Cảnh 4-Kịch LÙ TẲNG
CẢNH 4
Tại quán bà Yên. Cửa khép hờ. Từ đây nhìn sang bên kia đồi là cửa hầm khai thác vàng. Trước của hầm, người nhốn nháo. Tiếng còi báo động, tiếng quạt gió, tiếng máy bơm rền vang; tiếng gió hú, tiếng người kêu khóc thảm thiết.
Kiều Nhi: (Cô gái chừng 26 tuổi, xinh đẹp bước vào quán). Chủ quán ơi! Quái lạ. Cửa không khóa mà người chẳng thấy đâu. Chúng mày ơi, vào trong này cho ấm đã. (2 người, 1 nữ, 1 nam bước vào nhà. Cô gái béo, chàng trai tầm 26 tuổi, cao, gầy, thư sinh, đeo kính, cổ tròng chiếc máy ảnh). Không biết chủ quán đâu nhỉ?
Thơm: (Nói giọng xứ Nghệ). Thôi kệ. Cứ trú ở đây cho đỡ rét đã. Ôi, rét quá. Tết đến nơi rồi vẫn phải lên xứ khỉ ho cò gáy này. Nhà tau hôm nay đụng lợn đây. Năm mô cũng rứa. Cứ hăm lăm Tết là đụng lợn. Bây giờ mà có đĩa lòng, bát tiết canh, phải biết.
Kiều Nhi: Gớm, gớm. Thứ lòng lợn, tiết canh, nom đã hãi.
Thơm: Bà ơi, quốc hồn, quốc túy đấy.
Kiều Nhi: Bà đã béo lại còn ham ba thứ lòng lợn, tiết canh. Ma nó nhìn…
Giáo sư Bơn: (con trai). Ai chê để cháu. Đàn ông may mắn mới lấy được vợ béo đấy các mẹ ạ. Các mẹ cứ hãy tưởng tượng, mỗi lần đi làm về, nhìn vào phòng ngủ. Chao ôi, đầy một giường vợ. (trêu Thơm). Ôi, vợ ta đó khổng lồ vĩ đại. Thịt với da mê mải chảy xung quanh. Các mẹ thấy sướng không? Ngó bên này cũng vợ, ngó bên kia cũng là vợ…Ôi, vợ ta dài rộng mênh mông. Lăn đi lăn lại….vẫn không ra ngoài. (định ôm Thơm)
Thơm: (đẩy Giáo sư ra). Phải gió nhà ông.
Giáo sư Bơn: Gớm. Đằng ấy cho tở ví dụ tý nào. (nhắm mắt). Ôi, anh như con tàu trôi trong niềm sung sướng – Vợ một bên và… vợ cũng một bên. (cười. Chợt ôm bụng, nhăn mặt). Ái, ái. Bà nào có giấy vệ sinh cho xin ít...
Kiều Nhi: (mở xắc lấy giấy vệ sinh đưa cho Giáo sư Bơn). Nốc cho lắm vào!
Thơm: (nhăn mặt). Tau cũng đau bụng từ tối hôm qua. Tào Tháo đuổi mấy lần rồi, giờ vẫn còn đau ngâm ngẩm.
Kiều Nhi: Vậy à? Thôi chết rồi. Chúng ta ăn phải đồ thiu thối ở nhà hàng mụ Cả Xệ rồi. Tao cũng bị đau bụng, tối hôm qua bị Tào Thảo đuổi, phải uống mấy viên cờ -lo-xít mới cầm. (mở xắc lấy thuốc đưa cho Thơm). Đây. Mày uống 2 viên này, cầm liền. Tao đã nói rồi, cứ ăn tất niên ở quán Cương Xồm, vừa sạch, vừa rẻ, đằng này cứ vào nhà hàng cái mụ Cả Xệ.
Thơm: Không vào nhà hàng đó, đám con cháu mụ ấy mà biết, mụ ấy thù cho, thì chết. Tai mắt mụ ấy khắp nơi.
