Một bài viết công phu về Nhà thơ Trần Nhuận Minh

TRẦN NHUẬN MINH – TRANG ĐỜI, TRANG THƠ

* NGUYỄN CẢNH THỤY  (*)

“Đối thoại văn chương” là cuốn sách ra mắt lần đầu năm 2012, do Nxb Trí Thức phát hành. Đến năm 2023, nhận được Giải thưởng Đào Tấn của Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc; sau đó lại được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản, tháng 6/2023.

Qua hình thức đối thoại giữa nhà thơ Trần Nhuận Minh với nhà thơ, nhà lý luận phê bình Nguyễn Đức Tùng (hiện sinh sống và làm việc ở Canada), người đọc bị cuốn hút bởi câu chuyện của hai nhà thơ, xung quanh những chuyện đời, chuyện thế sự, chuyện văn chương, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Trong bài viết này, tôi muốn dành riêng sự quan tâm của mình tới Trần Nhuận Minh, qua những trang đời anh kể và những trang thơ anh viết.

Bằng những câu chuyện, sự việc sinh động và hấp dẫn, Trần Nhuận Minh đưa người đọc về những năm tháng tuổi thơ lam lũ và nhiều ám ảnh của mình. Với những người đọc lớn tuổi, thì qua đó thức lại hồi ức một thời; còn với các bạn trẻ thì được “gián tiếp trải nghiệm” những gian nan mà thế hệ cha anh đã trải qua.

Trần Nhuận Minh tâm sự: “với cá nhân tôi, nỗi ám ảnh đáng sợ nhất của tuổi thơ tôi là đói. Đói là cái tận cùng của cái khổ, cái thấp nhất của cái khổ và cũng là cái quan trọng nhất để làm thành cái khổ”. Trước  và trong  Cải cách ruộng đất, gia đình anh được qui là  thành phần bần nông, tuổi thơ anh triền miên trong đói rét và loạn lạc. Sau hòa bình (1954), cái đói ở vùng quê anh có lúc còn kinh khủng hơn, nhưng nó lại ít, hoặc không được nói đến. Khiến cho đến bây giờ được anh nhắc lại, ta không khỏi sững sờ. Năm 1959, khi vừa thành lập hợp tác xã, cả làng được “quán triệt” học theo Trung Quốc: cấy dày, nuôi lợn cho ăn phân trâu, trồng khoai lang trong ụ

đất đắp nổi. Kết quả là cánh đồng thành bãi cỏ, lợn như một túi nước, còn khoai lang thì chết héo. Nạn đói năm đó cướp đi vài người ngay trong xóm anh. Để chống đói, người ta phải ăn lá sắn, lá sung, cây đu đủ, bè muống... Chính Trần Đăng Khoa tưởng cũng đã chết vì đói. Người ta đã bó chiếu để chuẩn bị đưa đi chôn. May mà có ông lang vườn đến thăm khám lại, rồi được một y tá quân đội ở làng cứu, nên anh đã được sống. Đời sống vật chất thì thế, còn đời sống tinh thần thì là sự ám ảnh về những năm tháng tuổi thơ sống cô độc bên ngoại với một bà cô mù bẩm sinh. Tuy mù và không biết chữ, nhưng bà lại thuộc làu Truyện Kiều. Từ lúc ba bốn tuổi, đêm nào cậu bé Minh  cũng được một người đàn bà đầy lòng trắc ẩn hát ru bằng truyện Kiều hoặc đọc Kiều cho nghe. Trần Nhuận Minh quả quyết rằng: Những câu Kiều “dội vào tâm hồn thơ trẻ và vô cùng non nớt của tôi với sự chiếm đoạt có thể nói là duy nhất và tuyệt đối....Chính nó dần dần hình thành trong tôi một thái độ sống”. Sau này, nhìn lại những năm tháng tuổi thơ nghèo khổ của mình, anh tìm thấy trong đó niềm an ủi bù lại: “không có những nỗi khổ đó, chắc gì mình đã hiểu đời, đã thương người như bây giờ?”.

