Bao giờ "Thím Cò Khoai" có nhà ở?

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh, Hội viên Hôi văn học nghệ thuật Thanh Hóa, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN, một cây bút xuất sắc người dân tộc Mường, người đã đoạt nhiều giải thưởng văn học... có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình bà đang có nguy cơ bị đẩy ra đường vì chính sách Tiền hậu bất nhất của Bộ luật đất đai mà Việt Nam đang thực thi..."Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" mà bà là nạn nhân của Bộ luật này!.

 


Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh

 

 

Hiện nay quyền sử dụng đát ở và nhà ở đang song song  tồn tại 2 thực trạng: Đất đai có trích lục (có sổ đỏ) và đất đai nhà cửa "không có sổ đỏ". Rất nhiều hộ gia đình có nhà, đất không sổ đỏ vẫn được sử dụng, vẫn xây nhà 4-5 tầng và sử dụng qua nhiều thế hệ; không ai tịch thu, bởi những chủ sử dụng đất từ trước năm 1993 không có tranh chấp coi như là chủ sử dụng đất hợp pháp.

Bà Cẩm Anh đang sử dụng căn hộ tập thể từ năm 1987 do Hội VHNT Thanh Hóa cấp (từ ngày đó đến nay không có tranh chấp). Nay nhà nước thu hồi đền bù cho bà chỉ có 125 triệu đồng, với số tiền ít ỏi này bà không thể mua được một mảnh đất mới. Bà đã khiếu nại nhiều nơi nhưng không có hồi âm...

Mong được các nhà văn nhà thơ cả nước lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà.

 

*        *       *

Hà Thị Cẩm Anh vốn chỉ là một công nhân nuôi lợn của hợp tác xã Nông nghiệp ở một xã thuộc huyện miền núi Cẩm Thủy, quê chị. Mười lăm tuổi, chưa học hết lớp năm phổ thông, Hà Thị Cẩm Anh đã phải bỏ học để đi làm lấy công điểm phụ mẹ nuôi các em,vậy mà cô bé người dân tộc Mường này đã mạnh dạn cầm bút viết truyện ngắn và cũng thật lạ là truyện ngắn đầu tay của chị: Truyện "Thím cò Khoai" đã được rất nhiều người yêu thích. Tính đến nay đã trên 50 năm rồi, nhưng những người yêu quý Hà Thị Cẩm Anh vẫn gọi chị là "Thím cò Khoai" của xứ Thanh.

Hà thị Cẩm Anh viết không nhiều. Tính đến nay chị cũng mới có khoảng mười đầu sách và một số kịch bản Phim truyện. Đề tài Miền núi và Dân tộc là tất cả sáng tác của Hà thị Cẩm Anh. Chị đã khai thác và phát huy được giá trị Văn hóa độc đáo của dân tộc Mường đã và đang bị mai một, đang bị lãng quên dần với ý thức là: Bảo tồn vốn Văn hóa quý báu của dân tộc mình thông qua Văn học nên các truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh luôn luôn chiếm được tình cảm của người đọc. Năm 1968 sau khi đã có một loạt truyện ngắn và Bút ký được in trên các tập chí Văn nghệ của Ty Văn hóa Thanh hóa lúc bấy giờ, Hà Thị Cẩm Anh được điều từ trại chăn nuôi lợn của HTX nông nghiệp xã Cẩm Sơn xuống Ty Văn hóa và được cử đi học lớp Bổ túc Văn hóa Công nông. Năm 1972 chị trở về công tác tại: Ban vận động thành lập Hội Văn học- Nghệ thuật Thanh Hóa, rồi công tác ở cơ quan Hội Văn học- Nghệ thuật Thanh Hóa cho đến lúc nghỉ hưu.

Chỉ tính từ năm 2000 đến 2014 Hà Thị Cẩm Anh đã đặt được tới bẩy giải thưởng hàng năm của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, của Hội nhà Văn Việt Nam, và cũng khá đều dày dặn các giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật địa phương và báo chí của các Ban, Ngành trung ương. Đặc biệt năm 2004 Hà Thị Cẩm Anh đươc tặng giải A trong cuộc thi Truyện ngắn của Báo Văn Nghệ và cũng năm 2004 chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Mười năm sau (2014) Hà Thị Cẩm Anh được Hội VH-NT các DTTS  Việt Nam tặng giải A cho tập truyện ngắn: "Một nửa của người đàn bà" và UBTQ các Hội VH-NT Việt Nam cũng tặng giả thưởng cao cho tác phẩm này.

