Như cánh chim câu

Trường Ulrich von Hutten của tôi là trường hệ 12 năm. Sân chơi rợp bóng sồi, thoả sức cho chúng tôi chạy nhẩy . Ngôi trường nằm ngay dưới chân pháo đài cổ Giebichenstein có một nghìn năm tuổi. Cách không xa là dòng Saale, nơi đây có cây cầu cong bắc qua, lúc nào nước cũng xanh ngăn ngắt một màu. Bên kia bờ, rừng phong đỏ ươm, phơi mình dưới ánh nắng vàng mỗi độ thu về. Lớp 7b của tôi nằm trên tầng hai. Qua cửa sổ, mỗi lần ra chơi, tôi vẫn dành ít phút đứng một mình, ngắm nhìn bức tranh tuyệt mỹ đó.

 

Sáng hôm ấy, bỗng nhiên ở khối 7 rộ lên tin đồn: có một con bé người Việt Nam đi ăn mày ngoài chợ. Tin này thật tai hại, vì cả khối chỉ có mình tôi là người Việt. Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố này, tôi biết rõ rằng, vẫn còn có một số ít người Việt đi ăn cắp trong các siêu thị. Nhưng, đi ăn xin thì tuyệt nhiên không. Chẳng phải chờ lâu, đến sáng thứ tư, câu chuyện bị đẩy lên rất “nóng”. Ai đó đã tả con bé ăn xin đó giống tôi như đúc. Giờ ra chơi, Vivien và Johanna thì thầm vào tai tôi:

-  Mai! bạn có nghe thấy người ta đồn gì không?

- Mình chẳng liên quan gì tới chuyện ấy. Có nhiều người Việt sống ở thành phố này, riêng gì tớ đâu. Hơn nữa người châu Á, mắt ai chả đen, mặt ai chả tròn. Kệ họ, đồn chán không phải rồi lại thôi ấy mà.

Quả nhiên, chuyện cứ thế dịu dần rồi lặng hẳn. Trong lớp, lại bắt đầu bàn tán về một chủ đề khác. Lớp tôi vẫn luôn như vậy.

Như mọi lần, chiều tối tôi lại mang theo chiếc ví nhỏ ra ngoài chợ tìm xu rơi. Khi tôi đang lom khom định nhặt đồng 20,-xu bỏ vào ví, thì bỗng có một bàn chân đi giày cao cổ kiểu nhà binh dẫm lên. Tôi giật mình ngẩng đầu, thì lạy trời! đó là thằng  Daniel. Tại sao nó lại có mặt ở đây và đúng lúc tôi đang nhặt xu thế này. Daniel đứng như một cây sào, hai tay chống nạnh, răng nhe ra trông thật gớm giếc:

- Mai! Hoá ra lời đồn về mày là con bé đi ăn xin, quả là không sai.

Bất ngờ quá, tôi không kịp phản ứng gì, thì Daniel nói luôn:

- Nếu như tao có gọi mày là đồ “mọi rợ” thì cũng không oan.

Nó cười hềnh hệch, dùng mũi giày di cho đồng xu chui hẳn xuống đất, rồi ngoảnh mặt, chét nước bọt qua kẽ răng. Tay tôi run lên bần bật.

Vào đầu năm, lớp tôi nhận một học sinh mới, đó là Daniel. Tóc cắt cua, áo jacke đen có mũ chùm đầu, chân luôn xỏ đôi giày da cao cổ, trông nó như một tay “đầu trọc” chính cống. Daniel học rất kém, mà lại hay gây gổ đánh nhau, thậm chí với cả những học sinh lớp trên. Nhưng nghiêm trọng hơn, Daniel có thái độ khinh miệt những học sinh là người nước ngoài. Một lần trong giờ tập thể thao, đang chạy, tôi bỗng nghe phía sau:

- Con mọi này, tránh ra cho tao lên!

Daniel lướt qua, nó dùng vai huých , làm tôi sút ngã. Một lần khác, cô Wendler yêu cầu mọi người cóp-pi bài để chuẩn bị cho giờ sinh vật. Daniel bảo tôi:

- Cóp-pi ít thôi! nước Đức không có đủ giấy mực cho chúng mày đâu.

