Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH bước ra từ tỉnh Quảng Ninh
Nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH bước ra từ tỉnh Quảng Ninh
*Bài của NGUYỄN HƯNG và TRẦN LỘC (nhà báo)
Trong một hội thảo thơ quốc tế, nhà thơ Trần Nhuận Minh có dẫn ra một câu nói của một nhà thơ lớn, người Pháp: “Từ chân trời một người đến chân trời tất cả”, để nói về chức năng của nhà thơ. Ông cho rằng, bất cứ một nhà thơ nào, cũng phải đi bằng bước chân của mình, từ nơi mình đang sống, rồi từ đó, mà đưa thơ mình, đến với bạn đọc trong cả nước, và rộng hơn, đến được với nhiều bạn đọc ở nước ngoài. Trần Nhuận Minh tâm niệm điều ấy và ông dường như cũng đã làm được điều ấy, sau 64 năm cầm bút, trong đó 62 năm sống và viết ở vùng mỏ, vùng biển Quảng Ninh.
Trần Nhụận Minh sinh ngày 20/8/1944 tại làng Điền Trì, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1962, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Hải Dương, thuộc Bộ Giáo dục, vào loại giỏi, ông được Đại diện Sở Giáo dục khu Hồng Quảng về trường, chọn về vùng mỏ. Ông yêu cầu đưa ông về với con em công nhân mỏ, để ngoài việc dạy học, ông muốn được “vô sản hóa” để làm thơ về những người thợ mỏ như một người thợ mỏ. Đến năm 1975, ông đã được xác định là 1 trong những nhà thơ công nhân xuất sắc nhất, cùng với Thanh Tùng ở Hải Phòng, Lí Phương Liên ở Hà Nội… với tập thơ in chung “Ca bình minh” , nhà xuất bản Văn học, năm 1973.
Một trong những tác phẩm của Nhà thơ Trần Nhuận Minh xuất bản ở nước ngoài.
Từ năm 1962, tham gia hoạt động với Công đoàn mỏ Mạo Khê, là Thư kí Hội đồng nhà trường, ông tự bố trí thời gian lên lớp ( ngày nào cũng 2 buổi lên lớp) và vì thế, mỗi tuần giành được 2 ngày không có giờ, ông xin được đi lò với tổ đi lò đá nhanh của Nguyễn Văn Vỡi ( sau thành Anh hùng Lao động ) và Trần Bá Suy, rồi cùng với ông Nguyễn Văn Bảng, Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Công đoàn Mỏ, làm các thủ tục thành lập Chi hội Văn Nghệ đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Mỏ và Sở Văn hoá khu mỏ Hồng Quảng. Sau này, khi đã về công tác tại Hội Văn Nghệ tỉnh Quảng Ninh, ông đề nghị được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi công văn về Đảng ủy mỏ Hà Lầm, giới thiệu ông, mỗi tuần 2 ngày vào mỏ, giúp việc về công tác tuyên giáo và hoạt động văn hóa công nhân mỏ, vì thế, lại có thời gian đi lò Hà Lầm. Đêm giao thừa 30 – mùng 1 tết năm 1971, ông ăn miếng bánh chưng trong giá buốt ở lưng trời, cùng với tổ thợ khoan mỏ lộ thiên Cao Sơn, trên tầng cao 280 mét. Tất cả vốn liếng tích lũy được ấy, ông dồn vào sáng tác. Kết quả là về thơ, ông có các tập “ Đấy là tình yêu” ( 1971), “Âm điệu một vùng đất ” ( 1980), “ Trường ca Đá cháy ” ( 1985), “Nhà thơ áp tải ” ( 1989), đặc biệt tập “Nhà thơ và hoa cỏ”, sau khi giành giải Nhất lần thứ 3 về văn học công nhân, đã được tặng Giải thưởng Nhà nước đợt II năm 2007, được tái bản 24 lần ở trong nước, được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài, được đánh giá cao ở Trung Quốc và ở Pháp. Trong đó, “Trường ca Đá cháy”, ông khởi thảo ở mỏ Mạo Khê năm 1962, hoàn thành năm 1985 ở mỏ Hà Lầm, sau 23 năm lao động bền bỉ và cực nhọc. Trường ca lúc đầu khoảng gần 5000 dòng thơ, ca ngợi phong trào công nhân và những người thợ mỏ trong lịch sử hình thành giai cấp công nhân Việt Nam ( từ 1840) và trong quá trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Cứ mỗi lần in, ông lại cắt bớt, cuối cùng chỉ còn những đoạn cốt lõi, khoảng non 1000 dòng thơ và tiếp tục tái bản đến nay là 34 lần. Trường ca đã được tặng giải thưởng Đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011, nhân 75 năm ngày truyền thống công nhân mỏ, được dịch ra tiếng Trung, xuất bản ở Bắc Kinh năm 2014.
