Các cụ nghỉ hưu mới phát sáng
Ông bạn thân của tôi, Đại tá, nhà báo Quân đội Huy Thiêm, đưa ra một nhận xét khá sắc sảo. Thường, chỉ có các cụ về hưu là nói hay thôi. Còn các bác đương chức lại rất nhạt. Nhiều người nói nhiều mà không có nội dung. Nghĩa là không thấy có trữ lượng thông tin gì cả. Có phải cái ghế hư ảo của quyền lực đã làm họ tự “trói” mình không?
: Nhà thơ Trần Đăng Khoa với CTV và bạn đọc TPM tại Tòa sạn TPM, 5/2013
Nhận xét của Đại tá Huy Thiêm rất đáng lưu ý. Quả đúng như vậy. Tôi cũng đọc không ít bài phỏng vấn. Lại theo dõi nhiều cuộc giao lưu của không ít vị cán bộ trên các kênh truyền thông và thấy không mấy ấn tượng, bởi họ không đưa ra được điều gì mới mẻ, cho thấy kiến thức và tư duy của họ cao hơn người dân bình thường. Nhiều lúc, tôi nghĩ, hay là họ đã ngồi nhầm chỗ? Nhưng không. Kẻ nhầm lẫn là tôi chứ không phải họ. Họ thực sự là những người tài, thậm chí rất tài, lại được đặt đúng vị trí. Nhưng có điều, họ vẫn không phát huy được hiệu quả quả, mà chỉ bừng sáng khi đã rời vị trí quyền lực. Còn khi đương chức, không ít người cứ lúng búng như gà vướng tóc. Có phải cái ghế hư ảo của quyền lực đã làm họ tự “trói” mình không?
Gần đây, theo dõi trên các kênh truyền thông chính thống, tôi thấy có một đề xuất rất hay rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với sự thật, dù xót xa, cay lòng, nhưng suy đến cùng sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục cao nhất. Vì thế nguyên TBT Đảng cộng sản Bungary Todor Zhivkov đã từng nói: "Điều quý giá nhất của thế giới và hành tinh chúng ta là niềm tin cậy và sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới, và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới".
Cứ như đề xuất của ông thì: “Từ năm 2014 trở đi cần phát động cao trào nói thật, báo cáo đúng. Mọi báo cáo của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp đều phải thẩm định, ai báo cáo sai phải xử lý nghiêm túc đối với người báo cáo, người duyệt số liệu và người đứng đầu, nhất là những số liệu cốt lõi của nền kinh tế như: số hộ giàu nghèo, nợ xấu, lạm phát, trượt giá, tồn đọng BĐS, thu nhập bình quân, hiệu quả SXKD của DNNN ..v.v.. Cần điều chỉnh một số tiêu chí thống kê cho sát với thực tế để dễ cân đong, đo đếm hơn, ví dụ: Thước đo GDP hiện nay tỉnh thành nào cũng tăng trên 10% mà cả nước chỉ tăng trên 5%, thật là khó hiểu! Hay như năm 2013, chỉ tiêu nào cũng tăng (vì dễ nói dối) nhưng thu ngân sách lại giảm, vì tiền được "điểm danh" qua Kho bạc Nhà nước nên khó nói dối hơn. Phải coi bệnh nói dối kéo dài đã đến hồi phải kết. Thà kết thúc bằng một nỗi đau để làm lại từ đầu còn hơn tiếp tục kéo dài nỗi đau mà chưa biết khi nào kết thúc. Nói dối kéo dài, bản chất cũng là lừa đảo. Phải xử tội nói dối như tội danh lừa đảo thì mới nghiêm túc, triệt để…”. Đúng quá!
Người đưa ra đề xuất sắc sảo này cũng lại là một bác đã về hưu. Tôi cứ nghĩ, nếu như lúc bác đang làm Bộ trưởng, bác triển khai luôn ý tưởng tốt đẹp này ở chính ngành bác quản lý thì hay biết bao. Biết đâu đó lại là một điển hình cho cách làm ăn mới mà chúng ta có thể nhân rộng ra cả nước
Ở một hướng khác, có bác khi về hưu rồi mới tích cực quan tâm đến công việc của cơ quan mà mình đã từng quản lý. Tôi gọi đó là những bác không quen ở nhà mình. Có ai lại ngược đời như thế không? Có đấy.
Đó chính là ông bạn vong niên của tôi. Ông làm Giám đốc sở Văn hoá, một cán bộ cựu trào của một tỉnh lỵ bán sơn địa. Các cán bộ, nhân viên ở đây, kể cả những người bây giờ là cấp trên của ông cũng đều là lớp đàn em ông, do ông dìu dắt, đào tạo. Cũng vì thế nên mãi đến tuổi 65, ông mới nhận giấy báo nghỉ. Rồi nhùng nhằng thêm đến mấy năm nữa, ông mới chính thức cầm sổ hưu.
Hôm chia tay, cơ quan cũng đã làm một bữa tiệc đưa tiễn với bao lời ca tụng tốt đẹp. Nhưng rồi sáng hôm sau, người ta vẫn thấy cựu giám đốc đeo túi dết đến cơ quan như thường lệ. Gặp ai ông cũng bắt tay: “Trời, mình nhớ các cậu quá. Nhớ quá!”