 

Cứ nhìn vào các sáng tác và các giải thưởng của nữ Nhà văn dân tộc Mường này  thì ai cũng nghĩ rằng: Bà sống vui vẻ và cuộc đời văn nghiệp khá suôn sẻ. NHưng có mấy ai mà biết được rằng: Cuộc đời Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh chỉ là nỗi đau và nước mắt. Có lẽ do không có bằng cấp chuyên môn gì. Lương thấp nên Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh không có điều kiện để cải thiện đời sống cho mình và cho con cái? Một phần nào đó cũng đúng, vì có lần bà đã tâm sự với tôi: "Mình từ trên núi xuống. Học hành chả được bao. Chồng mình chết sớm. Ông ấy ốm nặng suốt bốn năm trời mới đi. Mình chỉ có hai bàn tay trắng. Chồng chết là trắng tay luôn. Con cái còn nhỏ. Mình bị bệnh mạch vành. Sống được mà nuôi con là may lắm rồi".

Đúng thế! Cho đến bây giờ Nhà Văn Hà Thị Cẩm Anh vẫn sống, vẫn tồn tại, và vẫn  tiếp tục sáng tác được cũng là chuyện lạ. Lạ hơn là bệnh mạch vành của bà mấy năm nay cũng đỡ nhờ một lần đã can thiệp đặt tel. Bà khoe:" Mình sống được là nhờ bạn bè văn chương cả đấy. Lúc mình gặp hoạn nạn, bạn Văn chương là những người thương mình nhất: Ai cũng dang rộng tay ra, kẻ miếng cơm, người manh áo. Thế là tất cả lại qua đi. Bây giờ tuổi đã cập kề miệng lỗ rồi nên mình cũng chỉ cần một góc nhỏ vừa kê đủ một chiếc giường. Trên giương có một cái bàn bốn chân bé tý, một tập giấy với một cái bút để viết. Mình chỉ muốn tiếp tục được viết cho đến lúc nào thật sự không cầm nổi cái bút nữa thì nằm dài ra giường buông xuôi hai tay. Thế là xong. Cần gì nhiều đâu?". Nhưng rồi cái ước mơ rất nhỏ ấy của nhà Văn dân tộc Mường Hà Thị Cẩm Anh cũng tan thành mây khói ở cái tuổi 66.

Vụ việc như sau:

Tháng 2 năm 2014 Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh nhận được quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa: Giải tỏa khu Tập thể Hội Văn học-Nghệ thuật Thanh Hóa để giải phóng mặt bằng cho " Dự án mở rộng trụ sở Công an tỉnh ", Khu tập thể này gồm có 7 hộ gia đình cán bộ của Hội Văn học- Nghệ thuật, trong đó có căn hộ của Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh được phân từ tháng Chạp năm 1979. Cầm quyết định trên tay. Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh vui vẻ nói với bạn bè:" Nhà nước lấy chỗ này để thực hiện dự án thì sẽ bố trí cho mình một chỗ ở khác. Không khá hơn thì cũng bằng chỗ cũ. Luật đã nêu rõ thế rồi. Lo gì mà lo" . Cho mãi đến tháng 5 năm 2014  nhận được thông báo là: Sau khi áp giá đền bù theo quy định từ năm 2004 của Chính phủ gia đình Nhà văn được đền bù 125.814.000 đồng cho phần nổi và được mua một suất đất ở tái định cư với mức giá là 350.000.000 đồng. Đọc xong thông báo, nhà văn Hà Thị Cẩm Anh mới thật sự giật mình hốt hoảng vì hầu bao của mình hoàn toàn rỗng tuếch. Bà bắt đầu lục tung máy tính để tìm đọc Luật Đất đai, các Nghị định về giải phóng mặt bằng, tái định cư. Trong các Luật,  Nghị định về đất đai, bà Cẩm Anh đều thấy mình đủ điều kiện để được đền bù đất tái định cư sau khi bị giải phóng mặt bằng vì bà đã được cơ quan phân nhà từ năm 1979. Tuy chắp vá nhưng gia đình cũng đã làm mới và sử dụng ba mươi lăm năm rồi.

Cho đến nay (cuối tháng 11 năm 2014) khi được cán bộ Ban giải phóng mặt bằng thành phố đến thông báo là sẽ lập hồ sơ cưỡng chế nếu các hộ gia đình không chịu di rời nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đã bốn lần làm đơn kêu cứu gửi lên các vị lãnh đạo và các cấp như Thành phố, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy. Đoàn đại biểu quốc hội tại Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa; đồng kính gửi đến các đồng chí lãnh đạo như Chủ tịch UBND  tỉnh , thành phố, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhưng tuyệt đối không nhận được bất cứ một câu trả lời nào của các cấp ủy, Chính quyền và các đồng chí lãnh đạo mà nhà văn đã gửi đơn tới.

