Mừng thọ

Ông trưởng làng nguyên là một sĩ quan về hưu. Năm nay ông 66 tuổi. Ông đã hai khóa đứng đầu cái làng này, đứng đầu cử tri 6 thôn trong làng Trương. Ông có công lớn trong việc xây dựng làng Trương thành làng văn hóa cấp huyện. Chắc danh hiệu “Làng văn hóa cấp tỉnh” cũng không mấy khó khăn. Một vài chỉ tiêu trong năm tới rồi sẽ ổn thôi.

MỪNG THỌ

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Liên (Thanh Hóa)
Mai là ngày mùng Ba Tết Tân Mão.
Chiều nay làng Trương tấp nập nơi sân đình. Hội Người cao tuổi bận rộn về việc làm lễ trao giấy chứng nhận cho các cụ đến tưổi 70, 80, 90. Thấp thoáng các vạt áo tứ thân xanh, đỏ, tím, vàng bay bay quanh dãy bàn đặt sát tấm phông màu hồng với hai dòng chữ đã được dán thẳng tắp: “HỘI NGƯỜI CAO TUỔI LÀNG TRƯƠNG” và “CHÚC MỪNG CÁC CỤ CAO NIÊN LÀNG TRƯƠNG VỚI XUÂN TÂN MÃO”. Ở góc sân đình có một tốp các cụ đang uyển chuyển với điệu múa quạt. Hẳn là các cụ đang tập dượt lại cho buổi sáng mai…
Ông trưởng làng nguyên là một sĩ quan về hưu. Năm nay ông 66 tuổi. Ông đã hai khóa đứng đầu cái làng này, đứng đầu cử tri 6 thôn trong làng Trương. Ông có công lớn trong việc xây dựng làng Trương thành làng văn hóa cấp huyện. Chắc danh hiệu “Làng văn hóa cấp tỉnh” cũng không mấy khó khăn. Một vài chỉ tiêu trong năm tới rồi sẽ ổn thôi. Ông đã triệu tập mấy lần họp các trưởng thôn, có mời cả các vị lãnh đạo xã về để bàn. Cuộc họp đầu năm ngoái đã vạch ra phương hướng cụ thể. Tất cá các chỉ tiêu gắn với các phong trào nông nghiệp, đổi mới nông thôn, nâng cao đời sống cho dân thì làng luôn là đơn vị dẫn đầu trong xã, trong huyện rồi. Chỉ còn hai vấn đề cần được quan tâm:
- Một là, nâng tuổi thọ của các cụ trong làng.
- Hai là, phong trào thể thao dưỡng sinh chưa có bề nổi.
Nghe ra thì vấn đề thứ hai lại là một nội dung của công việc thứ nhất, thế nhưng ông trưởng làng Trương cứ tách nó ra cho dễ nhớ. Ông lí luận rất đúng, rằng muốn nâng cao tuổi thọ thì phải tập dưỡng sinh. Bởi thế từ nửa năm 2010 lại đây, ông đôn đốc các trưởng thôn chú ý vấn đề này. Tất cả các cụ trong 6 thôn của làng đều tích cực tập luyện. Một lần xem trên tivi có chuyện ông già 75 tuổi mà đã bơi qua một eo biển trong suốt 6 tiếng đồng hồ, trưởng làng Trương nghĩ ngay đến con sông cạnh làng mình. Ông kiểm xem ở lứa tuổi này có cụ nào bơi giỏi không! Chỉ vài lần tổ chức khoảng mươi cụ bơi quanh vụng Nghè rồi nhờ anh Thược xóm ngoài chụp cho kiểu ảnh là như đinh đóng cột. Còn bằng mấy trăm buổi tập dưỡng sinh ấy chứ! Một cuộc vận động bắt đầu. Số 1 danh sách là ông trưởng làng, rồi đến bà Thẹo ngày trước đã từng bơi giữa dòng lũ vớt củi, bà Thìn đi đò dọc, ông Hoạt là công nhân chống phà trong chiến tranh phá hoại, bà Phú từng phụ chồng ngày xưa quản con đò ngang của xã... Tổng cộng 12 người. Một trưa mùa hè ít nắng, đội bơi tập hợp trên bờ. Bọn trẻ nít cho trâu đằm xúm lại xem. Các cụ cũng ăn mặc đúng kiểu quần áo bơi. Nhiều cụ nhà mình như đang sống lại thời trai trẻ! Ông phó làng thổi một hồi còi. Hơn chục vận động viên ào xuống vụng Nghè. Nhưng đáng buồn chỉ trong ít phút các cụ chìm dần. Ấy cũng may các cháu chăn trâu đứng trên bờ kịp lao xuống. Thế là các cụ thoát chết. Hú vía. Ông trưởng làng cũng được dăm ngụm nước vào bụng. Chỉ mỗi cụ Hoạt là bình chân như vại.