Có người không nén nổi nỗi bùi ngùi. Không ngờ thủ trưởng tình cảm quá. Vậy mà trước đây sao mình không nhận ra. Có lúc mình còn nghĩ oan cho thủ trưởng. Thực tình, thủ trưởng đâu có quan liêu, đâu có vô trách nhiệm với cấp dưới.
Thế rồi, ngày nào, thủ trưởng cũng “nhớ anh em”. Sáng sáng, cứ tám giờ kém mười là ông đã có mặt ở công sở. Trước đây, khi còn đương chức, ông thường xuyên đến muộn. Bây giờ, ông lại đến rất đúng giờ. Anh giám đốc mới chẳng nỡ cắt điện thoại, vẫn để nguyên cái ghế cũ, căn phòng cũ cho ông. Đến cơ quan, ông khua điện đi các nơi, nói đủ mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Mà chẳng chuyện nào ăn nhập với chuyện nào. Thỉnh thoảng, ông lại mời khách ở các tỉnh khác đến. Ấy là những người mà trước đây, ông từng giữ mối quan hệ thân thiết. Cứ vài ba ngày, anh giám đốc mới lại cùng ông đưa khách ra nhà hàng sang trọng. Còn khách sơ sơ thì cũng thuốc lá, bánh kẹo, cà-phê. Có khi cả ngày, cơ quan chỉ trằn mình ra tiếp khách cho cựu giám đốc. Khi không còn khách khứa nữa thì ông ngồi bù khú với anh em, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của từng người. Ông phát hiện ra trong cơ quan có bao điều bất hợp lý. Mà bất hợp lý từ rất lâu rồi. Cô văn thư, bảo mật gia đình khó khăn quá. Anh bảo vệ gắn bó với cơ quan bao nhiêu năm vẫn chưa được đi tham quan chuyến xuyên Việt. Cậu cán bộ bảo tàng lương thấp mà sao mãi chưa tăng lương. Như vậy thì làm sao nó có thể sống nổi, có thể yên tâm giữ gìn di sản văn hoá nước nhà.
Thế là rối mù lên. Anh giám đốc mới không thể một lúc giải quyết được tất cả mọi điều ông đề nghị. Bởi đó toàn là những việc lớn, những việc cấp bách. Còn cán bộ cấp dưới thì xôn xao bàn tán. Có người cảm động đến ứa nước mắt. Có người nghi ngờ: “Ôi dào, sao hồi còn quyền chức, ông ấy chẳng làm? Bây giờ về vườn rồi, ông ấy mới sốt sắng quan tâm đến anh em?”. “Thì hồi đó, thủ trưởng bận trăm công ngàn việc...”. “Tôi cũng nghĩ là thủ trưởng bận. Chứ người như vậy là tốt lắm đấy. Nếu thủ trưởng không bận thì mình đã chẳng đến nỗi khốn khổ thế này...”
Bao điều bất ổn mà nhắc mãi giám đốc mới vẫn chưa giải quyết, cựu giám đốc lại trút nỗi bực dọc sang tôi: “Cán bộ bây giờ gay quá, cậu ạ! Tri thức thì có. Nhưng quan điểm lập trường là chưa thể tin cậy được. Nhất là tính quần chúng, sự đi sâu đi sát quần chúng của cán bộ là có vấn đề. Mình thấy gay lắm...”. Tôi cười: “Vâng, cán bộ thì thời nào mà chả có vấn đề. Cứ làm việc đến hết mình thì rồi sẽ lại có khiếm khuyết. Nhưng dù có khiếm khuyết gì thì cũng là chuyện của họ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Còn bác nghỉ rồi. Bác không nên can thiệp quá sâu. Việc gì bác cũng can thiệp, làm cho tất cả cứ rối lên. Anh em đương nhiệm lại khó làm việc...”. “ Tại sao lại khó làm việc? - Cựu giám đốc quắc mắt lên. - Tôi giúp họ phát hiện những điều bất ổn. Cả đời tôi gắn với cơ quan. Bây giờ còn chút sức lực nào, tôi cống hiến nốt cho trọn vẹn. Tôi vào Đảng là thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cơ mà. Còn lâu mới đến giọt máu cuối cùng của tôi nhá! Tại sao chú lại cứ nhìn tôi như một anh gây rối.”. “Bác không phải người gây rối. Nhưng nhiều điều rắc rối lại bắt đầu từ bác. Bởi bác nghỉ rồi mà...”. “Tất nhiên là tôi nghỉ rồi, nhưng tôi vẫn phải có trách nhiệm. - Cựu giám đốc bùi ngùi: - Mà nói thật với chú, tôi vẫn không quen ở nhà mình. Cả một đời gắn với cơ quan. Cơ quan đã thành nhà tôi. Còn căn nhà thực của tôi chỉ là cái quán trọ. Tôi không sao quen được, chú ạ! Tôi lại phải đến cơ quan. Mà ở cơ quan thì lại thấy toàn những điều ngang tai trái mắt. Thế là mình lại phải nhắc. Mà nhắc mãi vẫn không chuyển. Nhiều lúc mình phát nản, lại nghĩ rất tiêu cực: Thôi thì thây kệ đời!..
Nói vậy, nhưng rồi ngày hôm sau, vào lúc tám giờ kém mười, người ta vẫn thấy ông cựu giám đốc đeo chiếc túi dết đến cơ quan. Ông đặt chiếc túi lên bàn, rồi lại ngồi vào chiếc ghế giám đốc cũ...