Trong lớp, đã có bạn nhìn thấy Daniel đứng rít thuốc lá với mấy thanh niên hư ngoài phố. Cô chủ nhiệm đã nhắc nhở Daniel rằng, nếu điểm không tốt hơn, có thể nó sẽ phải chuyển xuống hệ 10 năm. Mặc dù vậy, chuyện vẫn như “nước đổ đầu vịt”.

Tôi đành phải bỏ đồng xu dưới chân Daniel, rồi ngậm ngùi trở về. Cũng tiếc, với giá cả hiện tại, thì đồng 20 xu có thể mua được một quả trứng gà. Đêm hôm ấy , trằn trọc không ngủ được, tôi nghĩ mãi về chuyện bị thằng Daniel “bắt tại trận”. Sáng mai, nhất định nó sẽ làm ầm ỹ ở lớp. Tôi sẽ phải đối phó thế nào đây?

Đúng như dự đoán- không thể nào khác được, vừa thấy tôi vào tới cửa lớp, Daniel nhẩy ngay lên mặt bàn, gân cổ:

Ê! mọi người, hãy nge tin mới đây!

Nó dừng một lúc, chờ lớp quay lại rồi nói tiếp:

- Mọi người có muốn biết con bé xin ăn ngoài chợ là ai không?

Tin tức thật giật gân. Một vài người sốt ruột, giục nó nói cho nhanh. Daniel nhảy xuống, nhe bộ răng vàng khè vì cắn thuốc lá, hai tay đút túi quần, nó đến sát bên tôi , giọng mỉa mai:

- Còn ai khác nữa, ngoài tiểu thư cóc nhái này. Có đúng không thưa tiểu thư?

Cả lớp ồ lên một lượt, rồi quay lại nhìn tôi chờ câu trả lời. Đã chuẩn bị trước, tôi bình tĩnh nở một nụ cười:

- Các cậu có thể tin vào con người này không?

Vivien và Johanna chen vào bênh tôi:

- Các bạn ơi! Daniel thì lớp ta đã biết rõ rồi mà. Thôi mọi người về chỗ đi! cô sắp đến đấy. Tuy vậy,Vivien vẫn ghé tai tôi hỏi nhỏ:

- Mai! bạn nói đi, chuyện gì đã xảy ra vậy?

Tôi chưa kịp nghĩ ra câu trả lời, thì Daniel ngăn mọi người lại:

- Chờ cho một tý. Hãy xem cái gì đây!

Nó lấy trong túi ra chiếc điện thoại di động, rồi mở ảnh cho mọi người xem. Tôi không ngờ rằng, cả một tuần qua, Daniel đã đi săn ảnh tôi nhặt xu ngoài chợ. Nhưng để thuyết phục hơn, nó còn chụp được cả một bức ảnh, tôi đứng bên chú Hans - một người ăn mày ngồi ở đầu đường Leipziger.

*     *     *

Bến tàu điện Markt nằm chếch ngay trước cửa nhà tôi. Đúng ra là sau khi tan học, tôi lên tàu  và đi thẳng một mạch về nhà. Nhưng hôm nào có nắng ấm, tôi lại thích xuống bến Marie Curie. Từ đây, dọc theo phố Leipziger, tôi nhẩn nha đi về. Đơn giản, đây là con đường dành cho người đi bộ hấp dẫn nhất thành phố này. Hai bên đường, có tới hàng trăm cửa hiệu nối nhau san sát. Đầu tiên là quán kem Ý “Rialto”. Gặp hôm trời nắng nóng, vừa đi vừa ngậm một cây kem vị anh đào mát lạnh, bạn sẽ thấy “đã” chừng nào. Đến gần giữa phố là hiệu sách Woerhl. Ở đây cơ man nào là sách, truyện. Lọt thỏm trong chiếc ghế bành bọc da, tôi có thể tự do ngồi đọc những truyện mình thích, suốt buổi sáng thứ bảy. Kế nữa, đến cửa hàng C&A. Trước tủ kính, người ta trưng bày những bộ quần áo xuân-hè cho mọi lứa tuổi, trông thật bắt mắt. Còn nếu đi đến gốc cây phong gần cuối phố, người ta sẽ bắt gặp một quầy nhỏ bằng gỗ, đặt ngay bên lối đi. Đó là quầy xúc-xích nướng, mang thương hiệu “Thueringen” nổi tiếng. Ai đến thăm nơi đây mà chưa được thưởng thức món này, coi như chưa được hưởng cái tinh tuý nhất, trong thế giới ẩm thực truyền thống của Đức.