Thế là phương án quan trọng này bị thất bại. Nhà nhiếp ảnh Thược được mời cũng may chưa kịp chụp kiểu nào! Ông trưởng làng buồn lắm. Nhìn ánh mặt trời chiếu ngang triền đê mà đau cả mắt. Các cụ giải tán sau khi được các cháu bóp chân tay cho hết cơn chuột rút tuổi già.
Nâng cao tuổi thọ của làng bằng cách nào? Cần phải có thời gian chứ! Nhưng danh hiệu mà phải đợi năm tháng đi qua thì có mà sức đâu? Trời ạ! Ông trưởng làng ăn ngủ không yên. Nếu mà nhanh chóng có danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh thì chắc ông có thể trụ thêm vài khóa nữa với cái chức Trưởng làng. Mấy năm nay nhà nước có chế độ cho người già từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp 180 ngàn đồng một tháng. Nhiều cụ trong làng phấn khởi hẳn, nhưng chính các con cháu mới càng vui hơn. Các cụ biết tiêu tiền làm gì? Con cháu giữ cho khi cần là quá quý. Thế mà ông trưởng làng không nghĩ ra!
Tháng sáu năm vừa rồi, một tốp công an về tận xã làm chứng minh nhân dân cho những người đến tuổi hoặc mất chứng minh. Làng Trương không ít người lên xã, người già nhiều hơn thanh niên. Mỗi người già cầm trên tay giấy chứng nhận mất chứng minh thư. Trong giấy chứng nhận của các cụ đều ghi rõ năm sinh và có dấu của UBND xã hẳn hoi. Chị Thu thôn 9 cũng trong số đó.
Chị Thu là vợ của một giáo viên về hưu. Nhà chị được bình bầu danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm nay. Tuy nhà có đến 6 đứa con nhưng đứa nào đứa nấy đã tươm tất. Bốn đứa con gái lấy được chồng khá giả, tuy xa quê nhưng thi thoảng vẫn về thăm bố mẹ. Hai thằng con trai thì một đã có vợ nay sống tận cuối đất nước, thằng út vừa học xong khóa học tin học dưới trường “Bảy nghề” của tỉnh cũng đã vô Nam. Chỉ còn hai vợ chồng chị ở nhà với bà mẹ chồng tuổi ngoài 90. Được cái con đông nhưng chồng chị chỉ có hai lần bị kỷ luật khi đang dạy học. Một lần đẻ thằng con thứ tư mất chức tổ trưởng công đoàn. Anh chị bàn nhau chắc đẻ tiếp thế nào cũng con trai, thành ra thằng út bây giờ ra đời. Lần này thì đúng là chậm một bậc lương. Nhưng trời cho hai đứa con trai còn hơn cho của. Chuyện chồng chị không phải về vườn vì đẻ đến sáu đứa con thì không ai hiểu nổi. Dư luận đàm tiếu thì ích gì. Thời gian như là một phương thuốc cơ mà. Được cái chị Thu đúng như các cụ nói chả có sai: Đẻ dày thì trẻ lâu. Vốn chị lại xinh xẻo từ thời con gái, nên năm kia theo điều tra dân số chị đã 57 tuổi mà vẫn tươi giòn. Chị được cái khỏe. Một mình làm hơn mẫu ruộng, chồng đi dạy học, con cái thì xa nhà, mẹ chồng già yếu mà vẫn theo kịp mùa vụ với làng nước. Anh trưởng thôn 9 ít hơn chị độ chục tuổi mà lúc nào gặp chị một mình cũng rối rít khen là trẻ đẹp. Có mất gì đâu, chị ửng đôi má chưa kịp nhăn làm ra vẻ thẹn thùng. Tối hôm qua mãi đến 9 giờ đêm từ nhà anh về mới có được cái giấy mà anh ta hẹn giúp cho chị. Khi lên giường chị vẫn còn rạo rực trong người.