Thương xót cho hoàn cảnh bi đát của Hội viên, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam, ông Hữu Thỉnh đã gửi công văn, tờ trình và trực tiếp vào Thanh Hóa hai lần để gặp lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa để đề nghị tỉnh Thanh Hóa giúp đỡ cho nữ Nhà văn dân tộc Mường này. Ông Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và các vị lãnh đạo cấp cao của tỉnh Thanh Hóa cũng đã hứa với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ nữ Nhà văn người dân tộc Mường này ổn định cuộc sống để tiếp tục sáng tạo được những tác phẩm có chất lượng.

Lời hứa là thế, nhưng ngay sau khi Nhà thơ Hữu Thỉnh về Hà Nội thì tất cả lại rơi vào im lặng. Lâu rồi mới có dịp về thành phố, ghé thăm Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh. Bà đang ốm. Người gầy, da xanh lét. Tôi hốt hoảng hỏi bà vì cơn cớ gì lại hóa ra nông nỗi thế này. Bà khóc, nghẹn ngào nói với tôi:" Mãi bây giờ khi đã biến thành kẻ vô gia cư rồi thì mình mới biết các thứ giấy tờ hành chính rườm ra nó quan trọng đến thế. Ba mươi lăm năm qua mình sống ở đây chả có ai đến tranh nhà, tranh đất với mình. Cứ tưởng như vậy là yên ổn. Nhiều lúc còn cảm thấy thương cho ai đó cứ phải chạy đôn chạy đáo để mua rẻ lô đất này, bán đắt thửa đất kia. Bây giờ mới thấm hết nỗi đau của một Nhà văn sắp bị cưỡng chế ra khỏi nhà vì không có thứ giấy tờ  mà mình cảm thấy rườm rà phức tạp kia? Cũng cho đến bây giờ mới thấy xót xa thương con nhưng đã muộn rồi. Mình nghèo nên chả lo được cho chúng! Mình già rồi nên có thể chui rúc gầm cầu hay bất kỳ nơi đầu đường xó chợ nào nếu như người ta không thực hiện triệt để khẩu hiệu: Vì một thành phố xanh, sạch, đẹp nhưng còn con và cháu? Chúng nó vẫn tưởng là còn được sống nhờ dưới mái nhà của mẹ? Chúng có biết đâu là ngôi nhà sắp phải bị cưỡng chế? Cả nhà sắp bị tống ra đường? Cũng không biết rồi chúng phải chui vào xó xỉnh nào? Mình không có một thước đất cắm dùi. Không có một đồng tích lũy. Lương hưu ba triệu đồng mỗi tháng. Con gái học xong Cao đẵng Sư phạm không xin được việc làm phải ra đường bán nước chè xanh kiếm sống qua ngày. Trong tài khoản ở Ngân hàng chỉ có mỗi hai triệu đồng mình dành dụm đề phòng lúc bệnh tim mạch đột ngột tái phát còn có cái mà nhập viện ngay. Mình đã hoàn toàn tuyệt vọng rồi. Chết đi để khỏi phải lo nhà ở hay ra gầm cầu Phú Sơn che vài manh chiếu mà ở đang là sự lựa chọn của mình trước khi bị cưỡng chế? Với giá cả bây giờ 125.814.000 người ta đền bù cho gần 70 m2 nhà hiện nay mình đang cố lỳ ra mà ở được ngày nào hay ngày ấy thì làm sao có được một chỗ ở mới. Nếu đi thuê nhà thì được mấy năm"?

Tôi lặng đi trước cảnh khốn cùng của người đàn bà này. Tài sản duy nhất mà hiện nay Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh có được là một giá sách mà bạn bè văn chương đã tặng bà vài chục năm nay, là những thùng báo và tập chí lủng củng trong nhà. Chuyển đi cũng tiện. Nhưng chuyển đi đâu? Tôi thật sự không thể nói được gì với bà cũng không  biết phải chia sẻ ra sao? Với người khác thì có lẽ đã không bị đẩy vào hoàn cảnh như bà hiện nay, nhưng bà lại là người đàn bà người dân tộc thiểu số từ rừng xuống phố. Đã lâu rồi, nhưng vẫn không thể nào nắm bắt kịp với cuộc sống thị trường sôi động và khắc nghiệt ngoài kia.

Hiện nay nhà nước ta đang thực hiện xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Lẽ nào lại nở bỏ rơi một người phụ nữ người dân tộc thiểu số lúc tuổi đã cao cứ ngơ ngơ ngác ngác giữa phố phường này? Bà là người đàn bà dân tộc thiểu số hiếm hoi và cũng rất lạ của Văn học Thanh Hóa và cũng là của Hội Nhà văn Việt Nam? Đâu là lối thoát cho bà lúc này?