Mùa hè kỷ niệm
Bạn bè trong lớp thường gọi năm đứa con gái nhóm của Hương là “G5 ngũ quỷ”. Bởi vì chúng chơi thân với nhau từ khi mới vào trung học phổ thông và nghịch như quỷ sứ. Ngồi cạnh Hương là một đứa con gái. Nó tên là Huyền - nhưng nó không thuộc nhóm G5. Còn lại cả tổ rặt là nam.
Huyền đen đủi như một khúc củi khô, vóc người thì nhỏ nhắn. Đã đen lại còn gầy, mái tóc xác xơ, không nhuộm mà luôn hoe hoe nắng. Chả mấy khi mà thấy nó bận được bộ áo quần cho nên hồn, nên dáng...
Huyền là con nhà nông chính hiệu, lại nghèo. Nhà cách trường những 13 cây số. Ngồi với nhau đã lâu mà gần như Huyền không bao giờ tham gia vào các hoạt động của nhóm G5.
Đã thế, Huyền lại ít nói, ít cười. Hình như là nó thủ phận, hay vì quá rụt rè thì phải, vì vậy mà chả mấy khi Hương thấy nụ cười xuất hiện trên khuôn mặt gầy và đen khắc khổ của nó.
Cứ một tuần hay mười ngày, sau những ngày học căng thẳng, G5 lại mở đại tiệc.
Ăn chè, trái cây, Oishi hoặc bánh bột lọc gì đó...Nhưng dù có nài nỉ, chèo kéo đến thế nào, thì Huyền cũng tìm cách né tránh cho bằng được.- Có lẽ là do Huyền mặc cảm với nhóm G5 dân thị xã của Hương chăng!
Chính vì lẽ đó, mà G5 cũng không có dịp gần gủi và thiện cảm với Huyền cho lắm.
-Thôi thì mặc kệ nó, cái đồ bủn xỉn, sợ tốn tiền ấy mà!
Một đứa trong nhóm G5 buột miệng nói - Sau một hồi nài nỉ mà bóng Huyền vẫn cứ khuất dần sau hàng cây trước cổng trường. Huyền có một thói quen lạ, hễ tan học là liền leo tuốt lên chiếc xe “Cà tàng cà tạch” phóng thẳng một mạch về nhà - Bất kỳ lúc đó dù là trời đang mưa hay nắng. Có khi nó ...còn quên cả sinh hoạt Đoàn nữa chứ. Huyền lặng lẽ, cặm cụi, côi cút như cô bé lọ lem trong câu chuyện cổ tích vậy.
Nó cũng hay đi học muộn, đôi khi còn nghỉ không phép nữa. Đã bao tuần, bao tháng, thành tích phấn đấu của lớp, chỉ vì nó mà bị đổ xuống sông xuống biển hết. - Bực ơi là bực! giận ơi là giận.
- Phen này phải làm cho ra ngô ra khoai đã, đến đâu thì đến! - Một đứa trong nhóm G5 buột miệng nói.
Nhưng đã hơn vài lần ban cán sự lớp – mà chủ yếu là các thành viên của nhóm G5 - đưa ý kiến lên thầy chủ nhiệm: Đề nghị đổi Huyền đi lớp khác, hoặc ít ra là tổ khác.
Nhưng không những thầy không đồng ý, mà còn trách cho cả nhóm một trận:
-Các em là những cán sự, những học sinh gương mẫu của lớp, gia đình lại ở thị xã, điều kiện kinh tế cũng khá giả. Các em nên tìm hiểu xem bạn cần gì, gặp vướng mắc gì, để giúp đỡ, chia sẽ, chứ sao lại xử sự như vậy! Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chắc là các em chưa chiụ gần gủi để hiểu và san sẻ cùng Huyền đó thôi. Nếu như bất kỳ trong tổ hoặc trong lớp có học sinh nào đó gặp điều kiện khó khăn không thể hoàn thành trách nhiệm, ảnh hưởng đến phong trào của lớp thì đều bị đổi. Thử hỏi, ai dám ngồi và học cùng các em nữa?