Ám ảnh của ký ức tuổi thơ dẫn đến sự hình thành nhân cách của một con người. Từ đó mà lòng trắc ẩn, vị tha và tình yêu thương con người được hình thành trong anh từ lúc nào không hay. Một học sinh cũ có lần nhắc lại anh một câu chuyện mà em ấy nói là cả đời em không bao giờ quên. Cuối năm lớp 7, mẹ em sửa soạn một bữa cơm mời thầy đến nhà gọi là để tạ ơn và chia tay. Nhà nghèo, cơm được dọn trên cái sàng (vì nhà không có mâm), trên đó chỉ có hai món: một bát canh và một bát tép riu. Vừa vào bữa, bỗng dưng, một con nhái nhảy vào bát canh rồi lại nhảy ra ngay trước sự hốt hoảng, lúng túng của cả hai mẹ con. Thấy vậy, thầy Minh thản nhiên dùng muôi múc canh chan, ăn ngon lành như không có chuyện gì xảy ra. Hai mẹ con cảm động đến rớt nước mắt! Lại một lần, Trần Nhuận Minh vừa mua được cái xe đạp mới với giá 680 đồng, anh dựng ở sau nhà, loáng cái đã bị mất. Anh cùng một bạn đi tìm. Đoán kẻ gian sẽ mang đi Hải Phòng tiêu thụ, anh cùng người bạn đến bến tàu thủy để chờ đợi. Khi tàu vừa tháo dây neo từ cọc bích, thì bỗng thấy một cậu bé phóng xe của anh lên. Anh nhận ra là con một người quen nên khuyên bạn quay về. Ít lâu sau, gặp lại cậu bé đó, anh hỏi: này, cháu lấy xe của chú ra Hải Phòng bán được bao nhiêu? Nó tỉnh bơ trả lời: Trăm rưỡi! Anh nói, Sao bán rẻ thế, chú mua 680 đồng đấy, thiếu tiền sao cháu không xin chú cho, mà lại làm thế?  Nó đáp:  Chú chỉ được cái nói phét! Anh sững lại một lát rồi thừa nhận là nó nói đúng!  Vì anh không  phải lúc nào cũng có tiền và có, cũng không thể cho nó tiêu hoang được.  Cho đến bây giờ, khi nó đã là cán bộ,  anh vẫn không tiết lộ điều đó với ai, kể cả bố mẹ nó mà anh vẫn thường gặp. Một lần khác, anh đang đi trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) chợt một cảnh ngộ bất ngờ diễn ra ngay trước mặt: Viên cảnh sát giữ quang gánh và phạt tiền một người đàn bà bán hàng rong. Người đàn bà nhà quê trông rất khổ hạnh, quỳ xuống, khóc lóc, van xin, nhưng viên cảnh sát vẫn không tha. Thấy thế, anh chen vào xin, nhưng vẫn không được . Anh đưa cho bà  200 ngàn đồng để bà nộp phạt , nhưng bà dứt khoát không nhận tiền. Thế là anh bật khóc, khóc  hu hu…  Còn nhiều những mẩu chuyện tương tự được anh kể trong cuộc trò chuyện với bạn văn, người đọc bị thuyết phục và cảm nhận ở anh một con người rất dễ động lòng trắc ẩn và hay thương người.