Nhưng, một điều đặc biệt và rất thú vị trên con phố này là, tôi phát hiện ra ở chạc ba, trên cành cây phong, có một tổ chim cu. Đôi chim đeo vòng cườm trắng nơi cổ, suốt ngày quấn quýt bên nhau. Hàng ngày, con chim to hơn bay đi nhặt những nhánh Bạch dương khô gần đấy. Con nhỏ hơn ở nhà, nó khôn khéo dùng mỏ cài những nhành khô ấy thành một cái tổ ấm cúng. Có hôm, tôi đứng tới mười lăm phút đồng hồ để xem đôi chim làm việc. Vừa làm, chúng vừa nói chuyện “gù…gù” nghe rất vui tai.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là tất cả: một lý do khác, quan trọng hơn, khiến tôi hay đi về trên con phố này, là được cho tiền bố thí những người ăn xin. Bố tôi bảo, ngày xưa (tức là thời  nước Đức Xã hội chủ nghĩa) không bao giờ có chuyện ăn mày ngoài phố. Tất cả mọi người- kể cả tàng tật - đều có công ăn việc làm phù hợp, có nhà ở đàng hoàng. Sau khi thống nhất nước Đức, hiện tượng này mới lan tràn ra khắp mọi nơi.

Trước hết phải kể tới những thanh niên Đức rất khoẻ mạnh. Họ túm tụm vài ba người cả nam lẫn nữ, ngồi bệt trước các cửa hàng trên phố. Đôi khi họ dắt theo cả những con chó to gộc cà là chìa, trông rất dữ tợn. Tóc họ nhuộm xanh đỏ, tai và mũi đeo khuyên. Những chiếc áo da cáu bẩn, gắn đinh khuy tá lả, dây xích móc trên, móc dưới xủng xoẻng. Cũng có lúc, bố tôi bị họ chạy theo:

- Xin lỗi! ông có khoảng vài xu ở đấy không? Cho tôi xin.

Với những người này, dù có tiền trong túi, bố tôi cũng không bao giờ cho.

Thỉnh thoảng, tôi gặp lại ông già râu bạc. Ông chừng gần 70 tuổi, người gầy gò, đeo kính trắng gọng tròn, thường ngồi phía trái nhà hội đồng thành phố. Vỏ chiếc đàn violon được mở ra trước mặt, thay cho ống bơ. Mảnh giấy đặt bên trong ghi: “xin quý vị giúp cho chút ít, con gái tôi đang phải nằm viện”. Chiếc vĩ cầm cũ kỹ luôn trên tay ông, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe thấy nó nỉ non.  Vào dịp cuối tuần hay hội hè, những nghệ sỹ hành khất thường tập chung trên con phố này. Có thể họ đến từ Pê-ru hay Bra-zil gì đó, vừa chơi nhạc, vừa xin tiền. Quần áo gắn lông chim sặc sỡ, trông họ như những thổ dân da đỏ. Tiếng sáo, tiếng tiêu âm vang, trầm lắng làm ta có cảm giác như đang bồng bềnh trên những cánh rừng Amazon ở châu Mỹ. Đôi khi có cả một tốp ca năm người, họ ăn vận theo kiểu kỵ binh vùng sông Đông, mũ gắn sao đỏ. Chiếc đàn gió láng coóng, kéo lên những âm thanh réo rắt, hoà với những giọng ca trắc khoẻ, họ để lại cho người nghe một cảm xúc thật bi hùng. Bố tôi bảo: “Họ hát ca ngợi những anh hùng đã chiến đấu và hy sinh, để bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng mười”. Bố tôi thuộc lớp người còn lại, rất hâm mộ nước Nga Xô-viết. Những bài ca như vậy, bây giờ ông vẫn có thể thuộc đôi ba lời:

“Băng qua dãy núi U-ral

Vượt qua đồng cỏ muôn vàn kỵ binh.

Băng nhanh hơn cả đàn chim

Tra-Pa kiện tướng xông lên trước đoàn.

