Triển lãm tranh "Nhà văn Hữu Ước và sắc màu”
Triển lãm “Nhà văn Hữu Ước và Sắc màu” với 100 bức tranh bằng chất liệu sơn dầu, acrylic trên toan như hé lộ thêm những góc riêng của nhà văn, nhà báo đa tài trong nghệ thuật hội họa.
Vẽ là một sự giải thoát cho sự bế tắc của văn chương (Nguồn:Tri thức trẻ)
Nói về việc theo đuổi đam mê vẽ tranh, nhà văn Hữu Ước cho hay, hội họa là một thứ ngôn ngữ khác giúp ông thể hiện rõ hơn những cảm nhận của mình về cuộc sống. “Vẽ là một sự giải thoát cho sự bế tắc của văn chương. Trong các hoạt động nghệ thuật, có lẽ vẽ là tự do nhất và cả cuộc đời của tôi luôn phấn đấu cho sự tự do. Khi tôi được tự do với suy nghĩ của tôi, với hành động của tôi, với nhân vật của tôi thì tôi nghĩ tác phẩm đó thành công. Một ngày mà tôi không viết, không vẽ được gì tôi cảm thấy rất buồn. Thông qua các tác phẩm này tôi mong muốn thỏa mãn cái nhìn của tôi về cuộc sống”, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước chia sẻ.
Các tác phẩm được nhà văn Hữu Ước giới thiệu tại triển lãm cá nhân thuộc 3 chủ đề: Thế sự, phong cảnh và hoa. Trong đó có, tác phẩm đầu tay "Vòng xoáy" vẽ lúc ông viết kịch bản sân khấu "Vòng xoáy", và những tác phẩm ông vẽ trong 10 năm "lao động hết mình" vừa qua.
Tác phẩm “Thân cò”
Với đề tài thế sự, trung tướng - nhà văn Hữu Ước đã cho thấy những trăn trở xoay quanh phận người, trong đó khán giả khi đến triển lãm có cơ hội ngắm nhìn lại bức tranh nổi tiếng “Thân cò” của ông. Được biết, bức tranh này khi bán đấu giá, nhà văn Hữu Ước đã mua được 3.000 con trâu gửi tặng đồng bào nghèo.
Tác phẩm “Một nét Sa Pa”
Với tranh phong cảnh thiên nhiên, nhà văn Hữu Ước cho thấy mình là một người khá lãng mạn với nhiều sắc màu nổi bật, đa dạng. Ông vẽ nhiều về những dòng sông gồm Sông Đà, sông Luộc, bến sông, sông quê… hay đâu đó là những bức về bản làng, bản của người Thái ở Điện Biên, bản của người Mông ở Lào Cai.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đến tham dự triển lãm (Nguồn: Laodong.vn)
Và tất nhiên, không thể thiếu những loài hoa khiến cho mọi thứ trở nên ấm áp, gần gũi và rực rỡ hơn trong một tiết trời giao mùa đầy ảm đạm. “Ông vẽ nhiều loài hoa, mùa nào hoa ấy bằng một bút pháp tự do, khỏe khoắn, thô nhám, không gò theo hình mà chỉ gợi hình với những nhát bay, nhát bút no mầu, cộm sơn, lia mạnh, nhanh trên mặt toan,” họa sỹ Lê Thiết Cương bình luận.
Trung tướng - nhà văn Hữu Ước giới thiệu về tác phẩm điêu khắc đầu tay (Nguồn: Vietnam+)
Điểm nhấn của triển lãm là bức tượng Người lính, với tạo hình khúc triết, khỏe khoắn, thiên về những hình khối vuông vức, phần thân gợi về hình trống đồng Đông Sơn, cánh tay như một thân cây tre... Sức mạnh của người lính là do bệ đỡ vững chãi của hồn dân tộc, hồn tre, của bề dầy văn hóa mấy ngàn năm tích tụ từ văn hóa Đông Sơn.
Tham dự triển lãm, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn cảm nhận: “Tôi cảm giác là nếu như dừng sáng tạo một ngày thì ông sẽ trở nên khô kiệt, bởi sáng tạo là cách để chứng minh rằng ông đang tồn tại, đang sống. Ông làm điều đó không phải để có bất kỳ một danh hiệu nào, mà là bản năng để tự vệ, chống lại sự xói mòn, sự thoái hóa tinh thần sống. Là một trong nghệ sĩ, luôn luôn phải được khám phá bản thân, được thỏa mãn bản thân.”
T.H