Kiều Nhi: Khốn nạn thật! Anh em cơ quan được đồng lương còm, chỉ nuôi béo vợ chồng mụ ấy. Liên hoan, sinh nhật, tiếp khách đều đưa nhau đến nhà hàng mụ ấy. Mà thực phẩm nhà mụ ấy toàn đồ ôi thiu; rượu Tây, thuốc lá toàn hàng rởm. Mày biết không, mấy lão ở phòng Tài nguyên nước, uống phải rượu Tây rởm ở nhà hàng mụ ấy, ông nào cũng kêu đau đầu chửi um lên. Vậy mà hôm qua, vẫn thấy các lão ấy ăn tất niên ở nhà hàng mụ ấy đấy.
Thơm: (văng tục). Mả cha hắn. (nhìn về phía nhà vệ sinh). Giáo sư ơi. Mần cái chi trong nớ mà lâu rứa?
Giáo sư Bơn: (Thở è è, nói vọng ra). Muốn nhanh phải từ từ...
Thơm: Khổ. Không hiểu Tết đến nơi rồi mà lão Vích còn mang bồ lên đây mần chi hầy?
Kiều Nhi: Mày chẳng hiểu gì cả. Mỏ vàng này là sân sau của lão Vích. Lão ấy cấp phép khai thác cho công ty Thành Đạt rồi cuối năm lên đây thu tô chứ sao nữa. Còn cô nhà báo kia, lúc nào chẳng bám đít ông Vích để nhận phong bì. Tao còn lạ!
Giáo sư Bơn: (Vừa đi vừa nhổ phì phì).
Thơm: (đi lòng khòng về phía nhà vệ sinh).
Kiều Nhi: Sướng chưa! Đây, uống hai viên thuốc này này. Thuốc cờ-lo-xít đấy.
Bà Yên: (Mặc áo bạt, tay xách làn, vào). Cô cậu ở đâu lên đây mà…mà…?
Kiều Nhi: Cháu chào cô ạ. Dạ, chúng cháu ở Sở Tài nguyên, cơ quan của sếp Vích ạ. Chúng cháu được cử lên đây tham gia lực lượng cứu hộ, cô ạ.
Bà Yên: Ơ, cái cô này. Ăn nói rất chi là gì. (mỗi khi chưa kịp diễn đạt được ý, bà Yên thường dùng câu “rất chi là gì”). Đi cứu hộ sao lại tụ tập ở đây? Cô cậu sang bên cửa hầm mà xem kìa. Mưa gió rét căm căm thế này mà các chú bộ đội công binh dầm mình trong nước để cứu người bị nạn. Còn cô cậu thì…
Thơm: Cô ơi, chúng cháu chỉ là…là cổ động viên, thôi mà, cô.
Bà Yên: Cái gì? Cổ- động- viên? Cái cô này ăn nói…rất chi là gì? Đi cứu người bị nạn chứ đi cổ vũ bóng đá à? Các cô cậu không biết, bên cửa lò kia người ta đang kêu khóc thảm thiết kia kìa.
Kiều Nhi: Ồi, toàn bọn con cháu ông Vích đấy cô ạ. Cái ông Giám đốc sở bị kẹt trong hầm í. Chúng nó lo ông Vích chết còn hơn cả bố chết, cô ạ. Đây là quán của cô ạ? Cô cho chúng cháu trú nhờ. Ngoài ấy mưa rét gió, rét quá. Mà sao hàng hóa nhiều thế này mà cô không khóa cửa? Nhỡ trộm nó vào khua hết hàng thì sao?
Bà Yên. Ở đây làm gì có ai mà lo trộm.
Kiều Nhi: Thế, công nhân đâu hết, hả cô?