Băng đi với lưỡi gươm vàng

Với lời ca, đã ngân vang núi đồi…”

Nhưng đông đảo nhất, và cũng làm tôi sửng sốt nhất, vẫn là những người đến từ vùng hạ lưu sông Đa-núyp - dòng sông xanh trong và thơ mộng vào bậc nhất của châu Âu. Từ bao đời nay, Đa-nuýp vẫn là nguyên cảm cho những áng văn, vần thơ làm say đắm lòng người. Tiếc rằng! Hôm nay, nó đã đưa đến đây những cánh buồm rách nát và những thân phận khổ đau, khốn cùng. Đó là những người đàn ông và đàn bà, đôi khi còn già hơn cả bố mẹ tôi. Họ luôn nhìn người qua lại bằng những ánh mắt mệt mỏi xen lẫn cầu khẩn, van lơn. Đã vậy, cách thức ăn xin của họ mới thật nao lòng: một miếng bao tải gấp làm tư, được trải xuống bên đường; họ thành kính, đặt hai đầu gối xuống đó, hai bàn tay chụm vào nhau, bưng lên trước mặt. Cứ như vậy, họ có thể quỳ suốt cả buổi để xin từng xu bố thí. Đêm xuống, họ lại tìm đến gian phòng đặt máy rút tiền tự động của ngân hàng Commerzbank để ngủ. Thường ngày, những người trẻ tuổi và những ông bà to béo, ăn mặc sang trọng, chẳng mấy ai để ý đến họ. Bố thí cho những con người khốn khổ này, đa phần là những người già cả đã nghỉ hưu. Gặp ngày rét buốt, nhóm phụ nữ trong đoàn hành khất quấn khăn kín mít, chỉ hở đôi mắt mở to, long lanh ngấn lệ. Những hôm như thế, có bao nhiêu tiền mẹ đưa để ăn quà vặt, tôi đều mang ra tặng hết cho những người đàn bà quỳ.

Rồi tới một hôm, ở cuối phố Leipziger, xế ngay trước cửa hiệu giày Deichmann, xuất hiện một người Đức ăn mày. Ông ta cao, gầy, râu tóc rối bù, một bàn chân quấn băng trắng toát. Chễm chệ trên chiếc ghế bạt gấp, ông luôn tỏ ra chăm chú với tờ báo “Trung Đức” trên tay. Phía trước mặt, bên cạnh ống bơ đựng tiền là một tấm bìa cứng, với dòng chữ viết theo lối cổ khá đẹp:

“Nếu như ông bà không làm phúc cho tôi được một xu,

thì xin ông bà hãy nở một nụ cười cho cuộc sống!”.

Đọc những dòng chữ đó, ai đi qua cũng phải tủm tỉm. Thậm chí, có một số người dừng lại, hỏi han chuyện trò với ông ta. Mấy bữa sau, tôi mới được bố cho biết: người ăn mày này là chú Hans- bạn rất thân của bố tôi.

Cách đây hơn 20 năm, bố tôi rời quân ngũ và ra nhập vào đoàn người sang Cộng hoà Dân chủ Đức lao động. Ông tới thành phố này, làm việc trong phân xưởng lắp ráp, tại nhà máy ô-tô Wartburg. Lúc ông thợ cả dẫn bố tôi tới chỗ chú Hans để giao nhiệm vụ, thậm chí chú còn nhầm bố tôi là người Trung- Quốc. Chú “lườm” bố tôi từ đầu đến chân, tỏ ý không tin tưởng lắm vào cái thằng người bé tý tỵ này. Nhưng nhóm lắp đèn hậu chỉ có hai người, làm việc từ sáng đến chiều cũng chỉ có hai người, nên bố tôi và chú Hans thân nhau ngay. Mỗi khi vận chuyển vật liệu, chú hay dành việc nặng, để bố tôi làm việc nhẹ hơn.Tới bữa ăn trưa, chú thường giành cho bố tôi chai sữa và hướng dẫn bố tôi chọn món. Chú bảo: “Chúng mày  chịu đựng chiến tranh khổ nhiều rồi, bây giờ sang đây đáng được sướng một tí”. Những lúc giải lao, chú hay kể chuyện ngày xưa: thời còn ở trong đội “thiếu niên tiền phong Ten-lơ-man”. Vào những ngày cuối tuần, chú thường cùng các bạn trong đội tổ chức làm “kế hoạch nhỏ”. Dùng tiền kiếm được, họ mua quà gửi sang tặng các bạn thiếu nhi Viêt nam. Ngày ấy, chính bố tôi đã được thưởng một chiếc khăn quàng đỏ, do các bạn từ Đông Đức xa xôi gửi tới. Chiếc khăn mỏng và nhẹ như bông, bố tôi vẫn còn giữ được đến tận bây giờ.