Thầy nhắc cho các em biết: Huyền vốn là một học sinh ngoan chịu thương, chịu khó. Nhưng vì gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, nhà neo đơn, ở xa trường, kinh tế còn nhiều khó khăn... Giá như các em gần gủi, hiểu và giúp đỡ Huyền cùng tiến bộ thì hay biết mấy! Các em, cũng đừng vì ham chạy theo thành tích, mà đâm ra mất tình cảm.
Cả nhóm G5 lúc đó ai cũng cứ nghĩ rằng thầy quan liêu, không quan tâm tới phong trào, chất lượng học tập của lớp, nên nói đại như vậy.
Ức! Ức quá đi mất! Thầy mà cũng bênh nó à?
Nhưng dù sao, sau khi nghe thầy chủ nhiệm phân tích, nghĩ lại thì Hương và các bạn cũng thấy mình cũng quá đáng với Huyền lắm thay.
Thôi phen này phải quyết điều tra, tìm hiểu rõ nguyên do vì sao thầy lại nói như vậy đã.
Không hiểu từ đâu mà Huyền lại biết được chuyện này. Nó buồn lắm. Trong buổi sinh hoạt tổ nó khóc sướt mướt và chỉ nói được mỗi câu:
- Huyền biết lỗi rồi, bấy lâu vì mình ảnh hưởng phong trào của lớp, làm cho các bạn và thầy chủ nhiệm phiền lòng nhiều quá. Nhưng cũng là do hoàn cảnh gia đình của Huyền đang gặp khó khăn đột xuất. Mong các bạn và thầy giáo thông cảm giùm. Huyền hứa từ nay sẽ cố gắng sửa chữa khuyết điểm.
Hứa thì hứa vậy, chứ không một ai lại tin là Huyền sẽ khắc phục yếu kém của mình để tiến bộ một cách mau chóng.
Nhưng vẫn phải tin và chờ đợi.
Khác với suy tưởng của mọi người, kể từ dạo đó, Huyền không bao giờ đi học muộn và gần như là không bao giờ vắng mặt ở lớp nữa. Bạn đã tiếp thu ý kiến góp ý và sửa chữa sai lầm một cách nghiêm túc. Đôi khi Huyền còn tranh thủ đến sớm để giúp một ai đó làm trực nhật...
Phải công nhận Huyền là một cô gái khéo tay đáo để. Cái gì bạn làm cũng nhanh và đẹp. Chỉ mỗi tội sức học của Huyền không được toàn diện cho lắm. Cố gắng lắm Huyền cũng mới có một điểm 7 trong kiểm tra môn toán. Còn các môn văn và xã hội khác thì Huyền học tốt hơn một chút. Riêng môn Anh văn thì Huyền học quá kém vì về nhà không có thời gian luyện thêm. Nhưng không lo, Hương và các bạn đã có kế hoạch truy bài tại lớp để giúp đỡ rồi. Cứ kinh nghiệm thực tế mà ứng dụng thì môn nào chứ môn ngoại ngữ thì học qua đối thoại trao đổi là mau tiến bộ và lại làm cho nhớ lâu nhất. Người ta bảo: “Học thầy không tầy học bạn chính là ở chỗ đó.”
Thế nhưng... cánh cửa vào tâm hồn Huyền vẫn như bị đóng băng, khoá chặt. Nhiều lúc bạn buồn, mà không ai biết buồn vì cái gì. Ngồi trong lớp mà đầu óc Huyền cứ như để tận đâu đâu. Hỏi thì nó chỉ nói khẽ :
- Không có gì cả mà!
- Hay là mày iu rồi? Đứa nào? Để bọn tao giúp đỡ cho! Tao nghe nói bọn con gái nông thôn iu sớm lắm!!!
Cả bọn G5 phì cười vì câu trêu đùa quá hiểm của của Hà.