Bà Yên: Chúng nó bỏ về quê hết rồi. Bọn khốn nạn!. Ông giám đốc chăm cho chúng nó như như thế, vậy mà… Các cô các cậu biết không? Ở cái nơi rừng núi hẻo lánh thế này mà ông ấy lo cho công nhân không thiếu thứ thứ gì. (chỉ lên phía khu tập thể). Nhà ở thì có ti vi, nóng lạnh; Rồi sân bóng chuyền này, cầu lông này, rồi nhà văn hóa có sách báo này, karaoke này, khiêu vũ này. Vậy mà, khi hầm bục nước, chúng nó sợ quá, bỏ về quê sạch, không còn một mống. Khổ thân cậu ấy…
Kiều Nhi: Vậy chẳng bù cho ông sếp nhà cháu. Cái lão Vích ấy. Lão ấy giàu dã man vẫn tham, cô ạ. Lão ấy có hai biệt thự, có trang trại, có nhà hàng mà vợ chồng lão ấy ăn bẩn không từ thứ gì. Ở cơ quan cháu, việc tuyển dụng nhân sự, điều động, cất nhắc cán bộ, lão ấy đều ăn tiền. Cơ quan mua sắm từ cuộn giấy vệ sinh cho đến vật tư, thiết bị, văn phòng phẩm đều qua vợ lão ấy. Bếp ăn công nghiệp của cơ quan cũng do vợ lão ấy cung cấp gạo, thịt, rau, muối, mì chính. Tham dã man! Cho nên, cháu nói thật với cô, chúng cháu chỉ mong lão Vích ấy chết quách!.
Thơm. (từ trong nhà vệ sinh đi ra). Công nhận. Chuẫn! (đây câu cửa miệng của Thơm. Thơm người xứ Nghệ, phát âm dấu hỏi thành dấu ngã). Chúng cháu chỉ mong lão Vích ấy chết quách, cô ạ!.
Bà Yên: Ơ. Các cô này! Ăn nói …rất chi là gì.
Kiều Nhi: Cháu nói thật đấy cô ạ. Mà cô ơi, mụ vợ của lão ấy cũng tham lam vô cùng. Mụ ấy to béo, ục ịch, con này phải gọi bằng cụ (chỉ vào Thơm), cô nhá.
Thơm: Mả cha mi. Mi lại so sánh tau với mụ ấy à! Mụ ấy xin giống được gót chân của tau, tau cũng quẹt khu nhá.
Kiều Nhi: Cô ơi, mụ ấy to béo thế nhưng đủ thứ bệnh, đấy cô ạ. Huyết áp này, tiểu đường này, mỡ máu này. Chồng mụ ấy cũng đầy bệnh, tiền đình này, tuyến tiền liệt này. Cháu không hiểu, vợ chồng mụ ấy ăn được bao nhiêu nhiêu mà cứ tham, hả cô?
Bà Yên: Nhưng gì thì gì, lúc người ta đang gặp nạn, các cô cậu không đi cứu lại cứ mong người ta chết là sao?
Thơm: Vì lão ấy chết thì ông anh của đứa bạn cháu mới lên được giám đốc, thì chúng cháu mới được nhờ, chứ cô. Cô biết không, anh của đứa bạn cháu giỏi lắm nhá, là tiến sĩ nhá, lí luận cao cấp nhá, tiếng Anh nói như gió nhá; không bị tiểu đường, huyết áp nhá. Vậy mà bao năm nay bị ông Vích dìm hàng, suốt ngày như con chó giữa nhà. Ông Vích mà chết, chắc chắn anh đứa bạn cháu sẽ được làm giám đốc. Đúng không bà con?
Giáo sư Bơn: Không được! Phải đấu thầu!.