Đến cuối năm 1989, nước Đức thống nhất, hầu hết các nhà máy bị đóng cửa. Hàng ngày, từng đoàn dài người thất nghiệp, xếp hàng trước sở lao động. Lúc ấy, khu nhà công nhân đang ở, bị một ông chủ bên Tây Đức mua lại. Ông ta đã đuổi tất cả mọi người ra, không cho thuê tiếp. Thời kỳ này, người nước ngoài đi thuê nhà là một điều cực kỳ khó khăn. Trước tình hình đó, chú Hans đã cho bố tôi và hai người Việt ở nhờ trong căn hộ hai phòng của mình. Chính việc này đã gây tai hoạ cho chú. Số là, theo dõi thấy có người Việt Nam ra vào khu nhà, bọn  đầu trọc chặn chú ngoài đường và yêu cầu chú phải đuổi họ đi. Chú Hans không chịu, vậy là vào một tối thứ bẩy, bọn chúng bất ngờ phá cửa xông vào. Chúng đánh đập mọi người hết sức dã man. Chú Hans đã bị chúng dùng gậy chơi bóng chầy, đánh gẫy răng cửa.

Mặc dù vậy, chú vẫn không sợ, vẫn cố gắng dẫn bố tôi và mọi người, đi khắp thành phố để tìm việc làm. Nhờ vậy mà bố tôi đã ổn định dần cuộc sống. Bẵng đi một thời gian, một hôm chú Hans buồn rầu bảo với bố tôi rằng:

- Tao sẽ đi lính viễn trinh cho quân đội Pháp.

Chả là lúc ấy có cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Nước Pháp phải đóng góp 2 tiểu đoàn quân cho Liên hợp quốc. Vậy là họ ra thông báo chiêu mộ lính đánh thuê ở khắp mọi nơi, hứa hẹn trả lương cao. Bố tôi hơn chú Hans vài tuổi, vả lại ông đã từng là bộ đội và có kinh nghiệm mấy năm trên chiến trường đánh Mỹ, nên ông bảo:

- Quân đội chúng tao chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chúng tao chiến đấu cho lý tưởng của mình, nên dù có hy sinh tính mạng cũng sẵn sàng. Còn mày, mày định chiến đấu vì ai? Cho một lý tưởng nào vây?

Thấy chú Hans im lặng, bố tôi đã hết lời khuyên chú ấy đừng mạo hiểm đi vào một cuộc chiến “vớ vỉn” như thế. Ngồi trầm ngâm lúc lâu, rồi chú trả lời:

-Tao biết, chiến tranh không phải là chuyện đùa, nhưng tao muốn ra khỏi nước Đức, ra khỏi bầu không khí ngột ngạt này. Tao cần tiền.

Bố tôi bảo: Đơn giản chỉ có vậy thôi - những con người cần lao, hiền lành tốt bụng kia bỗng nhiên trở thành những tên lính viễn trinh đi đánh thê. Đến một xứ sở nào đó, họ sẽ trở nên hung hãn và say sưa cướp bóc bắn giết. Không cần nói ở đâu xa, chính quê hương Việt Nam của chúng ta đã hai lần bị gót sắt của lính viễn trinh Pháp và Mỹ giày xéo. Thời ông nội và bố đã phải cầm súng đứng lên chống lại họ. Xuất thân từ thành phần công nhân và nông dân, thực ra họ cũng chỉ là những nạn nhân ngu xuẩn và đáng thương của những chính sách hiếu chiến.

Đêm ấy, hai người ngồi uống rượu Goldbrand với nhau tới gần sáng.

Chú Hans đi lính thật. Một sáng chủ nhật, chú khoác bộ quân phục màu xanh ô-liu, đội chiếc mũ nồi đỏ có gắn phù hiệu đến tìm bố tôi. Lúc chia tay, hai người đàn ông ôm nhau khóc. Kể từ ngày ấy, bố tôi không còn gặp chú Hans nữa.

