Quy định mới về đặt tên doanh nghiệp

Gần đây, Thông tư 10/2014 “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc” do Bộ VHTT&DL ban hành sẽ chính thức có hiệu lực ngày 25/11/2014, trong đó có quy định “cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp”. Quy định này đang được nhiều người quan tâm.

Đặt tên cho doanh nghiệp là một việc làm hết sức quan trọng và ý nghĩa. Tên doanh nghiệp không chỉ là tên gọi thông thường mà nó còn thể hiện một phần lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay thể hiện tình cảm của những người chủ doanh nghiệp đến một ai đó, một nơi nào đó hay một vấn đề nào đó…

 

Việc đặt tên doanh nghiệp được quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 Luật Doanh nghiệp năm 2005 và được hướng dẫn tại Điều 13, 14, 15 Nghị định 43/2010/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể:

- Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được và bao gồm hai thành tố sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, cụm từ trách nhiệm hữu hạn có thể viết tắt là TNHH; công ty cổ phần, cụm từ cổ phần có thể viết tắt là CP; công ty hợp danh, cụm từ hợp danh có thể viết tắt là HD; doanh nghiệp tư nhân, cụm từ tư nhân có thể viết tắt là TN;

b) Tên riêng của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành, nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó.

Việc đặt tên doanh nghiệp không được vi phạm các điều cấm đã được quy định tại Điều 32 Luật doanh nghiệp năm 2005.

Về việc tại sao các doanh nghiệp lại thích lấy tên danh nhân đặt tên cho doanh nghiệp của mình. Doanh nhân họ ngưỡng mộ các danh nhân trong lịch sử như các ông Trường Chinh, Nguyễn Huệ, Phạm Văn Đồng,… cũng có thể có nhiều người có kỉ niệm sâu đậm với một số địa danh trong lịch sử như: Hà Nội, Sài Gòn, Điện Biên, Tân Trào…khi thành lập công ty họ muốn đặt tên giống hoặc chỉ giống một phần. Điều này thể hiện sự trân trọng của doanh nhân với truyền thống lịch sử với non sông đất nước.

Gần đây, Thông tư 10/2014 “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc” do Bộ VHTT&DL ban hành sẽ chính thức có hiệu lực ngày 25/11/2014, trong đó có quy định “cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp”.

Về những điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp được quy định tại Điều 32 Luật doanh nghiệp 2005 như sau:

- Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Theo đó ta thấy Luật doanh nghiệp 2005 không đưa ra quy định cấm việc sử dụng tên danh nhân để đặt tên cho doanh nghiệp. Nhưng đến Nghị định 43/2010/NĐ-CP và mới đây nhất là thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL ban hành ngày 1/10/2014 của Bộ Thể thao, văn hóa du lịch ta lại thấy đưa ra quy định này, theo đó Sử dụng tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân bị coi là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc (Điều 2 Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL).

Vì thế các quy định của Thông tư này có thể nói là đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc đặt tên thể hiện sự trân trọng của doanh nhân với truyền thống lịch sử với non sông đất nước, đồng thời còn giúp quảng bá hình ảnh đất nước, các địa danh lịch sử nổi tiếng, truyền thống lịch sử dân tộc chứ không thể nói vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc như thông tư được.

Trên thế giới, việc đặt tên theo các danh nhân vẫn được cho phép với ý nghĩa rất tích cực đó là danh nhân là những người mẫu mực của cả dân tộc vì vậy là tấm gương để tất cả mọi người noi theo.

Hiện nay chúng ta chưa có văn bản quy định những ai được coi là “danh nhân” và  “các nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ”, thế nào là “vi phạm thuần phong mỹ tục”?

Việc chưa đưa ra được các khái niệm nêu trên, như khái niệm “danh nhân” “các nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ”, “vi phạm thuần phong mỹ tục”… chính là thiếu xót của thông tư nói trên vì nó chỉ mang tính định tính mà không có sự định lượng cụ thể đưa ra những khái niệm mơ hồ không rõ ràng. Sự thiếu xót này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các quy định kể trên.

Việc đặt tên doanh nghiệp theo tên danh nhân không có lý gì để cấm, nhất là khi có những doanh nghiệp thực sự muốn đặt tên theo danh nhân để tỏ lòng ngưỡng mộ, noi theo. Nhưng cũng có ý kiến rằng; phải xem xét tính 2 mặt, vì nếu doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, lạm dụng thì có thể ảnh hưởng đến tên tuổi danh nhân.

Nhẩm tính theo các quy định trong thông tư thì sẽ thấy tên doanh nghiệp sẽ không được trùng với các danh nhân, các địa danh lịch sử, giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc…Trong lịch sử, có cả hàng vạn giặc ngoại xâm vào xâm lược nước ta, rồi hàng trăm các địa danh lịch sử, danh nhân… vậy cứ tránh hết các tên này tôi nghĩ phải lên tới cả vạn cái tên “cấm kỵ”.

Như vậy, Thông tư 10/2014 đang được rất nhiều người quan tâm. Việc quy định cách đặt tên này có thể sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho các doanh nhân trong việc lựa chọn cho doanh nghiệp mình một cái tên mà lẽ ra không cần phải phức tạp như thế.