Răng đau
Không biết cái lão Tạo Hóa hình thù ra sao nhưng chắc chắn là cùng gien với "basa" nhà tôi (nói trộm vía thôi đấy nhé, nhân vật được xếp trên cả ông trời mà nghe thấy thì câu chuyện này sẽ lên dàn hỏa trước khi đến tay một nhà xuất bản nào), vì lão rất thích những trò oái ăm, chuyên môn ứng xử với bàn dân thiên hạ theo kiểu "ghét của nào tao trao của ấy".
Thú thật với mọi người rằng tôi cũng chẳng là nhân vật hay hớm gì cho lắm, nhưng cũng có khối người muốn bắt chuyện với mình, nhất là khi ba hoa ở bãi đá bóng hoặc trong quán bia cỏ, vậy mà phải sống chung với hai nhân vật mà mình không muốn nói chuyện tí nào. Có khổ đời không chứ?!
Người thứ nhất là ai chắc các bạn đoán ra ngay. Bắt buộc phải sống với nhân vật ấy vài chục năm rồi nên kinh nghiệm tôi giắt đầy mình: không kể chuyện gì với hắn để khỏi bị căn vặn, bị mắng mỏ và nghi ngờ. Cũng đừng làm việc gì trước mắt hắn (trừ khi chính hắn bắt mình làm) để khỏi bị chê bai nọ kia.
Từ ngày nhặt được bao cẩm nang chứa hai đại mưu lược ấy (trăm phân trăm là của Khổng Minh để lại nhưng đám con cháu của cái tay Lưu... bị rách đã đánh rơi nên mới mất nước vào tay Tư Mã Ý!) tôi thấy dễ thở hơn khi ở nhà nhưng với nhân vật thứ hai ở công sở thì quả thật là hết cách chấm com.
Vẻ như thằng cha này không tin ai cả. Cộng sự, đối tác trong công việc làm ăn, thậm chí cả vợ con hắn nữa. Hàng ngày phải làm việc với một người như vậy ai mà chẳng cảm thấy đau răng?
Ở công ty tôi người nào cũng tránh tiếp xúc với nhân vật nói trên vì làm bất cứ việc gì cùng với hắn đều rất khó chịu. Không phải những đồng sự ấy thuộc loại cả tin hay có bụng dạ tốt lành đặc biệt gì, nhưng quả thực họ luôn bất ngờ với việc hắn thường xuyên nghĩ xấu về người khác, thái độ cảnh giác trong mọi việc và cách đối xử tàn bạo trong mọi chuyện, kể cả những khi chẳng có lí do gì để phải tàn bạo với người này người nọ. Vậy mà trong nhóm chuyên viên ba người của tôi lại có mặt hắn! Chẳng dám chửi lão Tạo Hóa nhưng trò chơi khăm này thì đến... chó đá cũng phải tìm cách đớp lại một cú mới thỏa dạ!
Được biệt phái sang công ty Liên doanh khá đặc biệt này sau một số người nên lần đầu tiên tôi biết hắn khi cùng ăn trưa với nhau tại phòng ăn chuyên gia, chỉ gồm có hai chiếc bàn xoay với hơn chục người cả ta lẫn vài ông Tây... tính theo quốc tịch vì tóc cũng đen và mũi đều tẹt dí. Đa số là người từng trải nên không khí khá vui vẻ dù mới quen biết nhau. Chàng kĩ sư trong nhóm tôi kể chuyện tiếu lâm tây, hơi sex nhưng đủ độ tế nhị nên tất cả đều cười, chỉ phái yếu có hơi đỏ mặt.