Con người Trần Nhuận Minh là thế. Trong “Đối thoại văn chương”, người đọc thấy con người ngoài đời và nhân vật trữ tình trong thơ anh rất nhất quán với nhau. Gặp những số phận ngoài đời, anh như chính gặp lại chính mình. Trong văn chương, anh cũng say mê đọc những cuốn viết về con người mang đậm chất nhân văn. Hỏi về những cuốn sách yêu thích, anh kể tên đông tây, kim cổ rất nhiều. Nhưng hỏi một tác giả, một cuốn sách nào đem đến cho anh sự ảnh hưởng lớn nhất, thì anh chỉ một mực quả quyết: Có một. Đó là Nguyễn Du! Đó là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” không chỉ là nỗi ám ảnh với anh từ thuở ấu thơ qua lời ru của bà cô, giọng đọc của mẹ; mà cả khi anh đã cầm bút sáng tác. Với anh, đấy luôn là  mẫu mực của áng văn chương, mẫu mực của tình yêu thương con người. Lòng yêu thương con người của Nguyễn Du không chỉ là đối với Thúy Kiều, mà là đối với  mọi kiếp người. Thế giới “chúng sinh” được Nguyễn Du nhắc đến không chỉ ở trong nước, mà còn là những người ông gặp trên đường đi sứ sang Trung Quốc. Ông nhỏ lệ trước số phận những con người “dưới đáy” của xã hội Trung Hoa. Đó là ông già mù hát rong ở phủ Thái Bình (Thái Bình mại ca giả); đó là bốn mẹ con người ăn xin (Sở kiến hành) mà “đứa nhỏ trong lòng mẹ, đứa lớn cầm giỏ tre”, bên trong chỉ có rau và cám. Các châu ở Hồ Nam, Hồ Bắc thì hạn hán mất mùa, người chết đói ven đường (Phản chiêu hồn).. . Từ những ám ảnh trong tiềm thức kết hợp với những gì mà anh chứng kiến, khiến cho như một lẽ tất nhiên, thơ Trần Nhuận Minh có nhiều cảnh đời, cảnh người nghèo khổ, bất hạnh. Họ thuộc đủ thành phần trong xã hội: bất kể là  đàn ông, đàn bà, người già hay người trẻ. Nhiều nhân vật trong thơ dường như là hàng xóm, họ hàng thân thích với anh. Đó là “Thím Hai Vui”, “Dì Nga”, “Cháu Thúy”, “Mợ Hữu”, “Cô Bổng”, “Bá Kim”... Có nhà phê bình thấy thế,  đặt cho thơ anh cái danh xưng là “thơ chân dung” (?).

Để lý giải được hiện tượng thơ Trần Nhuận Minh sau Đổi mới, thiết nghỉ không chỉ cần biết một Trần Nhuận Minh trong những năm tháng tuổi thơ mà còn cần biết cả Trần Nhuận Minh với tư cách công dân và người viết báo. Không phải ngẫu nhiên mà trong “Đối thoại văn chương” anh hay nhắc đến những vấn  đề gây tranh cãi xung quanh những vấn đề của văn chương, trong lịch sử. Anh không chấp nhận, thậm chí là căm ghét sự thiếu trung thực, gian dối trong cuộc sống cũng như trong khoa học.

Giữa Trần Nhuận Minh, và em anh là Trần Đăng Khoa, với Xuân Diệu có mối quan hệ nhân duyên từ lâu. Xuân Diệu  được anh hay nhắc đến với nhiều kỉ niệm đẹp. Anh coi Xuân Diệu như ân nhân của gia đình mình. Nhưng anh cũng cho rằng, Xuân Diệu về một mặt nào đó “ cũng không phải là người đàng hoàng”. Vì danh xưng “Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm”, mà Xuân Diệu lấy làm tên một biết viết dài, rất công phu  của mình  trong nhiều chục năm, đã được Lê Tâm đưa ra ít nhất từ năm 1950 - khi ấy, Nhà xuất bản Cây Thông (Hà Nội) in cuốn sách trên!

Cũng theo Trần Nhuận Minh, về mặt văn bản, Hồ Xuân Hương chỉ là tác giả của  một tập thơ  duy nhất, có tên là “Lưu Hương ký”. Năm 1814, khi ra cuốn “Lưu Hương ký”, Hồ Xuân Hương có nhờ Tốn Phong viết cho lời tựa và nói: “Đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi tự trước tới nay, nhờ ông viết cho một bài tựa”. Tập thơ gồm  26 bài chữ Nôm và 24 bài chữ Hán, tất cả là 50 bài, đều là thơ quan phương, hào hoa phong nhã, có tính hàn lâm, uyên bác,  rất có chừng mực và “ luôn dừng lại ở  phạm vi đạo lí”,  hoàn toàn xa lạ với  thơ truyền tụng được coi là của Hồ Xuân Hương.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh tán thành và đề cao công trình  nghiên cứu rất thận trọng và công phu của nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại, Viện Văn học Việt Nam,  và đưa ra kết luận rằng, TOÀN BỘ thơ truyền tụng  được cho là của Hồ Xuân Hương mà ta biết từ nhiều chục năm nay, là thơ dân gian, gán cho bà.  Vậy mà,  qua những lần xuất bản khác nhau, người ta cứ tùy tiện thêm vào, để xây cho “ngôi đền thơ Hồ Xuân Hương” hoành tráng, có lúc in lên tới  200  bài thơ.

