muôn phần. Vậy là con bà sắp có cơ duyên gặp lại cha mẹ. Bà sẽ lại thấy được dung nhan xinh đẹp của nó như xưa, sẽ lại được chuyện trò cùng con mỗi đêm, khi nó về thăm nhà.
Bên ngoài, tiếng gọi đò ngày càng da diết. Người khách trẻ vẫn thẫn thờ bước đi như không hề biết gì xung quanh. Khi anh ta đi ngang qua chiếc chõng tre, bủ Bếp chợt thoáng nhìn thấy khuôn mặt. Bà nhớ lại chiều qua bên bếp lửa: đó là một khuôn mặt thông minh , tuấn tú, đúng là con nhà Xích Đế.“Chẳng có lẽ một con người như thế, một cơ thể tráng kiện, đẹp đẽ nhường ấy, chỉ một lát nữa thôi, sẽ trở thành một thây ma chôn vùi dưới lòng sông tăm tối?”. Lúc này người khách lạ đã đi tới bên cửa và muốn rút chốt then cài. Chỉ còn một khắc ngắn ngủi nữa thôi…“ không! người ta cũng như con gái ta năm xưa, hồn nhiên và trong trắng. Chúng không có tội tình gì. Người này có cha, có mẹ, nếu chết đi, chắc rằng bậc sinh thành sẽ đau đớn lắm. Họ cũng sẽ đau đớn như chính ta đã từng”. Nghĩ đoạn, bủ Bếp chợt vùng dậy rút chiếc roi dâu nơi đầu giường, bà sấn tới, quất túi bụi vào người khách trẻ. Phải mất một lúc lâu, anh ta mới tỉnh, nhưng không thể nhớ được chuyện gì đã xảy ra.
Bủ Bếp đốt đuốc lên, cùng người thanh niên mở cửa ra ngoài. Họ kịp nghe tiếng Am Am gieo mình xuống dòng nước lạnh và trên mặt đất, chỉ còn thấy những vết chân như người, đi thẳng xuống bến đò Lệ Am. Trở lại nhà, mặc cho người khách trẻ ân cần thăm hỏi, bà khóc con cho mãi đến tận sáng ngày sau. Ba ngày liền, bà ra mộ chồng thắp hương để tạ tội cùng ông. Rồi sau đó, chờ mỗi đêm buông xuống, bà lại ra bến Lệ Am, dâng rượu thịt, cầu xin quỷ thần cho Thiên Hương lên để bà gặp mặt. Nhưng đau đớn thay, bà chỉ nhận được sương bay, gió thổi và mặt sông lạnh lẽo, dồn từng đợt sóng vỗ lên bờ.
Trở về nhà, bủ Bếp như người mất hồn, ngày đêm bà bị hành hạ bởi nỗi ám ảnh Thiên Hương. Thiên Hương trong bà bây giờ đã là hai con người khác hẳn: Một kẻ là ác quỷ ghê sợ, còn kẻ kia là đứa con gái thuỳ mị, nết na. Mỗi sáng tỉnh giấc, bà mong sao tất cả chỉ là một giấc chiêm bao. Bây giờ, cũng như đã bao ngày nay, bà mong ông về vô cùng.
Tiết đông đã lập lâu lắm rồi, hôm nay vùng sông Cái này mới có một đêm mưa phùn gió bấc. Nằm đến canh ba, bủ Bếp chợt tỉnh giấc thì nghe phiá bờ sông có tiếng người. Linh cảm có chuyện với mình, bà vấn vội khăn, khoác áo tơi rồi băng qua vườn chuối sau nhà. Rẽ đám lau sậy cuối vườn, nhìn xuổng rệ sông, bà thấy hai con Am Am, tay chúng dài quá gối, lông lá phủ kín mình, xoã tóc ngồi bên nhau thầm thì to nhỏ. Đến gần, thì bà nghe được một con nói rằng: “Chị ơi, số em chưa đậu, bữa trước em đã toan dụ được một Nam Vương, hình hài phương trượng, mặt đẹp như ngọc. Nhưng cuối cùng bị mẹ cản, nên em phải chạy xuống nước”. Con Am đưa hai tay lên bưng mặt thổn thức. Nó vừa oán trách mẹ không giúp nó thoát khỏi kiếp Am để lên bờ, lại vừa thương nhớ mẹ, sớm hôm một mình thui thủi trong đớn đau. Con Am đó chính là Thiên Hương con gái bà. Nghe được những lời của nó, bà như đứt từng khúc ruột. Bà hiểu rõ nỗi niềm đau đớn của Thiên Hương, nó khát khao được làm ma trên cạn, để được gặp cha và trở về thăm bà.