Chợt có người nhận xét món canh hơi mặn, hắn liền tham gia bằng cách kể rằng con vịt nhà hắn (đấy là cách hắn gọi vợ) nấu ăn cũng được, nhưng có bữa canh bị mặn mà hắn thì rất ghét ăn mặn. Chuyện không hấp dẫn nên có người đã bắt đầu chuyện khác, hắn phải kể to lên "... đến bữa thứ hai tôi chẳng chê bai gì cả, cứ lẳng lặng chan canh vào bát của con vịt, hết lại chan tiếp. Mấy lần như vậy cho đến khi cạn bát canh nên sau bữa ăn cô nàng phải lén vào bếp uống nuớc sôi để nguội mấy lần. Từ đấy con vịt cạch đến già, không bao giờ dám nấu canh mặn nữa!"
Cả hai mâm cơm bỗng lặng đi như hóa đá, khiến con ruồi xanh vo ve từ nãy có cơ hội hạ cánh xuống chỏm chiếc phao câu ở đĩa thịt gà luộc. Mọi người kinh ngạc nhìn nhân vật kể chuyện, đầu tiên còn nghĩ hắn kể chuyện hài. Nhưng đó là chuyện thực, sau càng rõ là tay này không kể chuyện hài bao giờ. Có đến mấy phút người ta ngồi lặng đi, sau cùng cô Liên văn thư mới thầm thì vào tai chị Kế toán truởng "Người như thế mà cũng có vợ con được nhỉ!”
Hắn được Thành phố cử sang liên doanh rất đặc thù này. Không biết vì sao lại được cử sang vì phía nuớc ngoài yêu cầu tất cả mọi người, cả chuyên viên được cử lẫn người tuyển dụng qua in-tơ-viu, đều phải giỏi tối thiểu một ngoại ngữ. Lắm công nhiều việc nên nhóm chuyên viên chúng tôi chả ai cật vấn hoặc tò mò chuyện ấy làm chi, đám buôn dưa lê đôi khi cũng vẫy nhưng tôi chỉ xua tay "Biết rùi, khổ lắm, nói mỡi!". Nhưng hắn lại hết sức kèn cựa với những người biết ngoại ngữ, mỗi khi có người nước ngoài trao đổi với nhóm công tác bằng tiếng Anh, dù đồng nghiệp có quan tâm dịch lại để tất cả cùng hiểu nhưng mặt anh chàng cứ tím ngắt, tìm cớ lảng đi chỗ khác.
Tí nữa thì tôi "găp hạn" với hắn ngay hôm đầu tiên cùng làm việc. Cùng nhau đi kiểm kê số thiết bị mới từ nước ngoài chuyển về chuẩn bị lắp đặt cho công trình. Tôi ghi khá nhanh tên các thiết bị vào sổ công tác, còn hắn cứ cẳn nhẳn cằn nhằn "Không phá hòm ra thì biết là cái b... gì mà ghi!”.
Thì ra hắn không đọc được tên thiết bị ghi bằng tiếng Anh gắn ở ngoài hòm, tôi liền dịch ra tiếng Việt gíúp hắn. Vài hòm đầu tiên thằng chả chép lại câu tôi dịch một cách miễn cưỡng, sau đó tự dưng hắn trở nên niềm nở, hỏi liên tục tất cả các loại hòm xiểng từ to đến nhỏ và chép rất tỉ mỉ cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt khiến tôi cứ phải đứng chờ.
Có một người nháy tôi ra ngoài muốn nói chuyện gì đó nhưng tôi không ra. Nào có biết đó là một phúc thần mặc bộ quần áo của nhân viên bảo vệ. Tôi lờ sự giúp đỡ của vị phúc thần đó đi mà không gặp tai họa gì, có lẽ là do sáng hôm đó đã không ngứa chân đá văng con dế mèn ốm yếu mấy lần muốn bò vào trong nhà khi tôi mở cửa trước, lại còn cẩn thận đem nó thả sang rìa cỏ phía bên kia đường. Thế mới biết "Giúp vật, vật trả ân. Giúp nhân, nhân trả oán”.
- Anh cẩn thận đấy. Tay này nhiều lúc giả vờ khiêm tốn, hay hỏi người khác rồi lại đem quyển sổ ghi chép ấy ra làm mất mặt người ta với sếp, anh Hà bị mấy lần rồi...