Hai mươi năm sau. Mãi cho đến một ngày không chờ đợi, bố tôi đã gặp lại chú Hans. Bố tôi bảo, ông cũng không ngờ phút giây hội ngộ sau bao nhiêu năm xa cách, lại diễn ra thảm hại như vậy: đang từ trên đường về nhà, khi đi ngang qua hiệu giày Deichmann, bố tôi bỗng nghe thấy tiếng một người Đức gọi đúng tên:

-Phiên! Mày còn sống hả? Tao đây, Hans đây!

Quay lại, lúc đầu ông không thể nhận ra người ăn xin hốc hác, râu tóc bờm sờm che kín mặt kia, lại là Hans Thiede - người bạn Đức thân thương nhất của mình trên mảnh đất ngìn trùng này. Chú Hans lập cập đứng dậy trên đôi nạng gỗ. Chú làm đổ cả ống bơ, những đồng xu văng ra tung toé…

Bố tôi bảo: “Sống trên đời, mỗi người đều có một số phận riêng - cái “số” đó, một phần phụ thuộc vào chính bản thân người ấy, còn phần kia thì phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội… Số của chú Hans là số phong trần con ạ”. Tôi không hiểu số “phong trần” là gì, nhưng nghe bố kể chuyện xưa, tôi buồn lắm. Thương chú Hans quá, tôi quyết định đập con lợn tiết kiệm của mình để lấy tiền cho chú ấy. Tất nhiên là cho ít một, vì như bố tôi bảo: “Có bao nhiêu, sợ chú ấy lại nướng vào bia, rượu hết”. Khi hết tiền tiết kiệm, tôi đi bốc trộm xu trong hộp của bố mẹ. Bố mẹ tôi kinh doanh nhà hàng, những đồng xu như thế này, tôi nghĩ, bố tôi không bao giờ để ý tới. Được ít bữa, ông gọi tôi ra nói chuyện đàng hoàng:

-Mai này! chuyện chú Hans là bạn của bố như thế nào, con đã biết. Hiện giờ chú ấy đang gặp khó khăn, chúng ta cần phải giúp đỡ. Bố biết là con vẫn lấy trộm tiền của bố để cho chú Hans. Ăn trộm là một hành vi xấu, nhưng con lại sử dụng nó vào một việc tốt, nên bố không phạt. Nhưng, con phải làm lại cho đúng. Bố và mẹ sẽ giúp chú ấy theo cách của mình. Còn con, sẽ giúp chú ấy theo cách này: con sẽ đi nhặt xu rơi ngoài chợ để giúp chú Hans. Con thấy sao?

Chuyện là thế này, trước mặt quán ăn của bố mẹ tôi có phiên chợ tuần. Trong chợ, có ông Ewin béo phục phịch, là chủ tiệm hiệu bánh mỳ Săng-đuých. Đều như vắt chanh, cứ đến cuối buổi chợ, ông lại dẫn thằng con trai Phillip đi nhặt xu rơi trước các quầy bán hàng . Xu rơi ở đây là của khách mua, khi giở ví ra, họ vô tình để rơi những đồng xu xuống nền chợ đầy cát sỏi. Những hôm nhập nhoạng tối, có khi họ đánh rơi tới cả 2 đồng, không tìm thấy rồi cũng bỏ luôn. Mới rồi, ông Ewin chuyển sang thành phố khác sinh sống, vậy là ông đã bàn giao lại “nghề” này cho bố tôi, với cái vỗ vai rất thân mật:

-Nó là từng xu thôi, nhưng “năng nhặt chặt bị”, cũng khá đấy. Hơn nữa, đó là mồ hôi công sức lao động của mọi người kết tinh lại, đừng chê.

Từ đấy, tôi bắt đầu nhận công việc nhặt xu. Công việc đòi hỏi ở tôi, phải có một bản lĩnh phi thường.

*     *     *

Những bức ảnh mà Daniel chụp được, là bằng chứng không thể chối cãi, không thể lý giải cho công việc kỳ quặc của tôi. Tôi không còn cách nào khác là giữ im lặng. Nhưng rõ ràng, thằng Daniel cố tình gán cho tôi cái tội “ăn xin”. Nhặt xu rơi, không có nghĩa là đi ăn xin. Đứng bên người hành khất, không có nghĩa là đi ăn mày. Thậm chí, trong hoàn cảnh bắt buộc, đi ăn xin còn trong sạch gấp vạn lần đi ăn cắp, ăn trộm.

