Bà Ngàn
Trên đường về quê, đang ngủ gật ngủ gà, tôi nhận cuộc gọi của ông anh đồng hương: “Khi em ra cho mẹ anh đi với nha!”. Tôi OK liền. Thời điện thoại di động phối kết hợp “tập quán chè xanh” quê tôi, tạo nên hệ thống thông tin liên lạc nhanh nhạy thật.
Ảnh mang tính minh họa
Chả là, tôi điện báo ba, chiều con có mặt ở nhà. Ông đang “văn hóa chè xanh” cùng hàng xóm. Loáng sau, con cháu khắp nơi xa gần quê tôi đều biết tôi đang về. Anh Phố, một trong số đó, nảy ý định tiện thể nhờ tôi đón mẹ ra chơi.
Mẹ anh Phố, bà Ngàn năm nay kém một đầy tám mươi tuổi ta. Bà còn khoẻ lắm, ngoại trừ cái chân đi cà nhắc do di chứng bệnh khớp. Đây là lần thứ hai bà rời luỹ tre làng. Lần trước hơn hai mươi năm rồi. Khi anh Phố sinh cháu đầu lòng. Đi bằng xe khách. Chen lấn xô đẩy khổ lắm con à!
- Con coi chơ! Ơn Đảng ơn Chính phủ! (câu nói cửa miệng của bà). Con có cái xe này. Ơn con chơ! Bà được đi nhờ xe con! Hắn êm chơ! Thích thật con hè! Êm ru!
Quê tôi còn lạc hậu, vất vả lắm. Người quê tôi vẫn mộc mạc, chân chất như xưa. Nhưng so hồi tôi còn bé, điều kiện vật chất đã được cải thiện nhiều lắm rồi. Gần đây, năm nào tôi cũng tranh thủ về quê, chớp nhoáng. Chỉ kịp quan sát quê hương với thay đổi diện mạo bề ngoài, ít có điều kiện tìm hiểu cuộc sống nội tâm người dân quê. Nay có dịp đi cùng bà Ngàn một chặng đường dài, tôi tận dụng cơ hội nghe bà, người trong cuộc tự nói về quê.
- Con coi chơ! Ơn trên chơ! (lại một câu cửa miệng nữa của bà). Quê ta bây giừ sướng lắm con nờ. Hắn không như hồi xưa các con đâu. Ngong bay hồi đó rành tội. Một buổi đi học, một buổi đi mót lúa mót khoai, mò cua bắt cá, chăn trâu cắt cỏ, rồi hái củi tề, gánh cho è cổ. Đứa mô cũng rứa, ăn thì chẳng có, mặc thì rách rưới. Bây giừ a. Không ai đói nữa mô.
Bây giừ a. Sướng lắm. Nhà nào cũng có của ăn của để cả rồi. Nhà cửa khang trang cả rồi. Chính sách của trên thì không nói hết nữa. Như nhà bà con coi, hai ông bà, điện không dùng mấy, thế là cuối tháng, không những không mất tiền mà còn được phát năm, sáu nghìn nữa chơ. Xóm ta a, được tiêu chuẩn mấy hộ nghèo, họp thống nhất chia đều cho cả xóm. Con nói làm thế không đúng a, nhưng cả xóm vui vẻ đoàn kết con à, khỏi thắc mắc tị nạnh nhau, bầu bán chi cho cãi nhau ra.
Trên lo cho dân hơn cha hơn mẹ con à. Trước con nhớ chơ, năm mô cũng hạn, năm mô cũng lụt. Bây giờ a, thủy lợi bơm nước chống hạn, chống lụt quanh năm. Nhà mô thích thì cứ đào bờ cho nước chảy vào ruộng nhà mình, không thích thì đắp chặn lại. Phí a, miễn phí con à. Chẳng phải đóng một đồng nào tiền thủy lợi. Lâu lắm rồi cũng chẳng phải đóng một đồng nào tiền thuế nông nghiệp. Mần được răng ăn cả con à. Tết a, được phát tiền, phát gạo nếp ăn Tết. Con coi chơ, có ra sướng mô nựa. Cha mẹ có ai lo cho con được như rứa không?