Huyền giẫy nãy lên:
- Đâu... đâu có... đâu mà...!
Rồi đôi mắt ấy lại buồn, lặng im như cũ.
Thế rồi mọi việc qua mau, cả nhóm “G5”ai cũng đạt học giỏi hoặc tiên tiến. Riêng Huyền vì cố gắng quá muộn nên điểm tổng kết chỉ đạt 6,3 thôi. Nhưng thế cũng vui lắm rồi.
Trong buổi họp cuối cùng của lớp, thầy chủ nhiệm rất phấn khởi. Thầy biểu dương cả nhóm chúng tôi có tinh thần học tập tốt, biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẩn nhau.
Cả nhóm của Hương vô cùng vui sướng, ôm lấy nhau nhảy tưng tưng, như trẻ lên ba được mẹ cho quà.
Nhưng Huyền vẫn cứ chứng nào tật đó. Tan trường là về nhà ngay.
Nhóm ngũ quỷ thì lại kéo nhau đi chơi xả láng, đến chiều tối mới chịu chia tay ai về nhà nấy.
Đến giữa tháng 6, khi đã ngồi ở nhà chán chê. Cả bọn lại rủ nhau đi pic-nic đâu đó. Theo đề xướng của Hà thì nên về nơi quê ngoại của nó.
“Nơi có con sông xanh biếc, có cánh đông thẳng cánh cò bay, có bãi cỏ chăn trâu và thả diều thơ mộng. Bầu trời xanh lộng gió nồm nam...”
Nghe mà đến phát thèm. Chúng hoàn toàn nhất trí.
Đạp xe miết hơn một tiếng đồng hồ, rồi cũng đến được quê ngoại của Hà. Sau khi nghỉ ngơi, uống nước, cả bọn dắt nhau thơ thẩn đi theo con đê dọc bờ sông để hóng gió, ngắm cảnh.
Đứa nào đứa nấy bận áo quần diêm dúa như diễn vên Hàn Quốc. Khiến cho lũ trẻ chăn trâu lần đầu tiên trông thấy, cứ há hốc mồm, trố mắt nhìn, như nhìn những vật thể lạ từ hành tinh khác rơi xuống.
Mặc kệ! cả nhóm vẫn vờ như không có chuyện gì xảy ra, chúng vừa đi vừa tán chuyện trời, mây, non nước...
Cảnh vật nơi đây đẹp hơn nhiều so với những gì mà Hà mô tả.
Dòng sông trong xanh, soi bóng đôi hàng tre. Trời cao mây trắng bồng bềnh, những cánh diều lơ lửng trên không trung. Xa xa, đàn trâu đang thoải mái sau một thời gian dài giúp nhà nông làm nên vụ mùa chín mẩy. Những thửa ruộng vừa mới gặt xong, còn trơ gốc rạ. Tiếng lũ trẻ chăn trâu vô tư đuổi bắt dậy vang cả góc trời....
Những ngọn gió mát mơn man nhè nhẹ vén những mái tóc thơm bồng bềnh trước gió.
Đằng xa, nơi những đầm nước hoang, có vài người chạy lui chạy tới. - Họ đang cất te - vớt tép - một công việc khá nặng nhọc, đòi hỏi nhiều công sức. Phải đi lui đi tới, dầm nước, dãi nắng suốt ngày, mà thu nhập thì chả đáng là bao.- Vì sản phẩm của họ chỉ là những mớ tép ruộng mà thôi.
Nhưng vào thời điểm này thì hình ảnh đó như là một nét chấm phá độc đáo của bức tranh quê hữu tình. Cả nhóm tò mò lại gần xem.
Một đứa con gái chừng 15-16 tuổi đang cất te vớt tép. Nó mãi say sưa với công việc đến nỗi khi chúng tiến lại gần mà chả hề hay biết gì hết.
Cô bé đội chiếc nón lá rách vành, xơ xác, đã ngã sang màu đen của bùn và mưa nắng. Hai ống quần cũ, bị rách ngang tận gối, te tua, trông thật thê thảm.
