Triển lãm sơn mài và lụa “Vẽ phái đẹp”

Từ ngày 1 đến 7/11, triển lãm “Vẽ phái đẹp” của hai họa sĩ Ngô Thành Nhân và Lê Hường sẽ diễn ra tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Vẽ phái đẹp không dễ, đụng đến đâu có vấn đề cần giải quyết đến đó. Đặc biệt với hai chất liệu tranh lụa và tranh sơn mài. "Vẽ phái đẹp" của hai họa sĩ Ngô Thành Nhân và Lê Hường sẽ đem đến một không khí mới, cách nhìn mới cho mùa Giáng sinh năm 2022.

Tác phẩm “Tâm sen” của họa sĩ Ngô Thành Nhân

Triển lãm gồm 65 tác phẩm sơn mài và lụa với chủ đề chung là vẻ đẹp người phụ nữ. Trong đó, họa sĩ Ngô Thành Nhân mang đến 31 tác phẩm vẽ về phái đẹp bằng thủ pháp ước lệ, với chất liệu sơn mài sử dụng vàng, bạc, vỏ trứng đỏ, đen, nâu… tạo nên một diện mạo mới cho các chân dung. Họa sĩ Lê Hường giới thiệu trong triển lãm 34 tranh lụa về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Dưới nhãn quan của họa sĩ, hình ảnh người phụ nữ với các góc nhìn khác nhau được miêu tả trong từng bức tranh, mỗi tranh là một cảm xúc và nỗi niềm của từng nhân vật.

Với tranh lụa, họa sĩ Lê Hường luôn trung thành với cách vẽ - sử dụng kỹ thuật nhuộm màu truyền thống của các họa sĩ bậc thầy đi trước và của các nhóm vẽ tranh lụa các nước châu Á. Đặc biệt với mỗi bức tranh, họa sĩ rất công phu nhuộm “vẽ” nhiều lần để mỗi lần màu lại ngấm thêm vào lụa, dần dần cho ra một hiệu quả thẩm mỹ rất đậm đà về sắc độ, sâu lắng về không gian và trong trẻo về hòa sắc. Họa sĩ cũng kết hợp khéo léo những hình tượng dân gian trong phong cách tạo hình hiện đại, đồng thời sử dụng gam màu mạnh, tương phản rực rỡ tạo nên nét đặc trưng riêng cho các bức tranh lụa.

Tác phẩm “Bên cửa sổ” của họa sĩ Lê Hường

Hoạ sĩ Ngô Thành Nhân được biết đến chuyên sáng tác trên chất liệu sơn mài. Một trong những điểm mạnh của hoạ sĩ Ngô Thành Nhân là khi vẽ tranh sơn mài, ông tạo nên nhiều lớp mầu phía trong, khi phủ cánh gián lên thì thấy được chiều sâu đó như có ánh sáng hắt ra. Trong sơn mài, màu được ông chôn phía dưới, rồi sử dụng kim loại như vàng, bạc bên ngoài, tạo hắt sáng, nhờ đó ánh sáng tự nhiên được “bắt”, phản chiếu lại, gây nên cảm giác thấy được ánh sáng mà ảo diệu như không thật, vì ánh sáng ẩn phía trong. Khi vẽ sơn dầu hay Acrylic, ông cũng làm như vậy để người xem thấy được các chiều sâu, sáng và sang. Từ đó tạo nên phong cách của riêng ông.

Ở tranh lụa của Lê Hường màu sắc được kết hợp một cách kỳ lạ. Những mảng màu  tươi, rất mạnh, khó dùng trong tranh lụa được họa sĩ phối kết hợp một cách rất duyên, nhuần nhuyễn và mềm mại… Đây chính là yếu tố chính để tạo nên một phong cách riêng của họa sĩ Lê Hường, đặc biệt là trên chất liệu lụa. Chủ đề lựa chọn cho sáng tạo nghệ thuật xuyên suốt của họa sĩ Lê Hường hầu hết là những hình tượng về phái đẹp – vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa… Những đường cong của cơ thể người phụ nữ được họa sĩ khai thác nhiều khía cạnh thông qua các hoạt động trong cuộc sống và cảm xúc nội tại của mình trước những nét đẹp thuần khiết của tự nhiên.

Nguồn: https://vitreem.baodansinh.vn/

Tác phẩm “Bên cửa sổ” của họa sĩ Lê Hường