Bủ Bếp cố lại gần hơn để nhìn cho rõ mặt con mình, nhưng vừa thoáng nghe tiếng động, hai con Am Am ôm nhau nhẩy ùm xuống nước. Bà đến chỗ hai con Am, và ngồi ở đó rất lâu. Gió bấc tràn về lạnh buốt. Nơi con bà vừa xuống, chỉ còn mặt sông tối đen, chỉ nghe tiếng sóng vỗ bờ ì oạp, và tiếng lau lách uấn lưng xào xạc như tiếng ai gọi thầm.
Những ngày sau đó, gan ruột bủ Bếp rối bời, bà thương nhớ con vô vàn, bà tự oán trách mình và cố nghĩ cách để cứu Thiên Hương. Mỗi khi màn trời buông xuống, bà lại cầu mong được gặp con khi nó lên bờ. Và ngày ấy đã đến. Lại một đêm gió mưa não nề, hai con Am Am lại rẽ nước lên ngồi bên bụi lau cuối vườn. Lúc ấy, trời đã gần sáng, bủ Bếp nghe được con mình nói: “Chị biết không, ngày mai em được lên bờ”. Con Am kia hỏi lại: “Sao em biết? Có duyên chăng?”. Im lặng một lúc, con bà nói: “Ngày mai là đúng ngày em bị dìm chết dưới bến hai năm về trước. Đã hai năm nay, em vẫn đi tìm người thế mạng. Người này em đã khổ công dụ lòng bấy lâu. Lúc hợp, lúc tan nhưng lần này thì đậu. Ngày mai, đúng giờ ngọ, người ấy sẽ đội nón sắt xuống bến…”
Bủ Bếp trở về nhà mà lòng dạ rối bời: “Người đội nón sắt là ai? Sao lại đội nón sắt? Người ấy tương đồng thanh khí với con bà như thế nào?...”. Người mệt, nhưng bà không sao chợp mắt được. Nửa thì mừng cho con mình sắp thoát kiếp bùn nước tanh hôi, nửa lại thương cho ai đó là người thế mạng. Bủ trở dậy thắp hương trên bàn thờ chồng rồi thiếp đi. Lúc ấy, tiếng gà rừng đã bắt đầu gáy trên nương.
Ngay từ sáng hôm sau, bủ Bếp bỏ hết mọi việc, bỏ cả ăn cả uống. Bà ngồi liền bên chiếc chõng, vừa têm trầu bán hàng, vừa canh chừng người xuống bến. Bà ngồi đấy cả buổi, người qua người lại cũng có, nhưng tịnh không thấy ai đội nón sắt. Lòng nóng như có lửa đốt, bà lo sợ vô cùng.
Mãi cho tới gần trưa, thì từ phía Ao Trâu có một bóng người đi tới. Bủ Bếp nhìn mãi, thì thấy người đó vai đeo tay nải, tay xách một chiếc chảo sắt. Người ấy tới quán của bủ Bếp thì dừng lại. Nhìn kĩ, bủ nhận ra đó là một thiếu phụ. Người thiếu phụ có khuôn mặt rất đẹp. Trông cô chất phác, hiền lành như một thôn nữ, nhưng con người vẫn toát lộ một vẻ đài các, đoan trang. Bủ có lời mời người thiếu phụ lưu lại uống bát nước. Hai người trò chuyện hàn huyên để biết gia cảnh. Thì ra người này về quê thăm mẹ ốm, hôm nay qua sông, trở lại nhà chồng. Nói chuyện một lúc, chưa kịp cắn dập khẩu trầu, thì bỗng đâu một trận gió cuấn cờ nổi lên. Cát bụi bay mù mịt. Trời sập xuống sát mặt sông. Những ngọn mưa bắt đầu quất xuống mái tranh ràn rạt. Thiếu phụ có ý bồn chồn trong người, cứ đứng lên rồi lại ngồi xuống, khắc sau đôi mắt cô bỗng dại đi, liếc xéo về phía bến đò. Biết là giờ Ngọ đã tới, bủ Bếp hắng giọng: “ Mưa to thế này, chưa có đò đâu, bá ( Tiếng địa phương- cách gọi tôn trọng người phụ nữ) đừng đi vội kẻo ướt. Tôi có nhời này muốn nói…”. Như không nghe thấy gì, người thiếu phụ từ từ đứng dậy. Chị ta bỏ quên chiếc tay nải trên ghế, đội cái chảo lên đầu để che mưa, rồi quay lưng xuống bến.
