"Con tin" của học sinh Đan Lai

Trong lần công tác mới đây, nghe câu chuyện từ cán bộ Phòng Giáo dục huyện Con Cuông (Nghệ An), về ông La Thanh Văn - một người dân Đan Lai không quản khó khăn, nấu ăn cho học sinh người Đan Lai tại Trường THCS Môn Sơn, để các em khỏi bỏ học, đã thôi thúc tôi làm một chuyến ngược rừng. Con đường cấp 4 nối Thị trấn Con Cuông vào trung tâm xã Môn Sơn - nơi có nhiều người Đan Lai sinh sống, dài khoảng 25 cây số. Không khó đi nhưng cũng đủ độ heo hút với những dốc cao và dãy núi đá cheo leo.


Đường vào xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An (ảnh TL Báo Nghệ An)

Đến trường kịp lúc vừa trưa, thầy giáo Trần Quang Trọng - Chủ tịch Công đoàn dẫn tôi xuống nhà nội trú học sinh nằm cách đó hơn 1 cây số, nơi ông Văn đang “công tác”. Trường THCS Môn Sơn là trường cấp 2 duy nhất của xã, có 433 học sinh, trong đó có 51 em người Đan Lai. Riêng khu nội trú được bố trí cho 48 em, chủ yếu người Đan Lai ở các bản Cò Phạt, Khe Búng, Khe Khặng - tận vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát. Do xa gia đình nên mỗi thầy cô giáo ở đây ngoài dạy chữ, còn dạy kỹ năng sống và động viên các em mỗi khi nhớ nhà.

 

Ngay cả ông Văn, dù nấu ăn nhưng cũng phải ở lại khu nội trú thường xuyên để chăm sóc học sinh. Theo lời thầy Trọng “Có ông thì học sinh mới chịu ở. Hàng năm khi đi vận động các em ra học, phụ huynh đều hỏi chúng tôi có phải ông Văn nấu ăn không, nếu đúng thì mới cho con ra. Việc ăn uống, học hành hay ở lại trường họ đều nhìn cả vào ông. Bởi ở đây ông là người biết tiếng Đan Lai, hiểu phong tục, tập quán và cả cách ăn uống của các em. Hơn nữa, khi chưa có nội trú, ông đã từng nuôi ăn ở nhiều lứa học sinh Đan Lai nên luôn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của các gia đình. Bây giờ ông giống như “con tin” để họ gửi gắm con em mình vậy”.

Khi chúng tôi xuống, ông Văn cũng vừa nấu xong bữa trưa cho học sinh. Bữa trưa cũng đơn giản, chỉ 2 nồi cơm to và 1 nồi canh cải thả nổi một ít thịt mỡ. Đây là thói quen ăn uống của người Đan Lai, phải chan nước nhiều chứ không ăn thức ăn khô, nhưng cơ bản là do điều kiện còn khó khăn nên nhà trường phải “liệu cơm gắp mắm”. Tất cả các chi phí sinh hoạt, học tập của các em từ cây bút, cuốn vở, ăn uống cho đến quần áo mặc, chỉ trông vào khoản hỗ trợ theo chính sách cho học sinh dân tộc. Vì thế mà các thầy cô giáo nơi đây phải tổ chức quyên góp riêng hàng tháng để giúp đỡ các em.

Ông Văn năm nay gần 60 tuổi, dáng người thấp đậm, làn da đen đặc trưng của người Đan Lai. Là người gốc Khe Khặng, nhưng có thể nói ở Môn Sơn, ông là một trong những người Đan Lai đầu tiên rời nơi “thâm sơn cùng cốc” để ra định cư tại bản Thái Sơn 1 như bây giờ. Đó là vào năm 1967, do đời sống trong khe quá khó khăn, ông đã theo đò xuôi sông Giăng tìm nơi sinh cơ lập nghiệp. Ông bảo đó là cuộc cách mạng của đời mình. Rồi ông lấy vợ, một người phụ nữ Thái, vào thời đó - những năm 70 của thế kỷ trước, đây cũng là một kỳ tích khi còn biết bao nhiêu rào cản về hủ tục và các quan điểm lạc hậu.

