Tháng 11 của tôi - Tản văn của Trần Trọng Giá

Đã biết bao lần tôi thường thả bộ bên hồ Linh Đàm, cách ngôi nhà tôi ở không xa, để tận hưởng không khí trong lành dịu mát của tiết trời thu Hà Nội. Nhưng rồi, khi Hà Nội vào đêm, Hồ Linh Đàm mơ màng và hương gió thoảng trong đêm, tôi bỗng thấy lòng mình trống vắng, một nỗi cô đơn vô cớ hiện về, tôi mới chợt nhận ra, lòng hồ có khác chi lòng người. Cũng vui buồn theo cung bậc cảm xúc của mỗi người. Thế mới thấy thấm thía, thế mới biết sự tài tình của cụ Nguyễn Du khi viết về nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích, để cho ta có thể cảm nhận biết bao nỗi đau đớn, xót xa, tủi nhục của nàng Kiều trong kiếp đoạn trường.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Ngồi bên hồ, tôi như muốn tự tình cùng con sóng, từng nhành cây bên hồ, thả hồn về phía xa xăm, nơi neo đậu hồn quê, nơi mảnh đất cố đô Hoa Lư nuôi tôi khôn lớn và trở thành người lính, trở thành công dân Thủ đô như bây giờ. Hình như vì cuộc sống đời thường, vì thấy “gần gũi quá” mà đôi khi ta lãng quên hoặc tự đánh mất đi nhiều thứ. Những thứ mà nuôi dưỡng tâm hồn con người, mà ta không nhận ra, không nhìn thấy được. Mãi sau này, tôi mới tìm hiểu để biết về nơi tôi đã ở đây, ngồi đây, lòng bâng khuâng khó tả.

Hồ Linh Đàm, nghe cái tên đã thấy sự linh thiêng và thơ mộng. Trải qua bao năm tháng, bao tên gọi khác nhau giờ mới có một cái tên đẹp đến thế. Nhưng truyền thuyết về hồ Linh Đàm được ghi trong Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long lại làm tôi nghĩ suy về tình nghĩa thầy trò.

Theo truyền thuyết Linh Đàm là nơi ở của Long Vương, người con của Long Vương là học trò Chu Văn An. Theo sự tích thì vào thời Chu Văn An dạy học ở Trang Cung Hoàng, tại Ðầm Sen xuất hiện một chàng trai trẻ, vẻ nho phong lên xin học, người học trò khiêm tốn nói về thân phận của mình, thầy Chu nghe xong bảo rằng đã hiếu học thì bất kỳ ai cũng học được, miễn là chịu khó. Thầy Chu dạy ân cần, trò chăm chỉ, nên chữ của thầy, lời thầy vâng giảng cứ thấm sâu vào tâm trí người học trò ấy. Vào một năm trời nắng nóng kéo dài, ruộng đồng khô nẻ, lúa chết, cá cua cũng chết. Thầy Chu suy nghĩ thăm dò rồi bàn cùng môn đệ tìm cách chống hạn, cứu lúa, cứu dân. Người học trò thủy thần thưa trình thầy, xin thầy cho dùng bút nghiên mài mực, vẩy khắp bốn phương cầu đảo trời xanh. Bỗng mây đen ùn ùn kéo đến, mưa xối xả. Cả vùng hồ và đồng ruộng nước ngập tràn, cá tôm bơi lội, đồng ruộng tốt tươi. Truyền thuyết kể rằng, sau khi làm mưa, mực rơi xuống Ðầm Vĩnh Quỳnh biến thành Ðầm Mực, còn bút rơi xuống làng Tó (Tả Thanh Oai), nơi sau này phát tích dòng họ Ngô Gia Văn Phái, có sáu người đỗ tiến sĩ. Nhưng người học trò đã phải về chịu tội với Long Vương, một tiếng sét đánh xuống mặt hồ, xác thuồng luồng nổi lên trôi về phía Cầu Bươu. Tương truyền đó là xác người học trò Thủy thần. Nơi hóa của người học trò Thủy thần được dân lập miếu thờ, tên chữ là Miếu Xạ Can, tức đền thờ Trừ nạn hạn hán.

Hồ Linh Đàm còn có một vài sự tích nữa nhưng đều xoay quanh câu chuyện về người thầy Chu Văn An và người học trò thủy thần, nay đã trở thành tín ngưỡng văn hóa của dân làng quanh hồ Linh Đàm.

Nhắc đến người thầy Chu văn An, ông được gọi là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong quan điểm giáo dục có những giá trị tiến bộ vượt thời đại. Cuộc đời thanh bạch, bền giữ tiết tháo, học vấn tinh thông, không cầu lợi lộc, luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Cũng xin được nhắc đến câu chuyện về đời vua Dụ Tông, thầy Chu Văn An thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Thầy từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí LinhHải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Qua đó để thấy tấm lòng cương trực, thẳng ngay của thầy Chu Văn An. Câu chuyện ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ.

*

Bên hồ Linh Đàm, tôi lại thêm một lần nghĩ suy về nhân tình thế thái, nghĩ suy về những người thầy, về lời răn dạy “tôn sư trọng đạo” của người xưa: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”

Tháng 11 của tôi, trong đó có một ngày mà tôi và các thế hệ học trò đều dành tình cảm kính trọng để tỏ lòng tri ân các thầy cô giáo, những người đã cần mẫn chèo đò chở chúng tôi qua sông. Thế hệ chúng tôi không còn trẻ nữa nhưng vẫn thấy bé bỏng trong những lần tựu trường với biết bao kỉ niệm. Thầy cô giờ cũng đã “người còn, người mất”. Học trò chúng tôi có người đã hy sinh nơi chiến trường, để lại bao thương nhớ khôn nguôi. Còn tôi, một người lính may mắn trở về, lặng lẽ tự tình bên hồ Linh Đàm lại thấy hình bóng các thầy cô, hình bóng bạn bè. Hình như tôi bỗng nghe đâu đây bài hát Người thầy đang vọng về:

Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi

Tóc xanh bây giờ đã phai

Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy
Dõi theo bước em trong cuộc đời
Dẫu đếm hết sao trời đêm nay
Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi

Nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công ơn người thầy.

Hà Nội, cuối thu 2023

Đại tá Trần Trọng Giá

Chủ tịch CLB Trái tim Người lính Thủ đô.