35 năm Trường Viết văn Nguyễn Du

Sáng ngày 15/11/2014, tại trường Đại học Văn Hóa Hà Nội đã diễn ra lễ kỉ niệm 35 năm thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Đến dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Hội chuyên ngành, các giảng viên đã từng tham gia giảng dạy tại Trường Viết văn Nguyễn Du và học sinh các khóa... Nguồn: VanVN.Net)


Nhà thơ Trần Quang Quý thay mặt cựu sinh viên các khóa phát biểu

Đến dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Hội chuyên ngành: ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; TS. Lê Thị Bích Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phùng Huy Cẩn – Phó Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng, Bộ VHTT&DL; nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Bên cạnh đó còn có các giảng viên đã từng tham gia giảng dạy tại Trường Viết văn Nguyễn Du thời kỳ đầu: Giáo sư Phạm Vĩnh Cư; Giáo sư Hồ Ngọc Đại; nhà văn Nguyên Ngọc…

Về phía trường Đại học Văn hóa Hà Nội có PGS. TS Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng trường Đại học Văn Hóa Hà Nội; TS. Hoàng Trọng Nhất – Phó hiệu trưởng; PGS.TS, nhà phê bình Ngô Văn Giá - Trưởng Khoa Viết văn - Báo chí, cùng đông đảo các nhà văn nhà thơ, cựu sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du, Khoa Viết văn – Báo chí các khóa, từ K1 (1979) đến K14 (2014).
Tính đến năm 2014, trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn – Báo chí – Đại học Văn Hóa Hà Nội) đã đi qua chặng đường 35 năm (1979 – 2014) với những thành tựu, vẻ đẹp cũng như những thăng trầm của mình. Từ năm 1976 – 1979, khoa Viết văn được thành lập, nằm trong Trường Nghiệp vụ Văn Hóa (nay là trường Đại học Văn Hóa Hà Nội), do nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Ngọc Hiến làm trưởng khoa. Năm 1979, Khoa Viết văn được nâng cấp lên thành trường Viết văn Nguyễn Du độc lập do GS. Huỳnh Khái Vinh làm hiệu trưởng, bắt đầu tuyển hệ chuyên tu đại học viết văn K1. Đến năm 1999 trường VVND sáp nhập vào Đại học Văn Hóa Hà Nội theo mô hình "trường trong trường". Sau 35 năm phát triển, đã có 367 sinh viên các thế hệ đã tu nghiệp và trưởng thành tại đây. Trong đó có trên 100 sựu học viên được kết nạp vào Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; nhiều người đạt giải thưởng Nhà nước về VHNT; giữ những chức vụ, trọng trách cao trong nền văn học – báo chí nước nhà.
Trong diễn văn chào mừng, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhận định: Từ Trường Viết văn Nguyễn Du đến Khoa Viết văn – Báo chí là một quá trình không ngừng nghỉ trong sự nghiệp đào tạo văn chương, báo chí cho đất nước. Đây là niềm tự hào của các thế hệ học viên, sinh viên đã tham gia học tập tại nơi này.
Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu trong lễ kỉ niệm 35 năm thành lập trường với tâm trạng xúc động của một trong những học viên K1, khóa đầu tiên làm nên tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam. Ông trân trọng nhắc tới những người thầy đầu tiên đã mang tâm huyết xây dựng ngôi trường Viết văn từ những ngày đầu đầy khó khăn gian khổ để trao cho học viên thế hệ ông “những chiếc chìa khóa vàng để bước vào một ngôi đền mang tên Văn học”: Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, GS. Hồ Ngọc Đại, GS. Huỳnh Khái Vinh, GS. Phạm Vĩnh Cư, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Đặng Nghiêm Vạn, GS. Đặng Thai Mai; các nhà văn, nhà thơ: Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi... và nhiều thầy cô khác.
Trong lễ kỉ niệm trọng đại này, ông Phùng Huy Cẩn thay mặt Bộ VHTT&DL đọc quyết định và trao tặng Bằng khen cho tập thể giảng viên – sinh viên Khoa Viết văn – Báo chí đã có những thành tích xuất sắc trong quá trình giảng dạy và học tập.
Buổi chiều cùng ngày, khoa Viết văn – Báo chí đã tổ chức lễ khánh thành bức tượng chân dung GS. Hoàng Ngọc Hiến, người thầy kính yêu của các thế hệ học trò trường Viết văn Nguyễn Du. Tại lễ khánh thành, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, GS. Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyên Ngọc cùng toàn thể các thế hệ giảng viên, học viên, gia đình và bạn bè cố GS. Hoàng Ngọc Hiến đã bày tỏ tình cảm mến yêu và tri ân sâu sắc đến người thầy, người bạn đã đem cả trái tim mình dâng hiến cho sự nghiệp đào tạo văn chương của “ngôi đền thiêng mang tên Văn học”.
Kết thúc lễ kỷ niệm là các hoạt động văn nghệ của các thế hệ học viên, các sinh viên khoa Viết văn – báo chí.