Bủ Bếp hốt hoảng, tay chân luống cuống. Thời khắc mà bà lo sợ nhất đã tới-người thiếu phụ đã bị Am Am nhập hồn. Con gái bà đã phải dày công chuẩn bị cả năm trời, cho ngày hôm nay thoát xác lên bờ. Than ôi! chết đi rồi, nó vẫn còn một khát khao duy nhất, đó là được trở về bên cha mẹ và sống với dương gian của loài người.“Thôi, ta hãy nhắm mắt lại và đừng nghe thấy gì nữa, để cho con nó toại nguyện tấm lòng”. Gió mưa vẫn gào lên từng đợt. Cơn cuồng phong phũ phàng, cứ đẩy người thiếu phụ nhỏ bé trao đảo trên lối đi nhầy nhụa. Nhìn thấy nguồn cơn ấy, bủ Bếp lại đắn đo: “Làm như vậy có khác gì ta lấy oán trả oán? Chẳng lẽ thấy người sắp chết ngay trước mắt, mà lại ngoảnh mặt làm ngơ, không ra tay cứu giúp? Các cụ xưa đã dạy: Cứu người là công đức vô lượng. Người này chắc hẳn cũng có chồng, có con và một mái ấm gia đình. Ở nơi xa kia, chắc rằng các con của bà vẫn đang tựa cửa ngóng đợi mẹ về. Lẽ đâu lại một xác thân đẹp đẽ, vô tội nữa, bị vùi sâu trong bùn nước. Trời cao đất dày ơi! Lời nguyền khủng khiếp kia, đến bao giờ mới hoá giải được?”. Không kịp suy nghĩ gì thêm, bủ Bếp đứng vụt dậy: “ Không! Ta không thể để măc như vậy, con ta phải trở về, người mẹ trẻ kia phải sống và lời nguyền độc ác kia phải bị xoá bỏ”. Bủ rút nhanh chiếc roi dâu, rồi chạy theo đánh tới tấp vào người đàn bà khốn khổ. Chẳng một khắc chần chừ, bủ giằng ngay lấy cái chảo sắt, đội ngay lên đầu mình, rồi băng băng đi xuống bến đò… Bủ Bếp cứ đi, đi mãi. Lạ thay, đi đến đâu, nước rẽ ra đến đấy. Bủ cảm thấy thân mình nhẹ tựa làn khói mỏng, và như đang được bay lên trong nắng. Con đường bủ đi bỗng chốc rộng mở mênh mang, hai bên hoa trái rộ nở, và xen lẫn cả tiếng chim ca tưng bừng.
Bủ Bếp cứ thế chìm dần, chìm dần, rồi khuất hẳn dưới lòng sông. Mặt nước bỗng ngầu lên như máu. Khoảng trời phía trên chỉ còn lại gió mưa. Thiên địa mù mịt. Sấm chớp rạch ngang gầm trời, gào thét mãi cho đến tận sáng hôm sau mới dứt.
Từ đấy trở đi, người ta không còn nhìn thấy bóng một con Am Am nào, và cũng không thấy có người nào bị chết đuối trên bến Lệ Am này nữa. Dân trong vùng bảo rằng bủ Bếp đã hoá thần, và họ đã lập đền thờ bủ trên ngọn đồi nhìn xuống bến Lệ Am.