Thơm: Chuẫn. Công nhận, chuẫn. Bằng cấp đầy mình, đạo đức sáng ngời vẫn phải thông qua đấu thầu chức giám đốc! Lâu nay, ba cái trò thi tuyển giám đốc, lấy phiếu tín nhiệm. Bịp bợm hết. Dân biết thừa. Mua quan, bán chức hết. Bây giờ phải đấu thầu công khai…
Kiều Nhi. Tao thì ai làm giám đốc cũng được. Nhưng với tao, lão Vích chết, chắc chắn tao thoát cái vụ luân chuyển cán bộ. Hôm kia, tao đến nhà lão chúc Tết, mụ Cả Xệ bắn tin, tao phải đi tăng cường ở cơ sở theo chủ trương luân chuyển cán bộ. Người ta có vây cánh, xuống cơ sở là bước giật lùi để để tiến. Còn tao, xuống đấy coi như mất chỗ làm việc. Muốn trở lại cơ quan phải bơm tiền cho lão. Chi bằng cứ nôn tiền trước cho lão để không phải luân chuyển. Mấy chục triệu đấy các mẹ ạ. May quá, tao chưa kịp xuống tiền thì lão bị nhốt trong hầm. Lão mà chết, coi như tao thoát nợ.
Thơm: Công nhận. Chuẫn! Còn món nợ này nữa, mụ nhớ không?
Kiều Nhi: Món nợ gì? Nói ngay.
Thơm: Sinh nhật mụ Cả Xệ! Khổ thế đấy. Sinh nhật của bố mẹ mình, không nhớ, lại nhớ sinh nhật của con mụ béo đáng ghét; thậm chí tao còn nhớ cả ngày giỗ của bố lão ấy. Ngày 26/2 tới đây, sinh nhật mụ Cả Xệ, mỗi đứa chúng mình phải mất một phần ba tháng lương mừng sinh nhật mụ ấy chứ ít à. Mà nhà lão ấy sao mà lắm sinh nhật, lắm đám cưới, lắm đám ma, đám giỗ thế! Bây giờ thì chúng ta sắp thoát rồi!
Kiều Nhi và Thơm: (vỗ tay). Hoan hô! Hoan hô!
Bà Yên. (lắc đầu). Ối trời. Lại còn vỗ tay hoan hô ! Nom …rất chi là gì! Tôi không hiểu nổi các cô cậu nữa! Bên kia người ta đang kêu khóc vật vã kia kìa…
Thơm: Cô ơi, chúng nó là con cháu ông Vích đấy ạ. Vố này, ông Vích mà chết, chúng nó đứng đường.
Kiều Nhi: Bà cứ lo bò trắng răng. Ông Vích chết thì chúng nó sẽ có bố mới, có bác mới, vai gì chúng nó chẳng diễn được. Chắc gì ông Vích là anh em ruột thịt với chúng nó. Ông Vích thì chỉ có tiền. Vậy mà suốt ngày chúng nó cứ ông ông, con con. (bắt chức giọng con cháu ông Vích): “Anh Hảo lấy vợ đi, ông cho mượn xe ca cơ quan mà đi đón dâu cho oách”; “ Việc này ông đã nhất trí rồi”; “Bác Vích bảo vậy, cứ thế mà làm”; “Bác Vích nói vậy thì đúng rồi”…Điếc đít! Mà không chỉ đám con cháu lão Vích đâu nhé. Khối kẻ chẳng được lợi lộc gì từ lão Vích, thậm chí khinh ghét lão ấy nhưng vẫn khiếp đảm, tự nguyện hầu hạ lão ấy, tụng ca lão ấy. Lão ấy nói mấy câu ngớ ngẩn, nhăng cuội cũng có thể trở thành ý kiến chỉ đạo. Thứ gì của lão ấy cũng được mọi người coi là hay, là đẹp. Gớm, đẹp như cứt.
Thơm: Tau còn nghe chuyện như tiếu lâm, nhá. Kể cho mà nghe. Hôm nọ, cái con Lan Trố, thủ quỹ, ra bể nước cơ quan kể, ở bên châu Phi có cô gái đẻ con từ lỗ…đít. Tao biết thừa là chuyện mấy bố Phòng Tài nguyên nước phịa nhưng vẫn giả vờ thốt lên: “ Mần chi có chuyện lạ rứa. Bộ phận nào của con người đều có chức năng của nó, mần chi có chuyện người đẻ đằng đít. Ai bảo với mi rứa? Phịa chuyện!”. Thị ta tròn mắt, cãi: “Phịa là thế nào. Bác Vích em bẩu vậy mà!”. Ông Liên Bạc đang tắm cho chó, nghe chuyện, liền bảo Lan Trố: “Mày nghe chưa hết câu chuyện của bác Vích nhà mày rồi. Không phải cô gái người châu Phi đẻ con từ lỗ đít mà cách đó… vài phân! Ghê chưa!
