Tiểu thuyết SÓNG ĐỘC – “Rằng hay thì thật là hay”…
Chiều 29 Tết, Nhà thơ Chử Thu Hằng gửi biếu tôi quà của Hội Người yêu Thơ Việt và tặng tôi cuốn tiểu thuyết “Sóng độc” (Nxb. Hội Nhà văn 2022) của Nhà văn Trần Gia Thái. Cuốn sách dày 438 trang, khổ 14 X 24, trình bày bắt mắt và tôi đã đọc xuyên Tết mới xong. Tiểu thuyết SÓNG ĐỘC – “Rằng hay thì thật là hay” nhưng đọc xong, tôi vẫn thấy ba điều tiếc….
Tôi chưa gặp Nhà văn Trần Gia Thái – dù tôi là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, nơi ông đương kim Chủ tịch. Qua qua báo chí, qua bạn bè làm báo, tôi chỉ biết ông từng nhiều năm làm Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi cũng biết ông đã xuất bản 2 tập truyện ngắn và nhiều tập thơ, được báo chí giới thiệu nhiều. “Sóng độc” là tiểu thuyết đầu tay của ông, lấy bối cảnh là Đài Truyền hình Bắc Hà của tỉnh Nam Bình. “Sóng độc” được hiểu là tin chưa được kiểm chứng, là tin độc từ mưu mô xảo quyệt của những nhà báo ở Đài Bắc Hà, gây xáo trộn dư luận; gây phiền phức cho các bậc lãnh đạo trong công tác tổ chức cán bộ và gây hiểm họa khôn lường cho đồng nghiệp.
Cuốn sách hấp dẫn tôi từ những trang đầu bởi cốt truyện hấp dẫn, bởi sự xung đột gay cấn giữa các tuyến nhân vật… Tôi từng nhiều năm làm ở cơ quan báo chí của địa phương nên cảm thấy những chuyện chia bè phái, dàn trận đấu đá nhau, bày mưu hãm hại nhau xảy ra ở Đài Bắc Hà như ở chính cơ quan cũ của tôi vậy. Tôi đã chứng kiến chuyện thật, xảy ở cơ quan báo chí nọ, chỉ một vụ “đánh nhau” mà Chi bộ họp 17 phiên, không giải quyết xong. Chuyện xảy ra ở Đài Bắc Hà cũng vậy, mỗi việc tìm người thay thế ông Văn Đức, Giám đốc Đài còn ba tháng nghỉ hưu mà tác giả dành hơn 400 trang in với rất nhiều nhân vật, phát sinh rất nhiều mâu thuẫn, đọc cuốn hút lạ thường…
Nhà văn Trần Gia Thái dường như không dày công xây dựng tính cách nhân vật. Tôi có cảm tưởng, ông cứ kể những chuyện “mắt thấy tai nghe”, thậm chí ông là người trong cuộc, thế là các nhân vật bộc lộ hết tính cách. Những nhân vật như Đỗ Thiết, “trong cuộc họp một gương mặt, ngoài cuộc họp một gương mặt”; Mùi già, “mặt trái xoan nằm ngang”; rồi Bạc phò, Mùi già, Hoàn toác…Mỗi nhân vật ông chỉ giới thiệu vài nét, còn lại, thông qua hành vi, thông qua đối thoại là họ hiện ra trước mắt tôi như sờ, như nắm được; như chính họ từng là đồng nghiệp của tôi vậy.
Có 2 nhân vật được Nhà văn Trần Gia Thái tập trung khắc họa làm nổi bật tính cách, nổi bật thân phận, đó là Phạm Quang Thiện và ông Khiêm, bố Thiện. Đoạn kể về ông Khiêm bị đột quỵ khi nghe tin độc về con trai, đọc rất cảm động.
…Sóng độc kể về chuyện đấu đá, tranh giành quyền lực ở Đài Bắc Hà khiến ta liên tưởng tới nạn chạy chức, chạy quyền đã và đang xảy ra trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Nếu liên tưởng vậy, bạn đọc sẽ ngạc nhiên khi thấy những lãnh đạo VIP liên quan đến vụ việc ở Đài Bắc Hà toàn người tử tế! Thực tế, từ nhiều năm nay, tại các địa phương, công tác nhân sự của các sở, ban, ngành đều có sự sắp đặt của lãnh đạo cấp trên; thậm chí, phải thông qua … “đấu thầu”! Nhưng trong “Sóng độc”, từ ông Bí thư Tỉnh ủy đến ông Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy… đều sạch sẽ đến mức khả nghi! Tự hỏi, tại sao Nhà văn Trần Gia Thái không đặt ra tình huống, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, thậm chí là thi Giám đốc chỉ là hình thức; thực chất là sự sắp xếp của ông VIP nào đó, thông qua cuộc “đấu thầu” ngầm. Những cuộc đấu đá, những nhân vật như Đỗ Thiết, Phạm Quang Thiện…chỉ là nạn nhân của họ mà thôi. Tôi nghĩ, với vốn sống tích lũy từ nhiều năm làm Giám đốc Đài, Nhà văn Trần Gia Thái không thiếu nguyên mẫu để “lắp” họ vào trong đường dây câu chuyện ở Đài Bắc Hà “giống” với thực tế diễn ra của cuộc sống hơn. Nhưng có lẽ, tác giả e ngại mang tiếng ám chỉ tới ông nọ, bà kia chăng? Đây là điều đáng tiếc thứ nhất.
Nhà văn Trần Gia Thái có những trang văn rất đẹp; nhất là đoạn ông miêu tả vườn xoan nhà ông Khiêm. Nhưng tiếc rằng, những trang như vậy không nhiều. Có lẽ, ông mải kể những sự việc ở Đài, quan tâm giải quyết những “Sóng độc”; quan tâm giải quyết những...đơn thư nên không thể dừng lại để tả cảnh, miêu tả nội tâm nhân vật chăng? Đó là điều đáng tiếc thứ hai.
Điểu tiếc thứ ba là lỗi chính tả khá nhiều. Lỗi này có thể do người đọc bông. Chỉ trang 91 đã có tới 5 lỗi; chủ yếu nhầm lẫn chữ L với N; R với D…
Minh Cao