Hai cậu cháu tôi cùng ngồi yên lặng nhìn xuống dòng sông. Con nước đỏ nặng phù sa vẫn mải miết trôi về phương Nam. Nó đâu biết rằng, từ ngàn xưa, đã mang trên mình một câu chuyện hết sức nhân văn, từ một bến đò đầy nước mắt. Lát sau tôi quay sang hỏi cậu: “ Vậy từ nhỏ tới giờ, cậu có thấy ai bị chết đuối trên đoạn sông này không?”. Cậu tôi bảo: “ Không biết ngày xưa thế nào, chứ đời cậu sống ở đây với ông bà, nay đã trên tám chục tuổi, cậu chỉ thấy có một lần duy nhất, bủ Bếp hiện lên dìm chết một người”. Nói đoạn, cậu tôi chống gậy đứng lên nhủ: “ Về thôi cháu, bây giờ khác xưa nhiều rồi, dương thịnh-âm suy, đi đâu cũng không sợ ma quỷ bắt nạt. Nhưng ở vùng này, khi trời bắt đầu tối, âm khí vẫn còn nặng nề lắm, không có lợi cho sức khoẻ. Ta về nhà đã”. Hai cậu cháu tôi men theo sườn đồi phủ đầy cây sắn, rồi xuống tới thung lũng. Bên kia rặng vầu, có một cái đầm rộng bát ngát, cậu tôi bảo đó là Ao Trâu, hồi còn nhỏ , cậu và ông ngoại vẫn đi đánh rọ ven đầm. Suốt dọc đường về là những rừng cọ, đồi chè. Thân cọ uấn cong cao vút, sừng sững in trên nền trời không một gợn mây. Một mảnh trăng thượng tuần, mỏng như lá lúa treo lơ lửng sau những tán lá xoè rộng. Chúng phác vào mảng trời đêm một bức tranh tuyệt mỹ, đậm sắc núi rừng.
Nhà cậu tôi nằm trên lối đi vào núi Buộm. Qua một con lạch nhỏ, rồi ngược lên lưng chừng đồi là tới nơi. Căn nhà một gian hai trái, hàng cột cong queo được dựng bằng gỗ rừng trên núi . Xung quanh nhà được thưng bằng vách nứa. Mái lợp lá cọ lâu ngày, đã bị nắng mưa bào cùn đi xơ xác. Chính giữa nhà là một bàn thờ đơn sơ, do cậu tôi tự tay đóng, trên đó có hai bức truyền thần ông bà ngoại. Bên dưới đặt một bộ bàn ghế mộc, màu gỗ đã nhem nhuốc theo thời gian. Mợ tôi mắt hấp háy, bà quẹt lửa châm vào bấc chiếc đèn dầu Ma-dút, khói đen bốc lên nghi ngút khắp nhà. Mợ đã chuẩn bị sẵn cho cậu cháu tôi đĩa lạc rang cả củ, và cút rượu sắn trắng đục mới cất hồi chiều. Sau khi rít song mồi thuốc lào, cậu tôi lim dim mắt, thả khói lên cao, ông ngồi bất động để tận hưởng cái râm ran trong từng đường gân thớ thịt. Đoạn, cậu tôi mở cái nút bằng lá chuối khô của cút rượu, rót cho mỗi người một ly mắt trâu, rồi kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện ban chiều.
Đận ấy là vào năm 1979.
Họ Kiều trong núi Buộm có tiếng là giàu có từ xưa, nay càng hãnh diện, vì trong dòng họ có người làm to, tới cán bộ cao cấp. Đó là ông Hoàng Bao. Ông giữ cái tên này từ thời hoạt động bí mật trong lòng địch. Tới năm 1954, ông Bao đã giữ tới chức phó chính uỷ trung đoàn. Khi chính phủ về lại Thủ Đô, ông được giải ngũ chuyển ngành và làm việc ngay ở Hà Nội. Gia đình ông không ở quê nữa, nhưng ông và cậu con trai cũng thỉnh thoảng về núi Buộm để săn bắn, nhân tiện thăm họ hàng. Người con trai của ông Bao đi bộ đội. Sau mấy năm theo học tại một trường quân sự, trở về anh ta đeo lon tới cấp trung uý. Đó là trung uý phi công Kiều Tạc. Mỗi lần về thăm quê, vì lối vào Buộm quá nhỏ và lầy lội, hai cha con ông thường gửi chiếc Com-măng-ca ở huyện đội, rồi cưỡi ngựa, đeo súng săn về làng. Hào quang của họ sáng rực cả một vùng quê ngèo khó. Trên đường đi, ông gặp dặt những người ngày xưa đã từng che giấu ông hoạt động cách mạng; cho ông từng bữa sắn, bữa khoai. Nay gặp lại, thấy ông cao xa, sang trọng quá. Còn họ chỉ là những nông dân thất học, chân lấm tay bùn, cho nên mọi người chỉ biết đứng nép vào vệ cỏ cúi chào, mà không dám ngẩng mặt lên nhìn.