Chị Thu đọc đi đọc lại ngày tháng năm sinh trên tờ giấy có dấu xác nhận của xã. Miệng cứ lẩm nhẩm: sinh ngày 11 tháng 12 năm 1941 vì chị đề phòng nhỡ công an có hỏi! Chị còn đeo đôi kính viễn nặng đến 3,5 độ mà anh giáo nhà tập cho cách dùng mấy hôm nay. Có điều khi lên xã, thỉ thoảng chị lại té xuống trệ đường như người huyết áp cao lên cơn.
Thế rồi 27 người già của làng Trương cũng đã xong tất cả các thủ tục làm chứng minh lại với lý do bị mất. Tổ công an lấy làm lạ, nhưng giấy trắng mực đen rành rành ra đó. Với lại các cụ thì còn mấy nỗi. Giấy chứng minh nhân dân cấp cho các cụ bây giờ cũng chỉ là hình thức mà thôi. Khối người họ chẳng có CMND cả đời cũng chả sao! Chị Thu mừng khấp khởi nhưng cũng thấp thỏm lo. Mừng là vì nếu được thì chỉ 10 năm nữa là mình có chế độ nhà nước; lo là vì không biết làng có chửi cho không. Lòng chị rối như tơ. Chị đút chiếc kính nặng trĩu vào túi áo vừa đi vừa nghĩ, vừa xấu hổ. Xấu hổ là vì lúc làm giấy có một anh công an nói với chị “Sao cụ tuổi gần bảy chục rồi mà thắm da thắm thịt thế!”. Chị không thể giữ được bình tĩnh nên bấy giờ hai má chị đỏ hây, hai tay luýnh quýnh. Chị vội cúi xuống, đôi kính viễn rơi bộp trên nền xi măng. Ấy may được cái tròng kính dày nên không vỡ.
Ông trưởng làng ngồi trên ghế đặt bên chiếc bàn ngay dưới tấm phông màu hồng. Buổi lễ bắt đầu. Sau màn giới thiệu khách mời,ông trịnh trọng đọc danh sách 31 cụ được cấp giấy mừng thọ năm nay của Hội Người cao tuổi Trung ương:
- Đội 5: ông Hoàng Văn Chất thọ 70, bà Vũ Thị Thương thọ 80, ông Lê Văn Hoạt thọ 80…Đội 6: các ông…bà…Đội 9: ông Nguyễn Văn Nghinh thọ 90, bà Trần Thị Bích Nguyệt thọ 80,…bà Trần …Thị…Thu…thọ…70…Ông dừng lại với giọng không trôi chảy như trước. Cả sân đình rộ lên cười. Hình như ông không giữ được bình tĩnh. Tiếng ầm ào không ngớt, cả sân đình như một chợ cười. Các cụ cười ít còn người nhà theo các cụ ra đình thì cười nhiều.
- Thế em gái út mà hơn ông anh cả đến 5 tuổi sao hở trời?
- Trưởng làng Trương từ nay phải gọi em gái út Thu bằng chị cả đi thôi
- Lên ngôi sướng nhỉ. Em út của 4 anh chị nay thành con gái trưởng. Vô phúc!
Cay đắng đến thế là cùng.
- Anh giáo sao lấy vợ già hơn mình đến chục tuổi vậy
- Chà 70 mà chừng đẻ được đến mấy thằng cu nữa ấy nhỉ!
- Còn 10 năm nữa để lấy vài trăm bạc mỗi tháng mà thành bia miệng…
Ông trưởng làng cố gắng đọc nốt danh sách, mặt đỏ bừng và hai tay run lên bần bật. Vợ chồng chị Thu đã về tự lúc nào. Bà con bắt đầu đứng dậy hướng ra phía cổng đình. Những chiếc đĩa đựng bánh kẹo mừng xuân không ai đụng đến. Cơ sự này sang năm danh hiệu “Làng văn hóa cấp tỉnh” có đến với làng Trương hay không?
Trời mùng Ba Tết trong như mùa thu. Ngoài kia đoàn trai làng vẫn chờ rước kiệu Ông, kiệu Bà. Kiệu sẽ ngự khắp đường thôn để mừng năm nay làng Trương được mùa người cao tuổi.