Bên cạnh là một cái chậu to, đựng đầy những con tép còn tươi nguyên, vừa bị cất lên khỏi mặt nước. Những đôi mắt đen lay láy của chúng đang tinh nghịch nhìn chúng như muốn hỏi: “Từ đâu đến và đến để làm gì? Sao nhìn cái gì cũng lạ lẫm thế?”.
Tép trong chậu đua nhau búng tý tách, trông cũng thích thích làm sao.
- Tép này, bán thế nào đây em ơi? - Con Gái cất tiếng hỏi.
Cô bé giật mình, ngừng tay, quay ngoắt lại. Chiếc nón cời trật xuống, rơi ra khỏi đầu.
Tất cả bỗng sững cả lại, “Ô! Ô!... !” lên một tiếng kinh ngạc.
- Ôi Huyền... cậu đó hả? - Con Hà nhanh nhảu thốt lên.
Vâng! trước mắt chúng chính là Huyền mà không thể là ai khác. Đôi mắt đen của Huyền vốn to lại càng to hơn, tròn nay lại càng tròn hơn.
Huyền cũng sững cả người, mấp máy mãi mới nói được một câu:
- Mình đi cất tép về bán, các bạn đi đâu vậy?
- Bọn mình về đây đổi gió ấy mà. Không ngờ gặp bạn ở đây. Hay quá!
Huyền không nói gì, cúi nhìn xuống chân có vẻ như xấu hổ với bộ dạng của mình lúc này lắm. Tay chân nó trở nên lóng ngóng đến nỗi làm rơi cả chiếc nón cời xuống đất. Con Gấm hiểu ý, nó vội lao tới, nhặt chiếc nón lên và ôm lấy Huyền lắc lấy lắc để.
- Không! Không có gì phải đáng xấu hổ cả Huyền ạ! Chúng mình là dân thị xã, nghỉ hè không có việc gì làm, nên đi chơi rong. Cậu có việc giúp gia đình. Thế là quý lắm rồi! Nào chúng ta cùng làm cho vui. Bạn có đồng ý cho chúng mình làm cùng không?
Không đợi Huyền kịp phản ứng, cả bọn chạy ùa vào, ôm chầm lấy Huyền lắc lấy lắc để như thể đang tranh nhau nựng một đứa con nít dễ thương vậy. Huyền giẫy nãy lên tru tréo:
- Ui ui! Mình đã làm giây bẩn hết áo quần của các bạn rồi.
Cuốí cùng, chúng cũng thuyết phục được Huyền nhượng bộ cho chúng được làm việc. Đứa nào cũng xăng xái, chạy lui chạy tới, nói cười hể hả quên cả mệt nhọc, đói khát.
Đến khi mặt trời tắt nắng, lặn xuống sau những dãy núi phía tây, cả bọn mới giật mình sực nhớ đến nhiệm vụ là phải về nhà. Số tép cất được cũng kha khá - gần một chậu to đầy.
Con Gái đề xuất:
-Ngày mai, chúng mình mua ít vải màn, tre, làm thêm nhiều cái te nữa, để cùng đi bắt tép với Huyền cho vui.
Đứa nào cùng hồ hởi tán thành. Duy chỉ mình Huyền là vẫn thủng thẳng giọng như một bà cụ non:
-Huyền là dân quê, gốc gác vốn là người nhà nông, đã quen mưa nắng rồi. Các bạn thích thì cứ đi theo xem, động viên là quý rồi. - Ngừng một , rồi Huyền tiếp.- Hơn nữa, đây là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình, nên dù mệt, Huyền vẫn phải cố. Huyền cũng mong được như các bạn lắm chớ. Ai đời các bạn lại đụng vào bùn nước làm chi cho nó đen tay, nám da, bẩn áo quần...khổ lắm!
