Về việc có nhiều bộ sách giáo khoa

- Sách giáo khoa trong nền kinh tế thị trường phải được coi là hàng hóa, tuy là loại hàng hóa đặc biệt. Đã là hàng hóa thì phải có cạnh tranh. Với sách giáo khoa sự cạnh tranh đó chính là chất lượng nhằm phục vụ có hiệu quả nhất cho người dạy và người học. - Đáng lo nhất chưa phải là chất lượng sách giáo khoa mà là Chương trình và sự Phân ban ở Cấp III. Chưa thảo luận cho ra nhẽ việc phân ban thế nào cho thích đáng thì làm sao có thể bắt tay ngay vào việc soạn chương trình? - Đối với chương trình giáo dục phổ thông khi đã tham khảo được khá nhiều nước rồi thì đâu có quá khó? Nếu khó chăng là do chúng ta cứ muốn có một chương trình chẳng giống ai. - Tôi không đồng ý các bộ sách giáo khoa cần có nhiều ban bệ thẩm định theo quá nhiều tiêu chí. Tôi cho rằng chỉ cần thẩm định theo duy nhất một tiêu chí là CÓ THEO ĐÚNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH HAY KHÔNG? - Bộ GD và ĐT nên cân nhắc: Bộ chủ động chọn người biên soạn từng Chương trình môn học sẽ tốt hơn hay để các Hội khoa học chuyên ngành đứng ra tổ chức lựa chọn dưới sự chỉ đạo của Bộ sẽ tốt hơn?

VỀ VIỆC CÓ NHIỀU BỘ SÁCH GIÁO KHOA
GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng trả lời báo Đại đoàn kết
1. Thưa GS, Quốc hội đang thảo luận về việc làm các bộ sách giáo khoa. Là người từng nhiều lần đề xuất VN nên có nhiều bộ SGK, hẳn ông rất mừng?
Sách giáo khoa trong nền kinh tế thị trường phải được coi là hàng hóa, tuy là loại hàng hóa đặc biệt. Giống như dược phẩm, loại hàng hóa đặc biệt này phải tuân thủ những quy định thống nhất và do Nhà nước ban hành. Đối với sách giáo khoa đó là Chương trình (do Hội đồng quốc gia giáo dục thẩm định sau khi đã có sự phản biện của các Hội Khoa học chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, và của Hội đồng tư vấn Khoa học- Giáo dục của UBTƯ Mặt trận Tổ quốc VN). Đã là hàng hóa thì phải có cạnh tranh. Không bao giờ có một công ty dược phẩm được độc quyền mua bán một loại thuốc thông dụng cần thiết cho số đông dân chúng. Với sách giáo khoa sự cạnh tranh đó chính là chất lượng nhằm phục vụ có hiệu quả nhất cho người dạy và người học. Việc Chính phủ và Quốc
hội quyết định có nhiều bộ sách giáo khoa cho từng môn học là hết sức xác đáng và rất cần thiết để thực hiện chủ trương Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tất nhiên tôi và số đông các nhà giáo đều rất mừng về chủ trương này.
2. Nhưng đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc cùng lúc biên soạn cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa liệu có lãng phí, hay gây ra những xáo trộn trong việc thống nhất giảng dạy tại các vùng, miền không thưa ông?
Trong hệ thống giáo dục quốc dân không thể có nhiều chương trình khác nhau. Có thể do đặc điểm vùng miền mà mức độ rộng hẹp của chương trình có thể co giãn ít nhiều, nhưng khung kiến thức cơ bản không thể chênh lệch nhiều. Bây giờ là thời đại thế giới phảng cho nên các quốc gia muốn có sự phát triển đồng đều cần có các chương trình giáo dục phổ thông không được chênh lệch nhau quá nhiều. Chúng ta nhớ tới kinh nghiệm của Hàn Quốc thuở ban đầu cải cách giáo dục:" Thập niên 60, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người khác, để còn lo việc khác nữa. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội ".
Chúng ta cũng không quên số năm học của học sinh Việt Nam không khác bao nhiêu, và trình độ tư duy của số đông thanh thiếu niên Việt Nam không kém mấy so với rất nhiều nước khác. Chúng ta không cần bê nguyên xi chương trình và sách giáo khoa của nước khác, nhưng nhất thiết phải tham khảo để sao cho học sinh tốt nghiệp THPT ở nước ta có nền tảng kiến thức cơ sở chẳng kém ai. Bộ GD và ĐT nói hiện đã có 40 chương trình của các nước khác. Đó là chuyện quá tốt để đối chiếu sao cho chương trình và sách giáo khoa của chúng ta không khác biệt quá nhiều so với các nước có nền giáo dục phát triển
3. Ông có đồng ý không khi có nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ các chuyên gia có khả năng biên soạn của VN hiện nay rất ít, nhất là ở những môn vốn không được coi là môn học chính?
