Nghệ An: Doanh nghiệp "sống chết mặc bay"...
Quyết định xử phạt mạnh tay của tỉnh đối với 7 doanh trên nhằm ngăn ngừa hậu quả xấu trong khai thác khoáng sản là rất đúng đắn và cần thiết.
Điểm khai thác này không sai phạm vẫn bị đình chỉ khai thác.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các ngành, các cấp đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp ; cùng chung tay hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tư nhân phát triển, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 khóa XII. Vậy mà, chính quyền tỉnh Nghệ An lại mạnh tay triệt hạ hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp bằng những quyết định xử phạt hành chính cứng rắn, khiến các doanh nghiệp điêu đứng, hàng vạn công nhân mất việc làm…
Bài 1: Quản lý khoáng sản ở Nghệ An liệu có…thật nghiêm?
Quyết định xử phạt mạnh tay của tỉnh đối với 7 doanh trên nhằm ngăn ngừa hậu quả xấu trong khai thác khoáng sản là rất đúng đắn và cần thiết. Nhưng việc quản lí khoáng sản ở Nghệ An lâu nay có thực nghiêm túc hay không? Và, hiệu quả của việc xử phạt mạnh tay chưa thấy đâu, chỉ thấy hậu quả để lại vô cùng nặng nề cho doanh nghiệp và nguy cơ mất an toàn trên khai trường mỏ càng lớn hơn.
Chưa ai “để mắt” tới thực trạng bi đát của doanh nghiệp
Từ khi bị đình chỉ hoạt động đến nay, khai trường mỏ như những bãi tha ma; máy móc chất đống han rỉ; các chủ doanh nghiệp hoang mang lo lắng. Hàng ngày, “mở mắt ra” là thấy mất tiền. Tiền lương cho công nhân trong coi tài sản, tiền lãi suất ngân hàng…; nhưng các cơ quan có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì cứ kệ, vẫn thờ ơ, vô cảm, mặc cho các doanh nghiệp “sống chết mặc bay”.
Cách đây hơn 3 tuần, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp & Hội nhập đăng tải bài “Nghệ An – Tỉnh mạnh tay, doanh nghiệp điêu đứng!” phản ánh về vụ việc 7 doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt hành chính và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoảng sản 6 tháng đã để lại những tổn thất nặng nề không đáng có cho doanh nghiệp và địa phương. Sau khi phản ánh thực trạng trên, BBT Tạp chí đã gửi công văn tới một số đồng chí lãnh đạo và cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đề nghị quan tâm xem xét, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, chưa có ai “để mắt” tới thực trạng bi đát của doanh nghiệp; BBT Tạp chí cũng chưa nhận được hồi âm của các cơ quan tỉnh Nghệ An về lời đề nghị khẩn cấp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Dư luận đồng tình việc chính quyền địa phương nghiêm khắc chấn chỉnh những sai sót trong khai thác khoảng sản. Nhưng như báo chí đã phản ánh, chấn chỉnh là để ngăn ngừa hậu quả xấu, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Song, hiệu quả ngăn ngừa chưa thấy đâu, mà hậu quả nặng nề thì đã nhãn tiền. Có thể thấy rõ, không chỉ 7 doanh nghiệp khai thác đá nguyên liệu bị dừng hoạt động, mà hàng loạt doanh nghiệp chế biến bột đá xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc Nghệ An) cũng có nguy cơ “chết” theo. Đó là các doanh nghiệp: Công ty CP Khoáng sản Miền Trung; Công ty CP Chế biến Khoáng sản Tân Kỳ; Công ty Cp Khoáng sản Á Châu; Công ty CP Trung Đức; Công ty CP Khoáng sản Nghệ An; Công ty TNHN Omya Việt Nam; Công ty CP Nhật Thăng (VNT)…Các doanh nghiệp này bị chặn “yết hầu” (nguyên liệu đầu vào) nên cũng bị tê liệt; nhiều doanh nghiệp có thể bị khách hàng nước ngoài quay lưng, thậm chí bị phạt vì vi phạm hợp đồng; hàng vạn lao động mất việc làm; nhiều tỷ đồng “tuột” khỏi ngân sách địa phương; vật tư, thiết bị hư hao lãng phí; công nợ tăng cao…Lớn hơn cả là lòng tin của người dân, của doanh nghiệp (kể cả đối tác nước ngoài) đối với cách thức tham mưu, quản lý, chỉ đạo sản xuất kinh doanh ở địa phương bị giảm sút.
Quản lý khoáng sản ở Nghệ An liệu có… thật nghiêm?