Con Gấm lại mở miệng chen ngang:
-Thì bọn tao đi làm cho vui ý mà. Hơn nữa có làm mới hoà nhập với cảnh đồng quê thơ mộng nhà mày chứ. Hay là mày sợ tao đi theo ăn cắp nghề mày hả? hi hi...
Con Gái hễ không mở miệng thì thôi, nó mà mở miệng thì đố ai chối cãi nổi.
- Ừ làm thì làm.- Huyền bất đắc dĩ phải đồng ý.- Nó nói lúng búng vẻ hờn dỗi. - Nhưng cầm cái này về cho mình cái đã.
Huyền cứ một hai, nài bọn Hương cầm một mớ tép về cho bằng được. Biết tính Huyền, nên chúng đành nhượng bộ, nhưng quả thực chúng không biết nên phải xử lý như thế nào! - Nếu đưa mớ tép tươi đó về theo.
Khi cả nhóm vừa về tới nhà thì thấy bà dì của Hà đang chờ sẵn bên mâm cơm. Bà réo lên khi chúng vừa thấp thoáng ở đầu ngõ.
- Trời ơi...! Tưởng tụi bay chết rụi ở đâu rồi chớ. Lại còn bắt tép nữa à? Gớm! Coi lại quần áo tụi bay coi! Có ông trời mới giặt sạch được.
Cả bọn biết lỗi nên chỉ nhìn nhau cười cười, rồi lủi nhanh ra bể nước gần giếng để gột giặt.
Dì của Hà vẫn chưa hả giận, bà bước theo tru tréo:
- Đi teo hết áo quần xịn, áo mô đen rồi các cháu ạ! Ngày mai về thị xã, mang bộ áo quần này dạo phố thì mốt lắm đây. Hê hê... Nào! đưa bao tép đây để tao quẳng cho mấy con vịt bầu nó ăn cho mau nậy*.
Hương bỗng thấy tê dại cả người vì câu nói quá vô tình đó. Còn con Hà thì giãy nảy lên:
- Ui ui! dì ơi! Dì đừng quăng đi, công lao của bọn cháu cả buổi chiều đó.- Nó phụng phịu, rồi làm mặt doạ - Dì mà không nấu tép cho bọn cháu ăn, thì cháu rủ bạn cháu về thị xã ngay bây giờ đó.
Bà ta bất lực, ngúng ngẩy cầm mớ tép quay đi, miệng lầm rầm:
- Cái con... giống tính mẹ mày như đúc, ưa chi là đòi cho bằng được.
Hương sung sướng huých nhẹ cùi tay vào Hà, nháy mắt nói:
-Xem ra dì mày thương mày quá trời nhỉ!
Nó vênh mặt lên vẻ đắc thắng:
- Còn phải nói! Giơ cao đánh khẽ ấy mà.
Tội cho bà dì của nó, đã ngót 50 mươi mà vẫn vào ra côi cút lủi thủi một mình trong ngôi nhà lạnh lẽo.
Theo con Hà kể thì:
Ngày xưa, dì cũng đã có một đời chồng. Chú ấy là bộ đội, cứ đi biền biệt quanh năm suốt tháng, ít có dịp về nhà, nên hai người quyết định chưa sinh con. Rồi chú tham gia chiến dịch, mấy năm đầu thì có thư đi thư về, nhưng về sau biệt tin tức luôn. Dì ở nhà chờ đợi. Hy vọng rằng chỉ vì chiến tranh mà cách trở thông tin tạm thời mà thôi.
Rồi một hôm, người ta gửi cho dì cái giấy báo tử.
Bao hy vọng đợi chờ dồn nén bấy lâu, bỗng bật lên thành tiếng khóc. Dì ngất lịm, mê man, rồi im lặng suốt mấy tháng liền.