Chả hiểu vị "phúc thần" quí cái mặt tôi ở điểm nào mà cố rỉ vào tai nhau khi có dịp như vậy. Tôi chưa hiểu ngay câu nhắc thiện chí của cậu bảo vệ, sau mới biết đó là mánh của thằng chả, thứ mánh đến Tào Tháo cũng phải gọi bằng cụ. Tức là khi cảm thấy mình có điều gì thua kém thì lập tức tỏ ra khiêm tốn, mọi tranh cãi đều găm lại, ghi cẩn thận vào Sổ Thù Vặt. Cố chờ tìm yếu điểm của người ta đã rồi đợi lúc đối thủ sơ suất hoặc rơi vào tình thế bất lợi do hắn tạo ra, sẽ bất ngờ chan tương đổ mẻ vào giữa mũi!
Về nhà, nhân vật này đã bỏ cả ngày chủ nhật, lại nhờ "con vịt" giúp đỡ nữa, mò mẫm trong quyển từ điển Anh - Việt để kiểm tra xem hôm đó tôi có dịch phứa tên một loại thiết bị nào đó hay không! Cũng may là con dế mèn nhớ cái ơn không bị dẫm bẹp đã giúp cho hộp sọ tôi minh mẫn, không thì thế nào cũng bị hắn tố cáo trước sếp là thằng nói phét, tiếng Tây-giả-cầy-chuyên-để-bịp-mấy-lão-tầu-xì...
Cô Liên văn thư ngồi cùng phòng với tổ chuyên viên đôi khi cũng nhập vai phúc thần. Nàng bảo truớc khi đi đâu hắn đều để một sợi tóc đánh dấu vào ngăn kéo, hoặc vào tài liệu riêng ở trên bàn để xem có ai sờ mó vào đồ đạc của hắn không!
Dè chừng thì dè chừng nhưng tay kĩ sư vui tính vẫn không nhịn đuợc. Thừa lúc hắn đi vắng, anh chàng cứ nhét đại bánh bao hay quẩy ăn thừa vào những nơi hắn đánh dấu, còn đặt thêm vào mấy sợi tóc "made in Liên" chính hiệu nữa. Nhìn hắn tím mặt tức tối đi ra khỏi phòng, ai cũng phải gập người xuống bàn để nén tiếng cười.
Chẳng hiểu những chuyện đó có lợi gì cho hắn. Thậm chí có người còn thấy tội nghiệp. Hắn đúng là một "quái thai" như những người xung quanh nhận xét, một quái thai sinh ra do nhiễm quá lâu nọc độc của thói bao cấp tư tưởng, tâm hồn cứng queo vì bị những thứ chỉ ngũ sắc xuyên suốt mãi. Dần dà người ta cũng chấp nhận chuyện sống chung với kiến lửa, chỉ không hiểu vợ hắn chịu đựng bằng cách nào.
Rồi mỗi người đi một nơi, hắn thì vẫn ở đấy. Gần đây nhất gặp lại bác sĩ Hiên, bác sĩ kể rằng hắn kêu bị đau răng từ hôm vợ hắn nấu món riêu cá quái quỉ gì đó, nhất quyết xin giấy giới thiệu đi nha khoa để nhổ phứt nó đi. Nhưng hoá ra điểm đau là lợi bị viêm ở bên dưới ba chiếc răng giả.
Hình như y học ngày nay chưa có thuốc đặc trị chữa bệnh cho hắn. Thứ bệnh vô cớ làm đau người khác và tự cho rằng mình luôn bị người ta làm đau. Chỉ có thể nhổ được răng, chứ chưa thấy ở đâu nhổ lợi bao giờ, thưa quí vị?!
Tin cùng chuyên mục
Như cánh chim câu
15/07/2013
Bến Lệ Am
15/07/2013
Thần tượng
09/07/2013
Cổng hoa vàng
05/07/2013
Bí quyết làm quan
05/07/2013
Mưa tháng Bảy
21/06/2013