Bức điện tín của người giúp việc

Truyện ngắn của Đinh Quang Vinh

 

Bà ra đi để lại ông một mình với hai mảnh đạn găm trong đầu từ năm mươi năm trước. Trên mảnh đất rộng nửa quả đồi trồng toàn chè với khoai sắn ở cái xóm Chè này, ông thấy cô đơn quá. Gần đây ông cũng không được khỏe. Mấy năm nay cứ trái gió trở trời là đầu ông lại nhức như búa bổ, đến cháo cũng chẳng muốn ăn.

Hai vợ chồng ông chỉ có một mụn con gái. Những năm khó khăn nó theo bạn bỏ quê vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn rồi lấy chồng trong đó. Gọi là làm ăn nhưng cũng chỉ là thu mua ve chai, nhặt nhạnh lông gà lông vịt và những đồ tầm tầm người thành phố bỏ đi. Được cái vợ chồng nó chăm chỉ, chịu khó, giờ cũng thuộc hàng “đại gia ve chai” rồi. Tức là có mảnh đất rộng chừng một hec ta, nhà cửa xây cất đàng hoàng, có bãi tập kết phế liệu, thuê chừng 5-6 nhân công phân loại, thứ nào ra thứ đấy, để người ta đến chở đi. Hai vợ chồng nó cũng mua được xe Toyota bán tải, đi làm cũng được, đi chơi cũng được. Có tiền vợ chồng nó thuê người giúp việc, vợ chẳng phải mó tay đến việc nhà, có điều kiện đi thẩm mỹ viện, cách ăn mặc nói năng ra dáng người thành phố lắm, không còn là con Mai quê kệch xứ chè nữa rồi.

Giỗ bỏ khăn cho bà xong, Mai – con gái ông, bàn với chồng đón ông vào thành phố Hồ Chí Minh ở cho tiện việc chăm sóc. Nhưng chồng cô bảo nếu đón ông vào thì cũng phải thuê người chăm sóc chứ nhà mình bận bịu, không ai chăm sóc ông được, tốt nhất là thuê người giúp việc ở đây cho ông. Vả lại ông cũng không muốn xa quê, ông bảo để một mình bà ở đây cô đơn, thương lắm. May mà làng bên có nhà đông con, hoàn cảnh khó khăn, đồng ý cho đứa con gái lớn, đã ba mươi tuổi mà chưa lấy được chồng, sang giúp việc cho ông, lương tháng ba triệu đồng. Ở nhà quê kiếm được ba triệu một tháng cũng không dễ dàng gì, mà giúp việc nhà thì cũng không đến nỗi đầu tắt mặt tối gì cho cam.

Tết năm ấy ông nhắn tin bảo vợ chồng Mai về quê ăn tết, mang cả thằng Thỏ ra chơi vì ông nhớ nó. Nhưng cô bảo con đang bệnh, không ra được. Thực ra cô chẳng bệnh gì cả, mà dịp tết là dịp dân ve chai làm ăn trúng mánh. Nhà nhà mua sắm, đổi mới bán cũ, thậm chí cho không đồ cũ. Vợ chồng cô chạy khắp hang cùng ngõ hẻm để thu mua, gom hàng. Còn thằng Thỏ nhà cô mà ông nghĩ vẫn còn bé bỏng, thì sau khi lấy vợ, đã ra ở riêng. Chúng mở nhà hàng ăn uống dưới Cần Thơ, cũng bận túi bụi, cả năm nó cũng chỉ ghé về nhà vài lần, và cũng chẳng bao giờ nó hỏi thăm ông ngoại còn sống hay chết.

Năm sau trước Tết một tháng, cô chủ động báo tin cho ông biết tết năm nay vợ chồng cô ăn tết ở Singapore. Lần này thì cô nói thật, vì dạo này chồng cô thấy đau tức trong ngực, muốn qua đó nghỉ tết rồi tiện thể đi khám bệnh luôn. Nghe nói bên đó thày thuốc giỏi hơn thày thuốc bên mình, chẳng biết có đúng không!

Đứa cháu giúp việc bảo năm nay ông yếu nhiều, tết năm nay con ở đây ăn tết với ông cho vui. Nhưng ông gạt đi. Ông bảo con đi biền biệt cả năm rồi, về ăn tết ở nhà cho bố mẹ, anh chị em đỡ nhớ. Ba mươi tết con về, mùng bốn tết lại sang đây với ông. Mấy ngày tết ông tự lo được. Nhưng đó là ông nói dối nó. Mấy ngày giáp tết trời lạnh, những cơn đau âm ỉ lại hành hạ ông. Ông đã mấy lần nằm mơ gặp bà, bà tươi cười nắm tay ông và bảo ông gầy quá, xuống dưới đây để tôi chăm sóc cho ông đỡ khổ.

Sáng ba mươi tết ông bắt người giúp việc phải về nhà. Nhưng nó không về nhà ngay mà đi thẳng ra bưu điện, gửi một bức điện tín vào thành phố Hồ Chí Minh.

Khi vợ chồng cô Mai đang thu xếp hành lý chuẩn bị ra sân bay thì người nhân viên bưu điện đến. Cầm tờ điện tín trên tay mặt cô bỗng trắng bệch. Cô sa sẩm mặt mày ngã phịch xuống sàn. Người chồng vội đỡ cô dậy và nhìn vào tờ điện tín. Trên đó chỉ có năm chữ: “Ông hấp hối, về ngay”.

 

Ảnh minh hoạ

Khi vợ chồng cô về đến xóm Chè thì đã giao thừa rồi. Những mâm cỗ tiễn quan hành khiển cũ, đón quan hành khiển mới được các nhà bầy cúng ngoài sân trông thật trang nghiêm và yên bình. Nhìn về nhà mình thấy một màu tối om, không có bóng người, cô thấy lo lắng pha chút nghi hoặc, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đi như chạy về nhà, hai cánh cửa đóng im ỉm, cô đẩy cửa bước vào, thấy ông lão tóc bạc trắng đang chắp tay quỳ gối trước bàn thờ tổ, lòng cô bỗng nhói đau. Cô nhào vô ôm chầm lấy bố, khóc nức nở. Ông cũng quay ra ôm chặt đứa con gái vào lòng rồi lặng lẽ khóc. Những giọt nước mắt khô gầy lăn chầm chậm trên khuôn mặt già nua, nhăn nheo./.