Trung uý Kiều Tạc phục vụ trong một đơn vị bay vận tải, của Quân chủng không quân. Doanh trại của anh ta đóng gần ngay sân bay Bạch mai- Hà nội. Kiều Tạc có vóc dáng cao lớn, tóc húi cua, hàm bạnh, bộ răng trắng, khoẻ đều tăm tắp. Đúng chuẩn của con nhà lính bay. Đặc biệt, viên trung uý có đôi lông mày rất rậm, và ẩn sâu bên trong là một cặp mắt sắc lạnh. Kiều Tạc đeo lon Uý, nhưng trên mình, từ mũ, quần áo, đến dầy, dép…đều là đồ của cấp Tá. Mỗi khi gặp các cán bộ cao cấp trong quân chủng xuống thăm đơn vị, anh ta đều chú chú, cháu cháu cực kỳ thân thiết. Trong mắt các cô văn công, hay bảo mật, viên trung uý trẻ ga-lăng thực sự là một “hoàng tử” trong mơ.
Tuyến bay công vụ của trung uý Kiều Tạc là từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi ngược lại. Từ khi được ông Bao xin cho về bay chính ở tiểu đoàn này, Kiều Tạc mất ngủ mấy đêm liền để tìm phương án chắc ăn nhất. Thời ấy, hàng hoá ở trong Nam thì nhiều vô kể, nhưng ngoài Bắc thì lại thiếu tới cả bánh xà-phòng. Đường xá vào Nam, ra Bắc thì vạn lý gập gềnh, hiểm nghuy. Đây chính là điều kiện hết sức thuận lợi cho Kiều Tặc tổ chức một đường dây buôn lậu.Y đã thiết lập được hai cơ sở “đặc tình” ở cả hai thành phố lớn để buôn hàng “đánh” từ Nam ra. Hàng đã mang ra được đến Hà Nội, đều đắt như vàng. Một lãi mười, mười lãi trăm, lãi nghìn… mà đường bay quân sự lại an toàn tuyệt đối, nên Kiều Tạc rất hăng hái công tác, không bỏ lỡ chuyến bay nào.
Từ ngã tư Sở, theo đường Tàu bay đi về Vọng, khoảng vài trăm mét là tới đầu kho gạo. Ở đấy có một quán nước mang tên „ Cây dừa“. Quán, là của một người đàn bà chừng năm mươi tuổi. Bà ta có một bộ khung cao lớn, nhưng lại gầy đét, da dính vào xương, chẳng khác gì mụ phù thuỷ vẫn được vẽ trong truyện tranh của lũ trẻ. Hai mí mắt lúc nào cũng đánh xanh biếc, cặp môi chuối mắn tô đỏ màu tiết gà. Trông dung nhan ấy, ai cũng bảo mụ này ngày xưa đã từng “vang bóng một thời”. Cánh lính trẻ vào ra uống nước, gặp anh nào, mụ cũng “mợ mợ, con con”, rồi giới thiệu khéo hai cô “con gái” xinh đẹp. Ít tiền thì ngồi làm chén rượu cuốc lủi, nhắm với đĩa lạc rang. Nhiều tiền thì lên trên gác vui vầy với con gái của “mợ”. Ngay từ thời còn là học viên, luyện tập ở đơn vị dự bị bay gần đấy, Kiều Tạc đã nhẵn mặt với nơi này rồi. Bây giờ, sau mỗi chuyến vào Nam ra Bắc, y lại chọn nhà “ mợ” để lên gác hưởng thụ, và tẩu tán hàng lậu. Chỉ cần vài chuyến bay, đời Kiều Tạc đã phất lên như gió.
Sau chiến tranh chống Mỹ, đời sống của người dân đói khổ trăm bề. Giờ lại phải chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc, tình cảnh càng trở nên cơ cực. Trong khi thiên hạ đang lâm vào cảnh đói không có cái ăn, ốm không có thuốc uống…, thì viên trung uý trẻ suốt ngày cưỡi Honda 67 lượn vè vè. Nếu không xì xụp trong hàng phở, thì y cũng phưỡn bụng ở quầy bia. Có tiền, anh ta sa đà vào một lối sống khác hẳn mọi người… Nhưng cái kim nằm trong bọc, lâu ngày cũng phải lòi ra. Chính vì từ lối sống ăn chơi truỵ lạc của Kiều Tạc, mà an ninh quân đội đã phối hợp cùng công an, theo dõi và bắt quả tang Kiều Tặc đang chuyển thuốc phiện cho bà chủ quán “ Cây dừa”. Ngay đêm đó, y bị bắt tạm giam.