Đến nay, thơ ông đã được dịch ra 16 thứ ngữ, xuất bản và phát hành ở 19 quốc gia trên thế giới, trong đó có 1 tập thơ ( tập “Bừng thức” viết về vùng mỏ và vùng biển Quảng Ninh ) , xuất bản ở Canada, bằng tiếng Anh, được Hội đồng Dịch thuật Châu Âu, dịch và thẩm định, nhà xuất bản Ukiyoto, Canada dịch tiếp ra 3 thứ tiếng: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, cùng bản tiếng Anh là 4 tập, phát hành toàn cầu, trong 2 năm 2022 và 2023. Có điều, càng về sau, thơ công nhân của ông càng không lấy sản xuất, từ các ngành nghề khác nhau, làm trung tâm, với giọng tụng ca như thơ giai đoạn 1962 – 1985, mà đi sâu hơn vào đời người, với mọi vui buồn có thật trong đời sống người thợ. Giọng thơ trầm, thấm thía, cảm động. Trong một nghiên cứu rất công phu về thơ ông, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng viện Văn học Việt Nam, có viết rằng: Trần Nhuận Minh có 3 lần định vị cho thơ. Một là từ nông dân – nông thôn đến với công nhân mỏ - công nghiệp. Hai là từ công nhân mỏ - công nghiệp đến với nhân dân. Và ba từ nhân dân đến với con người và cõi thế. Tập thơ thứ 34 của ông , in song ngữ Việt – Anh, khá dầy dặn, đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản và phát hành: “ Con người và cõi thế ”, chính là thể hiện chặng đường thứ 3 này của thơ ông. Người công nhân trong thơ ông ở giai đoạn sau, phần NGƯỜI át phần THỢ, vì thợ cũng là người. Bản trường ca “Một trăm bước cuối cùng” , vừa tái bản lần thứ 9, viết ở Móng Cái, về sự hi sinh của một cô công nhân lâm trường trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc năm 1979 cũng là như thế. Và dường như ít ai như ông, ngòi bút ông rất từ tốn, lặng lẽ, chạm vào những vỉa ngầm của lòng người, của đời người, với nhiều số phận khác nhau, do những va đập của thời cuộc, tính từ chiến tranh thế giới lần thứ 2, năm1939 cho đến nay.
Thơ ông viết về con người, cho con người, vì con người. Ở đây, người công nhân, người Quảng Ninh, người Hải Dương, người Việt Nam, hòa nhập trong một hệ giá trị lớn, đó là chủ nghĩa nhân văn Việt Nam , mà nhiều khía cạnh của nó, người đọc dễ dàng nhận ra là ở Hải Dương quê gốc của ông, và nhiều nhất là ở Quảng Ninh, là từ Quảng Ninh, quê hương thứ 2 của ông.
Về văn, ông cũng có những thành tựu đáng kể. Ông là tác giả tập truyện vừa “Trước mùa mưa bão”, viết về việc xuống moong ở mỏ Coc Sáu. Ông viết liên tục trong 13 ngày đêm ở Cọc Sáu thì xong. Sau khi xuất bản, tác phẩm đã được tặng 2 giải, giải Nhất và giải A, giải thưởng văn học công nhân ( viết cho thiếu nhi, năm Quốc tế thiếu nhi 1979 ) được dịch ra 7 thứ tiếng , được tái bản 11 lần, được trích đưa vào sách giáo khoa hơn 20 năm từ năm 1980. Và tập tiểu thuyết đầu tiên của văn học Việt Nam viết về biển đảo năm 1979: “Hòn đảo phía chân trời” , kết quả sau 2 năm ông đi đánh cá biển với ngư dân vùng Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái. Tác phẩm đã giành 2 giải thưởng văn học, trong đó có giải Nhì về tiểu thuyết, văn học viết về biên giới và hải đảo Việt Nam ( 1975 – 2020) của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2020, và được trích đưa vào sách giáo khoa lớp 5 phổ thông từ năm 2000, hiện nay, học sinh cả nước vẫn còn đang học.
