Nghệ An – Tỉnh mạnh tay, doanh nghiệp điêu đứng

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định xử phạt hành chính và tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản với thời gian 6 tháng của 7 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An vì vi phạm quy trình khai thác (số tiền phạt hành chính có doanh nghiệp tới 170 triệu đồng).


Khu vực khai thác đã ngừng hoạt động

Đây là một quyết định nghiêm khắc của UBND tỉnh Nghệ An nhằm chấn chỉnh trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, quyết định mạnh tay trên lại có yếu tố đáng bàn về phương pháp thực hiện nên đã để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế xã hội địa phương và đẩy doanh nghiệp vào tình trạng điêu đứng…

Thực trạng bi đát

Sau khi nhận được phản ánh của số doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản nói trên, nhóm phóng viên doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp & Hội nhập (doanhnghiephoinhap.vn) đã có mặt tại xã Châu Hồng và Châu Tiến – nơi tập trung nhiều điểm khai thác đá trắng và nhận thấy toàn bộ các điểm khai thác của các doanh nghiệp nói trên đã dừng hoạt động, thiết bị, máy móc dùng cho khai thác đã được di chuyển về điểm tập kết. Cho thấy 7 doanh nghiệp trên đã chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt của UBND tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, việc quyết định tước quyền sử dụng giấy phép khai thác ở đây có biểu hiện áp đặt. Nhiều điểm khai thác không vi phạm vẫn bị đặt chung số phận ngừng hoạt động. Điều này, theo ý kiến của các doanh nghiệp là không công bằng. Trên khai trường chúng tôi có trao đổi với một số cán bộ kỹ thuật khai thác của doanh nghiệp, họ đều cho rằng việc dừng khai thác đồng loạt mà chưa có có biện pháp xử lý ngay thì nguy cơ mất an toàn còn cao hơn, nhất là mùa mưa bão đang đến gần.

Doanh nghiệp muốn sửa sai nhưng không được sửa

Ý kiến của các doanh nghiệp đều đồng tình với việc xử phạt của UBND tỉnh và họ mong muốn được nhanh chóng khắc phục các sai phạm để sớm đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chỉ đạo cụ thể việc khắc phục, và cũng chưa biết đến bao giờ doanh nghiệp mới được khắc phục, trong khi có những điểm sai phạm doanh nghiệp chỉ khắc phục trong thời gian ngắn là xong.

Thiết bị đã chuyển khỏi điểm khai thác.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cũng bày tỏ quan điểm là doanh nghiệp sai phạm thì phải xử phạt hành chính nghiêm khắc; sai chỗ nào xử lý chỗ đó và có yêu cầu cụ thể về hướng khắc phục, thời gian khắc phục, có giám sát, nghiệm thu cụ thể, rõ ràng, dứt điểm chứ không nên đình chỉ toàn bộ hoạt động (tước quyền sử dụng giấy phép) của doanh nghiệp trong đó có điểm khai thác không sai phạm.

Hậu quả nặng nề cho nhiều phía

7 doanh nghiệp bị dừng sản xuất khiến cho hàng chục nghìn lao động phổ thông  trên địa bàn mất việc làm, đời sống gia đình những lao động vùng cao Quỳ Hợp này đã khó khăn càng khó khăn hơn. Đối với các doanh nghiệp việc bị dừng hoạt động họ buộc phải dừng hợp đồng với các đối tác, mất lòng tin với các bạn hàng; thiết bị, máy móc bị han gỉ, hư hỏng, lãng phí; công nợ tăng cao, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Ngô Văn Tấn, Giám đốc Công ty CP đá Châu Á  cho biết doanh nghiệp của ông đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, chưa đi vào khai thác cũng bị dừng, khiến cho tiến độ xây dựng kéo dài, thiệt hại lớn. Chính lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cũng thừa nhận nhiều doanh nghiệp cùng lúc bị dừng hoạt động dẫn tới ngân sách địa phương cũng thất thu nhiều tỷ đồng mỗi tháng.

Nguy hiểm hơn, trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép thì doanh nghiệp không được phép gia cố các vị trí mất an toàn nên nguy cơ sạt lở gây hậu quả về sau chắc chắn sẽ nặng nề.

Thiệt hại của 7 doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng giấy phép còn gây hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp chế biến đá trắng của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Nam Cấm. Đây là các cơ sở chế biến sử dụng toàn bộ nguyên liệu đầu vào (đá trắng thô) của 7 doanh nghiệp nói trên.

Điểm khai thác không vi phạm cũng bị dừng sản xuất.

Tại Công ty CP Thọ Hợp, lãnh đạo công ty cho biết doanh nghiệp này có 11 dây chuyền chế biến bột đá trắng xuất khẩu, mỗi ngày tiêu thụ 700 tấn đá nguyên liệu của 5 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (đang bị dừng khai thác). Mỗi tháng công ty xuất xưởng 20 ngàn tấn bột đá thành phẩm, cung cấp cho 120 đơn hàng trong đó có 20 đơn hàng xuất khẩu tới các nước Ấn Độ, Băng la đét, một số nước châu Âu…Hiện tại nguyên liệu dự trữ chỉ đủ cho doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trong 1 tháng. Nếu các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu không sớm được hoạt động trở lại thì chắc chắn công ty này cũng bị dừng hoạt động theo; 220 lao động không có việc làm; ngân sách nhà nước thất thu hàng tỷ đồng; mà hơn thế công ty vừa mất tất cả khách hàng lớn, vừa bị phạt vì vi phạm hợp đồng cung ứng sản phẩm.

Số công nhân Công ty chế biến bột đá này có nguy cơ mất việc.

Được biết đây chỉ là một cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Tại khu vực Nam Cấm nhiều dây chuyền chế biến bột đá có quy mô lớn lớn hơn thì đương nhiên thiệt hại càng gấp bội.

Kiến nghị

Trước thực trạng trên, đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp của tỉnh Nghệ An sớm xem xét, có biện pháp chỉ đạo kịp thời, giải quyết các vướng mắc nêu trên để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động, nhằm ốn định và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Doanh nghiệp Việt Nam và Tại chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin về các nội dung liên quan tiếp theo./.

Cao Thâm - Thái Hà/ doanhnghiepvn.vn