Nhận được hung tin, ông Hoàng Bao đứng ngồi không yên, lòng nóng như có lửa đốt. Ông từ chối mọi cuộc hẹn làm việc, để quay máy sang quân chủng nhờ bạn bè giúp đỡ. Hết giờ làm việc, ông ngồi lỳ trong phòng suy nghĩ mung lung. Ông bắt đầu tự trách mình: “ thấy nó mang nhiều tiền về xây nhà mà không hỏi. Lấy tiền đâu để mua Honda, mua áo lông, áo Na-tô, nhẫn vàng?...Tuy nhiên, giờ xảy ra cơ sự này, cũng là tại ông. Xin cho con về đơn vị ấy, không phải là ông không có chủ ý. Giờ thì đã muộn… nhưng không phải là hết. Còn nước, còn tát”. Nghĩ vậy, hôm sau ông bảo lái xe đưa ông đến nhà riêng của một cán bộ cao cấp, bên quân chủng không quân. Ông định nhờ cậy vào tình đồng đội cũ, để xin cho con ông được xoá án kỷ luật, rồi chuyển công tác vùng khác.
Nhưng, sau khi điều tra lại vụ việc, ban thanh tra quân chủng vẫn kết luận: Kiều Tạc đã nhiều lần dùng máy bay quân sự buôn hàng quốc cấm. Sống vô kỷ luật, tha hoá về đạo đức. Y được trả về đơn vị cũ, đình chỉ mọi công tác, nằm chờ án kỷ luật của Đảng và của đơn vị. Thế là hết cuộc đời binh nghiệp đang phơi phới trên chín tầng mây của viên phi công trẻ. Tước quân tịch, đuổi về địa phương là cái đã nhìn thấy của Kiều Tạc. Bị giam lỏng trong đơn vị, không ai dám quan hệ với y nữa. Xung quanh vắng lặng, suốt đêm nằm, y chỉ nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ, người như muốn phát cuồng. Mọi ước mơ về một cuộc sống vương giả đã tắt ngấm trong lòng Kiều Tạc. Tương lai trở nên mịt mù, thăm thẳm. Y bắt đầu chán ghét tất cả, căm thù tất cả: “phải làm lại cuộc đời- y tự nhủ như vậy- nhưng không phải ở mảnh đất này…”. Hàm răng trắng, khoẻ và đều tăm tắp nhếch ra một điệu cười nham hiểm.
Vốn là một con người đầy mưu mô và nổi loạn, Kiều Tặc không chịu nằm chờ án kỷ luật của đơn vị. Hắn đã ra tay trước. Tận dụng đến phút cuối cùng cái mã to cao đẹp trai của mình, Kiều Tặc đã moi được từ mấy cô gái thông tin, kế hoạch đi công tác của một cán bộ cao cấp trong quân chủng.
Sáng tinh mơ hôm ấy, y bắt đầu hành động.
Hai người lính gác cổng giơ tay chào, khi hắn khoác chiếc áo bạt sỹ quan Liên - Xô màu cỏ úa bước qua. Một trong hai người lính hỏi:
- Sáng nay anh bay à?
Tay kéo cao thêm cổ chiếc áo bạt, như để che bớt khuôn mặt hốc hác vì mấy đêm mất ngủ, hắn trả lời khẽ:
- Ừ.
Rõ ràng đại đội cảnh vệ chưa được thông báo trường hợp bị cấm bay của Kiều Tạc. Bước qua cổng rồi, nhưng hắn vẫn thấy rờn rợn sau lưng, sợ một tiếng quát “đứng lại”. May thay, không có chuyện gì xảy ra. Trong sân bay, trời vẫn tối và mờ đục sương mù. Không gian yên ắng, chỉ có tiếng rế kêu ríc ríc trong cỏ. Hắn nghe rõ tiếng sột soạt theo nhịp đi của chiếc áo bạt và rõ cả tiếng tim mình đập thậm thình. Kia rồi, trong sương sớm, chiếc Mi-8 đã sừng sững hiện ra. Kiều Tạc rân ran khắp người: “ôi! cứu tinh của ta, cuộc sống của ta”.Vừa nhón chân chạy được mấy bước, hắn giật bắn người , bởi tiếng quát: “Ai? đứng lại!”. Rồi một ánh đèn pin rọi thẳng vào Kiều Tạc. Y lấy tay che mặt, trước mặt y là một người lính còn non choẹt, tay lăm lăm khẩu AK.47, ngón tay trỏ đã đặt vào vòng cò. Hắn nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh, vì biết người đối diện không đáng là đối thủ:
- Anh đây. Sáng nay anh bay mà.