Tôi không đồng ý. Chúng ta có các Hội khoa học chuyên ngành phù hợp với mọi môn học. Đó là các Hội: Toán học, Vật lý học, Hóa học, Hội các ngành Sinh học. Sử học, Địa lý học, Địa chất học, Ngôn ngữ học, Hội nhà văn... Các Hội đều có số chuyên gia rất đông, từ các giáo sư cao tuổi đến các giáo viên phổ thông, tất cả đều tham gia sinh hoạt trong các Hội này. Nếu dành quyền biên soạn Chương trình cho các Hội này thảo luận dưới sự chỉ đạo của Bộ thì tôi tin rằng mọi việc sẽ rất thuận lợi và tiền bạc chả tốn kém là bao. Các nhà khoa học tham gia vì trách nhiệm và nhiệt tình muốn đóng góp chứ đầu có yêu cầu nhiều về tiền bạc?
4. Còn ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận thì ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có chuyên gia chuyên nghiệp làm SGK thì sao thưa ông?
Có đấy chứ, nhưng vì họ là những người do Bộ lựa chọn để chuyên viết sách giáo khoa cho nên không tranh thủ được trí tuệ của số đông các chuyên gia khác. Rõ ràng nếu để các Hội được chủ động tham gia biên soạn chương trình và để các nhóm tác giả được tự do biên soạn sách giáo khoa thì sẽ thấy ngay là chúng ta đâu có thiếu nhân tài? Chúng ta đã dạy ở bậc Đại học bằng tiếng Việt với mọi chuyên môn khác nhau. Điều ấy nhiều nước đâu có làm được? Đối với chương trình giáo dục phổ thông khi đã tham khảo được khá nhiều nước rồi thì đâu có quá khó? Nếu khó chăng là do chúng ta cứ muốn có một chương trình chẳng giống ai. Tôi thấy chương trình Sinh học ở bậc phổ thông đúng như là một chương trình ở bậc Đại học thu nhỏ lại. Có đủ cả Động vật không xương, Đông vật có xương, Giải phẫu - sinh lý người và động vật, Thực vật bậc thấp, Thực vật bậc cao, Sinh lý thực vật, Vi sinh vật học, Di truyền học, Tiến hóa học, Sinh thái học... Một nước giáo dục phát triển như nước Pháp mà ở bậc phổ thông không dạy Sinh vật học (Biologie), thay vào đó họ dạy môn Khoa học về Sự sống và về Trái đất (Sciences de la Vie et de la Terre). Tôi quan niệm tích hợp là như vậy, chứ đâu có chuyện tích hợp Lý-Hóa-Sinh-Tin học- Công nghệ thành môn Khoa học tự nhiên (!) và các môn Lịch sử-Địa lý-Âm nhạc-Mỹ thuật thành môn Khoa học xã hội (!) như dự kiến của Bộ (xem Phụ lục I, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tài liệu do Bộ biên soạn tháng 7/2014)
5. Chúng ta có nên thành lập Viện sách Giáo khoa không thưa ông?
Đã có Viện Khoa học Giáo dục rồi , lại có Hội đồng Quốc gia về Giáo dục, và đã quyết định có nhiều Bộ sách giáo khoa do các nhóm tác giả và các nhà xuất bản khác nhau cạnh tranh nhau về chất lượng rồi thì lập ra Viện Sách giáo khoa để làm gì? Vấn đề cần làm sớm hiện nay là cần thảo luận để đi đến thống nhất về chuyện Phân ban ở cấp III như thế nào cho hợp lý. Tôi sang Nepal và thấy, một nước ít dân và nghèo (2013: 23,6 triệu dân, GDP/PPP bình quân đầu người là 1500 USD) , nghèo hơn so với nước ta (2013: 90 triệu dân, GDP/PPP bình quân đầu người là 4000 USD), vậy tại sao sách Sinh học lớp 11 và 12 của học sinh lại dày tới trên 700 trang mỗi cuốn (!). Câu trả lời thật dễ hiểu: Họ coi hết lớp 10 là đã trang bị xong kiến thức cơ sở (thế hệ chúng tôi tất cả chỉ được học đến hết lớp 9 !). Lớp 11 và 12 được phân thành 4 phân ban (Quản trị kinh doanh, Xã hội nhân văn, Toán Lý, Hóa Sinh) và mỗi ban chỉ học có 4 môn mà thôi. Lớp 11 và 12 của chúng ta hiện nay mỗi lớp đang học 12-13 môn, cho nên sách giáo khoa quá mỏng, học nhiều thứ mà chả có thứ gì sâu sắc. Chưa thảo luận cho ra nhẽ việc phân ban thế nào cho thích đáng thì làm sao có thể bắt tay ngay vào việc soạn chương trình?. Theo Chương trình dự kiến do Bộ biên soạn (tài liệu nói trên) thì mỗi tuần các môn "phụ" như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa chỉ có 45 phút cho mỗi môn (!). Thế thì dạy được bao nhiêu kiến thức? Hạnh phúc của mỗi đời người là được trang bị đầy đủ kiến thức phổ thông trong giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường Trung học, đâu phải chỉ tập trung cho ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông năm nay với bốn môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn chắc chắn sẽ dẫn đến tai họa là HỌC LỆCH từ trung học cơ sở và hậu quả sẽ không sao lường hết (!). Người ta "Học gì thi nấy" còn chúng ta chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng "Thi gì học nấy". Sao chúng ta không tham khảo kiểu thi tốt nghiệp ở Pháp, ở Mỹ hay ở Nhật, họ có bỏ môn nào đâu mà thi vẫn cứ nhẹ nhàng, thoải mái !
GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng
6. Theo ông, khi mà đã tiến hành “xã hội hoá” – tức là mở cửa cho tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tập hợp các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục – Đào tạo có cần đứng ra biên soạn 1 bộ sách để “thòng” không? Tại sao?
Chuyện này chắc không cần trao đổi nữa vì các đại biểu Quốc hội đã không đồng ý việc Bộ chủ động làm một bộ sách giáo khoa. Tôi nghĩ rằng, Bộ cũng có thể chọn chuyên gia làm một bộ sách giáo khoa (như từ trước đến nay) nhưng các tác giả và nhà xuất bản không được lấy kinh phí từ nhà nước mà bán được nhiều hay ít, lãi hay lỗ đều bình đẳng như các tác giả và các nhà xuất bản khác (không phải do Bộ tổ chức).
7. Nếu không cần, liệu khi tất cả những bộ sách do các tổ chức, cá nhân biên soạn đều có vấn đề thì sẽ ra sao, thưa ông?
Tôi không lo không có cuốn sách giáo khoa do Bộ chủ động biên soạn thì không có bộ sách nào khác. Bản thân tôi nếu thấy có một Chương trình hợp lý chắc chắn tôi sẽ rủ bè bạn biên soạn sách giáo khoa Sinh học (vì lâu nay đến nước nào tôi đều mua sách giáo khoa Sinh học để tham khảo). Nhiều nhà khoa học khác chắc cũng đang nghĩ như tôi. Nhưng tôi nhắc lại là chúng tôi chỉ tham gia nếu có một Chương trình và sự Phân ban ở cấp III mà chúng tôi nhận thấy là hợp lý.
8. Liệu có thể lạc quan để nói rằng khi Bộ GD đứng ra biên soạn bộ sách Giáo khoa sẽ không xảy ra lợi ích nhóm không thưa ông?
Tôi không nghĩ như vậy, Bộ chỉ lo không có bô sách ấy thì đến hết hạn chẳng có ai viết bộ sách giáo khoa nào khác. Tôi không đồng ý các bộ sách giáo khoa cần có nhiều ban bệ thẩm định theo quá nhiều tiêu chí. Tôi cho rằng chỉ cần thẩm định theo duy nhất một tiêu chí là CÓ THEO ĐÚNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÃ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH HAY KHÔNG? Sách hay hoặc dở, học sinh và giáo viên mua nhiều hay ít, nhà xuất bản lỗ hay lãi ...tất cả đều do bản thân chất lượng của từng cuốn quyết định
9. Bằng kinh nghiệm của mình, GS có thể đưa ra ý tưởng mình chúng ta có thể biên soạn được bộ sách giáo khoa tối ưu nhất?
Bộ sách tối ưu nhất quyết định bởi sự lựa chọn của số đông giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Các nước có nhiều bộ sách giáo khoa tôi thấy đều theo nguyên tắc này. Tôi lo nhất chưa phải là chất lượng sách giáo khoa mà là Chương trình và sự Phân ban ở Cấp III. Nếu quả là không hợp lý thì chả có nhà khoa học nào có hứng thú tham gia biên soạn sách giáo khoa đâu. Vì vậy Bộ nên suy nghĩ Bộ chủ động chọn người biên soạn từng Chương trình môn học sẽ tốt hơn hay để các Hội khoa học chuyên ngành đứng ra tổ chức lựa chọn dưới sự chỉ đạo của Bộ sẽ tốt hơn?
Trân trọng cảm ơn GS
PV Thanh Bình