Trần Nhuận Minh  đã gặp nhà thơ Xuân Diệu, tại nhà riêng, sau cuộc hội thảo với nội dung trên ở Viện Văn học mà Xuân Diệu có dự nhưng ông không phát biểu gì.  Xuân Diệu  tỏ ra bực bội. Ông nói: “Có một Hồ Xuân Hương giả mà cả thế giới nó sợ thật, lại không sướng hay sao, lại còn tìm ra mới  bới vào” - một “cái lý” rất phi khoa học!

Trần Nhuận Minh cũng bức xúc trong vấn đề tác giả bài thơ “Nam quốc sơn hà...” . Đây là bài thơ khuyết danh. Điều này đã được Phó GS, nhà giáo Nhân dân Bùi Duy Tân nói rõ trong một hội thảo của Hội Nhà văn Việt Nam, sau khi đã thắp hương ở nhà Thái Miếu - Văn Miếu Quốc tử Giám Thăng Long – Hà Nội, chính thức xin lỗi toàn thể dân tộc Việt  Nam  ( chính Trần Nhuận Minh tháp tùng GS Bùi Duy Tân – thầy dạy mình ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ).   Vị Giáo sư  thú nhận  rằng: mình ( và các đồng nghiệp của mình) đã tùy tiện gán bài thơ cho tác giả là Lý Thường Kiệt, và ghi vào tất cả các sách giáo khoa từ cấp 1 đến Đại học, trong khoàng 50 – 60 năm,   để từ đó gây sự hiểu nhầm tệ hại cho đến tận bây giờ.

Tương tự, bài thơ “Phóng cuồng ca” là của Trần Tung (1230-1291), nhưng do Bồi tụng Bùi Huy Bích (1744-1818) viết nhầm là của Trần Quốc Tảng (1252-1313). Sự việc này  dẫn đến những  sai lầm không sao sửa chữa được ở Quảng Ninh, vì nó liên quan đến việc thờ phụng danh nhân và lịch sử một vùng đất.  Dựa vào đó,  năm  2005, Nxb Giáo dục ra cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” dùng trong nhà trường, do  GS Đinh Xuân Lâm và Trương Quýnh chủ biên, vẫn khẳng định như vậy. Trần Nhuận Minh không kìm nổi bức xúc khi viết: “Lấy sự dối trá để dạy cho trẻ con làm người trung thực, thì có lạ không, hở Ông Giời!”.

Những bài viết như thế của anh đã in trong 3 tập sách nghiên cứu, cùng với “Đối thoại văn chương” “Thời gian lên tiếng” “ Đi tìm sự thật”, đã được một Hội đồng khoa học thẩm định và   trao cho anh Giải thưởng Đào Tấn, năm 2023.

Với Trần Nhuận Minh, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật là một thang giá trị. Trong bài thơ “Còn bao nhiêu thời gian”, anh đã viết: “Và tôi nhận ra, trên cõi đời này / Chẳng có cái gì cao hơn Sự Thật!”. Hai chữ “Sự Thật” được Trần Nhuận Minh tôn thờ, viết bằng hai chữ HOA. Hai chữ “Sự  Thật” xuất hiện với tần xuất khá nhiều trong thơ anh. Sự Thật không chỉ là vấn đề của nhận thức, của tư duy, mà còn là vấn đề thuộc về nhân cách, đạo đức. Nó còn góp phần làm nên giá trị của cái đẹp nữa! Trong bài đề tặng bạn thơ Thanh Tùng, anh cổ vũ cho sự thật như một vị tư lệnh: “Hãy áp tải Sự Thật / Đến những bến cuối cùng!”. Anh biết, nói lên sự thật không phải là đơn giản, nên có lúc phải tự động viên mình: “Sự thật đầy hai bàn tay / Hiển nhiên thế sao mà ta sợ hãi!”. Thái độ của anh với sự thật trước sau như một, và dứt khoát: “Im lặng là vàng ư/- Im lặng là tội ác! (Tự ngàn xưa).