Người lính cảnh giác hỏi lại:
- Sao anh lại ra sớm vậy?
- Anh ra trước để kiểm tra dầu máy. Cậu gác ca cuối hả?
Không cần nghe người lính trả lời, y hỏi tiếp:
- Có rét không? Hút điếu thuốc cho ấm! Hắn lấy bao “ ba số”, gõ gõ vào tay cho đầu thuốc tụt ra, rồi tiếp cận sát anh lính. Người lính trẻ vui vẻ khoác súng lên vai, dùng hai ngón tay kẹp một điếu. Khi anh ta vừa cúi đầu, khum lòng bàn tay che lửa, thì bị ngay một cú đánh như điện giật vào đúng gáy. Miệng vẫn còn ngậm dở điếu thuốc, người lính xấu số gục xuống ngay tại chỗ. Kiều Tạc vứt ngay thanh sắt lên xác anh ta, y ngửa mặt lên trời, giang hai tay, tru lên như một con linh cẩu, rồi lao vút lên buồng lái… Chiếc Mi-8 nhẹ nhàng bốc mình lên khỏi mặt đất, nó chao nghiêng một cách thiện nghệ, rồi nhằm thẳng hướng Bắc lao tới.
Lúc ấy, Hà nội hiên ngang và nghèo khó, vẫn đang chìm trong giấc ngủ đông nồng nàn.
Bốn chiếc MIG-21 của một trung đoàn không quân phía Bắc được lệnh xuất kích. Họ có nhiệm vụ khoá cửa biên giới, quyết không để cho Kiều Tạc cướp máy bay chạy trốn. Lệnh bắn hạ được ban ra trên toàn tuyến. Nhưng sau nhiều lần đan dệt trên bầu trời, phi đội bay phải tay không trở về, vì không thể tìm thấy mục tiêu.
Kiều Tạc tính toán rất khôn ngoan và có thừa kinh nghiệm. Hắn cho chiếc trực thăng bay là là sát mặt nước để tránh sóng Ra-đa. Cứ vậy, nó mải miết quạt nước mà ngược dòng sông Cái. Hắn đã nhẩm từ trước và dự đoán chính xác thời gian cất cánh của những chiếc tiêm kích. Cho nên, vào đúng thời điểm mà bốn chiếc MIG lao lên, thì Kiều Tạc lại cho chiếc Mi-8 nhẹ nhàng hạ xuống, nằm im bên gốc đa cổ thụ, ngay mé đồi xuống bến Lệ Am. Cây đa này, tương truyền là đã mọc lên từ sau vườn của bủ Bếp năm xưa. Dưới gốc đa, có hai người từ núi Buộm, họ đã chờ Kiều Tạc từ lúc canh ba.
Nhưng con cáo già , dù có nhiều mưu ma trước quỷ đến đâu, cũng không tránh được lưới trời lồng lộng. Số là chờ một lúc lâu thấy êm, Kiều Tạc bắt đầu khởi động máy. Nghe tiếng máy nổ ròn rã, thấy cánh quạt quay tít, hắn khấp khởi mừng thầm, chỉ còn một chặng ngắn nữa là qua được ải. Hắn vô cùng phấn chấn: “qua ải, ta chỉ cần chém một thằng lính. Thế mới tài”. Rứt cơn cười khằng khặc, y nghiến răng kéo cần lái. Chiếc trực thăng lại bốc mình lên khỏi mặt đất. Nhưng mới lên cao được khoảng mười mét, khi nó vừa định chao mình đổi hướng, thì bất ngờ cánh quạt chém vào cành đa. Chiếc Mi-8 bị trọng thương, nó tròng trành, lật nghiêng lật ngửa, cố bay thêm được một đoạn ngắn, rồi đâm đầu xuống ngay mép nước.
Đúng lúc ấy, một cơn gió lạnh nổi lên. Gió mỗi lúc một to, rồi trở thành trận cuồng phong mù mịt. Sóng cuộn lên từ giữa sông, đánh vào chiếc trực thăng ầm ầm, bọt nước nổi trắng xoá. Mây đen kéo đến kín cả gầm trời, rồi mưa như đổ trĩnh.
