Chợ phiên - Tản văn của NGUYỄN CHU NHẠC
Sau này, lớn lên, đi đó đây, yêu thơ, biết đến bài thơ Chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, rồi tấm tắc phục ông tài tình, chứ ngày nhỏ, tuy nhút nhát và không thích nơi đông người, song tôi vẫn mong được túm áo mẹ theo đi chơi chợ tết.
Cha tôi kể, ngày xưa chợ Lạng ở quê tôi to lắm, không kém gì các chợ ở trong vùng. Chợ họp trước sân đình Lạng, dưới hai cây bàng to và kéo dài đến cả nửa cây số, vắt cả về các ngã rẽ vào từng xóm, bán mua thượng vàng hạ cám. Khi tôi lớn, hai cây bàng cổ thụ vẫn còn đó, bóng tỏa rợp một vùng, nhưng chợ Lạng xưa thì không còn nữa và theo thời gian, hai cây bàng cũng bị chặt hạ. Cứ theo lời cha tôi thì chợ Lạng bị mất là do thời Pháp chiếm đóng lập đồn bốt vì thế dân các vùng không dám đi chợ Lạng nữa, mỗi phiên một vắng dần, lâu thưa thớt hóa ra chợ nội bộ của xã. Chợ Lạng bây giờ nhỏ, chỉ mấy thôn xóm mua bán với nhau và không họp theo phiên nữa, ngày nào cũng mở vài ba hàng xén và dăm hàng quà, mươi hàng thịt cá, đậu phụ, rau cỏ… Bù lại, dân quê tôi còn có ba chợ phiên đều cách đấy chừng vài ba cây số, đứng thế chân kiềng, đó là chợ Bần, chợ Dầm, chợ Nôm. Trong số đó, hai chợ Bần và Dầm trùng phiên ngày lẻ, chợ Nôm riêng phiên ngày chẵn, thế là người dân ngày nào cũng có chợ phiên để đi, thật là thuận tiện.
Chợ Bần thuộc đất Bần với món tương cổ truyền tiến vua nổi tiếng từ xa xưa. Vì nằm rìa đường 5, giao thông thuận tiện nên hàng hóa chợ này rất phong phú, nhất là những mặt hàng công nghệ gia dụng. Dịp giáp tết, nếu bận bịu công việc nhà nông không có thời giờ để đi chơi các chợ thì chỉ cần đi một phiên chợ Bần là gần như mua được đủ thứ cần. Thế nhưng nhà nào muốn mua được giống gà tốt về nuôi thì chỉ có chợ Bần mới có giống gà Đông Tảo to cộ. Thêm nữa, chợ này dịp trước tết bán nhiều rau cải bẹ Đông Dư, hành và kiệu tươi, mua về nén ăn tết ngon.
Chợ Dầm họp giữa vùng chiêm trũng. Các lều quán chợ chơ vơ trong gió đồng. Ai đó bảo, trước đây những ngày mưa dầm gió bấc, đường đi chợ Dầm bùn đất lầy lội, ngay trong nền chợ cũng bùn nước lõng bõng, người đi chợ phải dầm chân trong bùn đất, thế nên mới thành tên chợ. Chợ Dầm mang đặc trưng của vùng quê thuần nông, hàng công nghệ ít, bù lại hàng quà bánh và hàng đan lát gia dụng lại nhiều vô kể. Nhà nhà nuôi lợn đều thích đi chợ Dầm vì lợn ở đây rặt giống ỉ thuần nuôi dễ, ngon thịt, lợn nái thì sai con, dễ gột lợn bột…
Chợ Nôm với góc nhìn từ trong chùa Nôm qua cổng chính.
Còn chợ Nôm, chân kiềng thứ ba, lại mang một sắc thái khác. Nếu hai chợ kia na ná giống nhau, cùng nằm giữa trục nối Phố Hiến với Thăng Long xưa, và cùng vùng văn hóa, thì chợ Nôm lại mang sắc thái văn hóa Kinh Bắc, pha chút hơi hướng vùng giáp trung du. Sản vật bày bán ở chợ này cũng có khác. Hàng ngày, người dân vùng quê tôi ít đi chợ Nôm. Song những ai muốn mua nồi, sanh, thau, mâm và đồ tế nhuyễn bằng đồng thì không thể không đi, bởi nơi đây là đất tổ sư nghề đúc đồng. Chợ Nôm gắn liền với câu ca hẳn nhiều người nhớ: “Đồng nát thì về cầu Nôm / Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Đồ đồng bán ở chợ Nôm đủ loại, đủ cỡ và giá cả bao giờ cũng mềm hơn, lại là hàng chính hiệu. Tuyệt nhất, dịp Tết Nguyên Đán, đi phiên chợ Nôm thật no mắt nhìn. Cuốn thư, câu đối, tranh Đông Hồ như Chuột vinh quy, Lợn âm dương, Đàn gà, Tố nữ, Tứ mùa, Hứng dừa…thôi thì đủ loại tranh dân gian tươi rói sắc màu. Ngày tết, nhà nhà nhăm nhăm lo nồi bánh chưng vài chiếc giò, chút măng miến khô, mà có thêm tranh tết nữa thì thật không gì vui bằng, bởi vật chất, tinh thần đủ cả.
Tôi không biết cái chợ ở làng quê ta có tự bao giờ. Cũng không dám so sánh nó với bất cứ thiết chế nào ở nông thôn, song nhất định nó phải là một cái gì đó quan trọng lắm với đời sống dân làng. Với nông thôn Việt Nam mình, tôi cứ mường tượng rằng đình, chùa và chợ là ba hòn trong cỗ đồ rau để làng quê tựa vào đó vững chắc.
Ngày trước chợ phiên quê tôi là vậy, bây giờ thời kinh tế mở, các chợ này có thêm nhiều hàng hóa và mang hơi hướng của xã hội tiêu dùng hiện đại, song những nét cổ sơ thì vẫn còn. Những tiệm may thời trang, những nhà hàng cho thuê đồ đám cưới…góp phần tô điểm thêm cho sự sầm uất của chợ phiên. Lẽ dĩ nhiên, không thể tránh khỏi sự xô bồ của thời kinh tế mở, sự phai lạt nét văn hóa vùng riêng mỗi chợ phiên xưa cũ, và âu cũng là điều dễ hiểu. Người đi chợ ít ai kẽo kẹt đòn gánh quang thúng hai đầu như trước mà thay vào đó là xe đạp, xe máy. Sự pha tạp hiên đại ít nhiều làm phai nhạt nét đặc trưng của từng chợ xưa,...
Song những dịp gần Tết Nguyên Đán, về quê giỗ chạp, dự cưới xin, thăm hỏi họ hàng làng xóm, tôi được vui lây với cảnh mẹ bìu con ríu đi chơi chợ tết, cảnh đám trẻ con ở nhà khấp khởi ngóng trông cha mẹ về chợ để rồi sau đó chí chóe tranh giành nhau quà chợ tết. Mỗi lần vậy, tự nhiên tôi thèm được như ngày nào nhỏ dại để theo mẹ đi chơi chợ tết,...
Ơi những chợ Bần, chợ Dầm, chợ Nôm quê tôi!...