“Nơi Bác về nguồn nước mới sinh”

Trong hành trình về nguồn giữa những ngày tháng Năm lịch sử, nhân dịp kỉ niệm 127 năm ngày sinh nhật Bác, chúng tôi vừa được thưởng ngoạn một cách mãn nhãn muôn hình vẻ đẹp kì tú của gấm vóc non sông ở nơi ngút ngàn của vùng biên viễn Đông Bắc với những vực sâu núi dựng, đèo cao dốc đứng, rừng xanh thung biếc vừa được trải nghiệm với mắt thấy, tay chạm vào biết bao kỉ vật, dấu tích còn in đậm bóng dáng Bác Hồ kính yêu với đủ các cung bậc của cảm xúc: thích thú, nhung nhớ, bâng khuâng, cảm phục, lưu luyến như thể chẳng muốn rời xa. Nơi ấy là Pác Bó, cội nguồn của cách mạng Việt Nam và cũng là khởi nguồn của những vần thơ thời kì ở Việt Bắc của Người.


Tác giả bên chiếc bàn đá, nơi Bác Hồ ngồi dịch sử Đảng

 

 

“NƠI BÁC VỀ NGUỒN NƯỚC MỚI SINH”

ĐÀO HIỀN
Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội
Cao Bằng, mảnh đất phên dậu nơi địa đầu tổ quốc ở vùng Đông Bắc không chỉ nổi tiếng bởi có nước non kì thú với những thác Bản Giốc hùng vĩ và nên thơ; động Ngườm Ngao có muôn ngàn thạch nhũ lung linh và huyền ảo; hồ Thang Hen trữ tình và thơ mộng độc đáo trên núi cao mà còn được mọi người biết đến là một địa danh văn hóa - lịch sử với “quận Cao Bình”, một trong những nơi phát tích truyện Thạch Sanh nổi tiếng; thành Bản phủ, nơi thiết triều của vương phủ Thục Chế (cha của Thục Phán) nước Nam Bình thời trước công nguyên; thành Nà Lữ, một thời từng là kinh đô huy hoàng của nhà Mạc hồi cuối thế kỉ XVI - XVII; đặc biệt là khu di tích lịch sử quốc gia Pác Bó, cội nguồn của cách mạng Việt Nam, nơi vinh dự được Bác Hồ lựa chọn làm điểm đặt chân đầu tiên để trở về đất nước lãnh đạo phong trào cách mạng sau ba mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước. Bởi vậy đến với Cao Bằng, về với cội nguồn của quê hương cách mạng là một ao ước, ấp ủ trong tôi từ rất lâu. Ước mơ đó đến hôm nay đã trở thành hiện thực. Trong hành trình về nguồn giữa những ngày tháng Năm lịch sử, nhân dịp kỉ niệm 127 năm ngày sinh nhật Bác, chúng tôi vừa được thưởng ngoạn một cách mãn nhãn muôn hình vẻ đẹp kì tú của gấm vóc non sông ở nơi ngút ngàn của vùng biên viễn Đông Bắc với những vực sâu núi dựng, đèo cao dốc đứng, rừng xanh thung biếc vừa được trải nghiệm với mắt thấy, tay chạm vào biết bao kỉ vật, dấu tích còn in đậm bóng dáng Bác Hồ kính yêu với đủ các cung bậc của cảm xúc: thích thú, nhung nhớ, bâng khuâng, cảm phục, lưu luyến như thể chẳng muốn rời xa. Nơi ấy là Pác Bó, cội nguồn của cách mạng Việt Nam và cũng là khởi nguồn của những vần thơ thời kì ở Việt Bắc của Người.
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê nin, kia núi  Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
(Pác Bó hùng vĩ)
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
(Tức cảnh Pác Bó)
Từ thành phố Cao Bằng, qua cầu sông Bằng, đi về phía Tây Bắc, theo tỉnh lộ 203 với quãng đường khoảng hơn năm chục kilômet, chúng tôi về với xã Trường Hà huyện Hà Quảng để đến thăm Pác Bó trong một buổi chiều đầu hạ dưới cái nắng vàng như giót mật. Chẳng biết khi xưa đường đất về nơi đây ra sao nhưng bây giờ thì đường đi khá đẹp. Con đường trải nhựa rộng thênh thang, chạy ngang lưng đồi, uốn lượn dưới chân núi trùng trùng điệp điệp mướt xanh. Hai bên đường xe chạy là những cánh đồng ruộng bậc thang tươi tốt trải rộng ra mênh mông. Thấp thoáng, ẩn hiện bên những sườn non hay trên triền đồi là những bản làng lợp ngói âm dương của người Nùng, người Tày duyên dáng bên bụi tre xanh của muôn đời của người dân đất Việt.