Bạn đọc hẳn còn nhớ, trước khi 7 doanh nghiệp khai thác đá trắng ở huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) bị xử phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thì trên địa bàn này đã xảy ra một số sự cố nghiêm trọng như vụ vỡ đập chứa bùn thải tại Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh (thuộc Tổng Công ty Khoáng sản- Tập đoàn TKV) và vụ tai nạn lao động gây chết người tại một doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Có lẽ từ những sự cố này là “giọt nước tràn ly” để tỉnh Nghệ An rốt ráo chỉ đạo kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong khai thác khoảng sản ở khu vực này. Trước mỗi sự cố, mỗi sai phạm, ngoài nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp, không thể không nói tới trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lí khoáng sản đó là Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An (Sở TNMT).
Tại các quyết định xử phạt hành chính của UNND tỉnh Nghệ An đối với các doanh nghiệp vi phạm trong khai thác khoáng sản cũng nêu rõ: ngoài căn cứ vào những điều luật, nghị định liên quan, UBND tỉnh còn xét biên bản vi phạm hành chính do Đoàn Kiểm tra của Sở TNMT và theo đề nghị của Sở này. Như vậy, chúng tôi khẳng định, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh ra những quyết định xử phạt hành chính đối với 7 doanh nghiệp trên địa bàn là Sở Tài nguyên Môi trường. Và, ta hãy xem, Sở TNMT đã tham mưu cho tỉnh về quyết định xử phạt hành chính như thế nào? Và việc quản lí nhà nước về khoáng sản của Sở TNMT có thực sự nghiêm túc hay không?
Khai thác khoáng sản là một công việc nặng nhọc và rất phức tạp. Để thu được sản phẩm, phải qua rất nhiều công đoạn, nhiều quy trình kỹ thuật với nhiều phương tiện cơ giới. Đương nhiên, thời gian vật chất để khi ra được sản phẩm là một khoảng thời gian dài. Như vậy, trong tổ chức sản xuất, nếu doanh nghiệp bộc lộ những sai sót, vi phạm quy trình kỹ thuật thì không thể diễn ra trong chốc lát. Do đó, đối với cơ quan quản lí khoáng sản, việc phát hiện ra những sai phạm của doanh nghiệp không mấy khó khăn.
Theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh Nghệ An đối với 7 doanh nghiệp khai thác đá trắng ở khu vực các xã Châu Hồng và Châu Tiến như đã phản ánh, có nêu các vi phạm được Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện là thực hiện không nghiêm túc quy chuẩn ĐTM và thực hiện khai thác không đúng thiết kế. Các vi phạm này chắc chắn không thể xảy ra nhất thời, nếu kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ có thể phát hiện và xử lý kịp thời, tại chỗ, thông qua chế tài quản lý.
Làm việc với các doanh nghiệp trong khu vực và với lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, nhóm PV Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp & Hội nhập được biết, hàng năm, các đoàn thanh tra của của Sở TNMT đều lên địa bàn kiểm tra việc tổ chức khai thác khoáng sản. Thậm chí, có năm, doanh nghiệp liên tục bị “hành” bởi các đoàn thanh tra; gần đây nhất là năm 2016, cùng một lúc, doanh nghiệp bị hai đoàn thanh tra chuyên ngành của tỉnh… “hành”. Thanh tra liên tục như vậy và vi phạm của doanh nghiệp không thể diễn ra trong chốc lát như đã nêu nhưng những lỗi vi phạm của doanh nghiệp lại không được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời là vô lí! Phải chăng, những đoàn thanh tra trước đây, vì lí do nào đó đã làm ngơ trước những vi phạm của doanh nghiệp, để rồi doanh nghiệp tiếp tục tái phạm và cuối cùng, chính doanh nghiệp bị “lĩnh đủ” bởi quyết định mạnh tay, hứng chịu thiệt hại nặng nề như đã nêu. Thử hỏi, nếu cơ quan chức năng thực sự vì ngành công nghiệp khai khoáng sạch, trật tự và thực sự vì sự phát triển của doanh nghiệp thì trong những đợt thanh tra trước đây đã kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm túc các sai phạm thì liệu rằng, sai phạm của doanh nghiệp có tái diễn? Dư luận không khỏi nghi ngờ về sự minh bạch; về trách nhiệm, phương pháp và hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan chức năng trong lĩnh vực này ở tỉnh Nghệ An! Phải chăng, lâu nay, việc quản lí nhà nước về khoáng sản ở Nghệ An bị buông lỏng. Chỉ đến khi hậu quả xảy ra (hai sự cố nêu trên) thì Sở TNMT mới tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt mạnh tay mà không tính đến thiệt hai nghiêm trọng cho doanh nghiệp, cho xã hội...
Kỳ sau: Nguy cơ từ những quyết định xử phạt mạnh tay
Minh Cao – Thái Hà