Từ đó, dì sống gần như ít giao lưu, quan hệ với bên ngoài. Cũng đã có đôi người gợi ý cho dì đám này, đám nọ làm bạn, để có đôi có đũa, vui vẻ cửa nhà. Nhưng dì lại lặng im từ chối. Mà đàn ông, những có ý tán tỉnh dì, khi đến nhà, thì mấy ai chịu nổi cảnh dì lặng lẽ thắp hương đứng hàng giờ trước bàn thờ chú ấy. Dì ít nói, nên đàn ông, ai cũng không biết khơi mào câu chuyện từ đâu, cuối cùng đành kéo nhau lủi hết. Thành thử dì vẫn côi cút như xưa.
Chính vì lẽ đó, mà hàng năm, đến kỳ nghỉ hè, là Hà lại về đây để dì đỡ bớt cút côi...
Cơm đã dọn ra, cả nhóm không ai bảo ai, ngồi tuốt xuống chiếu.
Không rõ là do quá đói, hay là soong canh khoai lang nấu với tép tươi ngon lạ miệng, mà lũ ngũ quỷ xực hết cả nồi cơm to tướng.
Bà dì của Hà nhìn bọn chúng tủm tỉm sung sướng:
- A !...thì ra... lũ này cũng thích canh rau lang tép ruộng nhỉ? Tưởng đòi hỏi chi! Chứ thứ đó, xứ này không thiếu.
Con Hà vặn lại:
- Thế lúc nãy không phải dì định quẳng cho vịt ăn đó sao?
Bà trừng mắt quát:
-Vịt nào? Nhà tao làm gì có con vịt nào! Chính chúng bay là vịt đó.
Cả bọn bật cười rũ rượi, dì cũng cười.
Chợt trên mí mắt dì ngấn ra hai giọt lệ nóng hổi, lấp lánh trong ánh điện huỳnh quang. Cả nhóm chột dạ, nhìn nhau im lặng.
Rồi dì kể cho chúng nghe về hoàn cảnh đặc biệt của Huyền.
Nhà Huyền rất nghèo. Ba Huyền bị bệnh mất khi Huyền vừa thi đỗ phổ thông trung học. Huyền chỉ còn lại mẹ và hai em trai nhỏ. Cả nhà nhờ vào sức lao động nơi bạn tay mẹ bạn. Thương mẹ, ngoài buổi đi học Huyền còn tranh thủ giúp mẹ một số công việc đồng áng của người cha để lại. Thời gian rảnh, Huyền còn tranh thủ đi cất tép về ăn và bán để lấy tiền trang trãi học hành.
Nghe đến đây, bất giác tất cả bọn G5 ôm nhau khóc rưng rức. “Huyền ơi! thế mà bấy lâu bọn mình cứ nghĩ oan cho bạn, mà bạn cũng không hề than thở nói ra để chúng mình cùng chia sẽ. Bạn lại can tâm chịu những lời trách cứ của bọn mình mà không hề oán giận...Thì ra bọn mình vì gia đình quá đầy đủ nên dửng dưng trước hoàn cảnh của người khác hu... hu hu...”
Chúng khóc nhiều đến nỗi bà dì Hà phải lên tiếng can ngăn:
-Thôi! Hối lỗi như thế đủ rồi! Nghĩ cách mà giúp nhau, chứ khóc than hỏi được ích chi.
Lời nói của dì làm chúng bừng tỉnh. Cả nhóm bàn cách để giúp Huyền. Nhưng nghĩ mãi vẫn chưa có cách nào cho toàn vẹn, có vẻ khả thi cả.
Vì nếu làm không khéo, sẽ đụng chạm tới lòng tự trọng của người ta, thì lúc đó tác dụng sẽ ngược lại với sự mong muốn.
Sáng hôm sau, chúng rủ nhau đi chợ cùng Huyền, vừa để tham quan chợ quê, vừa tìm cách giúp Huyền bán sản phẩm.
Vì là chợ quê nên người bán kẻ mua cũng thưa thớt, hàng hoá cũng nghèo nàn lắm, chủ yếu là các mặt hàng nông sản - Thứ mà gần như nhà nào cũng có. Tép ruộng thì đông người bán, ít người mua, nên khi bán xong, bọn chúng về hơi bị trưa.