Bà tiếp: Con coi chơ! Trên vận động đời sống văn hóa mới nha. Bây giừ a, có người chết không tổ chức ăn uống linh đình nữa mô. Cả xóm đến giúp, phúng viếng, tiễn đưa nhưng không ăn cơm. Để cắt cử người phục vụ nhà đám, trưởng xóm sẽ bồi dưỡng tiền công, ba mươi nghìn một ngày nha, chi theo quy chế đó. Công to việc nhỏ của xóm đều mần theo quy chế cả. Kinh phí hoạt động a, mỗi nhà đóng ba trăm nghìn một năm, rồi lại thêm các khoản như các con, như anh Phố nhà bà cho nữa chơ. Chi có hết mô nạ.
Về khoản này, đúng thật, thành phố nơi tôi ở, các vùng quê tôi đã qua đều chưa thực hiện được. Có một dịp tôi về dự đám ma ở Thái Bình. Gia chủ nhiệt tình quá không thể từ chối ăn cơm. Đoàn có sáu người, các cụ nhất quyết chỉ cho ngồi mâm năm, một người đành phải sang mâm khác.
Tôi thích cái vô tư chất phác đến ngây thơ của bà. Tôi như được thấy tuổi thơ mình trong đó. Bà nói giọng quê với những thổ ngữ nguyên gốc, là thứ ngôn ngữ của tôi xưa. Sợ bạn đọc khó hiểu nên tôi đã lược bớt đi nhiều. Bất chợt, tôi giật mình nghĩ, khi thế hệ của bà mất đi sẽ vĩnh viễn mang theo cái tiếng Nghệ thuần chất đó, bởi bây giờ ở quê đã và đang bị tiếng phổ thông hóa quá nhanh. Chẳng nhẽ, di sản văn hóa thiêng liêng này của cha ông không bị mai một trong hàng ngàn năm Bắc thuộc rồi Pháp thuộc, mà lại dễ dàng tự đánh mất trong thời đại văn minh chăng? Tôi nảy ý định sẽ làm một tiểu dự án ghi âm lại tiếng Nghệ ấy để lưu giữ hồn quê.
Dọc đường đi, đến Thanh Hóa trời tối. Nghĩ thương bà một đời lam lũ, chưa được hưởng thụ những tiện nghi sang trọng của đời sống thành thị, tôi đưa bà vào ăn ở Dạ Lan - một nhà hàng cao cấp, và nghỉ đêm ở khách sạn Sao Mai. Tâm trạng bà rất vui, nhưng bà cứ lóng nga lóng ngóng vì cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ. Tôi nói không ngoa, bà giống như người trong truyện viễn tưởng, ở thời đại xa xưa lên nhầm cỗ máy thời gian mà lạc vào thế giới ngày nay vậy. Cũng may, trong chuyến đi này của tôi còn có vợ chồng thầy cô giáo cùng quê nên cô đã giúp tôi giới thiệu, hướng dẫn bà sử dụng những đồ dùng, vật dụng mà tôi là đàn ông nên không tiện.
Đến tiền sảnh khách sạn, choáng ngợp trước toà nhà nguy nga lộng lẫy mà bà chưa được thấy bao giờ chứ nói gì đến chuyện đặt chân tới. Bà thốt lên:
- Con coi chơ! Ơn Đảng ơn Chính phủ! Ơn con thật đấy! Có ra đẹp mô nựa! Bà sướng thật đấy. Thật là như trong mơ con ạ. Bà không nghĩ đời bà được hưởng như hôm nay mô.
Chia tay tôi ở nhà con trai bà, bà liên tục cám ơn tôi và nói với tôi rằng về quê bà sẽ kể, nhất định sẽ phải kể, cho ông nghe, cho bà con ở nhà nghe chuyến đi của bà. Nhìn nét mặt bà rạng ngời hạnh phúc, tôi vui lây.
- Con phải làm chứng cho bà đấy nhé! Về quê bà sẽ kể nhưng chắc mọi người không ai tin bà mô. Mần răng người ta tin chuyện một cái hộp nhỏ như cái tủ, đứng vào trong ấn nút một cái, lại từ tầng một lên được tầng mười cơ chứ. Kín mít rứa mần răng lên? Ai tin chuyện người ta bày hằng hà sa số thức ăn ngon ra bàn rồi thích ăn gì tự lấy mà ăn, no thôi. Hả con?
Tôi nói bà yên tâm. Mọi người sẽ tin bà.
Bà ở chơi với vợ chồng anh Phố và các cháu một thời gian ngắn thì bà về quê. Liền đấy, ông của bà đột ngột ra đi vì chứng cao huyết áp. Không biết bà đã kịp kể cho ông nghe? Và rồi liệu ông có tin bà?...