Sẽ rất khiếm khuyết, nếu ta không nói đến ông là tác giả 3 tập nghiên cứu phê bình về văn chương và văn hóa, lịch sử: “ Thời gian lên tiếng”, “Đi tìm sự thật” , “Đối thoại văn chương” ( chung với nhà văn Canada Nguyễn Đức Tùng - non 1000 trang ). Cả 3 tác phẩm này, phần lớn nghiên cứu về Quảng Ninh và Hải Dương, những bài chủ yếu là về thời kì nhà Trần và nhà Lê, đã được các nhà chuyên môn có trình độ cao, thẩm định và trao giải thưởng Đào Tấn năm 2023, sẽ lần lượt được Nhà xuất bản và Công ti sách tái bản và phát hành, trong đó tập “Đối thoại văn chương”do Nhà xuát bản Hội Nhà văn cà Công ty sách Tân Việt in lần thứ 2, đã ra mắt công chúng cả nước…
Và như thế, cả 3 loại hình chính: thơ, văn xuôi, nghiên cứu và phê bình, ông đều đã đạt được thành tựu xuất sắc. Với bất cứ nhà văn nào, đó cũng là điều không hề dễ dàng. 64 năm cầm bút, với tổng số 62 tác phẩm đã in ở trong nước và nước ngoài , trong đó có 35 tập thơ và các tập văn, phê bình nghiên cứu, biên khảo… chứng tỏ ông là một người lao động, vô cùng bền bỉ , cần mẫn và tận tụy, thực sự tận tâm với trang viết, cảm giác như ông không biết mệt mỏi. Cũng nên nhớ, ông từng được Tỉnh ủy Quảng Ninh cử làm Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, Tổng biên tập báo Hạ Long, nhiều năm. Ở cương vị này, ông cũng làm việc hết sức mình, để cùng nhiều người, đưa tổ chức do ông lãnh đạo, đứng đầu trong các hội địa phương cả nước, do đó, năm 2004, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, đến nay, trong các hội cấp tỉnh, cũng chưa Hội nào từng đạt được một mặt bằng cao như thế. Ông nghỉ hưu năm 2005. Ấy là chưa kể từ năm 1975 – 1980, ông đã khởi xướng để UNBD tỉnh Quảng Ninh sáng lập Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long của UBND tỉnh, 5 năm trao 1 lần, từ năm đất nước thống nhất, 1975. Hải Dương quê ông là tỉnh thứ 2 lập Giải thưởng này, mang tên Côn Sơn, rồi lần lượt đến các tỉnh khác. Và cũng ông, năm 1986, tìm lại được bài thơ dựng nước bất hủ của vua Lê Thánh Tông khắc vào vách đá núi Truyền Đăng ( tháng 3 / 1468) - từ sự kiện này, nhân dân Quảng Ninh đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ. Bài thơ của vua Lê , đã tròn 20 năm ( 1966 – 1986) , bị nhốt kín trong bếp và trong chuồng lợn, của một gia đình sơ tán bom Mĩ. Đây là một gia đình ra chân núi ven biển ở tạm, sau xây nhà kiên cố, rồi xây tường hai bên bài thơ, đổ trần lên trên. Cũng do đề nghị của ông, UBND thị xã Hồng Gai, lúc đó, đã bỏ ra 20 triệu để gia đình phá công trình phụ, nhường 20 mét vuông đất này cho Thị xã, làm nơi đón tiếp nhiều khách trong nước và quốc tế, đi thuyền đò đến thăm Di tich Bài thơ Cổ. Khoảng chục năm nay, Quảng Ninh đã xây 2 cầu và làm con đường bao biển đẹp nhất tỉnh, lượn trước Di tích bài thơ này. Từ đó, ông khởi xướng và lại được UBND tỉnh Quảng Ninh sáng lập Ngày thơ Quảng Ninh vào 29/3 hằng năm, từ 1988, ngày được coi là Bài thơ của vua Lê khắc lên vách đá. Bài thơ này, được vinh dự đặt ở vị trí khai sinh của Ngày thơ Quảng Ninh, với sự tham gia của các nhà thơ cả nước về Quảng Ninh. Đó là tiền đề, để 15 năm sau ( 2003), Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Ngày thơ Việt Nam, đặt bài thơ “Nguyên tiêu ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí khai sinh… Chưa kể Giải thơ Lê Thánh Tông hằng năm, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Hội Văn nghệ tỉnh, hoạt động hoàn toàn bằng tiền xã hội hóa, do ông khởi xướng và làm Trưởng ban Giám khảo, đã trao đến nay là lần thứ 36, vào ngày 28/3 hằng năm, trong khuôn khổ hoạt động của Ngày thơ Quảng Ninh.
Tất cả những cống hiến của ông đã được ghi nhận. Đó là Kỉ lục Quốc gia Việt Nam về một nhà thơ có tác phẩm ở thời Đổi Mới được tái bản nhiều lần nhất ở Việt Nam ( 2013); đó là Huân chương Lao động hạng Ba, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Nhì ( 2011), hạng Nhất ( 2022) , được Chủ tịch Nước tặng, sau khi ông đã nghỉ hưu nhiều năm … Chưa kể 3 Bằng Lao động sáng tạo và nhiều Huy chương…
Ông viết: “Tôi đã sống ở đây từ năm 18 tuổi / Giọt mồ hôi có vị mặn thợ thuyền”. .. Và như hòn than trong “Trường ca Đá cháy”, mà ông đã viết trong 23 năm, ông đã tự cháy lên như những hòn than ấy, để chứng tỏ là mình đã sống có ích, trước hết cho nhân dân Quảng Ninh và từ Quảng Ninh, những hình ảnh cao đẹp của con người và mảnh đất này, từ các tác phẩm của ông, đã đến được với nhiều người ở trong nước và nhiều bạn bè trên thế giới. Về mặt văn hóa và tinh thần, có thể nói, ông là một trong những nhân chứng sống động nhất, một trong những giá trị văn chương xứng đáng nhất, trong quá trình 60 năm thành lập và phát triển của tỉnh Quảng Ninh ( 1963 – 2023)./.