Hương dần dà gần Huyền hỏi khẽ:
- Huyền à, cái món này khó bán vậy hả? Có cách nào để bán chạy hơn không?
Huyền thở dài não nề, thất vọng.
- À... thì hôm nào có mấy bà thị xã lên mua số lượng lớn để về làm món tép chua, thì bán hơi rẻ, nhưng về sớm. Còn bán mớ, bán lẻ thì phải ế, có khi còn phải đem về nữa chứ. Ở đây, có người họ mua tép nhưng cũng chỉ cho vịt,, hoặc lợn ăn mà thôi. Riêng mình, hôm nào ế là lại đem về phơi khô, hoặc làm tép chua ăn dần vậy.
- Thế cách làm tép chua có khó khăn lắm không?
- Không khó! Ở đây, nhà nào cũng làm sẵn vài hủ để ăn chơi. Hôm nào, bạn sang nhà mình ăn thử, món tép chua dầm cà hoặc chấm rau muống, rau lang luộc thì tuyệt vời.
- Thế sao bạn không làm tép chua để bán có dễ hơn không?
Câu hỏi khá ngớ ngẩn của Hương khiến Huyền phì cười. - Một nụ cười khá hiếm hoi trên gương mặt vừa gầy, vừa đen của cô bạn nhỏ.
- Cái gì nhà mình có thì người ta cũng có. Ai đi mua những cái nhà mình có bao giờ, ngớ ngẫn quá cô lớp trưởng “Hương Gà” ơi!
Lần đầu tiên Huyền gọi Hương bằng cái biệt danh đó. Nhưng Hương không hề giận, mà trái lại cảm thấy vui vui. Vì từ đây, Huyền đã hoà nhập, cởi mở - ít ra là với nhóm G5.
Thế rồi Hương chợt hiểu ra một điều.
Chiều chiều, khi mặt trời đã bớt đi những tia nắng réo rắt, chúng lại rủ nhau ra đồng cất te cùng Huyền. Sáng sáng, lại cử 2 đứa ra chợ bán tép cùng Huyền.
Khi nào cũng vậy, bọn chúng bán hết trước và được giá hơn Huyền. Có khi lại còn bán giúp cho Huyền nữa.
Nhưng nếu cậu ta ở đó là chưa bán được. Hễ Huyền gửi hàng đi đâu đó thì tức khắc... hàng bán được ngay và rất được giá. Mấy bữa đầu, thì cả Huyền và mẹ Huyền rất đổi ngạc nhiên, nhưng nhiều lần quá, nên họ cũng đâm ra nghi ngờ. Mà chả biết làm sao để khám phá ra bí mật đó được. Bởi vì ngày nào chúng cũng gặp những người dân thị xã lên để mua tép về chế biến mà. (Quả thật, chúng có gặp một đôi người trong số họ, nhưng những người đó lên đây, không phải để mua tép, mà họ đến chợ quê này để cất trái cây, gia cầm hoặc gạo ngon, rẻ, chính hiệu về thị xã bán lại lấy lời. Chúng cũng đã cố nài nỉ, nhưng họ chỉ mua dùm cho chúng một mớ nhỏ mà thôi. Bữa sau, hễ thoáng thấy chúng là họ lỉnh ngay, kẻo bị nài ép mua tép về. Khổ lắm!)
Số tiền bán tép được bao nhiêu là chúng lại giao cả cho Huyền. Nhưng bao giờ cô bé cũng đòi chia đôi cho bằng được. Cuối cùng, con Gái phải đứng ra nói nhẹ:
- Huyền cho bọn mình gửi ở đó cũng được mà.
Thấm thoắt thời gian hẹn với gia đình đã hết. Cả bọn phải vội vàng khăn áo về nhà để chuẩn bị cho năm học mới.
Hôm nhóm G5 lên đường về nhà, Huyền cùng mẹ và hai đứa em nhỏ ra đưa tiễn, quyến luyến như tiễn những người đi xa sẽ rất lâu ngày trở lại.