Với một thái độ như vậy trước hiện thực, từ nửa cuối thập niên 1980, thơ Trần Nhuận Minh luôn song hành cùng đời sống. Từ tập “Nhà thơ và hoa cỏ”, anh phơi bày những cảnh đời rất thật, sinh động, gợi nhiều cảm xúc và  suy tư. Trong đó là thân phận một “Ông Hủi” chết bên đường không tên tuổi, chẳng quê hương; là cháu bé nhà nghèo đi đào than “thổ phỉ” bị tai nạn chết thảm trong hầm; là “ông Vọng” quanh năm đánh giậm để kiếm miếng ăn; là anh công nhân mỏ được trả lương bằng “tín phiếu” đứng ngơ ngác giữa chợ, không biết làm thế nào để biến nó thành tiền đong gạo cho con hoặc một người ăn xin... Hiện thực trong thơ Trần Nhuận Minh đôi khi gắn với sự kiện mang tính thời sự: tin về tuyển người đi làm “Ôsin” ở Đài Loan theo diện ưu tiên gia đình liệt sĩ; tin về một năm có 5000 người lao động bị hiếp dâm ở Đài Loan (báo Tiền phong số ra ngày 31/5/2005). Cái nghèo của người dân trong thơ anh cũng mang rõ dấu ấn của thời công nghệ số:

“Chị khóa xe máy trên bờ ruộng

Xuống bãi mò hến từ sớm đến chiều

Trưa ăn suông một cái bánh mì

Con trai đi học về nhắn tin:

Mẹ ơi!

Nhà mình hết gạo! ”

(Nông dân).

Trần Nhuận Minh đã khéo học ở Nguyễn Du qua bài “Văn tế thập loại chúng sinh” để phác thảo diện mạo cả một thế hệ  “thập loại chúng bạn” (Bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ):

“Đứa đi đánh giặc liên miên

Về quê vẫn chú lính quèn, vậy thôi”

“Đứa làm đạo diễn văn công

Nỗi đau đời, dấu vào trong tiếng cười”

“Đứa thì làm giám đốc ngành

Đi đâu cũng có nhân tình đi theo

Đứa thì áo túm quần đeo

Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe

Đứa liều vượt biển trốn đi

Nổi chìm nào biết tin gì thực hư

Đứa thì làm trưởng trại tù

Gặp nhau tay bắt lạnh như đồng tiền”...

Từ đây, công chúng nhận thấy ở Trần Nhuận Minh một dòng thơ thế sự tràn đầy chất liệu hiện thực mà người đọc đang mong chờ. Hiện thực trong thơ anh được thể hiện với nhiều chiều kích. Anh vừa muốn đi đến cùng bản chất của sự thật:

“Con chim nhẹ nhàng đậu xuống cạnh Bông Hoa

Bông Hoa mừng vui vì chim đến thăm mình

Nhưng con sâu nép dưới cánh hoa

Mới thật biết vì sao chim đến”

(Buổi sớm).

Song anh cũng thấy rõ tính đa diện của nó như “Cái Ác vỗ vai cái Thiện / Cả hai cùng cười đi về tương lai” chứ không chỉ là nhìn một chiều. Anh đủ tỉnh táo nén lòng lại, để cho bản thân sự việc trong thơ cất lên tiếng nói một cách khách quan. Bài thơ “Nhớ một đảng viên trong Cải cách ruộng đất” là một ví dụ:

“Những nông dân vừa được anh giải phóng

Đã lôi anh đến cạnh thùng vôi

Họ bắn anh nhưng không bắn trúng

Tay họ chỉ quen cầm cuốc thôi

Nhát cuốc đầu tiên. Mặt nhòe máu tươi

Phút hiểm nguy vẫn tin vào Cách Mạng

Anh kêu lên. Tiếng kêu đứt quãng:

- Các ĐỒNG CHÍ

ơi ! ” .

Tính chất thế sự kết hợp với bút pháp điển hình hóa, làm cho thơ Trần Nhuận Minh có sức khái quát cao, chứ không phải là “thơ chân dung” như ai đó đã từng ngộ nhận.