Đến giờ ăn trưa, tôi đang đứng xếp hàng thì thằng Daniel đến. Nó cố tình cao giọng:

-Mày nhầm chỗ rồi Mai ạ! Ăn xin thì phải đứng dưới kia- vừa nói, nó vừa chỉ tay xuống cuối hàng- chỗ này là của tao.

Rồi không cần biết tôi phản ứng ra sao, Daniel chen ngang vào trước mặt tôi. Sợ nó, tôi đành phải bỏ hàng, đứng xuống dưới. Vivien và Johanna kéo thế nào, tôi cũng không lên. Không chịu được thói ngang ngược đó, các bạn của tôi đến cãi nhau với Daniel. Nó vênh mặt:

-Tốt nhất là chúng mày góp tiền, mua cho con Mai một cái vé không khứ hồi về Việt Nam!

Tủi thân quá, tôi đứng khóc và hôm ấy bỏ bữa trưa. Tôi khóc không phải vì công việc mình đã làm, mà vì tức thằng Daniel. Nó bộc lộ quá rõ thái độ khinh miệt người nước ngoài. Tư tưởng đó, chỉ có ở bọn đầu trọc. Mọi gười xúm lại an ủi tôi, có bạn còn nói, sẽ thưa cô giáo chủ nhiệm vấn đề này. Tuy vậy, họ vẫn thắc mắc:

-Nhưng bạn phải nói cho chúng tớ biết, rằng chuyện gì đã xảy ra?

Tôi đã toan nói ra sự thật, nhưng nghĩ tới chú Hans, nên lại thôi. Tôi không muốn làm tổn thương chú ấy.

Sau khi nghe tôi kể hết chuyện ở trường, bố tôi dành cả buổi sáng đi gặp chú Hans. Thế là tôi lại được biết thêm hoàn cảnh của chú, trong thời gian gần đây nhất:

Sau cuộc chiến ngắn ngủi ở vùng Vịnh, chú Hans trở về Đức. Chú sống ở tiểu bang khác. Có một ít tiền, chú quyết định cưới vợ và sau đó có con. Cuộc sống đang ấm êm, thì đại hoạ giáng xuống gia đình nhỏ bé: vợ chú Hans qua đời sau một tai nạn giao thông, khi ấy đứa con của họ mới lên 6 tuổi. Vẫn chưa hết, ít lâu sau chú bị mất việc làm. Cuộc sống bị đảo lộn quá nhanh. Nhớ vợ, thương con chú bị sốc nặng. Chán đời chú tìm tới bia rượu giải sầu, rồi sinh ra nghiện ngập lúc nào không hay. Thời gian sau đó, chú nghiện nặng đến nỗi, sở Thanh-thiếu niên buộc phải ra quyết định, tước quyền nuôi con của chú. Đứa bé được đưa vào trại trẻ mồ côi mãi tận chân núi Peterberg. Thế rồi, người cha hư hỏng ra nhập đội quân vô gia cư lúc nào không hay. Nay họ đến thành phố này, mai lại sang thành phố khác. Nắng mưa dãi dầu. Có những hôm đói quá, họ phải tìm cả đồ ăn thừa trong thùng rác. Vào những đêm đông, tháng giá, không đủ áo chăn, nhiều người đã gục ngã trên con đường mịt mờ và dài bất tận của mình. Chú Hans vừa say, vừa đi như vậy cho đến một chiều kia, chú bị sốt và nằm lại trên chiếc ghế gỗ trong công viên ở thành phố Dresden. Tại đây, chú đã bị ba tên đầu trọc thuộc tổ chức “Những thanh niên trung thành với quê hương” hành hung. Chú bị trấn thương sọ não và gẫy chân. Sau khi ra viện, chú không còn uống được rượu nữa. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chú thấy mình tỉnh táo. Chú bắt đầu lờ mờ nghĩ về quê hương và nhớ: hình như còn có một đứa con. Cuối cùng, chú đã trở về đây để tìm lại dấu xưa của mình.