Kiều Tạc nhảy ra khỏi buồng lái, nước sông ngập ngang bụng. Hắn đứng như trời trồng rất lâu, mắt cứ nhìn đăm đăm ra mặt sông mịt mùng dậy sóng. Không hiểu sao, lẽ ra phải lội quay vào bờ, thì ngược lại, hắn ta cứ giữa sông mà lừng lững đi ra. Khi nước đã ngập tới cổ hắn, dân quân trong Ao Trâu cũng vừa tới nơi. Họ bắn ba phát súng chỉ thiên để cảnh cáo, nhưng Kiều Tặc vẫn không ngoái đầu lại. Con nước cứ thế nhấn dần, nhấn dần hắn xuống. Một lúc sau mặt sông trở lại yên tĩnh, người ta không còn trông thấy bóng dáng của y đâu nữa.
Chuyện viên trung uý phi công người Buộm, bị rơi máy bay và chết chìm ở bến Lệ Am, nhanh chóng lan đi khắp vùng. Các cụ già trong Ao Trâu kể lại rằng, vào cái đêm hôm ấy, họ đã nhìn thấy miếu thờ bủ Bếp trên đồi bỗng nhiên rực sáng. Dân làng ven sông kháo nhau rằng, vào đúng thời khắc linh ứng đó, bủ Bếp đã hiện lên và xuống tay dìm chết tên phản bội.
***
Sáng sớm tinh mơ hôm sau, hai cậu cháu tôi lại đứng bên bờ ngắm cảnh nước non: dòng sông Cái như một dải lụa mềm, uấn lượn theo những luỹ tre làng ; Bên kia bờ, xa xa là dãy núi đá ẩn mình trong sương; Một đàn cò trắng mải miết sải cánh trên nền xanh lam của núi rừng. Nhìn cảnh thôn dã, đẹp chẳng kém gì một bức tranh thêu. Cậu tôi cầm gậy trúc chỉ ra giữa sông nói:
- Chỗ giữa dòng kia, cách đây hơn ba mươi năm, là chỗ cây đa bủ Bếp, chính nó đã vít lộn cổ chiếc trưc thăng xuống nước. Vì bờ bên kia bồi, bờ bên này lở, nên dòng chảy đã bị uấn đi ít nhiều. Tất cả những gì của cảnh xưa, nay đã nằm sâu dưới đáy sông rồi.
Tôi quay sang hỏi cậu:
- Liệu, cái chết của Kiều Tạc có sinh ra một loài Am mới?
Cậu tôi bảo:
- Lời nguyền năm xưa cho loài Am Am, đã bị bủ Bếp hoá giải. Bến Lệ Am đã trở lại thanh bình và bây giờ chẳng mấy ai còn tin vào chuyện ma quỷ, thần linh nữa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, những kẻ phản bội như Kiều Tạc, không bao giờ được trở lại, và không bao giờ có chỗ đứng trong chúng ta nữa. Còn trên trần gian này, tất cả những người tốt khi chết đi, họ đều trở thành thần thánh, ngay chính trong lòng người đang sống.
Cậu tôi đứng im như một pho tượng đá bên sông. Chòm râu cước phất phơ theo chiều gió. Ánh mắt của ông đặt nhẹ lên dòng nước thân thương. Đó chính là dòng sữa mẹ, từ ngàn năm qua, dòng sữa đã nuôi sống biết bao người con, để chúng ngày nay trở nên khôn lớn… Tôi đến gần, nắm lấy tay cậu. Chúng tôi cùng lặng nhìn dòng sông cuộn mình. Làn nước trĩu nặng phù sa, dạt dào từng đợt, miệt mài vỗ nhẹ đôi bờ. Mặt trời lên, những tia nắng óng vàng như lụa, rải khắp núi rừng. Cả một triền sông bỗng bừng lên rực sáng. Mặt nước nhấp nhô lấp loáng, đẹp như vừa được một người thợ kim hoàn tài ba, dát vàng lên những ngọn sóng.
Qua bến Lệ Am, sông Cái thân thương vẫn lặng lẽ, lững lờ trôi. Nhưng dưới đáy của nó, ít ai biết được rằng, vẫn đang cuộn lên một sự sống diệu kì, mà chỉ có những người dân quê ở nơi đây mới hiểu được ./.
BRD Halle/S. Lập đông 2009