Con đường xe chạy êm ru. Cảnh sắc bình yên của một vùng sơn cước buổi chiều hôm đẹp như tranh vẽ cứ thế hiên lên trong mắt tôi thật là sống động. Đến Pắc Bó, phía trước chúng tôi là một màu xanh biếc của trập trùng non cao tựa như những người khổng lồ đang giang tay chắn nắng làm cho không gian của khu di tích trở nên mát mẻ. Thấp thoáng, qua những lỗ hổng của cánh tay tạo hóa có một vài luồng sáng hình rẻ quạt xuyên qua, thẳng tắp như thể để tô điểm thêm cho cái huyền diệu, lung linh của núi rừng Hà Quảng dưới vòm trời mây trắng. Đây rồi, suối Giàng (tiếng địa phương là Khuổi Mịn) và núi Đào (tiếng địa phương gọi là Phja Tào) đang cặp kè, sóng đôi, nâng đỡ nhau để làm thành một tuyệt tác của tạo hóa, con suối và trái núi ấy đã được Bác đổi tên thành suối Lê Nin và núi Các Mác.
Đứng ngắm dòng suối thơ mộng và trái núi hùng vĩ tâm trạng chúng tôi không dứt ra khỏi mạch cảm xúc nghĩ suy về những năm tháng hoạt động cách mạng đầy gian khó của Bác ở nơi này khi xưa. Thật kì lạ! Sau mấy chục năm đi khắp xứ người, trở về đất nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng quê hương, trong muôn nghìn công việc đang đón đợi phía trước vậy mà người vẫn dành cho mình những phút giây thanh thản để ung dung ngồi câu cá, ngắm cảnh, làm thơ và đổi tên tạo vật. Bác đã đổi tên suối Khuổi Mịn thành suối Lê Nin và núi Phja Tào thành núi Các Mác. Hẳn nhiên đây là một sự hữu ý. Bác đã dùng tên của hai bậc tiền bối cộng sản để thay tên cho non nước Cao Bằng. Phải chăng cái việc đổi tên ấy là một lời thề nguyện, khắc cốt quyết tâm đi theo con đường giải phóng loài người của Mác và Lê Nin để giải phóng dân tộc. Con suôi Lê Nin ngày đêm nước chảy và trái núi Các Mác hùng vĩ, sừng sững như thể một ngụ ý mong muốn về sức mạnh và sự trường tồn về con đường cách mạng Việt Nam mà Bác đang thực hiện. Nơi Bác trở về, nơi Người đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ, nơi đầu nguồn của con nước, nơi khởi đầu của dãy núi cũng chính là suối nguồn của cách mạng Việt Nam. Suối nguồn Lê Nin quanh năm ăm ắp nước. Con suối trong vắt, hiền hòa, mát lành, mềm mại, uốn lượn quanh chân núi như thể đang quấn quện, ôm chặt lấy trái núi sừng sững, hiên ngang vào lòng để tạo lên cái thế non nước, nước non. Cái thế non nước ấy của Pắc Bó không chỉ tạo nên một bức tranh thủy mạc ma mị để làm mê mẩn những tao nhân mạc khách mà còn tạo ra một huyệt đạo tụ khí tàng phong hết sức cát tường cho vận nước. Cái thế của đất ấy có lẽ chỉ có những con mắt tinh tường của những bậc vĩ nhân như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trước kia (Giai thoại có kể rằng: trước khi nhà Mạc sụp đổ, vua Mạc Mậu Hợp sai người đem lễ vật đến thăm Trạng Trình để hỏi về thế cuộc. Cụ trạng chỉ đáp một câu: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể” – nghĩa là đất Cao Bằng tuy chật hẹp nhưng có thể giữ được về sau. Theo lời của Trạng Trình, khi nhà Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long và truy đuổi khắp mọi nơi, con cháu nhà Mạc đã phải chạy về Cao Bằng cố thủ. Tại đây nhà Mạc đã tồn tại thêm 96 năm nữa. Cũng theo các nhà phong thủy, Cao Bằng là đất dung thân, ẩn náu của bậc đế vương) và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nhận ra được mà thôi.