Bà mẹ Huyền còn bắt chúng mang theo một giỏ nặng đầy nào là khế, ổi, xoài... Toàn là những thứ bọn thị xã thích cả. Trên thị xã cũng có nhưng rất đắt và không tươi.
Huyền còn trao cho Hương một gói nhỏ, được bọc cẩn thận và dặn: “Lên đến nơi mới được mở.”
Chúng còn láu cá xin thêm một đứa vài hộp tôm chua “đặc sản “để về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Khi về tới thị xã, việc đầu tiên của chúng là mở gói quà ra xem.
Thì ra, trong đó là một quyển lưu bút và gói giấy bọc 450 ngàn đồng. ( Số tiền bán tép mà Huyền vẫn đòi chia đôi). Trang đầu của quyển sổ ghi dòng chữ nắn nót: “- Cảm ơn các bạn nhóm G5 đã đem đến cho Huyền một mùa hè thú vị, đầy ý nghĩa. Đó sẽ là sức mạnh giúp cho Huyền và gia đình vượt qua những khó khăn trước mắt, hướng tới tương lai. Tình cảm chân thành của nhóm G5 sẽ mãi là kỹ niệm sâu sắc trong cuộc đời Huyền. Kể từ đây, Huyền biết rằng: luôn luôn có những người bạn tốt bên cạnh mình, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, buồn vui cùng Huyền!”
Cả nhóm nhìn nhau cười, rơm rớm nước mắt. Hương “gà” ôm quyển sổ vào lòng mà thổn thức:
- Huyền ơi! Đáng lẽ bọn mình phải cảm ơn bạn mới đúng chứ, cảm ơn những người dân quê tốt bụng thật thà, như dì của Hà, mẹ bạn... Đã không quản nhọc nhằn tạo ra nhiều sản phẩm dân dã nhưng vô cùng quý. Chính họ đã đem đến cho bọn mình một kỳ nghỉ hè thú vị, đầy ý nghĩa. Chính những người dân chất phác nơi thôn quê, đã giúp chúng mình hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống. Nó vốn không phẳng lặng như bấy lâu nay ta hằng tưởng. Mình hiểu! Muốn vươn tới tương lai thì phải hiểu thế nào là vị mặn chát của giọt mồ hôi, vị ngọt đậm đà của bát canh rau khoai, hương vị khó quên của quả cà dầm tép chua giản dị!
Giản dị, nhưng mà sâu thắm tình quê! Từ đây, mình cũng hiểu ra rằng : Cái gì cũng sẽ ngon hơn, quý hơn nếu như người dùng đã từng đổ mồ hôi để tạo ra nó.
Riêng số tiền mà Huyền gửi lại, cả bọn quyết định dùng để nộp vào khoản tiền học phí của Huyền năm tới. Chắc là chưa đủ, nhưng cũng có thể giúp nó giải quyết bớt những khó khăn trong cuộc sống. Lúc đó, dù Huyền có từ chối cũng không thể được.
Hương bỗng hình dung ra nét mặt rạng rỡ của Huyền khi bước vào năm học mới. Năm học cuối cùng của bậc học phổ thông.
Khi cả bọn đang sửa soạn bước vào năm học mới thì một tin vui chợt đến với chúng nó. Số là sau khi mẹ Hoa cho khách hàng dùng thử món tép chua dầm cà mà bọn chúng vừa đem về. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Vậy nên bà đã quyết định: “Từ nay trở lên, nhà hàng của mình phải nhập món đó thường xuyên, để làm món khoái khẩu cho khách hàng”.
Thế là Huyền vui rồi, bạn có thể tự tin bước vào năm học mới.
Hữu Đạt
Vĩnh Hoà 14-8-2009
=========
*Mau nậy - Chóng lớn (tiếng địa phương)
Tin cùng chuyên mục
Bà Ngàn
05/06/2013