 

Ông Văn bắt đầu được thuê nấu ăn cho học sinh từ năm 2009, khi nhà nội trú mới được xây dựng. Hàng ngày ông phải lo 3 bữa cho các em, sáng ra thì nấu nước pha mì tôm, trưa, chiều đi chợ làm bữa ăn chính theo “thực đơn” nhà trường đưa cho. Không những thế ông còn kiêm luôn bảo vệ cơ sở vật chất tại nhà nội trú, chăm lo sức khỏe cũng như dạy tiếng Kinh cho những em mới chập chững bước vào lớp 6. Hỏi ông tiền công nhà trường trả hàng tháng có nhiều không, ông nói “cũng không ăn thua, nhà trường trích từ tiền trợ cấp của học sinh ra cả, nếu ông nhiều thì các cháu lại thiếu. Mà bỏ thì các cháu trốn về hết, tội nghiệp”.

Tranh thủ chưa đến giờ ăn của học sinh, ông Văn dẫn tôi về thăm nhà. Căn nhà đơn sơ chỉ có 4 cột bê tông là đáng giá, xung quanh che phên nứa và một ít gỗ tạp nhưng đã từng là nơi cưu mang biết bao con em Đan Lai từ rừng sâu ra trường học chữ. Trước đây, khi chưa có nội trú, đầu những năm 2000, ông bà đã nuôi nhiều em học sinh người Đan Lai ở trong nhà mình. Ngày đó gia đình ông bà cũng khổ, nuôi 3 người con ăn học đã vất vả, đằng này còn nuôi thêm nhiều cháu khác. Nhà nào khấm khá thì đến tháng đưa gạo ra nhờ ông bà nấu ăn cho con, nhà nào khó khăn không có thì ông bà cũng chẳng hỏi. Hỏi ra thì bà Lô Thị Thích - vợ ông, cười bảo, “ngoài ni cũng khổ, mà trong nớ còn khổ hơn. Ra đây ông bà ăn chi thì các cháu ăn nấy. Hắn cũng là con cháu mình cả thôi”. Ông bà còn khoe, bây giờ nhiều đứa học xong cấp 2 còn học lên cấp 3, có đứa về nhà đi làm kiếm tiền thỉnh thoảng còn ra thăm, cho quà.

Điều ông Văn lo nhất dẫn đến quyết định “kéo” các cháu ra đây trọ học là để tránh khỏi những cuộc hôn nhân cận huyết. Vì thế mà giờ đây có nhiều em học sinh người Đan Lai được đến trường học chữ, học những điều mới để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Khi nhìn vào gia đình ông các bậc phụ huynh tận trong bản xa đều yên tâm để cho con em mình ra trường mà không phải lo lắng. Chia sẻ về việc làm của cha mình, chị La Thị Mùi - người con gái, nay cũng là một giáo viên trong Trường THCS Môn Sơn, bảo rằng, “tính ông thẳng lắm, ngày trước khi ông đưa các em về nhà nuôi, biết là vất vả nhưng không ai nói gì. Cũng may thế mà nhiều em, nhiều cháu được biết chữ, được đi học, mở mang kiến thức, nếu không thì cứ quanh quẩn trong rừng mãi”.

Các em học sinh Đan Lai quen sống cùng gia đình ở trong rừng, ít tiếp xúc với người khác nên rất nhút nhát. Có em vừa ra ngày trước, ngày sau đã trốn về vì nhớ nhà. Thế nhưng ở với ông Văn một thời gian là quen dần, bây giờ cứ đến ngày nghỉ các em biết xin phép, nếu thầy và ông cho thì mới về. Cậu bé La Văn Lường, học lớp 6A1, nhà ở tận bản Khe Búng xa hơn 20 cây số đường xuồng, mới ngày nào ra học còn khóc đòi về nhưng bây giờ thì quen rồi, đi học về sớm lại xuống bếp chẻ củi, nhặt rau giúp ông. Lường bảo ở với ông thích hơn, ăn sướng hơn ở nhà. Trong phòng nội trú, Lường là đứa nhỏ nhất, phòng có 4 anh em, ngoài Lường còn có La Văn Đường, Là Văn Anh, La Văn Thiện đều được ông Văn hướng dẫn xếp lịch trực nhật cụ thể theo thứ tự, biết tự giặt quần áo nên khá ngăn nắp, sạch sẽ. Hỏi có muốn về nhà nữa không thì hồn nhiên đồng thanh đáp “Tết mới về luôn”.

Rời Trường THCS Môn Sơn, thầy Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng còn níu tay tôi bảo, các thầy cô trong trường gặp ông thường gọi vui là “anh nuôi”, còn các em học sinh ở đây thì gọi “ô..ông” bằng tiếng Kinh chưa sõi pha giọng Đan Lai, kéo dài, nhưng rất trìu mền. Tôi nghĩ đó cũng là cách thể hiện đơn giản nhất tình cảm bằng ngôn ngữ mà các em gửi đến ông Văn, người đã thay cha, mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho mình.