Non nước Pắc Bó hữu tình thật đẹp. Núi màu lam biếc. Suối trong như ngọc in soi bóng núi, con nước chầm chậm buông trôi. Con suối ấy quanh năm mát lành, bốn mùa nhìn xuyên thấu đáy như thể đến được từng hòn sỏi cuội cùng đàn cá liềng hàng ngàn con tung tăng xuôi ngược mà không hề một vẩn đục gợn lên. Không gian bốn bề thoáng đãng hòa trong làn gió đưa hương thoang thoảng của những chùm hoa li ti đung đưa dọc hai bên bờ suối và trên những triền núi cao, xen lẫn tiếng đập cánh của chim chuyền cành, những âm thanh veo von của con chim hót càng làm cho Pắc Bó quyến rũ người xem đến nao lòng. Cảnh sắc của trời mây non nước ấy vừa tráng lệ, hùng vĩ vừa thanh bình, thoát tục khiến cho ta có cảm giác như đang ở tiên cảnh giữa chốn bồng lai. Cứ thế, trong cái trạng thái nhẹ nhàng, lâng lâng của cảm giác ấy, theo con đường bên suối dẫn lên thượng nguồn con nước, chúng tôi tìm đến lán Khuổi Nặm, hang Cốc Pó để ngược dòng lịch sử thăm lại nơi ăn chốn ở của Người khi xưa. Có lẽ, cảnh vật ngày ấy và bây giờ cũng chẳng khác nhau là bao. Hòn đá người ngồi câu bên bờ suối khi xưa vẫn còn nguyên dưới tán cây đổ nghiêng bên dòng nước trong xanh. Những khóm trúc Bác trồng và những cây ổi mà Người từng lấy lá thay chè đun nước uống khi buổi đầu cách mạng vẫn còn đó. Đây nữa, nơi người ngồi làm thơ trong những lúc nghỉ ngơi thanh nhàn vẫn nguyên vẹn như xưa. Khu bếp đun và cả cái “Bàn đá chông chêng dịch sử Đảng” vẫn còn y nguyên bên suối. Tất cả, từ nền nhà cụ Lý Quốc Súng (gia đình nuôi giấu Bác hồi mới về nước), đến lán Khuổi Nặm, hang Cốc Pó (nơi Bác ở và làm việc)… vẫn còn đây. Như những thước phim tư liệu, cảnh vật của Pắc Bó cứ lần lượt bày ra trước mắt, tái hiện trong tôi những năm tháng gian lao của buổi đầu cách mạng. Chúng tôi như thể lạc đi trong những nghĩ suy mà khó có thể tin được đây chính là nơi Bác triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, nơi ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng. Đúng là điều kiện hoạt động và những kết quả của hành động tương phản một cách thật khó có thể tin được. Nhưng lại đúng là vậy. Thật xúc động và tự hào, cảm phục biết bao!
Phía trên thượng nguồn con suối, cách đó không xa có cột mốc 108, đây chính là đường biên giới giới Việt - Trung, nơi mà mùa xuân năm Tân tỵ (1941), Bác Hồ đã từng bồi hồi xúc động hôn lên vốc đất thiêng liêng của tổ quốc sau ba mươi năm xa cách nước non quê nhà. Gần 80 năm đã đi qua, hôm nay ở giữa chốn này, thăm lại nơi Bác ở xưa mà lòng chúng tôi vẫn không khỏi bâng khuâng, xúc động. Quả là có đến nơi đây, chúng ta mới thấy thấm thía những vần thơ của Tố Hữu, của Chế Lan Viên khi viết về Người:
“Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi”
(Theo chân Bác)
“Luận cương của Lê Nin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai".
(Người đi tìm hình của nước)
Chiều buông, núi cao mây vờn, những tia nắng cuối trời như thể đang trốn chạy trong bạt ngàn hoang vu của núi đồi sơn cước; cùng hòa trong thanh âm lốc cốc của đàn trâu đang đủng đỉnh đi về trên những ruộng nương bên con suối càng làm cho không gian trở nên thanh tịnh. Lặng nhìn dòng suối Lê Nin trong biếc, róc rách buông trôi lững lờ như một dải lụa phủ trên những đá nhám rêu phong dưới chân núi Các Mác sừng sững, uy nghi, chúng tôi chẳng ai muốn rời xa chốn này. Pác Bó thật thanh bình, êm đềm và dịu nhẹ. Tạm biệt quê hương cách mạng và lại ước hẹn một ngày nào đó ta sẽ trở về thăm “Nơi Bác về nguồn nước mới sinh”.