(Kiều Nhi và Thơm cười vang).
Bà Yên: Ơ, hai cô này hay nhỉ? Có im đi không nào!
Giáo sư Bơn: (ngửa mặt lên trời, rên rỉ):
“Ta sống đây một thời như bỡn cợt
Như nghiêm trang như thảng thốt đêm ngày
Những đảo lộn choáng người không báo trước
Xuân đến rồi vẫn đậm chất nồng say…”.
Bà Yên: Ối trời. Lại còn đọc thơ! Cậu bị thần kinh à? Nom…rất chi là gì, cứ như người ở hành tinh khác đến ấy. Người ta thì lo thắt ruột. Các cô cậu thì…
Kiều Nhi: (nhìn ra ngoài). Ơ kìa, hình như mụ Cả Xệ kìa.
Thơm: Đúng rồi. Mụ ấy lên đây làm gì nhỉ?. Hay là…?
(bà Cả Xệ xuất hiện, hai cô gái sum xoe chào hỏi rối rít. Người cởi áo mưa cho bà Cả Xệ, người dùng khăn lau nước mưa đọng trên mặt mụ ta).
Kiều Nhi. (Với bà Yên). Cô ơi, đây là vợ sếp Vích chúng cháu đấy ạ.
Bà Cả Xệ: (với bà Yên). Ở dưới ấy ồn ào, căng thẳng quá, huyết áp của tôi nó lại tăng, hoa mắt, chóng mặt lắm. Chị cho tôi nghỉ nhờ.
Bà Y. Vâng vâng. Mời chị vào trong này cho ấm.
Kiều Nhi: (Với bà Cả Xệ như để thanh minh). Chúng cháu sáng nay đi vội, chưa kịp ăn, tưởng ở đây có cái gì lót dạ, nhưng toàn bánh kẹo thôi, cô ạ.
Bà Yên: Chị ơi, tình hình ở dưới ấy thế nào rồi, chị? Có tin mừng gì chưa, chị?
Bà Cả Xệ: Vẫn chưa có tin tức gì cả. Lực lượng bộ đội công binh đưa máy khoan, máy xúc vào hầm. Tôi nghe ông chỉ huy nói, trong hầm đất đá rắn, nước lại nhiều, nên đào rất chậm, chị ạ. Ôi trời. Ông ấy bị kẹt trong lò từ hôm qua đến giờ, không biết sống chết ra sao?... Ôi trời ôi…(bật khóc).
Kiều Nhi: (vờ khóc theo). Sếp ơi. Sao khổ thế này, sếp ơi. Năm cùng tháng tận, các sếp khác đều ở nhà nhận quà Tết, còn sếp thì chẳng quản mưa gió rét mướt, lên tận vùng sâu núi thẳm để kiểm tra tình hình (hỉ mũi).
Thơm: Sếp ơi, sức khỏe của xếp là tài sản của sở, vậy mà sếp chẳng biết chăm lo giữ gìn sức khỏe. Sếp ơi, sở của chúng ta đang đà phát triển. Sếp mà có mệnh hệ gì lấy ai cáng đáng công việc của sở, sếp ơi…
Bà Cả Xệ: (trừng mắt). Chúng mày khóc kiểu gì thế, hả? Như thế gọi là khóc à? Mà chồng tao đã chết đâu mà chúng mày khóc.
Thơm: (với Kiều Nhi). Đó, mi thấy chưa. Nịnh cũng nỏ biết nịnh. Bị vạch mặt liền…
Giáo sư Bơn: Làm việc gì cũng phải học, các mẹ ạ.
Thơm: Ch…u…ẫn!.
(nói xong, bà Cả Xệ chới với, ôm mặt).
Hết cảnh 4.