Mặc dù hiện thực trong thơ mang rõ phong cách Trần Nhuận Minh, cùng dấu vết một thời đại, nhưng nếu chỉ dừng ở đó, anh không hơn gì các nhà thơ hiện thực Việt Nam trước đó. Bên cạnh những bài thơ khắc họa những cảnh đời muôn thuở mà ở xã hội nào cũng có ( một “Mợ Hữu” khi “Cậu chết mợ thành người lạ / Bơ vơ trong chính nhà mình”; hay một “Bạn cũ” là cựu chiến binh đang trong cảnh ngộ: “Hỏi vợ Vợ bỏ tớ / Hỏi con Nó vượt biên / Hỏi nhà Nhà tớ bán / Hỏi thơ Đếch ai in”), thì điều đáng nói và cần nhấn mạnh là Trần Nhuận Minh đã có đủ bản lĩnh, không né tránh những vấn đề được cho là “nhạy cảm”. Ở bài thơ “Thím Hai Vui”, bi kịch của gia đình cũng là bi kịch của đất nước :

“Những năm chú ra trận

Thím buồn vui một mình

Thím bảo những năm ấy

Là những năm hòa bình”.

Bởi lẽ, ngay khi chú về là “Đến bây giờ chiến tranh / Mới đến thật với thím”. Với “Bá Kim” , dù nỗi đau đã thành quá khứ, trước một hiện thực đọc lên không thể không nhức nhối:

“Con cả mất khi chiếm hầm Đờ Cát

Con thứ hy sinh lúc giành lại Sài Gòn”

“Bằng Tổ quốc ghi công

Không dán lên vách nứa

Bàn thờ cũng không có anh hai con”.

Giờ đây:

“Bá ngồi hiên bỏm bẻm nhai trầu

Niêu đất nấu cơm, chõng tre rải ổ ”….

“Bá chẳng yêu cầu điều này điều nọ

Trước móc cua, bây giờ vẫn móc cua…”.

Trần Nhuận Minh tỏ ra tinh tế và sâu sắc,  khi chỉ ra “bức tường thành giai cấp” khi vừa mới phát lộ ra, ngay trong một thực thể  của xã hội: Ông chủ và những người làm thuê:  “Một  mai  Nước có giặc / Biết ai ra chiến trường ”.

Ở phương diện khác, một nghịch lý cũng xuất hiện: đất nước thống nhất mà xã hội thì chia rẽ. Bi kịch đó xảy ra ngay trong một gia đình:

“Ta thì bảo theo địch

Địch lại rằng theo ta

Thời nào cũng lận đận

Cũng không yên cửa nhà …

Hai con trai chết trận

Chiến tranh ở hai đầu

Ảnh thờ mờ sương khói

Vẫn không nhìn mặt nhau”…

(Bạn thơ mời rượu bên sông Tiền).

Còn đây là lời “cụ Chiến” nói với cháu mình, khi lên đường  đi giúp việc gia đình ở nước ngoài:

“Cháu đã qua lớp học

Tập lau nhà thùa khuy

Tập hầu cơm ông trẻ

Đưa tăm cháu phải quỳ”.

Vì ở nước cháu đến giúp việc, người ta ăn cơm khi ngồi trên thảm, không thể đứng mà đưa tăm được. Điều ấy có trong bài giảng cho người đi giúp việc gia đình phải học mà làm theo phong tục của nước bạn. Và cái kết cho tương lai của một thế hệ ngay sau khi dân tộc giành được “độc lập” thật chua xót: “Bài học thời mất nước / Ai ngờ dùng hôm nay”!

Từ khi chuyển cách viết về cái gì mà cuộc sống “cần phải có”, sang viết những gì “cuộc sống có”, nhân vật trung tâm và đối tượng thẩm mỹ trong thơ Trần Nhuận Minh cũng thay đổi theo.

Trước kia, để ca ngợi cuộc sống lao động, sản xuất và chiến đấu của nhân dân, dù viết về cái chết của một họa sĩ - công nhân, thơ anh cũng phủ một màu hồng lạc quan: “Những bức tranh không nằm đây cùng anh / Nó sẽ sống cuộc đời của nó / Như màu mây của trời, sắc xanh của cỏ”. Khẩu súng trong tay người lính xuất thân từ công nhân ngành than cũng rất đặc trưng: “Chúng tôi đi / Khẩu súng mang màu than ra trận / Đầu đạn mang sức nóng những vỉa than …” (Mang màu than trong nòng súng chúng tôi đi). Còn vẻ đẹp của cô gái “nhà sàng” cũng đậm tính “giai cấp”:  “Đôi mắt ngời ngời than đen”. Đến con số kế hoạch nhà nước giao  4 000 000 tấn than,  cũng được “thi vị hóa”:  “Con số này / dội vào ngực anh / như sóng biển dội vào bờ biển /...Như mọi vui buồn của em / dội vào/đời anh”… (4 000 000 tấn).