Chú Hans là một con người như vậy đấy. Ngày xưa, chú là một đội viên “thiếu niên tiền phong Ten-lơ-man” đáng yêu của các bạn nhỏ Việt Nam. Sau này, chú là người  bạn tốt, giúp đỡ những người lao động Việt trong cuôc sống khó khăn nơi đất khách quê người. Và bây giờ, chú là một nạn nhân đáng thương của xã hội. Vậy, tôi có thể nói gì với các bạn, để không làm tổn thương tới cuộc sống đã quá đau khổ của chú. Hơn nữa, việc làm của tôi cũng chẳng có gì đáng kể, để mà phải nói ra cái sự thật đau lòng ấy. Nghĩ vậy, tôi quyết định giữ kín, không nói với các bạn trong lớp về chuyện này.

*     *     *

Đơn giản chỉ có vậy.

Và tôi sẽ không còn gì để kể thêm cho mọi người nghe về chuyện của chú Hans nữa, nếu như không xảy ra một tình huống quá bất ngờ: chú Hans bị ngất. Do tai biến từ những căn bệnh ủ đã lâu trong nguời, chú Hans bị kiệt sức. Trưa hôm ấy, những người qua đường thấy chú bỗng vã mồ hôi, chân tay run lẩy bẩy, rồi gục xuống. Xe cấp cứu kịp thời đưa ngay chú vào bệnh viện Kroellwitz. Chuyện xảy ra, phải vài hôm sau gia đình tôi mới được biết. Sáng chủ nhật hôm ấy, chúng tôi tới thăm chú. Bệnh viện là một khu nhà hình chữ U bốn tầng, rộng mênh mông bát ngát. Trong phòng chờ và ngoài hành lang, tôi thấy toàn những người mặc áo bờ-lu của y, bác sỹ. Họ hối hả đi lại, tịnh không thấy bóng bệnh nhân nào. Cô y tá nhiệt tình chỉ cho bố con tôi biết số phòng 202. Cô còn nói thêm:

- Ông Thiede cũng có người con trai tới thăm từ hôm thứ sáu.

Cánh cửa phòng vừa mở, tôi giật mình sửng sốt, không thể tin ở mắt mình nữa: thằng bé đang bê cốc nước tới cho chú Hans - không ai khác, lại chính là Daniel. Thật bất ngờ và không thể tin nổi. Tôi cứ đứng như chôn chân ngoài cửa.

Trong khi bố tôi và chú Hans đang bắt tay thăm hỏi nhau, thì thằng Daniel lừ đừ đi tới trước mặt tôi, nó cúi mặt, giọng lý nhí:

- Mai! tớ thành thật xin lỗi bạn về những gì đã xảy ra…Bố tớ đã kể hết chuyện về bạn cho tớ nghe rồi… bạn tốt quá. Cảm ơn nhiều!

Tôi đứng im bối rối, chưa biết nên trả lời thế nào, thì Daniel tiếp:

- Mình tồi quá phải không? Nhưng… mong bạn hiểu cho, từ bé mình đã sống thiếu vắng bóng hình của cha mẹ. Mình không tìm được cuộc sống trong gia đình, nên đã phải đi tìm nó bên ngoài đường phố.

Cuối cùng mọi chuyện đã ổn. Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi cùng Daniel đi đến bên giường. Chú Hans đã khoẻ trở lại và nói với bố tôi rằng: Thời gian thử thách đã qua, sở Thanh-thiếu niên sẽ cho Daniel về sống với bố. Gia đình chú sẽ có nhà ở và nhận được tiêu chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố. Tôi thật sự vui mừng, vì mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp. Trước khi chúng tôi ra về, chú Hans tặng cho tôi một con gấu bông và cũng như bao lần, chú âu yếm gọi tôi là “chim câu bé nhỏ”. Daniel tiễn chân bố con tôi ra tận cửa bệnh viện. Lúc bắt tay tạm biệt, cậu ta ngượng nghiụ cười, trông thật hiền. Tôi biết, Daniel bây giờ đã không còn là Daniel của ngày hôm qua nữa rồi.

Tiết trời đã vào cuối xuân, cái se se lạnh vẫn còn. Nhưng nắng hồng rực rỡ đã trải dài trên lối chúng tôi đi. Những bụi hoa chuông vẫn xoè cánh vàng ươm, khoe sắc hai bên đường xe chạy. Trên kia là trời cao, xanh thăm thẳm. Từng cánh chim câu chao lượn dập dìu, rồi rủ nhau bay mãi về nơi chân trời xa tít.

Halle/Saale, BRD. Lập hạ-Nhâm thìn (2012)