Mai này con tôi sẽ làm...bộ trưởng!
Nhìn đứa con còng lưng cõng chiếc ba lô vào lớp một,tôi chợt nghĩ có lẽ con mình học nhiều thế này thì sau này sẽ phải làm tới Bộ trưởng. Nước ta sau này sẽ có toàn Bộ trưởng, quan chức mà chẳng mấy người công nhân lành nghề?
Con tôi năm nay vào lớp một. Cậu bé hào hứng với một chiếc balo to đùng trên lưng tung tăng đến lớp. Trường tiểu học học hai ca. Sau buổi học đầu tiên, Con tôi về khoe với bố mẹ đủ thứ rồi mới chạy ra ngoài cửa chơi. Buổi tối ăn cơm xong là chạy ngay vào bàn ngồi học bài, tập viết bên ánh đèn học. Buổi đầu thấy con chăm học nên lòng cũng thấy vui vui.
Ngày thứ hai đón con ở cổng trường lúc năm giờ chiều. Buổi tối sau khi ăn cơm xong, Con tôi mải chơi đến gần giờ đi ngủ nó mới nhớ ra bài về nhà cô giao. Sợ phạt nên cụ cậu cứ ngồi khóc. Bố mẹ vận động mãi mới chịu đi ngủ để sáng sớm mai dậy học bài. Sáng ngày hôm sau, cậu bé dậy thật sớm để làm bài tập.
Một tuần, hai tuần với chiếc balô càng ngày càng nặng và bài tập buổi tối càng ngày càng nhiều. Thằng bé căng mình làm bài tập buổi tối. Hai bố mẹ phải thay nhau kèm con học. Con tôi không còn thời gian chơi với mỗi ngày học đến mười hai tiếng. Đứng nhìn con học mà cả cha mẹ chẳng biết giúp con thế nào?
Chúng tôi ngày xưa học đến cấp ba cũng chỉ học có một buổi sáng hoặc chiều. Chúng tôi chỉ học thế mà cũng học hết trên đại học và có công việc ổn định và thu nhập đủ sống. Ngày xưa đi học cũng chỉ có mấy cuốn sách vở cùng với một tuổi thơ đầy áp những kỷ niệm.
To mò, tôi tìm hiểu cách đào tạo của các nước trên thế giới thì thấy rằng có một sự khác biệt lớn. Trẻ em các nước khác học rất nhàn và ít áp lực. Chương trình đào tạo các nguyên tắc chính thay vì học thuộc lòng. Trẻ em được nhiều các môn kỹ năng, sáng tạo. Như có quốc gia chỉ học nửa ngày còn nửa ngày được tham gia các hoạt động như bơi, dã ngoại….Chương trình học của họ ít áp lực mà sao họ lại có nhiều phát minh lớn, nhiều nhà bác học như vậy???
Gần đây, Có một thầy giáo làm một cuộc thăm dò và phát hiện ra rằng học sinh của chúng ta chỉ học về lý thuyết, tích cực học thêm và học thuộc là chính và rất hạn chế sự sáng tạo. Các kỹ năng bơi, nấu ăn, tự chăm sóc bản thân…đều gần như không biết. Trẻ thụ động chỉ học trong sách giáo khoa thay vì tự tìm cách đọc các sách tham khảo khác. Dường như học sinh chỉ muốn thi đỗ đại học, làm công an, tòa án, công chức mà chẳng ai ước mơ trở thành doanh nhân làm giàu cho đất nước…
Cách đây mấy năm, tôi có tiếp xúc với một nhóm học sinh chuyên Sinh lên Hà Nội thuê nhà học ôn thi Sinh toàn quốc. Một cô bé được phân công rửa bát sau bữa ăn. Cô học trò hòa 1 chậu xà phòng nhúng bát đũa vào đó. Sau đó hòa một chậu muối nhúng bát diệt khuẩn lần hai rồi mang bát ra phơi nắng. Quy trình rửa bát diệt khuẩn tuyệt vời với những chiếc bát dính muối và xà phòng nhơn nhớt. Buổi tối ăn cơm mọi người mới ta hóa mang bát ra rửa lại và mắng chửi cô học trò giỏi sinh một trận. Cô bé chỉ biết bật khóc và thú nhận là chưa bao giờ biết rửa bát. Ôi! Học sinh giỏi của chúng ta?!
Gần đây, cả xã hội đều quan tâm đến giáo dục không chỉ giáo dục là quốc sách hàng đầu mà giáo dục là cơ sở phát triển xã hội. Những căn bệnh thành tích, học thêm, bài tập về nhà và cải cách giáo dục đang từng bước được khắc phục. Chúng ta không thể dùng ba môn thi đại học để đánh giá đủ năng lực của một học sinh. Ba môn không thể quyết định trình độ của ba mươi môn học. Tuy nhiên để thay đổi tư duy và phương pháp của cả hệ thống chắc chắn không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Về nhà, nhìn đứa con còng lưng cõng chiếc ba lô vào lớp một. Buổi tối làm miệt mài với đống bài tập, thời gian làm việc hơn mười tiếng một ngày. Tôi chợt nghĩ có lẽ con mình học nhiều thế này thì sau này sẽ phải làm tới Bộ trưởng mất. Nước ta sau này sẽ có toàn Bộ trưởng, quan chức mà chẳng có mấy người làm công nhân lành nghề.