Giờ đây, những người lao động trong thơ anh trở nên bé mọn, lam lũ, đáng thương; còn tầng lớp ở trên thì bị lột ra trần trụi, trở thành đối tượng của cái hài, đưa ra để châm biếm. Nhân vật mà thơ anh giễu nhại là những: “Giám đốc ngành / Đi đâu cũng có nhân tình đi theo”; là “ Trưởng trại tù / Gặp nhau tay bắt lạnh như đồng tiền”; là kẻ “Từng ngồi xe ba bánh / Dáng phong lưu có thừa”, nhưng rồi lâm vào cảnh: nhà thì “bị niêm phong / Đốt tiền trong toa lét / Ba ngày còn chưa xong”…

Anh cho biết, chi tiết này, anh ghi lại từ báo cáo ở một địa phương, trong một lần đổi tiền. Bây giờ không ít cán bộ cao cấp đã vào tù  nhiều chục năm, vì tội tham nhũng, ở mức cao hơn nhiều, nên những điều  đó đã trở thành bình thường. Nhưng ở cái thời điểm năm 80 của thế kỉ trước,  ngòi bút hiện thực của anh, phải nói là táo bạo và dũng cảm rất ít có, khiến nhiều người giật mình,  lo cho anh có được an toàn sau những trang  thơ như  thế  hay không.  Trong “Đối thoại văn chương”,  anh đã viết rằng, anh rất tin vào cuộc sống.  Những trang thơ ngổn ngang thế sự,  bề bộn lẽ đời, từng mang đến những hiểm họa ở một thời chưa xa, nay lại mang đến cho anh những giải thưởng cao quí. Chỉ riêng một điều đó thôi, đã cho thấy cuộc Đổi Mới lần này là rất nhân văn và hiệu quả rõ ràng là có thật. Còn  nhiều  trường hợp,  với hàng nghìn sự việc, hàng trăm con người khác nhau trong “muôn vẻ đời thường ”, được anh diễn tả  rất chân thực với một sự cảm thấu sâu sắc.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Trần Nhuận Minh chỉ muốn thể hiện đúng nhất, bản chất nhất cái cuộc đời vốn có. Bút pháp hiện thực nghiêm khắc, sâu sắc và hàm súc, đã giúp ông lưu giữ lại được cái “tự” và “sự” của một giai đoạn giao thời  khá nhiều nghịch cảnh, nghịch lý của cái xã  hội “làm chủ tập thể” đang tư bản hóa “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (*) .

Nhà phê bình văn học Thái Doãn Hiểu thì cho rằng: “ Những cảm nhận tốt đẹp, gay cấn, chìm khuất trong dòng xoáy của cuộc đời, được nhà thơ đào xới, nâng niu, trưng bày dưới bút pháp linh hoạt, huyền ảo, bất ngờ. Sắp xếp những bản thể đối chọi nhau, thành khối thống nhất trong cõi trời và cõi đời, vũ trụ và con người… theo cách Trần Nhuận Minh, là một bản đại hợp xường, hoành tráng và hoàn  hảo” (**) . Có lẽ vì thế chăng,  mà trong bộ “Thi nhân Việt Nam hiện đại”, ở lời nói đầu, Thái Doãn Hiểu tiết lộ, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Sông Hương:  “Tôi xếp ở đầu tập là  nhà thơ Trần Nhuận Minh,  một vị nguyên soái, cầm cờ tiên phong, vì  thơ ông là một bộ “ Tấn trò đời ”, một bộ hồ sơ về các số phận người viết bằng thơ trữ tình của cả một thời đại”.

-----------------------

 

(*) Tạp chí Thơ, Hội Nhà văn VN, số 9/ 2008.

(**) Trần Nhuận Minh và Ba lần định vị cho thơ, Nxb Văn học, 2009.